Trở Về Trang chính

Wednesday, March 5, 2014

Điều 4 - 44 công nhân đói ăn... & sứ mệnh

Điều 4 - Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013, ngay từ mục 1 đã ghi rõ rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân”. [1]

Công nhân - với đội tiên phong là Đảng Cộng Sản Việt Nam được nhắc một cách đầy tự hào ngày nay trong bản Hiến pháp và nhiều văn bản khác đã và đang ngày một khốn khổ vì đồng lương, chỗ ở; khốn khổ đến nỗi... câu chuyện ăn uống trở thành một bi kịch.

Họ có thể phải nhập viện vì buột ăn đồ ôi thiu, những thực phẩm mà họ biết chắc chắn là đồ quá đát, là thức ăn thừa được chế biến lại. [2]

Họ có thể nhập viện vì ăn nhiều trong tình trạng đói như trường hợp 44 công nhân công ty TNHH Lạc Tỷ 2 (khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, tỉnh Hậu Giang) vào ngày 1/3. [3]

Và thế là, một triệu chứng bệnh không phải là nan y, nhưng lại chữa mãi không thể dứt đó là sau bữa ăn của công nhân là triệu chứng đau đầu, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy.

Nếu sống sót qua bữa ăn thì người công nhân đối mặt với lương thấp. Thấp đến nỗi, họ sẽ không thể lấy chồng hoặc vợ được bởi mức lương mà họ nhận được chỉ giúp họ sống ở mức tối thiểu, hầu như không tiết kiệm được đồng nào để gửi về quê hỗ trợ gia đình. Do đó, không hề ngạc nhiên khi nghiên cứu của Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết “35,6% số người lao động được hỏi cho biết thu nhập của họ không đủ chi tiêu; 44,7% cho rằng phải chắt chiu, dành dụm và thật tiết kiệm mới đủ trang trải cuộc sống; 17,9% khẳng định tạm đủ trang trải cuộc sống gia đình; chỉ 1,9% cho biết đủ trang trải cuộc sống và có phần tích lũy” [4]. Còn tại phía nam, mức lương của công nhân theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP. HCM chỉ trung bình khoảng 3 triệu đồng/tháng; nhưng chi phí đó ngày một không sống nổi với tình hình vật giá cơ bản leo thang, thuế phí chồng phí thuế. Và vì chật vật cuộc sống nên mới có chuyện đoạn quốc lộ 1A trước cửa KCN Vĩnh Lộc (TP. HCM) nổi tiếng bất đắc dĩ với hình ảnh “đi xe đạp bán dâm” [5]

Chưa biết có bao nhiêu lãnh đạo từ cấp cao cho đến cấp thấp của Đảng và nhà nước tìm đến với đời sống công nhân xem họ ăn-ở-mặc như thế nào? Không biết bao nhiêu nhà tuyên giáo, lãnh đạo với trình độ sơ - trung - cao cấp chính trị tìm đến cái giai cấp ấy để biết họ đang muốn gì, nghĩ gì. Chỉ biết rằng, “mỗi thành phố lớn đều có một hoặc nhiều khu nhà ổ chuột là nơi giai cấp lao động sống chen chúc...[...] Đấy là những căn nhà tồi tàn nhất trong những khu tồi tàn của thành phố, thường là những dãy nhà gạch một hai tầng, hầu hết được xếp đặt lộn xộn, phần lớn đều có nhà hầm để ở [...] Ngoài ra khi đẹp trời, đường phố còn là chỗ phơi phóng: từ nhà nọ sang nhà kia, người ta chăng dây ngang qua đường, treo lủng lẳng những quần áo ướt sũng, rách nát”... Đó chính là nơi trọ của họ, những nơi trọ ẩm thấp, những nơi trọ 4 không [6].

