Monday, August 10, 2015

TỰ DO NGÔN LUẬN ĐỐI CHỌI VỚI ĐỘC TÀI



Đại-Dương
Hô hào tự do ngôn luận không đồng nghĩa với tôn trọng quyền tự do ngôn luận đã phơi bày khá rõ rệt tại cuộc nói chuyện của Điếu Cày tại Khu hội cựu Tù nhân Chính trị San Jose hôm 1 tháng 8 năm 2015.
Trong phần chào hỏi cử toạ khá dài dòng tại Khu hội, Điếu cày Nguyễn Văn Hải xác nhận không phải hội luận cũng chẳng họp báo mà chỉ thảo luận với nhau và tiếp nhận mọi ý kiến nhằm giúp đỡ những người đấu tranh cho nhân quyền, tự do ở trong nước.
Nhưng, hình thức họp báo diễn ra từ đầu đến cuối nên Khu hội, nhân danh Ban tổ chức đã ra các quy định khắt khe. Cử toạ chỉ được phép vỗ tay mà cấm lời lẽ phản đối. Câu hỏi phải được viết ra giấy với tên tuổi rõ ràng rồi giao cho Ban tổ chức đọc. Người hỏi phải chấp nhận câu trả lời mà không có phần cật vấn, tranh luận.
Người ta tự hỏi, Ban tổ chức đã hiểu quyền tự do ngôn luận như thế nào mà điều hành một cuộc “thảo luận” y chang kiểu họp dân phố tại Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Còn hơn trong nước về hình thức quan liêu rất nhiều khi những người tự nhận là cựu sĩ quan của Quân đội Việt Nam Cộng Hoà lăng xăng “bưng bê” một cựu cán binh cộng sản.
Theo thông lệ quốc tế, ký giả có thể đặt câu hỏi trực tiếp với nguyên thủ quốc gia, kể cả không dính dáng tới chủ đề cuộc họp báo. Và, có thể “vặc” lại nếu chưa vừa ý.
Nếu, không trả lời, bài báo sẽ viết vị nguyên thủ “né”, hàm ý “đuối lý” nên rất hiếm khi từ chối trả lời.
Vì thế, dù bị câu hỏi “móc họng” cũng phải ráng trả lời vòng vo chứ chưa ai bảo “câu này ngoài nội dung cuộc họp báo”. Người hỏi cũng không bị khiển trách và đe doạ sử dụng hệ thống truyền thông của mình để phản bác như Điếu Cày hăm he ít nhất 2 lần trong cuộc nói chuyện.
Ban tổ chức cũng như Điếu Cày đã lầm lẫn giữa toà án pháp luật và toà án dư luận. Chỉ có Toà án pháp luật mới phán quyết bản án có hiệu lực thi hành. Toà án dư luận chỉ đòi giải thích những nghi ngờ đối với hành động, lời nói của bất cứ ai, nhưng, không có biện pháp chế tài đi kèm.
Ký giả Duy Văn chỉ thắc mắc về Hồng Thuận, người bị nghi ngờ điều hành trực tiếp Tổ chức các Nhà báo Độc lập của Điếu Cày, cần được giải thích.
Nét mặt cố làm ra vẻ hiền hoà, với đôi mắt láo liên của Điếu Cày bổng long lên sòng sọc, giọng nói gay gắt để “giáo huấn” về nguyên tắc làm báo cho Duy Văn thay cho lời giải trình thoả đáng.
Ứng cử viên tổng thống năm 2016, Hillary Clinton, bị báo chí Mỹ cáo buộc lem nhem tiền bạc, phi tang 30,000 email, “ăn nem” cùng cựu thị trưởng Arkansas … cố biện minh mà không hề nặng lời hoặc đòi thưa ra toà, hoặc cho ra lệnh các “dư luận viên” mạt sát bất cứ ai dám hạch hỏi.
Tổng thống George W. Bush bị một cử toạ la hét vẫn nói đó là quyền tự do ngôn luận.
Tổng thống Barack Obama bị cáo buộc xài khai sinh giả, xây dựng chủ nghĩa xã hội cực đoan vẫn phải công bố “giấy khai sinh thật” mà cũng chưa được dư luận tin.
