...Ở
đất nước này có quá nhiều phụ nữ đã mất cả chồng lẫn con cho một cuộc
cách mạng mà thành quả mang lại chỉ là những mảnh đời bầm dập, te tua
hay cùng quẫn. Điều duy nhất mà những bà mẹ Việt Nam anh hùng được đền
bù cho sự hy sinh của mình là một cái tượng đài rất lớn, và rất mắc...
Cả dân tộc này đã bị bêu riếu và làm nhục lâu rồi, chứ đâu có riêng chỉ
những bà mẹ Việt Nam anh hùng và... nhẹ dạ!...
*
“Xây tượng đài hoành tráng cũng như nhà nghèo nuôi voi chơi.” - Phạm Trung
Lúc nhỏ, tôi rất thích nuôi chim. Đến già tôi vẫn còn (hơi) thích nhưng
lười nên chơi chim theo kiểu “thiên nhiên,” nghĩa là thưởng thức chim
trời mà khỏi cần phải nuôi nấng gì ráo trọi.
Tất cả những vùng đất mà tôi đã đi qua đều có chim se sẻ. Có lẽ đây là
giống chim gần gũi nhất với loài người. Cứ ngồi một lát ở một quán vỉa
hè nào đó, tại bất cứ nơi đâu, cũng đều có thể thấy năm bẩy chú se sẻ
đang loanh quanh kiếm ăn cạnh đó. Nhìn những bước chân chim quen thuộc,
nhẩy nhót nhẹ nhàng (không dưng) cũng thấy lòng hơi thanh thoát, và cuộc
sống bỗng hoá nhẹ nhàng.
Có sáng dậy muộn, nằm lơ mơ nghe tiếng chim ngày cũ (ríu rít trên nóc
nhà) mà cứ ngỡ như mình chưa bao giờ rời khỏi quê hương - dù chỉ một
ngày - và chợt thấy tâm hồn cũng được đôi phần an ủi.
Niềm vui đơn sơ và hoàn toàn miễn phí của tôi, xem ra, không được mọi
người chia sẻ. Ở quê tôi bây giờ có người nuôi tép kiểng rất mắc tiền
cùng với kỹ thuật chăm sóc công phu. Có vị còn chơi chó ngao Tây Tạng mà
gía mua đến cả trăm ngàn Mỹ Kim, và chỉ riêng chi phí về thực phẩm cũng
có thể bằng tiền lương của một công nhân mỗi tháng.
Một cá nhân có thể chơi ngông mà không gây phiền hà hoặc thiệt hại đến
ai nhưng cả một đất nước mà cũng muốn thể hiện đẳng cấp quốc gia (ngông
nghênh) y như vậy thì vấn đề lại hoàn toàn khác. Tuần qua, báo chí trong
nước đồng loạt đi tin:
Sau gần 7 năm thi công,
tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng ở tỉnh Quảng Nam sắp hoàn thành và có
thể trở thành tượng đài lớn nhất Đông Nam Á với kinh phí xây dựng lên
đến 411 tỷ đồng. Vốn ban đầu dự tính là 55 tỷ đồng, nhưng trước thời
điểm khởi công, dự án đã đội giá lên 120 tỷ đồng. Năm 2011, tỉnh Quảng
Nam ra quyết định bổ sung 330 tỷ đồng, nâng tổng số tiền đầu tư lên 411
tỷ đồng, gấp nhiều lần số tiền được phê duyệt ban đầu, nhằm xây dựng
công trình quy mô tượng đài lớn nhất Đông Nam Á.
Lãnh đạo ngành VHTT&DL
tỉnh Quảng Nam cùng nhiều chuyên gia nghệ thuật điêu khắc trong nước
khẳng định: Số tiền 411,2 tỷ đồng dự kiến dành xây công trình tượng đài
Bà mẹ VNAH tại núi Cấm - Tam Kỳ “không hề lãng phí”.
Nguồn: Dân Luận
Chỉ có mỗi ông chuyên gia nghệ thuật Phạm Trung là có ý kiến trái chiều: “Xây
tượng đài hoành tráng cũng như nhà nghèo nuôi voi chơi... Tôi có thể
khẳng định, với hình thức làm tượng đài ngày càng phóng to về quy mô,
bảo thủ về hình thức và kỹ thuật, tiêu tốn ngày càng nhiều tiền mà lại
lồng ghép nhiều công năng trái chiều.... thì đó sẽ là một sự thất bại về
mặt nghệ thuật của VN. Tượng mẹ VN là ví dụ chung cho sự thất bại này.”
Vietnamnet cho biết thêm chi tiết:
Tượng cao 18m, dài theo hình cánh cung 120m. Bên trong khối tượng là
Nhà tưởng niệm mẹ Việt Nam anh hùng có diện tích 400m², có bia ghi danh
gần 50.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng trên khắp cả nước, giới thiệu hình
ảnh, cuộc đời và sự cống hiến của Mẹ đối với Tổ quốc.
