Thuở ấy, đầu xuân Ất Mão 1975, sau 30 năm phát động hai cuộc chiến tranh “xây dựng đảng,” quân bắc phương đã đến bên sông La Ngà giữa vùng cây trái hiền hoà Miền Ðông.
Qua 20 năm kháng chiến, quân đội Miền Nam không để một khu vực đông dân cư nào lọt vô tay Cộng sản; đôi khi trong thế giằng co, hễ tạm mất, liền được dành lại tức thì. Mỹ và đồng minh ào ào kéo đến vào năm 1965, tưởng như ăn sống nuốt tươi Cộng quân, nhưng chỉ hoạt động tại Miền Nam, nổi lửa cho chiến tranh bùng lên, bắt tay với Trung Cộng, ký một hiệp định với CSVN, rồi lặng lẽ rút đi, để lại Quân Ðội Việt Nam Cộng Hoà một mình gánh chịu hết sức nặng chiến tranh trước toàn khối Cộng Sản Quốc tế.
Người viết có mặt tại Miền Ðông trong mùa quốc nạn, sẽ ghi lại tình hình chiến sự nơi đây, là hướng tiến quân chánh của Cộng sản về Sàigòn. Ðôi khi phải nêu lên những sự kiện xoay quanh nào khác, đó là nhu cầu liên hệ khi viết, nhưng sẽ tránh lời chỉ trích đối với những nhân vật chánh yếu can dự trực tiếp tới ngày 30 Tháng Tư 1975, nói thẳng ra là Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Tướng Dương Văn Minh.
Trong đêm khuya 5-4-1975, trên đỉnh Ðồi Móng Ngựa, tám cây số hướng tây theo đường chim bay vô Xuân Lộc, chàng lính chiến một tiểu đoàn lưu động nơi vùng chạm tuyến, nằm đu đưa trên chiếc võng hành quân mắc vô hai cây mít, chiếc radio ba băng áp sát bên tai, nghe ngóng sự đời. Giải tiền đồn cực bắc của Miền Nam tại Ðông Hà-Quảng Trị vào năm 1955, đã phải thoái lui hàng ngàn cây số về nam, dừng lại nơi khu vực Dốc Mơ-Gia Kiệm, hướng về phương bắc mịt mờ.
Xe tăng quân CSVN tại dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 Nguồn ảnh: Hà Nội Mới |
Mấy đài phát thanh nước ngoài đổi giọng vu cáo Tướng Ngô Quang Trưởng đào nhiệm, gieo hoang mang khắp nước và Vùng Một giới tuyến. Tổng Thống Thiệu kêu Tướng Trưởng vô Sàigòn nhận lệnh bỏ Huế, rồi lại giữ Huế, sau lại bỏ Huế, lời lẽ như một tân khoá sinh ấp úng thực tập ra lệnh hành quân. Miền Trung di tản trong hỗn loạn kinh hoàng. Khi về gặp lại tổng thống tại Sàigòn, vị danh tướng cam phận vô nằm nghỉ mát tại một trailer house gần cổng chánh doanh trại Bộ Tổng Tham Mưu. Sau khi TT Thiệu từ chức, Tướng Trưởng được thong thả, nhưng tay trắng, cô độc hết binh quyền, lại mang nón sắt áo giáp túc trực tại Bộ Tổng Tham Mưu chờ nhận lệnh chiến đấu không bao giờ có nữa, từ một chánh quyền chuyển tiếp mau lẹ để tan hàng.
Một vị tư lệnh quân đoàn khác cũng ôm một nỗi buồn-muôn-thuở cùng Ban Mê Thuột. Tướng Phạm Văn Phú , Tư Lệnh Quân Ðoàn II / Vùng 2 Chiến Thuật, tâm sự cùng người bạn là Trung Tá Trần Thanh M., Khoá 13 Ðà Lạt.
