Saturday, December 3, 2011

Lằn ranh

Zulu

Tại tiểu bang California, đã nhiều lần, những ca nhạc sĩ có mặt trong các chương trình Đại nhạc hội gây quĩ xây tượng dài Việt-Mỹ và Đại nhạc hội Cám ơn Anh, người lính Việt Nam Cộng Hoà, đã thu về cho cộng đồng người Việt hải ngoại hàng triệu USD. Thành quả ấy khẳng định vai trò của các ca nhạc sĩ, nhưng quan trọng hơn, nó còn nói lên tình cảm người Việt hải ngoại gắn bó, tin yêu các ca nhạc sĩ như thế nào.

Cho đến bây giờ, trong tôi hình ảnh những ca sĩ đứng trên sân khấu vỗ tay, khích lệ khán giả gần cả chục ngàn người cùng vỗ tay, hát chung những bài hát nặng tình quê hương, dân tộc, hào hùng, khí thế. Tiếng hát vang, những ánh mắt, những bàn tay đã làm ấm lại biết bao tấm lòng xa xứ. Cảm giác ấy, hình ảnh ấy cho tôi niềm hạnh phúc tưởng như không bao giờ phai nhạt.

Cũng có những ca sĩ hải ngoại hát trước một số lượng khán giả đông đảo, khán giả là người Việt ở Sài Gòn, ở Hà Nội. Thì ra trong đám ca sĩ ấy, có ca sĩ coi việc ca hát của mình như một nghề, và ca sĩ ý thức mình là một nghệ sĩ.


Đô-la hay nghệ thuật?
Nguồn: Onthenet

Nghệ sĩ coi trọng nghệ thuật hơn tiền tài, vật chất. Nghệ thuật đích thực thuộc về văn hoá; văn hoá trường tồn; con người và đời sống chỉ giai đoạn. Đó là yếu tính làm cho nghệ sĩ cân nhắc khi ý thức mình như một công dân, không thể tách rời khỏi cộng đồng, xã hội. Điều này được thể hiện qua lối sống, qua phong cách trình diễn, từ đó chúng ta nhận ra đích thực một nghệ sĩ có trình độ, qua trường lớp hay là tài năng bẫm sinh, thiên phú.

Báo KBC hải ngoại đã nhận xét:

“những giới trong nghề trình diễn phần lớn xuất thân kém cỏi và ít chịu thăng tiến về kiến thức và phẩm cách. Họ thường nổi lên do chút tài thiên phú. Có một số ít học, mà không qua các lớp đào tạo để có những kiến thức cơ bản trong nghề và các kiến thức về xã hội. Vì thế, một phần của giới này có lối sống buông thả, thiếu phẩm hạnh, thiên về lợi danh.”

Tôi không hoàn toàn đồng ý với nhận xét của KBC, nhưng thấy phần đông ca sĩ hải ngoại thường nương theo cảm quan, thường dựa vào nhu cầu thưởng ngoạn của khán, thính giả, và ngay cả những trung tâm băng nhạc cũng chọn phương án ấy để sinh tồn.

Nghệ thuật có bản lãnh thường đi trước thời đại, hướng dẫn, thúc đẩy xã hội đi về hướng chân, thiện, mỹ. Nhưng đối với văn nghệ sĩ hải ngoại thì ngược lại, đã không thúc đẩy, lại còn kéo xã hội về quá khứ. Có người còn đồng loã, cộng tác với kẻ ác, bằng chủ thuyết phi nhân dìm dân tộc xuống tận cùng suy vong, khốn khổ.

Họ là ai?

Phạm Duy về Việt Nam sống. Ông nói cuộc trở về này là “Lá rụng về cội”. Báo chí Cộng sản Việt Nam cho đó là “Nhịp cầu nối quê hương với người Việt xa xứ”, hay “niềm vui thống nhất lòng người”. Kết quả công ty Phương Nam bỏ ra bốn trăm ngàn đô mua bản quyền toàn bộ nhạc phẩm cuả Phạm Duy.

Phê phán hành đông này, tôi mượn bạn đọc Lê Văn một câu trong bài “Con đường tình” để nói với Phạm Duy, “Một thằng con trai khi đánh mất lý tưởng rồi thì chẳng còn gì để nói.

Mới đây, ca nhạc sĩ Chế Linh là hiện tượng nổi đình, nổi đám từ Hà Nội vô Sài gòn, Ông ta nói:

“Quá khứ chìm sâu rồi, bây giờ Chế Linh làm điều gì cũng là vì dân tộc mình, vì đất nước mình.” Những ‘khúc mắc’ đó bản thân tôi không muốn nhắc lại nữa và tôi cũng không muốn ai nhắc. Hôm nay tôi đã trở về đây, được đứng trên sân khấu, giữa đồng bào mình, trên chính quê hương mình... Tôi nghĩ không có hạnh phúc nào bằng. Xin cảm ơn cả hai bà mẹ Chăm-Việt trên tổ quốc này đã sinh ra, nuôi lớn và cho tôi hạnh phúc này. Ở đâu thì tôi vẫn là Chế Linh, người dân tộc Chăm và quê hương là Việt Nam.”

