Giới luật sư Việt Nam sẵn sàng chưa?
Nếu theo đúng truyền thống lãnh chỉ thị từ Thiên Triều về thi hành, thì chỉ nội trong năm 2012 này, luật sư Việt Nam sẽ phải xếp hàng giơ tay thề “còn đảng còn mình”.
Số là vào cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Tư Pháp Trung Quốc vừa chính thức tuyên bố các luật sư Trung Quốc “sẽ được yêu cầu” tuyên thệ trung thành với Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Điều lệ mới này áp dụng cho tất cả các luật sư muốn được cấp giấy phép hành nghề lần đầu tiên cũng như những luật sư đang hành nghề nhưng giấy phép hết hạn và muốn được cấp lại. Tóm tắt là TẤT CẢ luật sư muốn hành nghề thì phải thề.
Bộ Tư Pháp Trung Quốc cũng ghi rõ, các luật sư phải “cam kết thành thực làm tròn sứ mệnh thiêng liêng của một người lao động về pháp luật trong hệ thống xã hội chủ nghĩa mang đặc tính Trung Quốc”. Họ phải thề “trung thành với tổ quốc, trung thành với nhân dân, tôn trọng vai trò lãnh đạo của Đảng CSTQ và hệ thống xã hội chủ nghĩa.” Cũng theo giải thích của Bộ Tư Pháp, việc tuyên thệ này “sẽ giúp nâng cao chuẩn mực chính trị, nghề nghiệp và đạo đức của các luật sư”.
Trước hết, giới quan sát viên quốc tế không tìm nổi định nghĩa nào về “người lao động pháp luật”, và lại càng khó hiểu về những gì sẽ bao hàm trong cái gọi là “pháp luật trong hệ thống xã hội chủ nghĩa mang đặc tính Trung Quốc”. Phải chăng “đặc tính Trung Quốc” chính là tính mơ hồ của mọi đạo luật, nghị quyết đang kiểm soát mọi ngành nghề khác, từ báo chí đến văn nghệ sĩ đến mạng Internet, trong xã hội Trung Quốc. Nghĩa là khi cần thiết, lãnh đạo Đảng tha hồ quảng diễn và buộc tội chẳng khác gì thời Cách Mạng Văn Hóa của thế kỷ trước — Cười là chế nhạo Đảng; Khóc là trách móc Đảng; Không có thái độ gì cả là không thành khẩn. Riêng về “đặc tính XHCN” thì đã khá quen thuộc, nghĩa là đồng hóa Đảng với tổ quốc, và thẩm quyền duy nhất, tuyệt đối, tối thượng của lãnh đạo Đảng.
Phản ứng lập tức của giới luật sư Trung Quốc là kinh ngạc và lo âu cho số phận vốn đã rất mỏng manh của hệ thống pháp luật nước họ. Phát biểu với phóng viên đài BBC, Luật sư Giang Thiện Dũng, người từng bị công an bắt hồi tháng 2/2011, nhận xét việc này là chuyện “buồn cười trong một xã hội hiện đại” và “không thể tưởng tượng được ở bất cứ một quốc gia nào khác”.
Một luật sư Trung Quốc khác, ông Lưu Hiểu Nguyên nói: “Luật sư không phải là thẩm phán hay chưởng lý. Họ chỉ phải trung thành với hiến pháp và luật pháp, cam kết bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ.” Hiển nhiên, điều này bị xem là loại quan điểm phi xã hội chủ nghĩa.
Nhưng câu hỏi lớn vẫn là tại sao lãnh đạo Đảng CSTQ quyết định đưa điều lệ thề thốt ra vào lúc này?
