Trở Về Trang chính

Saturday, September 27, 2014

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa: Phong trào Chúng Tôi Muốn Biết rất cần thiết và trúng đích

  Trở về sau 6 năm tù đày khắc nghiệt, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa khẳng định sẽ tiếp tục dấn thân vào con đường đấu tranh dân chủ cho Việt Nam. Một trong những hành động đầu tiên mà ông thực hiện đó chính là việc công khai ủng hộ và tham gia chiến dịch Chúng Tôi Muốn Biết do Mạng Lưới Blogger Việt Nam phát động.

Sau hơn 2 tuần nghỉ ngơi và dành nhiều thời gian tìm hiểu về những chuyển biến của đất nước sau suốt 6 năm vắng mặt, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đã có cuộc trao đổi với Danlambao về niềm tin và hy vọng đối với phong trào đấu tranh dân chủ tại Việt Nam.

*

Dân Làm Báo: Xin được gửi lời chào mừng và lời chúc sức khoẻ đến với nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa. Vừa qua sau khi Mạng Lưới Blogger Việt Nam phát động phong trào "Chúng Tôi Muốn Biết" vào ngày 2/09/2014, Danlambao có thấy nhà văn đăng tải hình ảnh trên trang Facebook cá nhân của mình hưởng ứng phong trào, ông có thể chia sẻ thêm về việc này với bạn đọc được không?

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa: Xin cám ơn Danlambao sau những lời và hỏi thăm sức khỏe. Tôi ra tù ngày 11.9, về đến nhà đã được hưởng một không khí lạc quan trước sự lớn mạnh của phong trào dân chủ, khác hẳn 6-8 năm về trước. Chỉ sau hai ba ngày tôi đã phần nào cập nhật được những thông tin về các tổ chức xã hội dân sự và những cá nhân hoạt động hiệu quả trong các tổ chức này, trong đó có Mạng Lưới Blogger Việt Nam với phong trào “Chúng tôi muốn biết”.

Đúng là một cuộc vận động cho dân chủ, nhưng lại có một mục tiêu khá cụ thể. Từ khi đảng Cộng sản lên nắm quyền, nhân dân Việt Nam đã bị bịt mồm, bịt mắt. Sự bịt mồm bịt mắt này đã tạo ra một lỗ hổng lớn trong nhận thức của người dân về thực trạng kinh tế, xã hội, chính trị của đất nước, trong các quan hệ ngoại giao phục vu lợi ích cai trị của chính quyền độc tài mà bỏ qua lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Lỗ hổng về thông tin đó cũng triệt tiêu luôn tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” mà chính quyền độc tài trưng ra để lừa bịt dân chúng nhiều năm nay. Biết, Bàn, Kiểm tra làm sao được khi mà rất nhiều thông tin không được công khai vì bị cho là nhạy cảm và nếu có đưa ra cũng bị cắt xén, xuyên tạc.

Tất cả nhằm mục đích để người dân hiểu một cách sai lệch rằng ĐCS rất 'sáng suốt' khi tiến hành cái gọi là 'cải cách ruộng đất' hồi thập niên 50, rất 'thông minh' khi ký công hàm gởi Trung Quốc năm 1958… Qua đó triệt tiêu mọi nghi ngờ của người dân đặng giữ vững ách cai trị.

Bởi vậy phong trào “Chúng tôi muốn biết” được phát động lúc này là rất cần thiết và trúng đích. Người dân có quyền được biết các chính sách kinh tế, xã hội, ngoại giao của nhà cầm quyền, qua đó mới có thể “Biết, bàn, Kiểm tra” được xem các chính sách đó có thực sự làm cho “dân giàu, nước mạnh” hay không, có thực sự là yêu nước, hay là bán nước phục vụ cho lợi ích nhóm.

Rất cám ơn MLBVN đã có một cuộc vận động rất cụ thể, “sát sườn” cho phong trào dân chủ. Tôi nghĩ cuộc cách mạng dân chủ hóa đất nước sẽ đi lên từ những cuộc vận động nhỏ này. 


