Thursday, December 15, 2011

Thí Nghiệm Đỏ.. Lòm!

Các Cuộc Thí Nghiệm Đồ Sộ của Trung Cộng

Vương Phi Linh (Fei-Ling Wang) – PBD dịch

Các cuộc thí nghiệm kinh tế và xã hội của Trung Cộng cuối cùng sẽ thành công hay trở thành thảm họa? Dù thế nào đi nữa thì thế giới cũng sẽ phải đối phó với nhiều chông gai trước mặt.

“Trung Cộng tiêu biểu cho một nơi na ná như phòng thí nghiệm,” triết gia Daniel Little đã viết như vậy cách đây hơn hai mươi năm. Và muốn hiểu về tổ chức và hành vi con người thì Trung Cộng ngày nay cũng vẫn gợi tính hiếu kỳ và mở mắt cho mọi người như bao giờ hết. Thực vậy, nước này ngày nay như một phòng thí nghiệm bốc khói mù mịt đang có các cuộc thí nghiệm đồ sộ ảnh hưởng sâu rộng đến nước này – và thế giới.

Dĩ nhiên, thí nghiệm không phải là chuyện mới mẻ gì tại Trung Cộng. Kể từ khi nuớc này bị Tây Phương buộc phải mở toang cửa cách đây khoảng 170 năm, họ đã thử đủ loại tư tưởng của ngoại quốc lẫn bản xứ. Trái ngược với tên gọi chính thức, “thế kỷ nhục nhã” thực ra đã là một thế kỷ thí nghiệm. Không kể đến việc du nhập các ngành khoa học và kỹ thuật tân tiến thì về mặt chính trị và kinh tế xã hội họ đã thất bại khi bắt chước phong trào Minh Trị Duy Tân của Nhật vào năm 1898, và kinh nghiệm thất bại khi gầy dựng một nước cộng hòa theo kiểu Mỹ trong những thập niên 1910 đến 1920. Vladimir Lenin, Mustafa Kemal Atatürk, và Benito Mussolini đều được các lãnh tụ khác nhau của Trung Hoa dùng làm mô hình, cho đến khi quân Nhật xâm lăng đã làm gián đoạn hết mọi việc vào năm 1937.

Được Moscow hậu thuẫn, Đảng Cộng Sản Trung Hoa (CCP) đã thí nghiệm bằng cuộc nổi dậy của nông dân do cộng sản lãnh đạo để thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc vào năm 1949. Mao Trạch Đông, một nhân vật hết sức bất tài nhưng lại đầy tham vọng và chuyên quyền bạo ngược, đã làm Trung Cộng hoàn toàn kiệt quệ trong cuộc thí nghiệm kinh khủng của y là Bước Tiến Nhảy Vọt, khiến cho hàng chục triệu người bị thiệt mạng chỉ trong ba năm. Sau đó, để bảo tồn quyền lực cá nhân và ngôi vị trong lịch sử, họ Mao đã tung ra một cuộc thí nghiệm chính trị khác còn “mới mẻ” hơn nữa là Cuộc Cách Mạng Văn Hóa, tác hại nền văn hóa Trung Hoa đến mức không còn bút nào tả xiết.

Đến lượt Đặng Tiểu Bình thực tế hơn đã tung ra các cuộc thí nghiệm mới, chú trọng vào việc bắt chước các nước láng giềng ở Đông Á để làm giàu bằng cách thử và sửa sai. Các định chế, kỹ thuật nhập từ bên ngoài vào tràn ngập nước này, mặc dù đã thận trọng lọc lựa chính trị. Không như các cường quốc khác nổi lên trước đó, “Phòng Thí Nghiệm Trung Cộng” này không có một kế hoạch chung gì nhiều về ý thức hệ ngoài thái độ ngạo mạn là bảo để chấn hưng nền văn minh Trung Hoa mang tính cách thí nghiệm cao độ. Nhưng sau khi vén dần bức màn tuyên truyền dầy đặc thì cũng thấy rõ là chỉ có một điều là không được thí nghiệm – đó là độc quyền chính trị của CCP.

Vậy thì thực sự có gì trong cuộc thí nghiệm đồ sộ của Trung Cộng? Một vài thay đổi sâu xa có thể đang diễn ra.

