Saturday, April 14, 2012

Chế độ Bình Nhưỡng lực bất tòng tâm

Tác Giả: Tú Anh

Rõ ràng là một thất bại đau đớn cho giới lãnh đạo Bình Nhưỡng


Một người lính Bắc Triều Tiên trước giàn phóng hỏa tiễn Unha-3 tại địa điểm phóng ngày 08/04/2012.

REUTERS/Bobby Yip

Bắc Triều Tiên thừa nhận đã thất bại trong vụ phóng vệ tinh vào sáng hôm nay. Cả vệ tinh lẫn tên lửa đạn đạo đều rơi xuống biển sau khi nổ tung ở độ cao 165 km. Ba lần phô trương lực lượng, ba lần thất bại.

Sau nhiều thập niên chạy đua vũ trang bất chấp kinh tế rệu rã và nạn đói, chế độ Bình Nhưỡng để lộ trình độ yếu kém về công nghệ vũ khí chiến lược.

Tuần trước, trả lời một câu hỏi của báo chí về kế hoạch phóng vệ tinh của Bắc Triều Tiên, một viên chức cao cấp của Hàn Quốc trả lời nửa nghiêm túc, nửa mai mỉa : Đây là cơ hội để chúng tôi thấy rõ trình độ công nghệ tên lửa của họ.

Vụ phi thuyền bị nổ chỉ độ một phút sau khi rời mặt đất vào sáng sớm hôm nay, thứ Sáu 13/04/2012 rõ ràng là một thất bại đau đớn cho giới lãnh đạo Bình Nhưỡng.

Từ thập niên 1970, lúc Kim Nhật Thành còn tại thế, chế độ cộng sản này đã tập trung nhân tài vật lực để cải biến tên lửa Scud-B với tầm bắn 300 km, đến năm 1984 thì thử nghiệm lần đầu.

Từ 1987 đến 1992, quân đội Bắc Triều Tiên tiến thêm một bước, chế tên lửa tầm ngắn Scud-C (500 km) cùng với môt loạt tên lửa tầm trung Rodong-1 (1.300km), tầm xa Taepodong-1(2.500km), Musudan-1 (3.000km) và cuối cùng là tên lửa liên lục địa Taepodong-2 với tầm bắn 6.700 km.

Nhưng nếu các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung được thử nghiệm thành công và xuất khẩu lén lút cho một số nước Trung Đông, thì ngược lại Teapodong-2, trong lần bắn thử vào tháng 8 năm 1998 đã chệch hướng bay ngang Nhật Bản và rơi xuống biển.

Từ năm 1999 đến 2005, Bình Nhưỡng không thử một tên lửa nào vì nhu cầu cầu cải thiện quan hệ với Mỹ và Hàn Quốc đổi lấy viện trợ.

Nhưng đến năm 2006, sau khi lên án Hoa Kỳ có chính sách thù nghịch, Bắc Triều Tiên phóng một loạt 7 tên lửa, trong đó có Taepodong-2 mà trên lý thuyết có thể bay đến bang Alaska của Mỹ. Nhưng cuộc biểu dương sức mạnh này thất bại, tên lửa liên lục địa Taepodong-2 nổ tung trên không sau 40 giây rời giàn phóng.

Vừa thất bại, Bắc Triều Tiên còn bị Hội đồng Bảo an trừng phạt qua nghị quyết 1718 thông qua ngày 15/07/2006. Tháng 10 cùng năm, Bình Nhưỡng thử nghiệm nổ hạt nhân lần đầu tiên và trong lòng đất.

Đến tháng 4 năm 2009, Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo loại biến cải từ Taepodong-2, đặt tên là Unha-2, Ngân Hà, với hy vọng đưa được một vệ tinh vào quỹ đạo. Và một lần nữa tên lửa bị nổ và rơi xuống Thái Bình Dương. Một tháng sau, Bắc Triều Tiên cho thử hạt nhân lần hai. Hậu quả là Hội đồng Bảo an ra nghị quyết tăng cường biện pháp trừng phạt mang số 1874.

Cuối cùng thì vào sáng nay, tên lửa Ngân Hà-3 được phóng lên từ căn cứ không gian Tongchang-ri đã nổ ở độ cao 150km trên biển Hoàng Hải. Bình Nhưỡng nhìn nhận thất bại.

Theo quân đội Hoa Kỳ thì tên lửa được sử dụng là Taepodong-2 chứ không phải là loại mới Ngân Hà như Bắc Triều Tiên phô trương.

Chuyên gia Pháp Christian Lardier được mời sang Bắc Triều Tiên quan sát nói rằng tai nạn phát xuất từ tầng một của tên lửa. Theo chương trình bay thì tầng một chỉ tách ra khỏi tên lửa 120 giây sau khi rời bệ phóng, nhưng đã nổ tung trước thời điểm dự kiến.

Theo giới chuyên gia, quân đội Bắc Triều Tiên trang bị 800 tên lửa, trong đó có 600 Scud đe dọa trực tiếp Hàn Quốc.

Tuy nhiên dù cố gắng chạy đua vũ trang, chế độ cha truyền con nối này chưa đủ khả năng công nghiệp để trang bị đầu đạn hạt nhân.

0 comments:

Powered By Blogger