Bây giờ tôi chỉ còn chường cái mặt tôi ra trong thơ. Nguyễn Khoa Điềm
Thỉnh thoảng, tôi cũng có (lén) làm một bài thơ ngăn ngắn.
Những câu thơ được ghi chép nắn nót trên những trang giấy trắng
tinh, rồi trân trọng gửi đến những toà soạn báo (ở khắp mọi
nơi) với địa chỉ tác giả, ghi rõ ràng ở mép trái của phong
bì.
Tất cả sáng tác của tôi, than ôi, đều “một đi không trở lại.” Chưa bao giờ tôi nhận được hồi âm, dù muộn.
Cứ thế, từ thập niên này sang thập niên khác, tôi sống thường
trực trong tâm trạng của một kẻ đợi chờ trong buồn rầu, và...
thất vọng. Tôi thất vọng vì tài năng thi phú của mình không
được người đời nhìn nhận!
Cho đến chiều 25 tháng 4 vừa qua – tình cờ, và bất ngờ – tôi
đọc được vài dòng nhắn tin (ngắn ngủi nhưng rộn ràng) qua F.B:
Xin chào anh. Tôi đã tuyển thơ anh in trong tập Vầng trăng lưu lạc.
tuyển tập thơ hải ngoại cho NXB Hội Nhà văn, Hà Nội xuất bản năm 1994.
Lê Hoài Nguyên
Úy Trời/ Đất, Qủi/ Thần, Thiên/ Địa, mèn đéc, ơi! Sao thơ của
con người ta được in từ hồi năm 1994 lận mà sao tới bữa nay mới
chịu cho hay (“kỳ cục vậy”) cha nội? Thì tui cũng làm bộ
trách “nhẹ” cho nó có vậy thôi, chớ trong bụng (nói thiệt
tình) vui râm ran nguyên tháng và sướng âm ỉ gần năm! Cái ước
vọng được chường mặt ra trong thơ của tôi, cuối cùng, đã trở
thành hiện thực.
Cụm từ “chường mặt trong thơ” tôi học được từ một bài viết ngắn (“Nhà Thơ Nguyễn Khoa Điềm”) trên báo Lao Động, số ra ngày 5 tháng 6 năm 2011: “Bây giờ tôi chỉ còn chường cái mặt tôi ra trong thơ.”
Đúng là ngôn ngữ và phong cách của một nhà qúi tộc, nhà thơ và “nhà chính trị” theo như nguyên văn của Wikipedia – tiếng Việt:
Nguyễn Khoa Điềm (tên khác là Nguyễn Hải Dương; sinh 15 tháng 4 năm 1943) là một nhà thơ, nhà chính trị Việt Nam. Ông là ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá IX; Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa X, cựu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Nguyễn Khoa Điềm sinh tại thôn Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thân sinh của ông là nhà báo Hải Triều, thuộc dòng dõi quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng, gốc An Dương (tỉnh Hải Dương cũ nay là Hải Phòng). Quê quán: làng An Cựu, xã Thủy An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Lúc nhỏ Nguyễn Khoa Điềm học ở quê. Năm 1955 ông ra miền Bắc học tại trường học sinh miền Nam. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, cùng một lứa với Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân.
Sau đó, ông vào miền Nam hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên Huế; tham gia quân đội, xây dựng cơ sở của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, viết báo, làm thơ... cho đến năm 1975. Nguyễn Khoa Điềm từng bị giam tại nhà lao Thừa Phủ. Đến chiến dịch Mậu Thân 1968, ông được giải thoát, tiếp tục trở lại hoạt động. Vào thời điểm này, Nguyễn Khoa Điềm mới bắt đầu làm thơ.
Tôi sinh sau đẻ muộn nên không có cái may mắn được sống cùng
thời/cùng nơi với Bộ Trưởng Văn Hóa Nguyễn Khoa Điềm, chỉ được
nghe (tiếng) ông chính là nhân vật đã (“lỡ”) ném vào máy nghiền cuốn Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn.