Trong số “gần 50.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng trên khắp cả nước” thì
riêng huyện Củ Chi đã có đến “715 bà mẹ VN anh hùng,” và “1.800 người
được phong dũng sĩ.”
Đây là con số thiệt đáng kể và vô cùng đáng nể. Thảo nào mà vùng đất này đã được mệnh danh là “đất thép,” như ghi nhận của Wikipedia:
“Địa đạo Củ Chi là một hệ thống phòng thủ trong lòng đất ở huyện Củ Chi,
cách Thành phố Hồ Chí Minh 70 km về hướng tây-bắc. Hệ thống này được
Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đào trong thời kỳ Chiến
tranh Đông Dương và Chiến tranh Việt Nam. Hệ thống địa đạo bao gồm bệnh
xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, hệ thống đường
ngầm dưới lòng đất. Hệ thống địa đạo dài khoảng 200 km và có các hệ
thống thông hơi vào các vị trí các bụi cây. Địa đạo Củ Chi được xây dựng
trên vùng đất được mệnh danh là "đất thép", nằm ở điểm cuối Đường mòn
Hồ Chí Minh. Trong Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Mặt trận Dân tộc Giải
phóng miền Nam Việt Nam đã sử dụng hệ thống địa đạo này để tấn công vào
Sài Gòn.”
Tuy thế, sau khi Sài Gòn thất thủ thì người dân ở vùng “đất thép” lại bỏ
quê để đi tìm đất mới, như lời cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt:
“Ông kể một hôm nào đó ông về Củ Chi thăm một bà má cơ sở đã che chở
ông thời kỳ chiến tranh và được bà khoe với ông rằng số tiền bà dành dụm
được bấy lâu bà đã lo cho một đứa cháu nội vượt biên, thoát rồi! Nhưng
chưa hết: ông chưa kịp có ý kiến gì thì sau khi nhỏn nhoẻn chùi xong vết
trầu ở miệng bà cho biết tới đây bà sẽ bán miếng đất kế bên lấy tiền
cho đứa cháu ngoại đi tiếp cho... nội ngoại công bằng!”
Cháu chắt của qúi bà mẹ Việt Nam anh hùng, ở Củ Chi, nếu không đi vượt biên thì đi ăn cướp – theo tin của tờ Việt Báo:
“Ngày 16/5, Trung tá Nguyễn Ngọc Anh, Phó Đội trưởng đội Cảnh sát
điều tra tội phạm về trật tự xã hội công an huyện Củ Chi, TP.HCM cho
biết cơ quan này đã bắt được 6 đối tượng trong băng nhóm chuyên cướp tài
sản của người dân với những thủ đoạn hết sức nguy hiểm. Đó là các tên
Đào Văn Đức (SN 1986), Nguyễn Thị Ngọc Dung (SN 1990), Đào Duy Thịnh (SN
1997), Lê Trọng Thảo (SN 1993), Nguyễn Kim Ngọc (SN 1993), Nguyễn Minh
Sang (SN 1994), tất cả cùng ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM.”
Ảnh: Ái Minh. Nguồn: Việt Báo
Sao lại đến nỗi vậy?
Chỉ vì bần cùng thôi!
Người dân Củ Chi ngày nay nếu không ăn cướp thì không ít kẻ cũng đến mức
phải ăn mày, nghĩa là sống nhờ vào lòng hảo tâm của tha nhân - theo Phụ Nữ Thời Đại, số ra ngày 20 tháng 10 năm 2014:
“Chương trình ‘Hạt gạo chia đôi’ đã thành công tốt đẹp, hơn 200 phần
quà (bao gồm 10 kg gạo, 1 thùng mì, 1 chai dâu ăn, nước mắm, nước
tương…) cho 200 hộ nghèo, neo đơn huyện Củ Chi. Tuy những món quà đó
không đáng bao nhiêu nhưng với tấm lòng vàng của BTC và tình cảm của các
anh chị em ca sĩ, nghệ sĩ hi vọng sẽ xoa bớt nổi buồn của những mảnh
đời bất hạnh.”
Cách tự lực duy nhất của người dân Củ Chi hiện nay là trồng “rau bẩn” -
loại rau mà họ chỉ trồng để bán chứ không dám ăn vì sợ độc - như tường
thuật của phóng viên Minh Sáng, báo Nông Nghiệp Việt Nam:
Chạy dọc theo tuyến đường xuyên Á hướng về tới huyện Củ Chi, khi vừa
rẽ vào khu vực trồng chuyên canh rau của xã Tân Phú Trung, chúng tôi đã
ngửi thấy nồng nặc mùi hôi của các loại phân, thuốc từ các vườn rau lan
tỏa khắp nơi.
Dù đang giữa trưa nắng nóng như đổ lửa nhưng trên những vườn rau xanh
mướt, nhiều chủ vườn vẫn đang lúi húi chăm bón, cắt tỉa và nhổ rau cho
kịp chợ.
