Friday, December 2, 2011

Tại Châu Á, Washington và Bắc Kinh gờm nhau

Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo bên lề hội nghị Đông Á tại Bali ngày 19/11/2011.

Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo bên lề hội nghị Đông Á tại Bali ngày 19/11/2011. REUTERS/Jason Reed

Mai Vân

Nhân chuyến công du Miến Điện của Ngoại trưởng Mỹ, nhật báo Pháp Le Figaro vào hôm nay đã chú trọng đến không khí căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sau Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN vừa qua, mà tờ báo cho là : «Washington và Bắc Kinh trong tư thế sẵn sàng ‘rút gươm’», tựa lớn ở trang quốc tế. Tờ báo chú thích : Hoa Kỳ đã thắng một trận đánh trong cuộc chiến giành ảnh hường trong khu vực.

Tác giả bài báo Arnaud de La Grange, nhìn thấy là Trung Quốc vẫn còn vật vã sau khi bị trúng ‘cơn sốt châu Á’ của tổng thống Mỹ Obama. Bắc Kinh cảm thấy mình bị Washington thách thức và sỉ nhục ngay trong ‘sân nhà’, trong vùng Châu Á – Thái Bình Dương mà một số người muốn biến thành vùng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Le Figaro liệt kê một số việc làm của Mỹ bị cho là thách thức : Tổng thống Mỹ không chỉ trịnh trọng tuyên bố là Mỹ ‘vẫn ở lại trong vùng’ mà ông còn ào ạt tung ra một loạt hành động cụ thể: Thông báo thành lập một căn cứ thủy quân lục chiến ở Úc, nêu lên vấn đề tranh chấp Biển Đông trong chương trình nghị sự Hội nghị Đông Á, bất chấp những lời phản đối của Trung Quốc.

Trước đó, tại Hội nghị APEC, Hoa Kỳ đã thúc đẩy việc thành lập vùng tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP, mà Trung Quốc không được mời, và giờ đây là chuyến công du Miến Điện của ngoại trưởng Hillary Clinton, mà Bắc Kinh xem như là nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.

Sau một thời gian bị bất ngờ, Le Figaro cho là Bắc Kinh bắt đầu phản ứng. Động thái làm tờ báo ngạc nhiên và cho là hiếm thấy, đến từ bộ Quốc phòng Trung Quốc vào hôm qua, khi bộ này chỉ trích ‘tâm lý chiến tranh lạnh’ của Mỹ liên quan đến căn cứ quân sự ở Úc. Một viên tướng Trung Quốc tố cáo ý muốn ‘bao vây Trung Quốc’ của Washington, và đánh giá đó là một sai lầm chiến lược nguy hại.

Le Figaro phân tích là trước đây Bắc Kinh từng xem sự hiện diện của Mỹ ở Afghanistan như là một động thái vây quanh Trung Quốc, triển khai quân ở phiá Tây để bổ xung cho lực lượng Mỹ ở phiá Đông, tức là ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Le Figaro nhắc lại là vừa qua thì Hoa Kỳ đã thu hút được sự đồng tình, ủng hộ của phần lớn các quốc gia Đông Nam Á, kể cả Việt Nam.

Trong cuộc chiến giành ảnh hưởng này, Le Figaro cho là các nhà bình luận ở Hồng Kông và cả ở Trung Quốc, đều đánh giá là Mỹ đã thắng trên mặt trận ngoại giao mới này, cho dù như một giáo sư đại học Thượng Hải đã cảnh cáo là « người Trung Quốc kiên nhẫn hơn một chính quyền Mỹ. Lần này Trung Quốc thua, nhưng 10 năm sau thì Hoa Kỳ sẽ thua ».

Hiện nay, theo giới chuyên gia, ngoài các tuyên bố tức giận, Trung Quốc sẽ không hành động gấp rút, một mặt là để không tạo cảm giác là họ vừa bị một cái tát nghiêm trọng và một mặt khác là vì Trung Quốc cũng bước vào ‘năm bầu cử’, với việc thay đổi lãnh đạo năm 2012, và những xáo trộn lớn trên chính trường quốc tế không có lợi. Có điều như một giáo sư đại học Bắc Kinh nhận định : Chủ tịch Hồ Cẩm Đào « đang chiụ sức ép chưa từng thấy về chính sách đối ngoại».

Le Figaro còn nêu một số bình luận khác nữa, cho là cuộc đọ sức mới này có lợi cho cả hai nước vì nó làm hài lòng dư luận hai bên, và mặt khác giúp hai nước tránh được một cuộc chiến tranh thương mại quá đà, sau cuộc bỏ phiếu trừng phạt của Quốc hội Mỹ trên vấn đề đồng yuan.

0 comments:

Powered By Blogger