Tiếng dữ đồn xa, và đồn nhanh nên mãi sau này tôi mới biết thêm
rằng ngoài việc làm văn hoá, ông còn làm thơ nữa, và là một
tác giả quan trọng, với tác phẩm đã được đưa vào giáo trình
văn học cách mạng. Chương trình lớp 9, môn văn, có bài “Phân Tích Thơ Khúc Hát Ru Những Em Bé Lớn Trên Lưng Mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm. Xin được trích dẫn, đôi đoạn, để mọi người cùng thưởng lãm:
Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi
Em ngủ cho ngoan, đừng rời lưng mẹ
Mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng
Thằng Mĩ đuổi ta phải rời con suối
Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông
Mẹ địu em đi để giành trận cuối
Sự lặp lại hai câu thơ Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi, Em ngủ cho ngoan,
đừng rời lưng mẹ đã tạo nên âm điệu ngân nga, thấm dần vào người đọc một
cảm xúc thân thương. Con cùng mẹ băng suối, vượt ngàn, đạp rừng xông
tới. Cả nhà, cả làng, cả nước cùng đánh giặc.
Nhịp thơ sôi nổi, thôi thúc như một hành khúc lên đường. Câu kết vẽ lên hình ảnh thật xúc động:
Từ trên lưng mẹ, em đến chiến trường
Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn.
Lời thơ khẳng định ý chí chiến đấu mãnh liệt của bà mẹ Tà-ôi nói riêng
và đồng bào miền tây Thừa Thiên Huế nói chung. Lúc này, mẹ và em cùng
lên đường vào Trường Sơn đánh giặc, nơi có biêt bao khó khăn vất vả, nơi
cái chết và sự sống chỉ cách nhau gang tấc.
Kết thúc bài thơ vẫn là lời hát ru và ước nguyện của mẹ:
Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi
Mẹ thương a-kay, mẹ thương đất nước
Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ
Mai sau con lớn làm người Tự do…
Khi giã gạo, mẹ mong con mơ cho mẹ hại gạo trắng ngần. Khi tỉa bắp trên
nương, mẹ mong con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều. Khi chiến đấu, mẹ mong con
mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ trong ngày đất nước sạch bóng quận thù,
Bắc-Nam thống nhất. Chính tình thương, đức hi sinh, lòng vị tha và nhân
hậu cao cả của những người mẹ nghèo yêu nước ấy đã góp phần làm nên
chiến thắng hôm nay.
Sau khi đất nước “sạch bóng quận thù, Bắc-Nam thống nhất” thì
ông Nguyễn Khoa Điềm chuyển đổi công tác từ nhà làm thơ sang
nhà làm chính trị. Đám cháu con của “em cu Tai” cũng chuyển
đổi chỗ ngủ, từ lưng mẹ sang lưng anh hay lưng chị:
Ru em vào giấc ngủ.
Anh đứng đó ê a ...
Ba mẹ đi làm xa.
Em ơi ngon giấc nhé.
Cô gọi anh lên bảng.
Anh đọc cả lớp nghe.
Cô vội đi tìm chiếu.
Nhưng chiếu ở đâu ra?
Ảnh: soha
Ba mẹ nơi chốn xa.
Thương con nhiều biết mấy.
Chiều nay trời đừng lạnh....
Mẹ mang gạo về rồi !!!
Ô! thằng em tỉnh giấc.
Bỗng nó nhoẻn miệng cười.
Anh ơi em hết ngủ.
Lưng anh ấm áp ghê!!!
Chân anh không cần dép
Áo anh xẻ cánh tay
Dây địu em mẹ xé...
...Áo rách mẹ hôm xưa.
Ngày mai em lớn lên
Lưng anh gù thêm chút.
Và rồi em có biết
Em lớn dậy có anh?