Trong hai tháng Ba và Tư 1975, từng đoàn dân chúng lũ lượt bám theo các đoàn quân di tản, từ cao nguyên đổ xuống đồng bằng, từ Miền Trung xuôi nam. Cảnh tượng Ðại lộ Kinh Hoàng ngoài Quảng Trị trong mùa hè 1972 tái diễn, nhưng nay với mức độ khủng khiếp trăm lần, người dân Miền Nam đã phải chịu đựng hoả lực đại pháo 130 và hoả tiễn 122 tối tân của quân cộng sản.Vào dịp Tết Ất mão 1975, trong bữa ăn trưa nhân chuyến thăm Quân Ðoàn II, Tổng Thống Thiệu ra lệnh cho ông tăng cường phòng thủ Ban Mê Thuột (BMT), nhưng thời gian sau lại ra phản lệnh cho ông ưu tiên phòng thủ Pleiku, coi nhẹ BMT. Tướng mặt trận thi hành chỉ thị chòng chéo của nhà vua, đâu có ngờ đó là lệnh lạc – vô tình hay hữu ý – để BMT sa vô tay đối phương, từ đó biến cố như sức nổ dây chuyền ra tới Huế ngày 25-3-1975 và liên tiếp về Miền Nam. Tướng Phú căn dặn Trung Tá M. chỉ được tiết lộ sự kiện BMT này vào thời gian thuận tiện. Tướng Phạm Văn Phú tuẫn tiết cuối Tháng Tư, trước ngày mất nước.
Trên đường tiến quân về Sàigòn, bắc quân chạm phải kháng tuyến Xuân Lộc. Sau 12 ngày tấn công thất bại, quân đoàn IV Bắc Việt để lại chiến địa một số lượng tổn thất về nhân mạng và chiến cụ thừa đủ để tổ chức và trang bị một sư đoàn mới. Nhưng Tổng Thống Thiệu, sau hai lần chỉ thị rút bỏ hai vùng cao nguyên và giới tuyến, thêm một lần cuối, cho di tản Xuân lộc vào ngày 20-4-1975. Câu hỏi Tổng thống Thiệu có nhận lệnh từ đâu hay của ai không là nội dung bài này.
Sau đây là một trận đánh điển hình của các đơn vị thuộc Sư Ðoàn 18 trong khuôn khổ chiến trường Xuân Lộc, qua phát biểu của phi công Võ Ngọc Ấn, trong buổi họp mặt tại tư gia Nhật Thịnh – Khuê Dung trên đường McKee, San José vào buổi tối ngày 29 Tháng Tư năm 2000:
Hai chiến hữu Không Quân và Sư Ðoàn 18 không hẹn mà nên, đã có mặt trong buổi tối văn nghệ tại tư gia Nhật Thịnh-Khuê Dung, và nhận ra nhau từ một một địa danh xa khuất, nơi biết bao đồng đội đã bỏ mình, cùng biết bao lính trẻ bắc phương đã ngã gục, sương gió lãng quên.“…. Tôi đã sáu lần bị thương trong các phi vụ yểm trợ tác chiến, nhưng chưa lần nào kinh ngạc và cảm phục bằng khi chứng kiến sự hy sinh quả cảm của một đơn vị thuộc Sư đoàn 18 tại Ðồi Móng Ngựa phía bắc Dầu Giây giữa Tháng Tư năm 1975… Chúng tôi vô vùng lúc 8 giờ 30 sáng thì đơn vị dưới đồi đã đánh gục mấy đợt xung phong địch… Tôi nghe địch là thuộc trung đoàn 95 quân đoàn Bốn Bắc Việt… Tôi thấy địch lố nhố di động qua những trảng trống… tập họp lại, đợt xung phong mới bắt đầu, chúng tôi vừa kịp đến. Ðịch quân hàng ngang xông lên, chúng tôi lao tới yểm trợ tiếp cận… Quân bạn dưới đồi chống trả dữ dội… Đạn pháo ta pháo địch chấp chới um khói khắp vùng… A-37 dội bom trên hai ngọn đồi gần đó bên quốc lộ…Trận chiến cứ thế kéo dài trong ngày, Ðồi Móng Ngưa đứng vững. Về buổi chiều tôi thấy cây cối khắp chung quanh xơ xác không rõ đâu là thân cây đâu là xác người ta… Có lúc tôi nghe tiếng trong máy hỏi, hình như là lời Tướng Lê Minh Ðảo, “Mày nói cái gì, em nói gì, em muốn gì, hả 51?” …
Và có tiếng trả lời đứt quãng trong máy: “Chúng tôi… vẫn giữ địch…Chúng nó tiếp tục xông lên…rất đông… Khi cần, khẩn cấp, xin cứ dội bom chụp pháo lên đầu tôi và đâu địch luôn…(Tiếng trong máy là lời hai đại đội trưởng Nguyễn Thanh Trường và Mai Mạnh Liêu thuộc Tiểu đoàn 3.52-18 từ Ðồi Móng Ngựa – YY).
