Saturday, December 3, 2011

Miến Điện ký lệnh hưu chiến với nhóm nổi dậy chủ chốt của người thiểu số

Lực lượng vũ trang thuộc dân tộc thiểu số Shan tại Miến Điện (AFP)
Lực lượng vũ trang thuộc dân tộc thiểu số Shan tại Miến Điện (AFP)

Trọng Nghĩa
Thêm một dấu hiệu cởi mở tại Miến Điện : Chính quyền Miến Điện vừa ký lệnh hưu chiến với một nhóm phiến quân chủ chốt của người thiểu số : lực lượng Quân đội Nhà nước Shan tại Miền Nam Miến Điện, một trong 5 nhóm du kích vũ trang, nổi dậy để đòi quyền tự trị rộng lớn hơn.

Đúng vào lúc Ngoại trưởng Mỹ kết thúc chuyến công du lịch sử tại Miến Điện, ngày hôm qua, 02/12/2011, chính quyền Bang Đông Bắc của Miến Điện đã ký kết lệnh ngừng bắn với một trong các nhóm vũ trang chính của các sắc dân thiểu số. Đó là lực lượng mang tên Quân đội Nhà nước Shan tại Miền Nam, một trong 5 nhóm du kích đã nổi dậy chống chính quyền trung ương trong nhiều thập kỷ qua để đòi quyền tự trị rộng lớn hơn.
Theo ông Hla Maung Shwe, sáng lập viên tổ chức phi chính phủ Myanmar Egress đã đứng ra làm trung gian hòa giải giữa hai bên, buổi lễ ký kết thỏa thuận hưu chiến đã diễn ra vào hôm qua. Có mặt trong buổi ký kết, nhân vật này đã đánh giá cao sự kiện này, xem đấy là dấu hiệu mới nhất phản ánh thiện chí mở cửa của tân chính quyền dân sự tại Miến Điện.
Trả lời hãng tin Pháp AFP, ông Hla Maung Shwe giải thích : "Đây là nhóm đầu tiên đã ký một thỏa thuận hòa bình với chính quyền, trong số năm lực lượng võ trang mà chúng tôi đã tiếp xúc". Bốn nhóm còn lại đại diện cho các sắc tộc thiểu số Karen, Kachin, Karenni, và Chin.
Theo AFP, cả chính quyền Miến Điện lẫn lực lượng võ trang người Shan ở miền Nam đều không xác nhận chính thức nguồn tin trên, nhưng theo báo trên mạng Irrawaddy, của người Miến Điện lưu vong, thì thỏa thuận vừa ký bao gồm các cam kết của chính phủ về phát triển kinh tế và chống tệ nạn ma túy trong khu vưc. Theo nguồn tin này thì các cuộc đàm phán sẽ được mở ra với chính quyền trung ương.
AFP ghi nhận : Với 9% dân số toàn quốc, dân tộc Shan là sắc dân lớn thứ hai tại Miến Điện chỉ sau người Miến đa số mà thôi. Lực lượng Quân đội Nhà nước Shan tại Miền Nam là một trong những nhóm nổi dậy quan trọng nhất tại Miến Điện, với hàng ngàn chiến binh.
Theo ông Hla Maung Shwe, Bộ trưởng Bộ Đường sắt của chính quyền trung ương đã có mặt tại lễ ký kết. Chính quan chức này đã tham gia các cuộc đàm phán hòa bình đầu tiên với các nhóm nổi dậy, mở ra cách nay một tháng.
Xin nhắc lại là các biện pháp cải cách chính trị đã gia tăng đáng kể từ ngày Tập Đoàn Quân Sự cầm quyền tại Miến Điện tự giải thể vào tháng ba vừa qua và chuyển giao quyền hành cho một tân chính quyền "dân sự", cho dù trong thực tế quân đội vẫn còn thống trị đất nước này.

Các nước phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ đã thận trọng hoan nghênh tiến trình cải tổ, nhưng vẫn đặc biệt nhấn mạnh trên sự cần thiết phải kết thúc cuộc nội chiến trong các vùng có đông đảo các sắc dân thiểu số, nơi mà chính quyền vẫn bị các tổ chức phi chính phủ tố cáo là vi phạm nhân quyền.

Trong chuyến thăm lịch sử vừa kết thúc hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã hoan nghênh các cố gắng của tân chính phủ Miến Điện nhằm giải quyết tranh chấp với các sắc dân thiểu số. Tuy nhiên, bà vẫn cho rằng : « Ngày nào mà bạo lực khủng khiếp vẫn tiếp diễn trong khuôn khổ một trong những cuộc nội chiến lâu đời nhất, sẽ khó mà khởi sự một chương mới."

0 comments:

Powered By Blogger