Còn chợ [7] thì sao? “chợ họp ở giữa phố, các rổ rau và hoa quả- tất nhiên đều thuộc loại tồi và hầu như không thể ăn được- làm cho lối đi lại càng hẹp thêm, ở đó cũng như ở các hàng thịt, xông lên một mùi khó ngửi [...] Đây là nơi ăn, chốn ở của những người lao động ít lương, họ sống lẫn lộn với kẻ cắp, những kẻ bịp bợm, với những nạn nhân của tệ bán dâm” 

Vì thế, “phải nói rằng không có chế độ nào làm bại hoại cơ thể và tinh thần người lao động hơn là chế độ này”...

Thực tế đã minh chứng điều đó, khi nền tảng kinh tế bị phá bởi những quyết sách, quyết tâm chính trị của các vị lãnh đạo Đảng Cộng Sản, đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội - chính trị tụt dốc không phanh, thì giai cấp nông dân bị cướp đất một cách trắng trợn, còn giai cấp công nhân thì bị bóc lột bằng đồng lương 1 nhưng vật giá 10. Họ (công nhân) trực tiếp đối đầu với sự ảnh hưởng từ những quyết sách chính trị từ đội quân tiên phong đó; họ đối đầu trực tiếp với các tệ nạn phát sinh của một nền văn hóa - xã hội yếu kém, tha hóa; họ cũng đối đầu với sự tác động lớn lao của nền chính trị “làm thì láo, báo cáo thì hay”.

Do vậy, không ngoa khi nói rằng, đời sống công nhân Việt Nam thế kỷ 21 cơ bản không có gì thay đổi hay cải thiện so với đời sống công nhân thế kỷ 20, nếu có khác, thì đó là sự phổ cập trình độ đại học - cao đẳng - trung cấp ở tầng lớp này.

Vậy nên, “...Các bạn (công nhân) hoàn toàn có lý khi các bạn không mảy may mong chờ họ giúp đỡ bất cứ một điều gì. Lợi ích của họ hoàn toàn trái ngược với lợi ích của các bạn, mặc dầu họ luôn luôn cố gắng chứng minh ngược lại và cố làm cho các bạn tin là họ thật tình thông cảm với số phận của các bạn. Hành động của họ đã bác bỏ lời nói của họ.”

Bởi vì, cơn bệnh đói ăn của các bạn (công nhân), căn bệnh nhập viện sau mỗi bữa ăn của các bạn chính là căn bệnh quái thai ở một xã hội quái thai nảy sinh ra. Mà để giải quyết nó, giải quyết cái nhu cầu được ăn thực phẩm an toàn - được làm việc với đồng lương đủ ăn đủ để giữ lại, được ở những nơi có điều kiện cơ bản tốt, được gửi con cái ở những nhà trẻ an toàn, được bảo vệ một cách chính đáng trước những sai phạm - những sự bóc lột của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các bạn (công nhân) ấy cần phải đứng lên bằng suy nghĩ lẫn hành động. 

Nói một cách rõ hơn, Đảng Cộng Sản đã không còn đủ bản lĩnh, trí tuệ, uy tín lẫn khả năng để lãnh đạo quốc gia - dân tộc này nữa; không còn đủ uy tín và trách nhiệm để giúp các bạn (công nhân) có thể sống một cách cơ bản bằng sức lao động mình bỏ ra; không thể giúp họ có thể tránh được những bữa ăn ôi thiu; cũng không thể giúp họ có thể cưới chồng, cưới vợ bằng đồng lương lao động của mình... 

Công nhân lại một lần nữa có sứ mệnh của họ. Nhưng họ cần sự thức tỉnh và dẫn dắt trong sứ mệnh đó. Để người công nhân, thực sự nhận được cái họ đáng được nhận thay vì trông chờ vào những cái bánh vẽ, những lời hứa vu vơ của lãnh đạo Đảng Cộng Sản từ trước đến nay. 



____________________________








* Những dòng in nghiêng là được trích ra từ trong tác phẩm “Tình cảnh giai cấp lao động Anh” (Enghels) trên website 

No comments:

Post a Comment