Những người ở Dinh Ðộc Lập, 1955-1975
Người viết xin được tôn vinh lòng yêu nước thương dân của quý vị lãnh đạo Việt Nam Cộng Hoà, qua các hoàn cảnh khác nhau, đã thể hiện trước người đồng minh Hoa Kỳ, và trước người Cộng Sản Miền Bắc.
Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Khi còn là thủ tướng, ông Diệm tiếp nhận dinh Norodom từ người Pháp và đổi tên là Dinh Ðộc Lập. Thủ Tướng Diệm dẹp loạn sứ quân, thống nhứt quốc gia và quân đội. Là người thiết lập và tổng thống đầu tiên Việt Nam Cộng Hoà. Phục hồi một tinh thần quốc gia cao độ. Miền Nam hưởng chín năm thịnh trị, phát huy văn hoá và kinh tế. Ðầu thập niên 1960, TT Diệm cương quyết chống lại dự tính của Hoa Kỳ đem quân tác chiến vô Miền Nam VN, nếu không ký kết một thoả ước an ninh song phương với Việt Nam Cộng Hoà. Có thế lực ngầm phát động phong trào chống phá chế độ. Tướng Dương văn Minh làm đảo chánh và thảm sát hai anh em Tổng Thống Ngô Ðình Diệm.
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Từng có ý dùng tiền từ bốn ngân hàng VN để tiếp tục chống Cộng (bốn ngân hàng sau đó bị áp lực giải tán). Yêu cầu Mỹ cho vay ba tỉ USD có tính lời, kêu là Freedom Loan, trả trong 10 năm, nhưng Mỹ từ chối. Yêu cầu quốc vương Saud Arabia là Saud Al Faisal giúp kháng chiến; quốc vương nhận lời, nhưng chẳng may bị ám sát sau đó, ngày 25-3-1975, một tháng trước ngày Việt Nam Cộng Hoà sụp đổ. Khi cho rút bỏ hai vùng cao nguyên và giới tuyến, TT Thiệu có lẽ tin rằng sẽ có vùng trái độn tại Miền Trung sau khi ngưng chiến. Niềm tin đó là vô vọng, cho đến khi TT Thiệu lại phải ra lệnh di tản kháng tuyến Xuân Lộc, rồi từ chức vào ngày hôm sau, 21-4-1975. Ðại sứ Martin và hai tướng CIA, Polgar và Timmes, đưa tiễn ông Thiệu ra nước ngoài ngày 24-4-1975. Khi sang Mỹ, vào năm 1993, trả lời BBC phỏng vấn, ông Thiệu nói vẫn tin rằng thực thể Việt Nam Cộng Hoà còn toàn vẹn theo pháp lý.
Tổng Thống kế nhiệm Trần Văn Hương (một tuần lễ). Một nhân sĩ ái quốc nhiêt tình, vô cùng thanh liêm, quả cảm, thề giữ Miền Nam tới cùng, nhưng rồi cũng phải trao quyền cho Tướng Dương Văn Minh, và chỉ cho ông Minh thôi, theo đòi hỏi của Bắc Việt, “Bất cứ người nào khác ông Minh, sẽ có nghĩa là Sàigòn trong biển lửa!” Trước viễn tượng khủng khiếp về hàng triệu dân lành bị chết oan uổng và một Sàigòn tan nát, cụ Hương trao quyền cho Big Minh.
Cụ Hương ở lại Miền Nam, từ chối đi định cư tại Pháp hay Mỹ theo lời mời của hai chánh phủ này. Cụ từ chối sự trợ cấp lương thực của cộng sản, cụ nói, “Những đàn em tôi còn đang đói rét trong tù…” Cụ không làm chứng minh nhân dân, không đi bỏ phiếu trong chế độ CS. Cụ quá vãng tại Sàigòn, theo ý nguyện vẫn là người công dân Việt Nam Cộng Hoà.
