Ngô Nhân Dụng - Ðọc các tin tức
về hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp Hành Trung Ương đảng Cộng Sản Việt Nam
đang diễn ra ở Hà Nội, bỗng nhiên lại nhớ đến một đoạn văn trong Tấn
Thư. Ðoạn văn nay nói về “Những con rận ở trong quần,” phê bình thái độ
và hành vi của những người thuộc loại “hủ nho,” chỉ sống trong các giáo
điều rỗng tuếch trong lúc xã hội băng hoại, kinh tế suy sụp, đạo lý suy
vi, không còn ai tin vào một trật tự tinh thần nào nữa.
Theo báo Người Lao Ðộng, Hội nghị Trung ương Bảy
đang “xem xét, quyết định các vấn đề lớn” của nước Việt Nam, trong đó
có vụ “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị; Dự thảo sửa đổi
Hiến pháp năm 1992; Sơ kết 1 năm thực hiện nghị quyết trung ương 4; Quy
hoạch cán bộ cấp chiến lược...” Ðọc bản chương trình nghị sự này, điều
đáng chú ý không phải là quý vị ủy viên trung ương đảng sắp bàn những
chuyện gì. Ðáng kinh ngạc nhất là những chuyện họ không bàn!
Bài diễn văn khai mạc của ông Tổng Bí Thư Nguyễn
Phú Trọng đưa ra một thực đơn sáu món, trong đó không có món nào liên
quan đến những vấn đề sôi bỏng của đất nước! Kinh tế chậm lụt, không.
Tham nhũng lộng hành, không. Trẻ em thất học, sinh viên ra trường thất
nghiệp, cũng không. Tất nhiên họ không bàn về bản án xử ông Ðoàn Văn
Vươn, nhưng cũng không hề nói câu nào đến vấn đề quyền sử dụng ruộng đất
của nông dân, không nghĩ tới những oan khuất của đồng bào Dương Nội, Vụ
Bản, vân vân. Không một câu nào nhắc tới mối đe dọa của Trung Quốc trên
biển Ðông với những hành động gây hấn trắng trợn.
Hội nghị Trung ương Bảy không màng đến những vấn
đề đó; nhất là vấn đề quốc phòng. Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản làm như
không hề biết đến “cuộc chiến tranh tàng hình” mà giới lãnh đạo Bắc Kinh
đang thực hiện trong vùng Ðông Nam Á. Xin quý vị độc giả đọc Lê Phan
trên nhật báo Người Việt, giới thiệu bài “China's stealth wars of
acquisition” của Brahma Chellaney trên nhật báo Japan Times ngày 29
Tháng Tư, 2013. Brahma Chellaney đã vạch ra những chiến thuật chiến
tranh tàng hình của Bắc Kinh; sử dụng khí cụ chiến tranh rất đa dạng. Họ
lập các đập trên thượng nguồn các sông chảy qua vùng Ðông Nam Á để sau
này sẽ kiểm soát cả nguồn sống lúa gạo của các nước phía dưới. Họ dùng
từ chiến tranh kinh tế cho đến việc thành lập một loạt các chiến binh
trá hình (stealth warriors) núp bóng dưới các cơ quan bán quân sự, như
hải giám, ngư chính và cơ quan quản trị hải dương. Chellaney nhắc lại
Mao Trạch Ðông vẫn tâm đắc một quy tắc của Tôn Tử: “Khuất phục được địch
thủ mà không cần đánh trận mới là chiến lược tối hảo.”
Thay vì lo suy nghĩ về mối nguy hiểm mà nước
Việt Nam đang phải đối đầu, trung ương đảng sẽ họp nhau 10 ngày để bàn
những vấn đề có thể nói là “chuyện nội bộ,” trong đảng với nhau, dân
chúng sống thế nào, an ninh của đất nước sẽ ra sao, họ không cần bàn
tới. Thái độ đó không khác gì các hủ nho tiếp tục ngồi rung đùi bàn
những câu “chi, hồ, giả, dã” trong lúc dân chúng ở Lạc Dương, kinh đô
nhà Tấn đang chết đói và các đạo quân Ngũ Hồ đang đe dọa ngoài biên ải.
Nhà báo tự do Người Buôn Gió đã nhận xét về bài
diễn văn của Nguyễn Phú Trọng và “dịch nghĩa ra,” cho người bình dân
hiểu các câu văn đầy “chi, hồ, giả, dã” trong bài diễn văn rỗng tuếch
đó. Người Buôn Gió tóm tắt rằng: Lần họp này đảng sẽ chỉ bảo ban nhau,
không có ai bị đe dọa kỷ luật hay xử lý hết; nhân sự chủ chốt từ nay đến
2016 chả có gì thay đổi, ai nguyên vị trí đấy; nhưng sẽ có thêm nhiều
dư luận viên, tuyên truyền viên để “dân vận”; và chắc chắn sẽ giữ nguyên
điều 4 hiến pháp bằng mọi giá.
Muốn thưởng thức phong cách văn chương “chi, hồ,
giả, dã” của bọn hủ nho thời nay, quý vị chỉ cần đọc bất cứ một đoạn
nào trong bài diễn văn khai mạc của ông Nguyễn Phú Trọng. Thí dụ, ông
dặn dò các ủy viên trung ương thế này: “Tinh thần chung là phải... kiên
trì những vấn đề có tính nguyên tắc, thuộc về bản chất của chế độ chính
trị và nhà nước ta, tiếp tục khẳng định nhà nước ta là nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do đảng
Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân
mà nòng cốt là liên minh giai cấp công-nông và đội ngũ trí thức...”
