Trở Về Trang chính

Wednesday, March 5, 2014

"Công an cùng một giuộc với chủ” - công nhân Trường Xuân

Hồng Hạc (Lao Động Việt) - Tuần trước, qua phóng viên Lao Động Việt, một số nông nhân ở Quảng Nam cho hay rằng nhà nước chiếm đất của họ. Tuần này, mời quý vị nghe công nhân ở Trường Xuân nói: Công an và chủ công ty là một.

■ "Nhớ con, khóc đến khi ngủ, mai lại đi làm, 1 ngày như mọi ngày"

Thành phố Tam Kỳ có nhiều quán nhậu và nhiều khu “đèn đỏ” vào bậc nhất miền Trung, và là nơi có giá thành tương đối đắt đỏ. Chính vì vậy, đời sống khốn khó của người công nhân càng trở nên co cụm, rúm ró trước xã hội.

Trang, người Trà My, công nhân ở công ty may Tuấn Đạt ở khu công nghiệp Trường Xuân, Quảng Nam, cho biết: “Nhiều lúc muốn ra chợ mua con gà về kho mặn ăn cho đỡ thèm, nhưng nghĩ đến hai đứa con nhỏ ở quê đang sống kham khổ cùng chồng em thì ứa nước mắt, quyết tâm nhịn”.

“Ở đây thì biết rồi, cứ đi làm và đi làm, hiếm có thời gian coi ti vi, đọc báo hay đi chơi gì đâu, làm xong, về phòng ăn cơm rồi chui vào ngủ, có khi nhớ con, vùi đầu vào gối khóc cho đến khi ngủ quên, ngày mai lại đi làm, một ngày như mọi ngày”.

■ "Nếu hư hỏng thì không chịu khổ đi làm công nhân đâu"

"Rục rịch một chút là bảo vệ gọi ngay công an. Sau đó công an mời lên đồn, xoa dịu hoặc răn đe. Nói chung, công an cùng một giuộc với giới chủ” - Thùy Dung, công nhân ở Trường Xuân 

“Sợ nhất là cảnh mấy đứa lương thấp ở gần phòng mình nó chơi đánh bài khuya, cãi nhau, có khi đánh nhau, rồi rủ nhau chích choác. Đồng tiền và sự nghèo khổ, khó khăn, cộng thêm một thứ ngột ngạt vô hình nào đó làm cho con người trở nên hư hỏng hết”.

“Trước khi vào đây làm, chắc chắn ai cũng mơ có công ăn việc làm ổn định, mơ có tương lai, nếu họ hỏng thì hỏng từ đầu rồi, không chịu khổ đi làm công nhân vậy đâu!”.

Theo lời ông B., nhân viên bảo vệ Tuấn Đạt: “Công nhân ở đây có nguy cơ sống không lành mạnh, cứ tranh thủ vừa tới giờ cơm trưa thì rủ nhau ra quán nước phía trước công ty ngồi đánh bài, có khi đánh bài quên cả cơm trưa, cho tới giờ làm việc, thay vì phải vào ngay, họ nấn ná cho hết ván bài mới vào”.

“Có mấy nhóm như vậy trong khu công nghiệp này, thường thì họ là những người làm công có mức lương thấp, chán nản và đổ liều. Có khi dẫn đến trộm cắp, làm ảnh hưởng đến những công nhân khác trong khu nhà trọ”.

Thùy Dung, người Quảng Ngãi, từng làm công nhân may từ Sài Gòn về Quảng Ngãi rồi lại ra Quảng Nam làm, cho biết: “Trong khu công nghiệp này, có nhiều cô tranh thủ đi làm thêm giờ, đi bán hoa cho mấy tay sòn sòn nhiều lắm. Nói chung, mấy ông có tiền bỏ tiền ra thuê một căn phòng, gọi là bao phòng, mấy cô này ban ngày đi làm, tối về phục vụ mấy ông này, tới tháng mấy ông cho một ít tiền nữa gởi về quê”.

“Đôi khi chính gia đình cũng là cơ quan bóc lột người công nhân nếu như họ không hiểu và thông cảm, cứ chờ tiền của họ gởi về mỗi tháng. Chính sự trông đợi của gia đình vào người công nhân khiến họ túng quẫn, đâm ra làm liều lĩnh...”.

■ "Nói chung, công an cùng một giuộc với giới chủ"

“Giới chủ thì bao giờ cũng vậy, điều họ quan tâm là tiền lãi, chi càng ít thì họ càng mừng. Chính vì vậy mà người công nhân nếu không biết đấu tranh, cứ thụ động làm việc và nhận lương, chuyện bị ép là thường tình. Nhưng bắt đầu từ đâu, đứng lên như thế nào, khó lắm, vì giới chủ luôn là bạn thân của công an. Ngay cả mấy ông bảo vệ ở đây, hằng tháng phải lên báo cáo trên công an”.

Thủy, công nhân công ty cây giống, cho biết thêm: “Chỉ cần rục rịch, có phản ứng thì bảo vệ gọi ngay công an. Sau đó công an mời riêng người có biểu hiện bất bình lên đồn, hỏi cần gì, hoặc là người đó được nâng lương cá nhân, về xoa dịu cả đám, hoặc là bị đuổi việc răn đe anh em còn lại. Nói chung, công an cùng một giuộc với giới chủ”.


chao@laodongViet.org

GHI CHÚ: Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do (gọi tắt: Lao Động Việt, web: laodongViet.org) là liên minh của các tổ chức lao động trong và ngoài nước gồm: Phong Trào Lao Động Việt, Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông, Công Đoàn Độc Lập, và Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam.

Lao Động Việt gửi Danlambao

No comments:

Post a Comment