Ðại Tướng Dương văn Minh. Tướng Minh xin viết cấp bậc là “đại tướng” trên “Lời đầu hàng,” nhưng viên sĩ quan Bắc Việt không chịu, vẫn bắt ghi là “Tổng Thống”. Ông Minh xa chánh quyền từ 1965, không được dân bầu cử, không có tư cách kế nhiệm chức tổng thống, bởi không là phó tổng thống, chủ tịch quốc hội, hay chủ tịch giám sát viện. Ông làm tổng thống trong hai ngày theo đòi hỏi của Bắc Việt. Ông là tổng thống soán ngôi vi hiến khi đọc lời đầu hàng trước viên sĩ quan cấp Tá là Bùi Văn Tùng của Bắc Việt. Ông Minh khước từ đề nghị của Pháp muốn giúp giải quyết nội tình Miền Nam Việt Nam.
Sơn Tinh chiếm Dinh Ðộc Lập
Sau khi cho bỏ tuyến Xuân Lộc, Tổng Thống Thiệu từ chức vào buổi tối ngày kế tiếp. Ba ngày sau, 24-4-1975, ông ra đi nước ngoài, được Ðại sứ Martin và hai Tướng CIA tiễn ta tận thang máy bay quân sự Mỹ. Ðiều này cho thấy, tất cả những quyết định chiến lược của ông gần đây – rút bỏ hai vùng chiến thuật và chiến tuyến Xuân Lộc, đến việc từ chức và ra đi – không phải là những chuyện riêng của ông.
Trung tá chính ủy Bùi Văn Tùng và nhà báo Borries Gallasch tại dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 Nguồn ảnh: Ảnh tư liệu gia đình của Borries Gallasch |
Mặt khác, nếu Mặt Trận GPMN không nhường Bắc Việt, tới Dinh Ðộc lập trước và tuyên bố “chương trình hòa giải,” thì tình thế sẽ diễn như thế nào? Nhắc lại trận Xuân Lộc, phe Bắc Việt đã đem Tướng Trần Văn Trà sang Quân đoàn IV, là để cách ly Trà khỏi quyền chỉ huy các lực lượng giải phóng Miền Nam, đề phòng chương trình hoà giải. Thế là sau 15 năm làm cầu lót đường cho CS Bắc Việt, Mặt trận GPMN đành công dã tràng, chỉ còn lại một trái dừa tròn trịa như con “số không” mà ông Hồ gởi tặng nhân dân Miền Nam qua phái đoàn Thị Ðịnh năm nào.
Cộng sản Bắc Việt đòi hỏi đích danh ông Minh để nói chuyện, mà không là ai khác. Ông Dương văn Minh đã trở ra sân khấu trong hoàn cảnh đó; cái chức “tổng thống” của ông chưa được một ai công nhận, trừ ra Cộng Sản Bắc Việt. Ông Minh hành động qua hai ngày tổng thống như sau.
Ngày 28-4-1975. Ông Minh cử một phái đoàn vô Camp Davis trong phi trường Tân Sơn Nhứt nói chuyện “hoà giải” với CS. Ngoài ra, có tin tức chưa phối kiểm về việc ông Minh đích thân đi gặp một cấp tư lệnh chiến trường CS Bắc Việt tại Long Khánh, và một vị lãnh tụ tôn giáo.
Ông Minh chỉ thị cho Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu lên tiếng “tống xuất’ người Mỹ ra khỏi Miền Nam trong vòng 24 giờ. Sau này khi sang Pháp, ông Minh tiết lộ, ông Ðại Sứ Martin đã nhắn ông Minh tuyên bố như rứa, chứ “Sức mấy mà tôi dám đuổi Mỹ!”
Trong đêm 29-4-1975, ông Minh chỉ thị cho đại tá Chiêm, chánh võ phòng, cấm binh sĩ không nổ súng, phải mở cổng chánh sẵn sang “để tui đón tiếp những”người anh em bên kia.”
Lúc 09:45 sáng 30-4-1975, trên đài phát thanh quốc gia, ông Minh ra lệnh cho toàn thể Quân Lực VNCH ngưng bắn, buông súng tại chỗ, để “tôi bàn giao chánh quyền cho “Chánh Phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam.”
30 tháng 4, 1975 Nguồn ảnh: photobucket.com/ |
Ông Minh và đoàn tùy tùng phải giơ tay lên khỏi đầu, úp mặt vô tường, tỏ dấu đầu hàng. Nhưng cùng buổi sáng đó, không một người lính Quân lực Việt Nam Cộng Hoà nào khác đã giơ tay lên đầu như Big Minh.
