Trở Về Trang chính

Sunday, May 5, 2013

Sự Thật

Tactful Bear

nvaplatoonleaderHơn 30 năm, hôm nay bật nhớ đến anh khi chuyện trò cùng bố, “Cái anh Việt Cộng, con rể bác Th., dạo ấy nhà mình không nhờ nhưng chắc người khác dùng anh ấy nhiều lắm.” Bố cười, chậm rãi như bao giờ, “Anh Tn đấy à! Anh ấy hiền lành, thật thà và có tấm lòng tốt.”
Chiếc xe màu lá mạ, xậm hơn màu áo quần bộ đội, dừng trước cửa nhà; một người bước xuống với cái cặp đứng bằng da nhỏ màu nâu đeo quàng qua vai. Xe có tài xế. Chắc anh ta không phải là anh lính trơn. Chiếc cầu vai đầy sao và vằn vệt nhiều đường màu vàng nằm trên cái nền đỏ chót. Ngó nghênh ngáo cái số nhà một chập, bước đi nhẹ như hơi nhún nhẩy của người vác ba lô đi rừng mang dép lốp ô tô dạo ấy, vào trước thềm.
- Dạ thưa đây có phải nhà ông Ca không ạ?
Mẹ đang đứng trước cửa, chẳng hiểu việc gì, hơi lo.
- Dạ đúng, tôi là vợ ông Ca!
- Mợ! Cháu là Tn, chồng của Đ., con thứ ba của bố mẹ cháu là ông Th. và bà D.
Hai con người nhận họ hàng với nhau như thế vào những ngày đầu tháng Năm khi Sài Gòn vẫn là Sài Gòn. Mẹ mời anh vào nhà, làm cơm gia đình ăn chung. Tay anh cầm cái gói giấy màu vàng đất gọn lỏn trong lòng bàn tay. Anh đặt cái gói ấy lên bàn, “Cháu biếu cậu mợ ít quà!”
Gói đường cát vàng ấy chắc là phần lương thực hàng tháng của anh sĩ quan cấp cao trung của tòa báo Sự Thật, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng Sản Việt Nam trực thuộc Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng.
Anh cho biết có thằng cháu vừa sinh. Bố mẹ mua cho bộ quần áo trẻ con mới làm quà. Anh hỏi thăm nhà thím Thu. và bác Kh. để đi thăm họ hàng bên vợ. Anh có ý dắt Bố sang bên phường đội nằm xéo trước cửa giới thiệu.
Bố ngại và gạt phăng
-Tôi chả làm tội tình gì, chẳng cần sang bên đấy!
- Thế mà nhất quen, nhì thân đấy Cậu ạ!
Bố cười và lảng sang chuyện khác. Người ta chưa hiểu rằng cả miền Nam đều có tội!
Vài tháng sau, anh Việt Cộng lại ghé nhà thì được biết mấy đứa con ông cậu đã đi tù tập trung trong Trại Cải Tạo. Lần này, anh nhất định chở ông cậu vợ sang bên phường đội, giới thiệu.
- Đây là ông cậu tôi! Gia đình cách mạng cả đấy!
Bố nghĩ thầm, “Chắc mình là gia đình cách mạng vì có ông anh tên là Phạm văn Đồng hiện đang ở Hà Nội tuy không làm thủ tướng thủ quân gì cả!”
Sau những đợt đổi tiền với những dã tâm của nhà cầm quyền mới, nhà tôi chỉ có vừa đủ hay hơi dư tí đỉnh. Bố mẹ biết giữ vàng làm của từ những ngày Việt Minh mới nổi lên ở miền Bắc những năm 30-40. Ngay những ngày đầu bộ đội bước vào Sài Gòn, bố đã cạo dần cái tên cửa hiệu mỗi khi trời chập tối cho hàng xóm không ai để ý đến sự lo lắng của mình. Hai chữ H.L. màu sơn đỏ trên nền gạch đá mài trắng đốm đen vẫn thấy được lờ mờ, nếu để ý kỹ. Mặt bàn đá Ý ở phòng khách, bố quay ngược mặt nhám lên trên, càng nhem nhuốc càng tốt ở thời mới. Mỗi đứa con là một chiếc xe đạp, thế là sang trọng lắm rồi, là mơ ước cả đời của lắm người dân, cán bộ mọi cấp của miền Bắc chống Mỹ cứu nước… Nga, nước… Tàu.
Khu Dakao, Saigon
Khu Dakao, Saigon