Tôi ghé vào thăm vườn rau của một người quen ở xã Tân Phú Trung đang
thời điểm thu hoạch. Vừa thấy khách quen lâu ngày mới gặp, anh N, chủ
vườn vội ngưng nhổ rau chạy ra đon đả: “Vào nhà đi, cũng đến bữa rồi đợi
mình chạy kiếm chút mồi về rồi nhậu nghe”.
Tôi liền bảo: “Thôi, chỉ cần cho ăn bữa rau no là được rồi”.
N ngần ngại lắc đầu: “Không được đâu, rau này trồng để bán chứ không ăn được”.
Thấy tôi nhắc mãi, N đành phải chạy sang vườn nhà kế bên xin được ít
rau muống tạm cho là sạch vì họ trồng riêng vào một góc vườn không phun
thuốc, không bán, chỉ để nhà ăn...
Củ Chi, nói nào ngay, không phải là địa phương duy nhất ở Việt Nam đã
sản xuất ra hơi nhiều mẹ VN anh hùng và liệt sĩ. Đây cũng không phải là
nơi độc nhất mà người dân đang phải sống nhờ vào lòng từ thiện, hay bằng
cách trồng rau bẩn - nếu không muốn trở thành đạo tặc.
Củ Chi, nghĩ cho cùng, chỉ là hình ảnh của một Việt Nam thu nhỏ. Ở đất
nước này có quá nhiều phụ nữ đã mất cả chồng lẫn con cho một cuộc cách
mạng mà thành quả mang lại chỉ là những mảnh đời bầm dập, te tua hay
cùng quẫn. Điều duy nhất mà những bà mẹ Việt Nam anh hùng được đền bù
cho sự hy sinh của mình là một cái tượng đài rất lớn, và rất mắc - theo
như nhận xét và so sánh của một blogger, trên trang Dân Làm Báo:
Tượng của 4 người khai sáng ra nước Mỹ là George Washington, Thomas
Jefferson, Theodore Roosevelt và Abraham Lincoln được đục đẽo vào trong
khối đá thiên nhiên của núi Rushmore.
Thứ 1 vì đây là núi đá thiên nhiên có sẵn, chứ không phải chở đá từ
nơi khác đến nên HOÀN TOÀN MIỄN PHÍ, KHÔNG TỐN 1 CẮC CỦA DÂN về vấn đề
nguyên liệu.
Thứ 2 vì đây là đá thiên nhiên, có độ chịu đựng mưa nắng gió cát rất
cao, lại được tạc vào phía trước của núi, phía sau vẫn có 1 mảng núi che
chắn, và có các khe rãnh được khơi đặc biệt để thông nước, nên chỉ cần
bỏ công điêu khắc 1 lần là có thể tồn tại mãi với thời gian, KHÔNG TỐN
TIỀN TU SỬA GÌ CẢ!
Thứ 3 các bức tượng được điêu khắc rất sống động. Tượng nào cặp mắt
cũng mở to nhìn về phía trước, rất có thần, nhìn thấy uy nghi oai phong.
Tượng 2 ông Washington và Lincoln ở phía trước thì được điêu khắc có bờ
vai và cổ áo đàng hoàng, nên nhìn không giống như bị chặt đầu đem cắm
lên đó.
Còn nhìn lại tượng Mẹ VNAH của CSVN thì sao?
Thứ 1 là tự nhiên chở 1 đống đá đến đó xây tượng, nên mới quá tốn kém, tốn đến 411 tỷ đồng tiền thuế xương máu của dân...
Thứ 2 là xây tượng đài chơ vơ giữa đồng trống, chỉ có mỗi cái đầu mẹ
nhô ra, lại là đá nhân tạo, thi bảo đảm chỉ trong vòng 10 năm là mưa
nắng gió cát sẽ xoi mòn cái đầu và cái mặt mẹ, sẽ không còn ra hình thù
gì, và lúc đó sẽ lại TỐN TIỀN TRĂM TỈ ĐỂ TU SỬA! Mà 1 cái đầu nhô ra như
vậy bị xoi mòn thì làm sao mà sửa? Chẳng lẽ chặt đi khắc cái đầu khác
gắn vào?
Thứ 3 là điêu khắc quá tệ. Mẹ VNH gì mà 2 mắt nhắm tịt, trán thì nhăn
lại, mặt mày cau có như đang chịu đựng đau đớn khổ sở, nét mặt nhìn
không uy nghi cũng chẳng hiền từ, ngược lại nhìn giống như mẹ bị chặt
đầu đem cắm ra đó để bêu riếu vậy!
Cả dân tộc này đã bị bêu riếu và làm nhục lâu rồi, chứ đâu có riêng chỉ những bà mẹ Việt Nam anh hùng và... nhẹ dạ!
0 comments:
Post a Comment