Tuesday, December 8, 2009

Trăm Năm Bia Đá THUYỀN NHÂN VN


.
Với chính sách có kế hoạch hẳn hoi, bạo quyền Việt Cộng mời gọi những “khúc ruột ngàn dặm” về thăm quê hương, giúp đỡ thân nhân để họ tiếp tục bóc lột, thu nhặt ngoại tệ. Ngoài mặt, họ kêu gào người Việt ở hải ngoại hãy xóa bỏ hận thù thì cùng một lúc, ở bên trong, chính họ đã biểu lộ tính cực đoan, hận thù và nỗi lo sợ sự thật. Lo sợ những tấm bia đá tưởng niệm thuyền nhân chết trên đường vượt biển là bằng chứng hiển nhiên nói lên một sự thật: Chế độ Cộng Sản Việt Nam độc tài, dã man, tàn ác đến độ người dân phải liều chết vượt biển đi tìm tự do. Ðã có khoảng hơn nửa triệu người thiệt mạng trong những chuyến vượt biển này.
.
Chính vì muốn xóa bỏ sự thật, khoảng giữa năm 2005, nhằm mục đích thay đổi nội dung của tấm bia ở đảo Galang đã ghi: “Tưởng nhớ hàng trăm ngàn người Việt Nam đã thiệt mạng trên đường tìm tự do (1975-1996)”, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã áp lực yêu cầu chính phủ Nam Dương đục phá bia đá do người tỵ nạn dựng lên trước đó không lâu. Tiếp đến là BiaTỵ Nạn tại đảo Bidong Mã Lai cũng bị giật sập vào tháng 9, năm 2005. Sau những sự kiện này, đồng bào ta trên thế giới đã phẫn nộ, phản đối hành động phi nhân này bằng nhiều cuộc biểu tình trước trụ sở các sứ quán Mã Lai, Nam Dương. Cũng chính vì thế, rất nhiều người nghĩ đến ý định thực hiện các tấm bia tưởng niệm những người đã chết vì Tự Do.
.
Có thể nói Geneve, Thụy Sỹ, trọng tâm của những sinh hoạt chính trị và tài chánh thế giới, là nơi đầu tiên Bia Ðá Tưởng Niệm Thuyền Nhân được dựng lên vào ngày 9, tháng 2 năm 2006. Phải nhìn nhận đây là thành quả rất lớn lao của các anh Nguyễn Tăng Lũy, Nguyễn Ðăng Khải, Hoàng Ðình Tường (trải qua nhiều khó khăn vì áp lực quốc tế trên phương diện ngoại giao).
.
Người Việt chúng ta khó ai có thể quên được Thụy Sĩ, nơi Hiệp Ðịnh Geneve được ký năm 1954, chia đôi Việt Nam ra hai miền Nam-Bắc. Cũng nơi này, sau năm 1975 đã mở rộng vòng tay đón nhận người tỵ nạn Cộng Sản. Một nhóm bạn người Thụy SC4 và Việt Nam thuộc tổ chức COSUNAM đã có một sáng kiến táo bạo là thực hiện Bia Ðá Kỷ Niệm Thuyền Nhân ngay “Ngã Tư Quốc tế Geneve" tại một công viên chỉ cách Trụ Sở Liên Hiệp Quốc và Cao Ủy Tỵ Nạn một cây số rưỡi, mất khoảng 15 phút đi bộ. Bia đá được đặt trong khuôn viên của công viên Campagne du Château Pictet thuộc thành phố Grand Saconnex, Geneve; cách Tòa Lãnh Sự Hà Nội khoảng 2 cây số và nằm giữa khu vực sinh hoạt của các cơ quan Liên Hiệp Quốc. Trong khung cảnh thật tĩnh mịch, chỉ có tiếng reo vi vu của những hàng thông cao nghiêng mình trong gió. Thảm cỏ xanh rì êm mượt như nhung dưới những bước chân, ngồi xuống, ta có thể đọc hàng chữ Việt khắc trên tấm bia đá nhỏ, hình chữ nhật, đặt dưới đất. Như một trang sử để lạ i cho hậu thế ghi rõ những hàng chữ:
.