Những lời cam kết tôn trọng quyền tự do ngôn luận khi chào hỏi cử toạ của Điếu Cày đã bay theo cơn thịnh nộ.
Cổ nhân thường nói “non sông dễ đổi, bản tính khó dời!”.
Câu hỏi cho Điếu Cày về 3 kết luận liên quan đến Hồ Chí Minh là “tội đồ dân tộc”, hoặc “anh hùng dân tộc”, hoặc “yêu nước nhưng lầm đường”.
Điếu Cày trả lời vòng vo mà không hề nhắc đến tên Hồ Chí Minh lại ám chỉ “nhân vật” chẳng khác nào Cộng sản Việt Nam tố cáo “tàu lạ” xâm phạm hải phận, đâm chìm tàu đánh cá của người Việt.
Điếu Cày tự khoe đã tham gia vào internet từ năm 2000 và đọc rất nhiều mà sao chưa xác nhận được Hồ Chí Minh làm lợi hay hại cho dân tộc. Câu hỏi đặt trực tiếp chứ không liên quan đến người Việt trong nước.
Chừng ấy năm tìm hiểu trên internet với tư cách “nhà truyền thông độc lập” chẳng lẽ Điếu Cày không biết ai lập ra “nhà tù tư tưởng” cho dân tộc. Vậy, phải bao nhiêu năm nữa, Điếu Cày mới thuyết phục được dân chúng trong nước biết đâu là nguyên nhân gây ra thảm họa khủng khiếp nhất trong lịch sử Con Rồng Cháu Tiên? Hơn nữa, không có chính kiến dứt khoát thì làm sao thuyết phục dư luận?
Nhờ văn khố các nước cựu cộng sản và cộng sản hé mở một giai đoạn ngắn sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt mà các nhà nghiên cứu quốc tế mới đúc kết thành tác phẩm Hắc Thư (Livre Noir du Communisme) liệt kê tội ác của chủ nghĩa Mác-Lê-Mao do các đồ tể cộng sản, kể cả Hồ Chí Minh đã giáng lên đầu nhân loại.
Còn biết bao nhiêu bài nghiên cứu liên quan về thân thế và sự nghiệp của Hồ Chí Minh do các học giả quốc tế công bố khác hoàn toàn với Hồ Chí Minh Toàn tập của đảng Cộng sản Việt Nam.
Chừng ấy tài liệu chưa đủ để cho một “nhà làm truyền thông” như Điếu Cày có được một nhận định về Hồ Chí Minh hay sao?
Ở đâu, Điếu Cày cũng tìm cách đánh bóng thành tích tuyệt thực trong nhà tù mà khó kiểm chứng.
Vụ “bóc mẽ” năm 2005 giữa các nhà tự xưng “ngọn cờ đầu” của cuộc đấu tranh dân chủ tại Việt Nam mà nếu công an không “xì ra” thì làm sao Dương Thu Hương có chứng cớ để tố Hà Sĩ Phu, Nguyễn Thanh Giang sống vương giả (so với đa số dân Việt) như thế nào ở trong tù.
Điếu Cày ca tụng “đa số thầm lặng” dù không ai biết được con số bao nhiêu mà cứ vơ vào phe mình! Thầm lặng tức là “cam chịu”, tức là “không có chính kiến” phỏng có ích gì cho công cuộc phá vỡ xích xiềng cộng sản và xây dựng đất nước?
Điếu Cày hô hào đoàn kết, nhưng, thực tế đã tạo được sự phối hợp hành động nào với các nhà hoạt động cho nhân quyền và dân chủ quốc nội cũng như hải ngoại, kể cả những kẻ thoát thai từ chế độ cộng sản như Dương Thu Hương, Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, Nguyễn Chính Kết, Huy Đức …
Khi chấp nhận mỗi người có suy nghĩ khác nhau, có phương pháp đấu tranh khác nhau thì đừng vì “cái tôi” mà chê bai kẻ khác như người mù sờ voi!
Các nhà đấu tranh tại Ba Lan, Tiệp Khắc đoàn kết được với nhau vì Lech Walesa và Vavlav Havel thuộc gia cấp bị trị và các nhà trí thức cộng sản tình nguyện phục vụ dưới trướng của Walesa và Havel nên mới đẩy được đảng cộng sản sang bên lề quyền lực. Nếu Walesa và Havel đứng dưới trướng của các cựu đảng viên cộng sản thì Ba Lan và Tiệp Khắc chắc chẳng khác Việt Nam !