Ảnh: tin.vn
Ngày xưa “từ trên lưng mẹ, em đến chiến trường.” Nay trên từ lưng chị em ra thị trường để “làm kinh tế,” ngay tại lề đường, theo bản tin của trang Một Thế Giới:
“Những em bé H'mông dù lên 9, lên 10 hay chỉ mới lên 5, lên 6 cũng có
thể kiếm ra tiền với vô vàn hình thức khác nhau, từ việc bán cành đào
mỗi dịp Tết, bán những móc chìa khóa lưu niệm, bán dây trang trí đeo tay
hay thậm chí chụp ảnh chung với khách du lịch rồi xin tiền...”
Ảnh: motthegioi.vn
“Điều đáng sợ nhất đối với người H.Mong là hiện tại, đã có nhiều cô
gái H.Mong chấp nhận làm gái điếm để bán mình làm giàu. Người Kinh khi
nói về các cô gái điếm H.Mong thường dùng hai chữ ‘gà mọi’ hoặc ‘chơi
mọi’ để giễu cợt, khinh khi” – như lời của Nhóm Phóng Viên Tường Trình Từ Việt Nam, nghe được qua RFA, vào hôm 8 tháng 5 năm 2015:
Cái ước mơ “mai sau con lớn làm người tự do” mà nhà thơ Nguyễn Khoa
Điềm dành (riêng) cho những người dân vùng xa, vùng sâu, vùng
căn cứ cách mạng năm nào - tiếc thay - đã không trở thành hiện
thực. Sự thực, rõ ràng, đã không thiếu ê chề mà còn thừa cay
đắng.
Nỗi ê chề và đắng cay này, từ nay, được thi sĩ Nguyễn Khoa
Điềm gói gọn trong thơ – những câu thơ buồn thiu và yếu xìu hà:
Đất nước những năm thật buồn
Nửa đêm ngồi dậy hút thuốc vặt
Lần mò trên trang mạng tìm một tin lành
Như kẻ khát nước qua sa mạc
Chung quanh yên ắng cả
Cái khí thế (Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông / Mẹ địu em đi để giành trận cuối) nay không còn nữa nên nhà thơ của chúng ta đã bị chê trách là “đổi giọng.”
Lời “chê trách” này khiến tôi nhớ đến nhận xét của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn về một tác phẩm khác, viết lúc cuối đời, của một tác giả quen thuộc khác:
“Gọi là ‘Đi tìm cái Tôi đã mất’ cho sang. Ở đây tác giả không định đi
tìm cái gì cả... Thế tại sao Nguyễn Khải lại viết ‘Đi tìm cái Tôi đã
mất’? Theo tôi, trường hợp này cũng giống như Chế Lan Viên viết ‘Di cảo
thơ’, và Tố Hữu tâm sự với Nhật Hoa Khanh. Thực chất cái việc các ông
‘cố ý làm nhòe khuôn mặt của mình’ như thế này là cốt để xếp hàng cả hai
cửa. Cửa cũ, các ông chẳng bao giờ từ. Còn nếu tình hình hình khác đi,
có sự đánh giá khác đi, các ông đã có sẵn cục gạch của mình ở bên cửa
mới (bạn đọc có sống ở Hà Nội thời bao cấp hẳn nhớ tâm trạng mỗi lần đi
xếp hàng và không sao quên được những cục gạch mà có lần nào mình đã
sử dụng.”
Tình hình, rõ ràng, đã khác và khác lắm nếu đúng là nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có đang chuẩn bị “sẵn cục gạch của mình ở bên cửa mới” (theo tôi) cũng là chuyện tốt thôi. Lo xa vốn là một đức tính, không có gì để phải phàn nàn.
Tôi chỉ hơi “tâm tư” chút xíu về sự lựa chọn thời điểm xuất hiện trong thơ của ông Nguyễn Khoa Điềm: “Bây giờ tôi chỉ còn chường cái mặt tôi ra trong thơ.”
Nhà thổ thì ai cũng có thể chường mặt ra vào bất cứ lúc
nào, còn ở nơi được mệnh danh là cường quốc thơ mà chuyện
ra/vào cũng (y) như vậy hay sao?
07/10/2015
No comments:
Post a Comment