Tưởng Niệm cuộc ra đi của thuyền nhân trên thế giới1975 – 2005. Người Việt tỵ nạn chân thành cảm ơn Thụy Sĩ vàcác nước tiếp cư đã giúp cho chúng tôi được sốnghạnh phúc trong hòa bình, tự do và dân chủ. Chúngtôi sẽ mãi mãi không quên quê hương Việt Nammảnh đất ngàn đời của tổ tiên để lại.
.
Tấm bia đá chính, lớn hơn nhiều, bằng cẩm thạch đen, có hình dạng một cánh buồm, cao hơn một thước, một bên viết bằng Anh ngữ, bên kia là Pháp ngữ, (cùng một nội dung như Việt ngữ) dựng ở một đầu. Ðầu kia là cây tùng, tượng trưng cho cột buồm. Bia đá và cây tùng nằm trên một khung sỏi hình chiếc ghe mà những viên sỏi chính là những ngọn sóng biển.
.
Sau khi khánh thành như một món quà tri ân người Thụy Sĩ của cộng đồng người Việt tại đây, Bia Ðá đã được tặng cho thành phố Geneve để hội đồng thành phố trông coi. Hằng năm, người Việt tại Geneve về đây để làm lễ giỗ, tưởng niệm những người đã chết vì tự do. Hay nói đúng hơn, đã chết vì Việt Cộng. Ngoài biểu tượng, Bia Ðá này còn là chứng tích lịch sử nhắc nhở cho bao năm sau này. Chính những hình ảnh khủng khiếp của thảm cảnh vượt biển đã đánh động lương tâm mọi người ở Phương Tây, và Thụy Sĩ đã thúc đẩy các quốc gia mở rộng vòng tay đón nhận người tỵ nạn Việt Nam.
.
Cùng một mục đích: ghi nhớ đối với các thuyền nhân, cám ơn quốc gia đã cưu mang mình; ngaỳ 30, tháng 6, năm 2006, Bia Ðá Tưởng Niệm Thuyền Nhân đã được trang trọng khánh thành tại công viên dõAvroy, ngay giữa trung tâm thành phố Liege, Vương Quốc Bỉ (Liege, Belgique) sau bao công khó của Cộng Ðồng Việt Nam mà đại diện là ông Lê Hữu Ðào.
.
Liege là thành phố thứ hai của Âu Châu, sau Geneve, Thụy Sĩ có Bia Ðá Tưởng Niệm Thuyền Nhân. Bia Ðá Liege có nội dung gần giống như Bia Ðá Thụy Sĩ: Tưởng niệm thuyền nhân từ 1975-2006, Cám ơn Vương Quốc Bỉ đã tiếp nhận mình và phía trên những hàng chữ là hình chiếc thuyền tỵ nạn mong manh có lá cờ kêu cứu. Dù có nhiều phản đối của nhà cầm quyền Việt Nam và đảng phái thuộc cánh Tả, Bia Ðá Liege vẫn được hoàn thành tốt đẹp nhờ chính sách điạ phương phân quyền của Vương Quốc Bỉ.
.
Trong cùng một thời điểm, cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Ðức đã nỗ lực hoạt động trên mọi phương diện để rồi ngày 28 tháng 4 năm 2007, hơn 1 ngàn bốn trăm người đã hân hoan đổ về thành phố Troisdorf, Ðức Quốc để dự lễ khánh thành Bia Tỵ Nạn Tưởng Niệm Thuyền Nhân. Tấm Bia Ðá cao 1m70, ngang 100/70 cm, dày 30cm, dựng trên một bệ cao 36cm, với ba thứ tiếng Anh, Ðức, Việt mang nội dung: Biá Tưởng niệm những người Việt Nam tỵ nạn Cộng Sản đã chết trên đường tìm tự do. Tri ơn nhân dân, chính phủ Ðức cùng tất cả những ai đã cứu giúp và thu nhận người Việt tỵ nạn, đặc biệt là Dr. Ernst Albrecht, Dr. Ruppert Neudeck cùng Uỷ Ban Cap Anamurá. Bia Ðá Tỵ Nạn được đặt trong một công viên của hai góc đường Frankfurterstrasse và Siebengebirgsallee thuộc thành phố Troisdorf. Bên cạnh là xác chiếc ghe vượt biển đã được Cap Anamur cứu vớt vào cuối tháng Tư, năm 1982 và đem về đặt ở đây cho đến nay.