Một vài thanh niên ở Trung Đông đã sử dụng công nghệ thông tin hiện đại để kêu gọi hàng chục, hàng trăm người xuống đường đòi quyền sống.
Một học sinh ở Hồng Kông cầm đầu cuộc “Cách mạng Dù” làm rung rinh Bắc Kinh.
Những nhà đấu tranh ở trong nước vận động được bao nhiêu “người thầm lặng” cùng nhau xuống đường hay chỉ tìm cách đánh bóng cá nhân trong khi Đại sứ Ted Osius cho biết Việt Nam hiện nay có 40 triệu người sử dụng Internet và Facebook?
Đừng “chạm nọc” khi nghe người khác có ý kiến hoặc nhận định khác với mình mà hãy so sánh, đối chiếu để tìm ra giải pháp tối ưu hơn.
Ai cũng dễ nhận biết Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày sang Mỹ đều nằm trong kịch bản bang giao Hoa Kỳ-Việt Nam, chứ không phải do sự chọn lựa để Điếu Cày có quyền sang Gia Nã Đại mà đoàn tụ với con gái.
Điếu Cày xuất hiện tại Khu Hội Cựu Tù nhân Chính trị San Jose có thể nhằm bước đầu làm giảm bớt sự chống đối của khối người bị ngược đãi nhất sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 trong kịch bản hoà giải Quốc-Cộng. San Jose từng đón tiếp rình rang cựu đảng viên cộng sản cao cấp Hoàng Minh Chính năm 2005 nên Điếu Cày ít bị phản đối hơn.
Ted Osius không muốn chụp hình với cờ vàng ba sọc đỏ vì sợ gây khó khăn trong vai trò Đại sứ tại Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam dù công khai tuyên bố tôn trọng lá cờ này và không chống bất cứ ai đeo huy hiệu đó.
Viên chức cao cấp Murray Hiebert của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (Center for Strategic and International Studies) ở Hoa Thịnh Đốn đã đích thân ngăn cản và xin lỗi Bác sĩ Nguyễn Thể Bình vào nghe Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng phát biểu hôm 8 tháng 7 năm 2015.
Bình hoạt động chống cộng tích cực tại Hoa Kỳ từng tham dự nhiều sự kiện tại Trung tâm này và được giấy mời khi Trọng tới.
Trong bài Hà Nội 'mua ảnh hưởng' ở Washington thế nào (How Hanoi Buys Influence in Washington, D.C.) đăng hôm 4 tháng 8 năm 2015, tác giả Greg Rushfordđã bóc trần việc dùng tiền mua ảnh hưởng chính trị.
Hãng vận động hành lang Podesta Group có mối quan hệ với các nhân vật chính trị quan trọng của Hoa Kỳ được Hà Nội trả 30,000 USD mỗi tháng.
Hiebert đồng tác giả trong tài liệu nghiên cứu năm 2014 của Trung tâm có tên “Kỷ nguyên Mới trong mối Quan hệ Việt-Mỹ” (A New Era in U.S.-Vietnam Relations).
Nó có liên quan gì với số tiền từ 50,000 đến 500,000 USD trong năm 2014 mà trang nhà của Trung tâm này liệt kê do Việt Nam hiến tặng?
Cù Huy Hà Vũ thủ vai trò chỉ trích gay gắt và chất vấn trực tiếp các viên chức cộng sản tại các diễn đàn quốc tế.
Điếu Cày lo len lõi vào ngành truyền thông và các hội đoàn người Việt hải ngoại để vận động hoà hợp hoà giải và làm phai nhạt mục tiêu lật đổ chế độ cộng sản mà tập trung cho đấu tranh nhân quyền theo đúng cam kết của Tổng thống Barack Obama và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Mong sao Con Hồng Cháu Lạc hiểu được bàn cờ thế giới hiện nay mà tìm giải pháp thích hợp cho quyền lợi trường cữu và tối thượng của dân tộc.
Đại-Dương
ngày 10 tháng 8 năm 2015

0 comments:

Powered By Blogger