Trước hết là cuộc thí nghiệm đồ sộ về làm giàu bằng cách mô phỏng bắt chước hơn là sáng tạo, và nỗ lực phát triển một chủ nghĩa tư bản năng động dưới chế độ độc quyền của nhà nước. Rồi về mặt chính trị, Trung Cộng đã trở thành một đế quốc không có các hoàng đế truyền ngôi cho con. Về mặt quốc nội, Bắc Kinh dựa vào chủ nghĩa dân tộc để cai trị, nhưng đàp áp sắc thái riêng và các đòi hỏi của nhiều sắc tộc. Về mặt quốc ngoại, Trung Cộng tuyên bố là vươn lên trong hòa bình, nhưng lại lăm le làm khác để tạo ra một trật tự mới trên thế giới. Mỗi cuộc thí nghiệm này đều có thể đưa đến các thay đổi thế lực lớn lao về trên thế giới, nhưng không có cuộc thí nghiệm nào chắc chắn sẽ thành công.

Trung Cộng đã dựa vào các sáng kiến và kỹ thuật của ngoại quốc từ hơn một thế kỷ nay. Phòng Thí Nghiệm Trung Cộng ngày nay vẫn không thể sản xuất được gì nhiều bằng cách tự sáng tạo và phát minh, nhưng đã biểu lộ được khả năng ngoại hạng về học hỏi, thu nhận, dò lần ngược lại dựa vào công trình kỹ thuật của người khác, và phỏng theo đó mà bắt chước. Một cuộc thí nghiệm đồ sộ thật sâu rộng khắp nơi tại Trung Cộng để làm giàu và gia tăng quyền thế bằng cách dùng các sáng kiến nhập vào từ bên ngoài. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã tung ra các chương trình rộng lớn về “sáng tạo bản xứ” mà theo Phòng Thương Mại Hoa Kỳ thì thực ra trông như một “kế hoạch trộm cắp kỹ thuật quy mô chưa từng có trên thế giới.”

Cuộc thí nghiệm này đã nhanh chóng đem lại cho Trung Cộng kỹ thuật mới nhất, gia tăng khả năng chế tạo, và nâng cao mức sống. Bắt chước phỏng theo hàng thật thay vì phát minh đã là một yếu tố then chốt của công thức không lấy gì làm bí mật cho lắm của Trung Cộng để phát triển kinh tế nhanh chóng. Một số nhà tiên đoán tương lai của Trung Cộng còn hãnh diện vạch ra tương lai sáng sủa cho Trung Cộng là thay thế Cuộc Cách Mạng Cộng Sản đã chết tiệt từ lâu bằng “Cuộc Cách Mạng Của Kẻ Làm Hàng Giả” để chiếm vị thế cường quốc hàng đầu trên thế giới. Trích lời châm biếm chua cay của một người Hoa viết blog nổi tiếng thì Trung Cộng đã vươn lên làm một “cường quốc của những kẻ làm hàng giả.”

Nhưng một sách lược như vậy cũng có các khuyết điểm. Trung Cộng nay sản xuất hơn 80 phần trăm trong số 280$ tỷ trị giá ước tính của sản phẩm giả mạo bán ra hàng năm trên thị trường quốc tế. Tại thành phố Đông Hoàn – nơi công ty Foxconn của Đài Loan lắp ráp iPads và iPhones cho thế giới – thì họ đã chính thức thú nhận có hơn 10.000 cơ xưởng chuyên sản xuất đồ điện tử giả mạo (quả thực cũng có một số lọt vào các hệ thống vũ khí của Ngũ Giác Đài).

Quan trọng hơn nữa là tình trạng làm giả (và trộm cắp kỹ thuật) đã bóp nghẹt sáng kiến trong số 1,3 tỷ dân cần cù của Trung Cộng. Những trường hợp khám phá khoa học và sáng kiến kỹ thuật thực sự từ Trung Cộng đều không đáng kể, mặc dù các trường đại học của Trung Cộng nay đã cho ra trường đạo quân kỹ sư lớn nhất thế giới, và Trung Cộng có một trong các ngân sách Khảo Cứu và Phát Triển lớn nhất thế giới.