Nhiều quan sát viên và đa số dân mạng Trung Quốc cho rằng vì trong thực tế xã hội Trung Quốc gần đây, đặc biệt là qua vụ biến động Ô Khảm, càng ngày càng có nhiều luật sư can đảm đứng ra đại diện và tranh đấu trong lãnh vực pháp luật cho những người dân oan trong những vụ khiếu kiện đất đai, cho những người dân đen bị công an hành hung vô cớ hay đánh đập đến chết. Các luật sư ngày càng đông cũng đứng ra tranh đấu đòi bồi thường và bảo vệ cho những người dân trong các vùng bị tàn phá môi sinh do lối làm ăn vô trách nhiệm của các công ty quốc doanh. Các luật sư ra sức dùng hệ thống luật pháp để bảo vệ các doanh nhân lương thiện bị quan chức nhà nước trừng phạt vì không chịu nộp tiền hối lộ.
Dĩ nhiên, một số luật sư đã bị nhà cầm quyền trừng phạt như bắt bớ, giam cầm hay bị lưu đày như Luật sư Cao Trí Thịnh, người bào chữa cho các nhà hoạt động nhân quyền và các nhóm sắc tộc thiểu số, nay đang ở trong nhà tù vùng Tân Cương xa xôi; Luật sư khiếm thị Trần Quang Thành, người bào chữa cho các phụ nữ bị cưỡng bức triệt sản cũng bị bắt và quản thúc tại gia; v.v… Nhưng kiểu trả thù này không làm suy giảm số luật sư xông trận vì đồng bào của họ.
Lãnh đạo Trung Quốc còn sợ giới luật sư sẽ dẫn đầu quần chúng đi xa hơn nữa. Trong lịch sử cận đại của các nước bị cai trị, dù là bị cai trị bởi ngoại bang hay độc tài bản xứ, lãnh đạo các đảng Cộng Sản, hơn ai hết, biết rõ về ba ngành trí thức “hay đi làm cách mạng”, nghĩa là hay dẫn đầu dân chúng đứng lên đòi lại quyền sống và đòi lại đất nước. Ba ngành đó là bác sĩ, nhà giáo và luật sư. Có lẽ các bác sĩ hay theo “cách mạng” vì lòng nhân bản trong nghề nghiệp khiến họ không thể chấp nhận cảnh sống quá thảm thương của nhân dân. Riêng các nhà giáo hay đi theo “phản động” chính vì danh dự của dân tộc và bổn phận đối với các thế hệ tương lai mà họ đang dậy dỗ. Còn giới luật sư hay “sinh sự” với nhà cầm quyền vì họ quá chán chường với cảnh bất công, lạm dụng quyền lực, và đạo đức giả khắp nơi của các quan chức ở vị trí trên đầu dân chúng.
Nhưng buộc luật sư thêm một câu thề thì giá trị và ích lợi tới cỡ nào cho Đảng?
Ngày nay, lãnh đạo của mọi đảng cộng sản chứ không riêng gì Trung Quốc, đều thừa biết các lời thề trung thành với Đảng hoàn toàn vô nghĩa và chỉ có giá trị nếu đi kèm với quyền và lợi cho cá nhân. Toàn thể đảng viên, từ lãnh đạo cao nhất đến đảng viên thấp nhất, đều biết rõ nhưng không ai dám nói ra, đó là Chủ Nghĩa Cộng Sản, Chủ Nghĩa Xã Hội đã hoàn toàn thất bại và chết tận gốc bên trời Liên Xô đã hơn 20 năm. Tuy nhiên, họ vẫn sẵn sàng tiếp tục thề trung thành với những chủ nghĩa “vô nghĩa” này bất cứ lúc nào trước mặt công chúng dù biết dân khinh bỉ cả “lời thề” lẫn “người thề”. Ôn lại thực tế đó mới thấy lãnh đạo Trung Quốc bí tới mức nào và cầu may vào lời hăm dọa bọc trong lời thê này.
Tình hình Việt Nam cũng có nhiều điểm tương đồng. Trong những năm gần đây, hàng loạt luật sư có lương tâm và can đảm đứng ra biện hộ cho những người cùng khổ đã bị nhà cầm quyền tìm mọi cách trả thù, từ bị cấm hành nghề, bị loại khỏi luật sư đoàn, đến bị hành hung và tù tội.