.
Trên hai mặt Bia còn có hình hai bàn tay nâng chiếc thuyền trên sóng nước mà bên trên là làn khói vàng có ba sọc đỏ (trông như lá cờ) thoát ra từ ống khói ghe
.
Bia Ðá này xác định lập trường chính trị của Cộng Ðồng Người Việt tại đây là một cộng đồng tỵ nạn, đã bỏ nước ra đi vì không chấp nhận chế độ độc tài Cộng Sản hiện nay tại Việt Nam.
.
Và gần đây nhất, Thứ Bảy, 25 tháng 4, năm 2009, tại thành phố Westminster, California, nơi được gọi là thủ phủ của người Việt tỵ nạn Cộng Sản trên đất Mỹ, hàng ngàn người đã cùng về d1 ngày khánh thành Ðài Tưởng Niệm Thuyền Nhân. Nhóm sáng lập gồm Thi Sĩ Thái Tú Hạp, Nữ Sĩ Ái Cầm, Bác Sĩ Lê Hồng Sơn và phu nhân Thu Thủy, các cộng tác viên như ca sĩ Việt Dũng, Minh Phượng, Vân Bằng và rất nhiều người, sau hơn 10 năm vượt qua nhiều trở ngại đã đạt thành tâm nguyện thực hiện Ðài Tưởng Niệm Thuyền Nhân được xây dựng trong Nghĩa Trang Westminster Memorial Park, cách khu Litle Sài Gòn khỏang nửa dặm Anh (chưa được 1 cây số).
.
Ðài Tưởng Niệm Thuyền Nhân gồm một tượng đồng được dựng nổi trên hồ nước nhân tạo. Ðiêu khắc Gia Vivi Võ Hồng Kiệt đã tạc cảnh sống động của một gia đình thuyền nhân trước giây phút hãi hùng khi thuyền sắp chìm. Người Mẹ quỳ gối ôm đứa con thơ, người chồng đứng sau lưng, tay C4ỡ mẹ già, đầu cúi xuống nhìn vợ con. Chung quanh hồ nước là là 54 tảng đá lớn, đặt rải rác. Mỗi tảng đá tượng trưng một con thuyền bị đắm dưới biển. Số 54, cộng lại là 9, biểu hiện của sự vĩnh cửu hay vĩnh hằng. Trên mặt đá khắc tên những nạn nhân đã bỏ mình trên đường đi tìm tự do và nhân quyền. Khoảng hơn 6 ngàn danh vị được khắc ở đây, được xem là nơi an nghỉ vĩnh viễn của họ. Ðài Tưởng Niệm Thuyền Nhân cũng đã được trao tặng cho Memorial Park để thành phố trông coi và chăm sóc.
.
Từ Tượng Ðài ở Thụy Sĩ, sang Vương Quốc Bỉ, qua Ðức, nay đến Hoa Kỳ, các Ðài Tưởng Niệm Thuyền Nhân này là niềm hãnh diện của những người Việt yêu chuộng tự do, công lý, hòa bình. Các chứng tích này đã minh chứng tội ác của Cộng Sản Việt Nam cũng như sẽ mãi mãi nhắc nhở chúng ta; những vong linh can trường đã chết cho tự do; những người đã phấn đấu vượt qua mọi gian khổ để tiến về tương lai tươi sáng trước mặt.
.
Trăm năm và hàng trăm năm sau,
Bia Ðá Tưởng Niệm Thuyền Nhân sẽ vẫn còn. .... Còn mãi.
.
Gió Ðồng Nội 2009

0 comments:

Powered By Blogger