Tuy Trung Cộng nhanh chóng cho thấy là họ có khả năng làm được gì về mặt kinh tế kể từ khi ít nhất cũng được giải phóng khỏi chủ nghĩa xã hội giả tạo của Mao, nhưng Bắc Kinh đã nỗ lực áp dụng một chủ nghĩa mà thực chất chính là chủ nghĩa tư bản thô của thế kỷ 19 kết hợp với chế độ độc tài độc đảng giữ độc quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên và kỹ nghệ then chốt. Vậy thì đây là một cuộc thí nghiệm trường thiên về một mối liên kết kỳ dị giữa thị trường và nhà nước ở tầm mức hiếm thấy trong lịch sử.

Nhưng trong khi lãnh vực tư nhân đã là phần phát triển năng động và nhanh nhất của nền kinh tế Trung Cộng, Bắc Kinh vẫn giữ độc quyền các kỹ nghệ then chốt từ lãnh vực giao thông vận tải, viễn thông, cho đến năng lượng. Thí dụ, chỉ cần có sắc lệnh từ Bắc Kinh kèm theo các án tù là nhà nước chiếm đoạt được các mỏ dầu do tư nhân phát triển tại Thiểm Tây và các mỏ than tại Sơn Tây.

Tại Trung Cộng ngày nay, mọi người đều được khuyến khích làm giàu thêm, nhưng các quyền về tài sản vẫn hoàn toàn không được ấn định rõ ràng và cũng không được bảo vệ. Tư nhân không được sở hữu đất đai; các quyền tài sản trí tuệ còn bị chà đạp hơn nữa. Thị trường bất động sản sôi sục của Trung Cộng bán nhà cho người mua với giá cắt cổ mà họ chỉ được hưởng quyền sử dụng trong vài chục năm trên mảnh đất họ không bao giờ được phép làm chủ.

Vì thế, nều làm giàu tại Trung Cộng mà không phải là thành phần trong nội bộ của giới cầm quyền thì thường ai cũng ngầm hiểu là có thể gặp hiểm họa rất lớn, gồm cả các án tù lâu năm và mờ ám – hay còn tệ mạt hơn nữa. Trường hợp điển hình là vụ Hoàng Quang Dụ bị kết án tù 14 năm về ba “tội kinh tế.” Trong khi đó, danh sách tương tự như danh sách của Forbes liệt kê “100 Người Hoa Giàu Nhất” trong thập niên qua đã trở thành như một lời nguyền vì vài chục người Hoa thật giàu có tên trong danh sách này đã bị bỏ tù, tống đi lưu vong, đã mất tích hoặc mất mạng. Do đó không có gì ngạc nhiên khi thấy 88 phần trăm giới thương mại hạng gộc của Trung Cộng và những người có lợi tức cao đang tìm cách xin hoặc đã có một sổ thông hành (*) của ngoại quốc hoặc thẻ xanh. Không có cường quốc kinh tế nào khác mà lại giới ưu tú trong nước đó cảm thấy bất an ở chính quê nhà của họ đến thế.

Trong lúc đó, Bắc Kinh nay cai trị mà không thể trông cậy được gì vào uy tín cá nhân hoặc tinh thần vốn thường đi kèm với các vua chúa ngày xưa của Trung Hoa. Nỗ lực chính của Mao và các phụ tá của y – một nguồn “chính danh” quan trọng nhưng lại hy sinh phần lớn sự thật và lòng lương thiện – chỉ là một thành quả mỏng như giấy và khó mà qua lọt được một vòng kiểm điểm thực trạng sơ sài nhất.

Không muốn có dân chủ, và không thể có một hoàng gia cai trị – phần lớn là vì con trai duy nhất của Mao đã mất mạng dưới bom đạn của Mỹ tại Triều Tiên, và vợ và cháu trai được y tín nhiệm thì lại bất tài và mang số phận hẩm hiu – và sau nhiều lần thanh trừng dã man liên quan đến việc nối ngôi chính trị, Bắc Kinh nay xem ra đã có cách sắp xếp chuyển giao quyền lực ôn hòa theo một số tiêu chuẩn bí ẩn nhưng có thể dùng được trên căn bản tuổi tác, được phe phái chấp nhận và thỏa hiệp, làm việc có hiệu năng cá nhân và có móc nối với giới nắm giữ quyền lực.