Giọng hát Chế Linh, bây giờ qua báo chí thành ra trường phái Chế Linh, trường phái rên rỉ, tỉ tê của người vong quốc, đang làm nức lòng khán thính giả trong nước. Phải chăng đó là hiện tượng đồng cảm phản ánh tâm trạng người Chăm cách đây đã 1.180 năm, khi người Việt dừng chân trên bước đường Nam tiến. Bây giờ Chế Linh, một người Chăm hát và ăn nói cũng rất ư là Chế Linh, lại được nhiều người trong nước ngưỡng mộ. Phải không, tiếng hát của một người vong quốc đồng cảm với tâm trạng người Việt mình. Trước tình thế ấy, tôi chỉ biết mời bạn đời múa cho một đường đao.

“Vuốt theo hoặc tiếp tay cho giặc Cộng lừa dân lành, là một tội ác.


Đây cũng có...tình ca...
Của...hồn ma,

Ăn cơm quốc gia
Thờ cha cộng sản

[…]

Làm sao quên được, tình ơi?

(Bạn đời)

Tuấn Ngọc nhiều lần về Việt Nam trình diễn, ông ta nói:

“...Tôi như người mắc nợ khán giả quê nhà. Sau bao nhiêu năm, tôi muốn tận mắt thấy những khán giả vẫn còn dành sự ưu ái cho tôi...”

Ca sĩ Tuấn Ngọc mắc nợ – nợ khán giả quê nhà – Nợ máu, nợ tình hay nợ tiền? Nợ gì Tuấn Ngọc không nói, chỉ biết Tuấn Ngọc có nợ. Tôi không biết Tuấn Ngọc vay nợ lúc nào, vay như thế nào. Bây giờ về Việt Nam chỉ để nhìn tận mắt những khán giả (chủ nợ) vẫn còn dành sự ưu ái cho Tuấn Ngọc.

Khi không, tự nhận về mình món nợ để có lý do về Việt Nam. Trường hợp này ứng với lời bác vannam đã viết:

“Khi không thể biện minh cho những hành xử chính trị cuả một số anh chị văn nghệ sĩ, người ta bèn tách con người họ ra, quên hẳn bộ mặt chính trị và chỉ công nhận con người nghệ thuật. Người ta nhân danh nghệ thuật để át giọng kẻ khác, rồi bày trò nguỵ biện, ‘tài năng là tài năng, không thể đồng hoá với chính trị’.”

Ca sĩ Khánh Ly tuy chưa về ca hát tại Việt Nam, nhưng trả lời phỏng vấn của BBC:

“Về Việt Nam vẫn nằm trong mơ ước của tôi.

Tôi không sống với hận thù và không muốn ai hận thù ai. Tôi muốn mọi người yêu thương nhau như những điều tôi học được ở nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Nên về Việt Nam vẫn nằm trong mơ ước của tôi. Nếu nói tôi không muốn về thì là tự dối lòng, dối người. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình, tôi chưa thể nghĩ đến đi đâu xa được. Nếu có dịp, tôi vẫn sẽ về thăm Việt Nam.”

Dù chưa về Việt Nam, nhưng Khánh Ly có lẽ còn hơn nhiều ca sĩ khác đã về hát tại Việt Nam. Trong DCVOnline.net, Nguyễn Bảo Tư viết:

“Người hải ngoại vẫn thương mến Khánh Ly - Nhưng từ khi cuộn video clip chiếu hình Khánh Ly ‘thỏ thẻ’ hát bài Mưa Hồng để giúp vui cho bữa tiệc có ‘ngài’ thứ trưởng Việt Cộng Trịnh Như Sơn thì hình ảnh người ca sĩ này đã xụp cái rầm.”

Đã có nhiều ca sĩ hải ngoại về Việt Nam hát, ngược lại cũng có nhiều ca sĩ trong nước ra hát ở hải ngoại. Bây giờ lằn ranh giửa nghệ thuật, chính nghĩa và chính kiến trong mỗi ca sĩ như không còn nữa, khán thính giả cũng vậy, nhân sinh và nghệ thuật không còn chỗ trong định luật cung cầu. Cứ nhìn trường ca “Hòn vọng phu” trong video của Thuý Nga, rặc một màu đỏ chói, từ phông màn, sân khấu, y trang, y phục ca sĩ đều màu đỏ. Đem nghệ thuật để chuyển tải một ý đồ là điều nhân loại xưa nay vẫn làm.

Người Việt Quốc gia còn vốn liếng của lòng nhân từ, Việt Cộng mưu mô, xảo quyệt. Chính lòng nhân từ của người Việt hải ngoại tự bào mòn lằn ranh quốc cộng qua hình thức từ thiện và các hội thiên nguyện, trong khi Việt cộng càng ngày càng len lõi vào sinh hoạt trong mọi tổ chức của hải ngoại, chúng thường đóng vai chống cộng tích cực, hăng hái để tạo niềm tin, sau đó bám sát, chọc phá làm nản chí anh hùng những người chống cộng thực thụ. Bằng hình thức này, chúng đã thành công, nhiều bạn đọc bỏ diễn đàn ra đi là vậy.

Để thay lời kết, tôi mượn câu nói của anh Nguyễn Bảo Tư, “Nhưng thử hỏi chúng ta đến đây để ‘tìm dzui’ à? Hay đến đây cho một mục tiêu sâu rộng hơn, ý nghĩa hơn?”


© DCVOnline

0 comments:

Powered By Blogger