Cái nhà thì không cách nào che dấu vì may mắn không có vết tích của chiến tranh. Cả cái dãy phố ấy, chỉ có nhà H.L. là nhà ba từng, lại chạy dài hai mặt đường, Đinh Tiên Hoàng và Nguyễn Văn Giai, trông thật lồ lộ chướng mắt giai cấp vô sản khi đi từ xa lộ quẹo vào khu Đa Kao. Thế mà thời vô sản đánh hữu sản, nhà tôi lại không bị đuổi ra khỏi nhà về vùng kinh tế mới rừng thiêng nước độc.
Bố cho rằng có hai cái may khi tìm cách để hiểu. Cô gái đi kiểm kê nhà cửa trước đó, theo bước thang lên từng trên, ngang qua cánh cửa vào gác lửng, không để ý nên chẳng ghi chép gì thêm cái từng làm nhà kho này. Khi bước lên sân thượng, cô định ghi thêm một từng thì Bố nói, “Trên này không phải chổ ở cô ạ, chúng tôi chỉ phơi quần áo, như cái mái nhà thôi!”
- Thế hả Bác! Mái nhà thì ghi làm gì hả Bác!
Cô gái dân Sài Gòn làm việc cho có lệ theo như nhận xét của Bố. Chắc chuyện giới thiệu của anh Việt Cộng cũng có hiệu quả, “Chúng nó chắc cũng né vì đã có lời gửi gắm!” Nếu thế thì chính anh Việt Cộng đã dùng vải thưa che mắt Đảng của anh rồi.
Hơn hai năm sau, anh Việt Cộng lại xuất hiện.
- Các em có em nào về chưa Cậu?
Ông anh thứ hai của tôi nhờ học cán sự Nông Lâm Súc thời trước được thả tù sớm, cho về chăn vịt ở nông trường Lê Minh Xuân, giết sạch 100 nghìn con vịt giống Bắc Kinh rồi phơi khô từng con. Báo Sài gòn Giải Phóng đăng hàng tít lớn “Đại thắng lợi trong việc nuôi vịt giống Bắc Kinh.” Đúng là phét như Vẹm!
Chăn vịt
Chăn vịt
Anh Việt Cộng cứ lập đi lập lại, “Thế thì phí nhân tài quá!” khi biết ông em họ của vợ đang chăn vịt. Anh ghé nông trường rồi ở đấy gần cả tuần với ông thủ trưởng đám chăn vịt. Ông anh tôi phải đi làm bên ngoài, cách trạm chính xa, mãi mấy ngày sau mới về. Khi về lại trạm thì ông thủ trưởng báo, “Anh có ông bà con ngoài Bắc vào thăm, ở đây mấy ngày đợi không được, ông ấy đi rồi.” Anh tôi ngơ ngác, thật tình vì chẳng biết dây mơ rễ má ở phía Bắc, “Tôi chả có anh em với ai ở ngoài Bắc!”
Lần xuôi Nam này, anh Việt Cộng đã thở ra với đám con ông Bác rể trong Nam, “Anh muốn mua mấy chiếc xe đạp mà không đủ tiền!” Mấy ông anh họ tôi là dân xoay sở, có đường dây ngay, “Muốn mấy xe thì anh cứ đưa mấy can xăng đây!” Thế là anh Việt Cộng bỏ giai cấp công nông dần dần tuy tính Đảng vẫn bám đầy người nông dân chất phác. Ba chiếc xe đạp được tháo tung ra từng mảnh rời, nhưng anh chỉ dám đem về Bắc hai chiếc, gửi lại một để đem về lần sau. Anh đã biết sợ khi bắt đầu có của. Bố phân tích, “Sao nó không theo cho được. Dân quê nhà nghèo chẳng có nắm cơm mà ăn. Đảng cho nắm xôi, bờm nào chả cười và sống chết theo ơn Đảng.”
Tôi trốn ra khỏi nước trước khi Đảng hoàn tất kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, nghe đâu anh Việt Cộng xuôi Nam, hăm hở đem theo tờ Sự Thật có bài viết của anh về một bà mẹ trong vùng “Ngụy”, chồng mất sớm, ở vậy, nuôi ba đứa con nhỏ nên người. Đó là bài viết về bà thím ruột gần nhà. Không biết bà thím có bao giờ đọc bài viết của anh về mình trên tờ Sự Thật không bà vì đã theo chân ba đứa con chạy sang Gia Nã Đại định cư.
Đấy mới là phủ phàng ngỡ ngàng Sự Thật!


Bài do tác giả gởi, đã đăng ở Tactful Bear. Sự thật.

No comments:

Post a Comment