Tuyên bố đầu hàng vô điều kiện Nguồn ảnh: photobucket.com/ |
Dinh Dộc Lập, tháng đợi năm chờ
Một buổi sáng mùa xuân 1992, trời Sàigòn ấm áp, kẻ ngoại đạo, người lính cũ Miền Ðông mới ra tù, đạp xe quanh quẩn đi thăm thành phố xưa. Sau khi gởi một tập hồ sơ sang ODP Bangkok, anh ta dừng xe đạp bên con đường lớn, kêu ly nước mía. Dinh Ðộc Lập hiện ra cuối đường Lê Duẫn mới đổi ra từ tên cũ là đường 30 Tháng Tư. Nhìn kỹ, cái dinh trông chẳng khác nào nhũng khúc xương trắng, chính giữa là phòng khánh tiết nay để trống, vì thiếu ánh sáng nên trông như cái miệng há toác ra rồi…không ngậm lại được nữa.
Theo lẽ thường, vị thủ lãnh bên thắng trận sẽ chiếm ngự toà nhà số một của bên thua trận, ví dụ ông Hồ chiếm dinh thống sứ tại Hà Nội làm chủ tịch phủ, vì đó là niềm kiêu hãnh của kẻ mạnh. Thế nhưng, CSVN vẫn bỏ bê cái dinh và chỉ xử dụng làm nơi vãng cảnh qua bao tháng năm, thu nhặt tí tiền còm. Khuôn viên dinh vẫn để trống không rất là phí phạm, chưa được biến cải thành một trường đại học, hay một trung tâm thương mại quốc tế… Khoảng năm 1992, báo chí đăng tin, nhà nước sẽ bỏ ra ba tỉ đồng trùng tu dinh, và sẽ mời một đại tá Công Binh Sàigòn cũ về giám sát công trình. Không biết việc này đã đi tới đâu.
Toà đại sứ Hoa Kỳ gần đó cũng vắng hoe, dành một căn buồng tối om phía dưới cùng làm văn phòng đại diện một công ty dầu khí, ít khách ra vô.
Vào đầu năm 1989, báo đài loan tin sẽ dựng tượng cụ Hồ trong khuôn viên dinh nhân kỷ niệm 100 năm sinh nhật của ông. Tượng bán thân cao sáu mét, đế tượng hoa sen cao ba mét, do Diệp Minh Châu đẽo gọt dở dang tại một sân vắng nơi khu nhà kho cũ bên đường Tô Hiến Thành. Nhưng bức tượng đó không bao giờ được mang vô dinh, và từ trại Tô Hiến Thành, đã bị lôi đi đâu mất dạng. Thiệt là mâu thuẫn lớn, khi ngoài Ba Ðình Hà Nội có lăng ông Hồ uy nghi đồ sộ nhứt nước, theo lối kiến trúc nặng nề Liên Sô, mà tại thành phố mang tên …người, lại chỉ có một bức tượng tí teo mang từ Lạng Sơn vô đặt trước toà đô chánh xưa, cho có lệ. Vì sao có sự chênh lệch thiên vị với Hà Nội mà quên Sàigòn như thế?
Vật đổi sao dời. Liên Sô đã sụp đổ. Trung Cộng hết còn là bà chị đỡ đầu như ngày nào. Người Mỹ đã trở lại Việt Nam. Ðảng CSVN đã làm thân với Mỹ, đương nhiên làm quen với các đồng minh Mỹ xưa, như Ðại Hàn, Thái Lan, Tân Tây Lan, Úc Châu… thì sao lại không thể làm thân với Việt Nam Cộng Hoà, là bạn thân của Mỹ, đang còn “tạm vắng tạm trú” nơi hậu trường?
Toà Ðại Sứ Hoa Kỳ trên đường Thống Nhứt, bỏ trống lâu năm, đã hoàn trả cho Mỹ. Trong khi đó, dinh Ðộc Lập vẫn còn vắng vẻ qua hơn ba mươi năm dài, thầm lặng, như một thiếu phụ trong ngày tháng đợi chờ.
Trích “Dặm trường Việt Nam”
0 comments:
Post a Comment