Luật sư Lê Quốc Quân, người tham dự một khoá học ngắn hạn của Cơ quan Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ (NED) đã bị bắt ngay sau khi trở về từ Hoa Kỳ và không được hành nghề từ đó. Năm 2007, ông bị bắt giam ba tháng để ông không còn cơ hội ứng cử Quốc hội khóa 7/2007; năm 2011 tự ứng cử lần thứ hai nhưng bị phường đấu tố truất quyền ứng cử. Thường xuyên bị sách nhiễu, gần đây nhất ông bị “giáo dục 6 tháng tại địa phương” cư trú do một quyết định hành chánh của phường.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, người tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ tự do tôn giáo, từng đứng ra bào chữa cho Mục sư Nguyễn Hồng Quang và Mục sư Phạm Ngọc Thạch. Để trả thù, nhà cầm quyền cho bắt Luật sư Đài cùng với Luật sư Lê Thị Công Nhân năm 2007 về tội danh tuyên truyền chống nhà nước. Ông chỉ mới trở về năm 2011 sau 4 năm tù đày. Luật sư Lê Thị Công Nhân bị án tù 3 năm.
Luật sư Lê Trần Luật bị trả thù bằng lệnh đóng cửa văn phòng Luật Sư Pháp Quyền năm 2004 vì đã bào chữa cho Điếu Cày tội “trốn thuế”. Ông cũng là người bào chữa cho các nhà đấu tranh dân chủ khác như Phạm Bá Hải, Trương Minh Đức và nhiều dân oan mất đất. Ông bị cáo buộc tội “vi phạm đạo đức nghề nghiệp”.
Luật sư Lê Công Định, người đã tham gia bào chữa cho Điếu Cày và hai đồng nghiệp Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân trong vụ án 2007, bị xóa tên khỏi Luật sư đoàn Sài Gòn 2 năm sau đó, bị bắt giữ phi pháp và bị án 7 năm tù.
Luật sư Cù Huy Hà Vũ, người dám kiện những hành vi phạm pháp của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và lên tiếng về những quốc nạn đang đe dọa dân tộc, bị trả thù với trò đê tiện “2 bao cao su đã qua xử dụng”.
Gần đây nhất là trường hợp Luật sư Huỳnh Văn Đông, luật sư bào chữa cho 7 dân Oan Bến Tre tháng 5/2011. Khi thách thức phía công tố và chánh án đưa ra bằng chứng và lý lẽ buộc tội, ông bị công an kéo ra khỏi tòa và bêu rếu ngoài đường. Đến tháng 8/ 2011 ông bị loại khỏi Đoàn Luật sư tỉnh Dak Lak và rút bằng hành nghề cũng như bị cấm xuất cảnh.
Và còn nhiều trường hợp khác nữa…
Nói chuyện thề thốt của các luật sư Trung Quốc hiện nay và các luật sư Việt Nam trong những tháng ngày tới, người ta không khỏi không nhớ đến hành động can trường của nhà dân chủ trẻ Nguyễn Tiến Trung. Khi không bịt miệng được người thanh niên yêu nước này, nhà cầm quyền trả thù bằng cách lôi anh vào nghĩa vụ quân sự. Một mình giữa vòng vây đe dọa, trấn áp, dụ dỗ ngày đêm của những “chính ủy” hung bạo, anh Nguyễn Tiến Trung vẫn nhất quyết không thề trung thành với Đảng Cộng Sản như bao tân binh khác, mà chỉ thề trung thành với Tổ Quốc Việt Nam.
Không biết giới luật sư Việt Nam có muốn cùng với hàng ngũ những người yêu nước khác chủ động tổ chức những buổi thề công khai trung thành với Tổ Quốc như anh Nguyễn Tiến Trung không nhỉ? Và đặc biệt tổ chức các buổi này TRƯỚC khi nhà cầm quyền rước tờ lệnh thề thốt từ Trung Quốc về. Chắc chắn đó sẽ là những thông điệp có giá trị sấm sét không chỉ cho người đương thời mà còn cho các thế hệ tương lai.
0 comments:
Post a Comment