Danlambao: Cám ơn những chia sẻ của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, và với kinh nghiệm của một người đấu tranh đi trước, xin ông có thêm những góp ý thiết thực và thẳng thắn cho phong trào "Chúng Tôi Muốn Biết" được lan rộng hơn.

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi mới ra tù, biết có phong trào này là hưởng ứng ngay. Tôi cũng tin những người khởi xướng đã có một tâm thế để phong trào được lan rộng, nhằm thức tỉnh ý thức của những ai còn mơ hồ rằng “đảng Cộng sản là đội quân tiên phong của dân tộc Việt Nam, trung thành với quyền lợi của đất nước và dân tộc…” như họ đã từng lừa bịp.

Danlambao: Theo đánh giá của nhà văn, phong trào Chúng Tôi Muốn Biết có thể thúc đẩy sự lớn mạnh của phong trào dân chủ tại Việt Nam nói chung hay không?

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa: Phong trào “Chúng tôi muốn biết” là phong trào đòi hỏi rất chính đáng và thiết thực. Chúng ta sẽ  đẩy mạnh cuộc cách mạng dân chủ hóa đất nước bằng những hoạt động “sát sườn” này.  

Chắc chắn chúng ta sẽ có những cuộc vận động nữa như đòi hỏi được quyền biểu tình - không chỉ là biểu tình chống những hành vi bành trướng, xâm lược của nhà cầm quyền Trung Quốc mà còn là những cuộc biểu tình chống lạm phát, chống  tham nhũng, và trước mắt là đòi hỏi cho công đoàn độc lập, các tổ chức độc lập của nhà báo, nhà văn… được pháp luật thừa nhận để được hoạt động trong hành lang pháp lý như các quốc gia có dân chủ trên thế giới… 

Và khi thắng lợi, trên cái nền đó, chúng ta sẽ đạt đến một cấu trúc xã hội đa nguyên, một nền chính trị đa đảng, làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển vượt trội của quốc gia, thực sự hòa nhập toàn diện với thế giới văn mính, lúc đó dân tộc ta mới thực sự được gọi là có trách nhiệm với toàn nhân loại.

Danlambao: Cám ơn nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đã dành thời gian buổi trò chuyện. Thay mặt bạn đọc Danlambao, kính chúc nhà văn và gia đình thêm nhiều sức khoẻ và hạnh phúc.

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa: Xin cám ơn đã cho tôi cơ hội bày tỏ tinh thần đồng thuận.

*

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa sinh năm 1949 tại Nghệ An, là một trong những gương mặt tiên phong của Phong trào Dân chủ Việt Nam. 

Ông là thành viên ban điều hành của khối 8406 - một tổ chức chính trị được thành lập vào năm 2006 góp phần mở ra những vận hội lớn đối với cuộc đấu tranh đòi tự do, nhân quyền cho nhân dân Việt Nam.

Năm 2008, ông bị bắt trong đợt đàn áp dữ dội nhắm vào giới đối lập Việt Nam, sau đó bị kết án 6 năm tù giam, 3 năm quản chế.

Vì sự can đảm và những đóng góp lớn lao cho phong trào dân chủ Việt Nam, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đã được trao nhiều giải thưởng cao quý của quốc tế như:

- Năm 2011, ông được trao giải thưởng Hellman/Hammett của tổ chức Human Rights Watch.

- Năm 2013, Trung Tâm Văn Bút Trung Hoa Độc Lập (ICPC) tại Hongkong trao giải thưởng 'Ngòi bút Can đảm Lưu Hiểu Ba'.

Trong 6 năm tù đày khắc nghiệt, ông đã trải qua nhiều nhà tù từ miền Bắc đến miền Trung, với các lần bị biệt giam vì đấu tranh đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho tù nhân. 

Ngày 11/9/2014, người tù bất khuất Nguyễn Xuân Nghĩa trở về sau khi mãn hạn bản án 6 năm tù giam trong một cơ thể suy kiệt với nhiều chứng bệnh trên người. Dù vậy, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa vẫn khẳng định: Không còn hơi sức để than thở, nhưng sức đấu tranh vẫn luôn tràn trề!


Danlambao

No comments:

Post a Comment