Lần chuyển giao quyền lực yên lành như thế đã diễn ra từ năm 2002 đến 2004, từ Giang Trạch Dân sang Hồ Cẩm Đào, và họ Giang vẫn duy trì nhiều ảnh hưởng. Nhưng cả Giang lẫn Hồ đều do chính tay nhà độc tài họ Đặng chọn lựa và được các nhân vật thâm niên của đảng ủng hộ trước nên có phần nào làm giảm bớt ý nghĩa của lần chuyển giao quyền lực đó. Nhưng nếu cũng thành công trong lần chuyển giao quyền lực khó hiểu nhưng hiệu quả từ họ Hồ sang Tập Cận Bình vào năm 2012 đến 2013 thì hẳn sẽ cho thấy được là họ đã lập thành định chế một cuộc thí nghiệm đồ sộ về chế độ chuyên quyền chính trị mà không có một hoàng gia truyền đời nối ngôi.

Loại cai trị này chắc chắn là an bình hơn những vụ tranh giành quyền lực bấp bênh của Mao và ngay cả của Đặng. Nhưng khả năng, mức độ khôn ngoan, và thời gian cai trị một nước lớn, đa dạng, và thay đổi nhanh chóng như thế đều khá lắm cũng chỉ là một cuộc thí nghiệm khổng lồ mà thôi.

Tất cả những việc này đã thành công đến mức nào, và sẽ đưa đến đâu? Các cuộc thí nghiệm đồ sộ tại Phòng Thí Nghiệm Trung Cộng tính đến nay đã đem lại các kết quả xấu tốt lẫn lộn. Một số phải gọi là đáng nể và khả quan, trong khi số khác lại hết sức đáng ngại và ngay cả đáng lo. Nhưng tất cả đều đang vạch hướng đi cho Trung Cộng và có ảnh hưởng sâu rộng đến cả thế giới.

Một số thí nghiệm này có thể đã cần thiết và không thể tránh được; số khác chỉ là thách thức lịch sử và lý thuyết. Thí dụ, thế giới không cần và cũng không đáng phải bị chịu đựng các cuộc thí nghiệm tốn kém và nguy hiểm về cách nào là cách cai trị và tổ chức con người đúng mức: Nay đã quá rõ là một đế quốc không có hoàng đế thì khó mà ổn định hay có hiệu quả.

Một số thí nghiệm có thể chỉ tạm thời trong khi số khác lại có quá nhiều rủi ro mà cuối cùng có thể phải cần đến các biện pháp can thiệp quy mô, tốn kém từ bên ngoài để chặn lại. Dù thế nào đi nữa, thành quả của một số thí nghiệm của Trung Cộng sẽ đem lại những cách khác và thịnh vượng cho nhân loại. Nhưng, cũng rất có thể là Phòng Thí Nghiệm Trung Cộng sẽ tạo ra một quái vật Frankenstein mới. Xét cho cùng thì toàn bộ Phòng Thí Nghiệm Trung Cộng rất dễ bốc cháy và mong manh khi mà cùng lúc có quá nhiều các cuộc thí nghiệm đầy bất trắc.

Hồi mới đây, một học giả có uy tín lâu năm của Trung Cộng nhận xét rằng bắt đầu từ thế kỷ 19 các lãnh tụ Trung Hoa đã có quá trình “luôn luôn chọn bước theo con đường ngu xuẩn và thảm khốc nhất tại các ngã rẽ quan trọng.”(*) Nếu học giả này nói đúng – và các cuộc thí nghiệm này không thể tránh được các rủi ro và bất trắc lớn lao – thì thế giới cần phải chuẩn bị trước để đối phó với các hậu quả từ cả những trường hợp thành công lẫn thất bại của Phòng Thí Nghiệm Trung Cộng khổng lồ.

Dr. Fei-Ling Wang is a Professor of International Affair at the Georgia Institute of Technology, Atlanta, Georgia.

Source: http://the-diplomat.com/2011/12/12/china%E2%80%99s-grand-experiments/
___________________________
Chú thích của người dịch:

(*) Thế mà cũng có lũ đảng con ở phía nam noi gương ngu xuẩn mà cứ nhắm mắt lễ mễ đi theo như thể con đẻ không bằng!

0 comments:

Powered By Blogger