Một
thương thuyết gia cao cấp của chính phủ Miến Điện tiết lộ rằng Trung
cộng đã và đang phá hoại các cuộc đàm phán giữa Miến Điện với các phong
trào kháng chiến sắc tộc bằng cách thuyết phục các nhóm này không ký kết
một hiệp định ngưng bắn và cản trở sự giúp đỡ của các tổ chức giám sát
quốc tế nhằm kết thúc một cuộc nội chiến dài nhiều thập niên.
Như tôi từng tường trình hồi đầu tuần, các viên chức chính phủ tiết lộ
rằng Miến Điện sẽ ký kết một thỏa thuận ngưng bắn trên toàn quốc
(Nationwide Ceasefire Agreement - NCA) vào ngày 15/10/2015 với chỉ 8
trong số 15 nhóm võ trang sắc tộc mà họ khởi thủy đồng ý hòa đàm. Các
quan sát viên bày tỏ nỗi quan ngại rằng hiệp định gạt ra ngoài lề nhiều
nhóm quan trọng và sẽ có ít hy vọng tạo ra một nền hòa bình lâu dài.
Nhưng một viên chức chính phủ cao cấp điều hành Trung tâm Hòa bình Miến
điện, ông Min Zaw Oo cho Thông tấn xã Reuters hay rằng sở dĩ có kết cục
này một phần là do đặc sứ Trung cộng ở Miến Điện gây áp lực với hai nhóm
kháng chiến lớn là Quân đội Nhà nước Wa Thống nhất (United Wa State
Army - UWSA) và Tổ chức Độc lập Kachin (Kachin Independence Organisation
- KIO) không được ký hòa ước.
Bắc Kinh còn phản đối các điều khoản cho phép các nước Tây phương và
Nhật Bản gửi quan sát viên đến Miến Điện tham dự lễ ký kết hòa ước.
Ông Min Zaw Oo phát biểu rằng: "Trung quốc thường nói họ muốn một sự
ổn định. Dĩ nhiên, họ muốn sự ổn định nhưng đồng thời họ cũng muốn tạo
ảnh hưởng lên các nhóm kháng chiến hoạt động dọc theo biên giới
Miến-Trung". Ông cho biết thêm rằng ông thường giữ im lặng về sự can
thiệp của Trung cộng nhưng nay thì nhịn hết nổi và phải nói ra sự
thật.
Chuyện Trung cộng can thiệp vào nội bộ Miến Điện chẳng có gì lạ. Trong
khi Bắc Kinh coi Miến Điện là một đối tác chiến lược và kinh tế quan
trọng ở cấp độ song phương và khu vực, thì nỗi quan ngại trước tiên và
cấp thiết nhất là về sự ổn định dọc theo vùng biên giới dài 2,200 cây số
giữa Trung quốc với Miến Điện vốn thường xuyên bị hoành hành bởi các
cuộc xung đột võ trang sắc tộc, buôn lậu á phiện và bệnh dịch; và cũng
là nơi diễn ra sự buôn bán qua biên giới trị giá nhiều tỷ Mỹ kim trọng
yếu cho tỉnh Vân Nam cũng như là cho khoảng 2 triệu người Hoa ở Miến
Điện.
Việc bảo đảm sự ổn định thường đồng nghĩa với việc can thiệp vào chuyện
nội bộ của Miến Điện. Điều này càng trở thành rõ ràng hơn trong mấy năm
qua khi mà sự bất ổn ở vùng biên giới đã tràn sang lãnh thổ Hoa lục và
Bắc Kinh cảm nhận ảnh hưởng của họ ở Miến Điện bị sự dính líu ngày càng
tăng của các tay chơi mới đe dọa, trong đó có cả Hoa Kỳ sau khi các lệnh
trừng phạt Miến Điện được tháo bỏ. Với các nhóm sắc tộc, chẳng hạn, các
quan sát viên biết rằng Trung cộng đã và đang làm những chuyện như dựa
vào nhóm KIO để từ khước chu cấp vũ khí cho UWSA và nỗ lực gạt Nhật Bản
và các nước Tây phương ra khỏi các cuộc hòa đàm.
Những lời bình luận công khai của ông Min Zaw Oo dù sau đi nữa cũng quan
trọng bởi vì chúng cho thấy tầm mức can thiệp của Bắc Kinh hiện gia
tăng tới mức đầy lo ngại mà một sự xì xào về nó là không còn đủ nữa.
Về phần mình, Trung cộng bác bỏ sự kết tội phá bĩnh.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung cộng, Hồng Lỗi tuyên bố: "Trung
quốc trước sau như một yểm trợ mọi thành phần ở Miến Điện giải quyết
những dị biệt thông qua các cuộc hòa đàm để ký kết một hiệp định ngừng
bắn trên toàn quốc tại một thời điểm sớm nhất".
* Tưởng cũng nên nhắc lại, Miến Điện sẽ tiến hành một cuộc tổng tuyển cử
được giả định là dân chủ đầu tiên kể từ khi bà Aung San Suu Kyi được
nhà cầm quyền quân sự ngưng quản thúc tại gia trong vòng một tháng nữa.
09/10/2015
No comments:
Post a Comment