Tuesday, April 24, 2012

Môi trường ảo lại đòi tên thật - Gia Vinh

Gia Vinh (SGTT.VN) - Bộ Thông tin và truyền thông đang thu thập ý kiến của các chuyên gia về công nghệ thông tin, lãnh đạo các sở ngành có liên quan và doanh nghiệp về dự thảo “nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet”. Về mặt pháp lý, khi được thông qua, nghị định này sẽ thay thế nghị định 97/2008/NĐ-CP được ban hành từ năm 2008.

Theo bà Lê Thị Ngọc Mơ, phó cục trưởng cục Viễn thông (bộ Thông tin và truyền thông), nghị định 97/2008 đã bộc lộ nhiều lạc hậu, cần có nghị định mới phù hợp hơn với tình hình thực tế hiện nay của môi trường mạng internet. Tuy nhiên, trong dự thảo của nghị định mới có một quy định được dư luận quan tâm: “Nghiêm cấm dùng các thông tin cá nhân giả mạo để sử dụng các dịch vụ internet. Các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải quản lý thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ theo quy định về đăng ký, quản lý và sử dụng thông tin cá nhân của bộ Công an”.

Điều đó có nghĩa là: người sử dụng các dịch vụ internet phải khai báo tên tuổi đúng với chứng minh nhân dân, còn doanh nghiệp thiết lập các trang thông tin cũng phải có công cụ quản lý những thông tin đó theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Lưu Vũ Hải, cục trưởng cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (bộ Thông tin và truyền thông) giải thích rằng: “Điều khoản khai báo danh tính được đưa ra trong dự thảo lần này là nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng khai thác thông tin cá nhân lan tràn vào các mục đích khác”.

Trên thực tế, quy định này liệu có khả thi?

* Nếu bị bắt buộc kê khai thông tin cá nhân, người dùng internet Việt Nam có thể sẽ quay lưng với các mạng xã hội trong nước. Ảnh: Minh Phúc

Trao đổi với các chuyên gia công nghệ thông tin, hầu hết cho rằng, quy định trên không thể thực hiện được. Ông M.T., một chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh internet, cho rằng việc quản lý thông tin cá nhân khi sử dụng các dịch vụ trên môi trường internet đã được nhiều quốc gia nhắm đến, nhưng không thực hiện được. Đây là “môi trường có nhiều bất trắc, ảnh hưởng đến đời sống của cá nhân đó nên người sử dụng dịch vụ không thi hành”. Mặt khác, phạm vi hoạt động của internet không xác định được biên giới nên có quản lý tên tuổi cũng chẳng có giá trị gì. “Chúng tôi đã từng đặt vấn đề này với các chuyên gia nước ngoài nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu và câu trả lời: không thể thực hiện được”.

Muốn thực hiện các quy định như dự thảo đề cập, trước hết các cơ quan quản lý phải tiến hành xây dựng “chứng minh thư điện tử” cho người dân, một việc không dễ thực hiện trong điều kiện hiện nay. Nếu có được kho dữ liệu này, một khi khai báo không đúng với những gì đã có trên hệ thống, dịch vụ sẽ từ chối cho chủ thể đăng ký. Nhưng biện pháp này chỉ quản lý với các dịch vụ trong nước, còn với các dịch vụ ở nước ngoài và của nước ngoài như Google, Yahoo, Facebook… thì không có ý nghĩa. Trên môi trường ảo, không ai muốn kê khai danh tính thật một cách đầy đủ như trong chứng minh nhân dân.
Theo phân tích của Google Ad Planner, hiện các doanh nghiệp khai thác dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam có khoảng 15 triệu thành viên, trong đó, dẫn đầu là Zing Me, YuMe, Tamtay… Lượng khách hàng của các mạng xã hội tại Việt Nam có độ tuổi từ 15 đến 24 tuổi. Năm 2011, có đến 55% lượng truy cập vào các mạng xã hội, năm 2010 chỉ có 41%.
Không phải bây giờ yêu cầu kê khai danh tính chính xác mới được đặt ra trong các dịch vụ viễn thông. Khi các nhà mạng đua nhau phát triển dịch vụ thuê bao trả trước, các cơ quan quản lý đã có nhiều quy định về việc kê khai danh tính khi các thuê bao đăng ký dịch vụ. Nhưng thử hỏi, bao nhiêu thuê bao đã thực hiện đúng quy định này? Quy định là vậy nhưng các đại lý đã dùng nhiều chiêu thức để “lách” bằng cách khai gian tên tuổi, số chứng minh nhân dân, địa chỉ... Chính các nhà mạng cũng thừa nhận rằng khi các đại lý và người sử dụng dịch vụ không muốn làm theo quy định thì cũng rất khó mà kiểm soát được họ. Thực tế chứng minh điều này khi đến nay, các nhà mạng di động chưa có con số chính xác về việc khai báo không đúng dù đang nắm giữ toàn bộ danh sách đăng ký của khách hàng.

Việc quản lý nhân thân người dùng internet dù đang trong quá trình tham khảo ý kiến của dư luận, nhưng việc đề xuất quy định như vậy cho thấy phần nào sự chủ quan, nóng vội hơn là tìm kiếm những giải pháp tích cực, mang tính khoa học.

Chính ông Lưu Vũ Hải cũng từng nói: “Không thể chặn internet như cách làm hiện nay mà phải tìm cách nào đó để chặn nội dung xấu, tạo cơ hội cho nội dung tích cực phát triển mới là xu hướng phát triển của internet”.

Giả định có áp dụng quy định kê khai danh tính thật, điều nhìn thấy trước là người dùng trong nước có thể sẽ quay lưng lại với các dịch vụ trong nước để sử dụng các dịch vụ internet của nước ngoài vì ở đó họ không cần kê khai tên tuổi thật!

GIA VINH

0 comments:

Powered By Blogger