Toàn những chữ nghĩa viển vông nghe đã chán lỗ
tai. Nếu quý vị đã ù tai, thì xin nhảy qua đọc đoạn dưới. Nếu chưa, thì
xin đọc tiếp; chúng tôi hứa sẽ không trích dẫn nhiều. Tới một đoạn khác,
ông Nguyễn Phú Trọng tự thú nhận “Vai trò lãnh đạo của cấp ủy và tổ
chức đảng chưa được phát huy đầy đủ; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước
chậm được nâng cao; việc đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt
động của Mặt Trận Tổ Quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội chưa mạnh,
tình trạng ‘hành chính hóa’ chậm được khắc phục...” Nếu còn sức, xin đọc
tiếp văn chương của ông Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta cần xác định đúng
mục tiêu, yêu cầu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nhiệm vụ, giải pháp để
đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác dân vận trong
tình hình mới...”
Ðọc tất cả các khẩu hiệu ròn tan, những “phát
huy,” “nâng cao,” “khắc phục;” từ 60, 70 năm nay, người dân và các đảng
viên nào không thấy chán ngấy thì chắc tai đã điếc rồi. Nhưng thế nào
sau hội nghị họ cũng sẽ còn “tổng kết” bằng cách nhắc lại các chữ tương
tự, nghe kêu oang oang nhưng hoàn toàn viển vông và rỗng tuếch. Quang
cảnh giống hệt như các hủ nho đời Tấn thời xưa ngồi rung đùi bàn nhau
các “chữ nghĩa thánh hiền!” Họ làm như không biết tất cả các khẩu hiệu
trong “kinh điển” đã cạn hết ý nghĩa và mất hết hiệu lực. Bởi vì dân
phải nghe nhiều quá đã hết tin. Ngay đến những kẻ cầm quyền cũng không
còn ai nghe và chắc chắn không ai làm theo nữa. Trong lúc đó dân chúng
lo chết đói, nước đang lâm nguy vì nạn ngoại xâm.
Chính vì vậy mà trong khi đọc bài diễn văn của
ông Nguyễn Phú Trọng, phải nhớ ngay đến một đoạn văn trong Tấn Thư, tức
lịch sử triều đại nhà Tấn ở bên Tàu (265-420). Từ gần một thế kỷ trước
đó, nước Trung Hoa rơi vào một thời kỳ khủng hoảng, dẫn tới hỗn loạn,
tan rã. Cảnh suy đồi bắt đầu từ năm 184 khi dân đói nổi lên gây Loạn
Khăn Vàng, trải qua thời Tam Quốc, sang đến nhà Tấn, Loạn Ngũ Hồ, Nam
Bắc triều, vân vân; kéo dài cho đến năm 589 khi nhà Tùy thống nhất Trung
Quốc trở lại.
Trong thời gian đó, các hủ nho ở nước Tàu vẫn
không tỉnh giấc trước cảnh xã hội suy đồi. Họ vẫn tiếp tục nói những
chuyện viển vông nhưng đầy chữ nghĩa thánh hiền nhưng không dính gì đến
đời sống thực. Có người so sánh họ giống như “những con rận,” giống vật
ký sinh không bao giờ dám rời khỏi “cái quần giáo điều”. Tấn Thư ghi lại
những lời phê phán như sau: “Các ông có bao giờ thấy một con rận sống
trong cái quần hay không? Nó chạy từ một đường chỉ khâu, trốn vào lỗ
rách trong miếng vải độn, và nó coi đó là ngôi nhà êm ấm của mình. Khi
dạo quanh, nó cũng không dám (chệch hướng) ra bên ngoài cái đường khâu;
khi di chuyển nó không dám chui ra khỏi phạm vi của cái quần (ý thức
hệ). Nhưng nó vẫn tự coi cuộc đời như thế là mãn nguyện lắm rồi. Khi
đói, nó cắn người ta, coi cái anh chàng mặc quần đó là một nguồn tài
nguyên vô tận cho nó hưởng. Nhưng rồi lửa bốc từ trên đồi lan xuống đốt
trụi các làng mạc. Con rận bị cháy, đành chịu chết trong cái quần (giáo
điều) vì không thể thoát ra được. Quý vị “quân tử” đang sống gói kín
trong thế giới của mình, hãy ngẫm xem mình có giống con rận sống trong
cái quần hay không?” (Tấn Thư, chương 49)
Xin quý vị ủy viên trung ương đảng đang họp ở Hà
Nội tha lỗi; mục này không có ý so sánh quý vị giống như những con rận.
Vì người viết không quen biết ai trong số hàng trăm vị đang nhóm họp,
không có ý nói xấu bất cứ cá nhân nào. Nhưng đọc bài văn chương đầy khẩu
hiệu của ông Nguyễn Phú Trọng thì không thể nào không nhớ đến đoạn Tấn
Thư trên. Cách ví von trong bài không nhắm vào một cá nhân hay tập thể
nào cả; mà chỉ nói về một hiện tượng chung trong lịch sử nước Tàu. Nghe
cho biết để tránh đừng để tái diễn, tiếp tục diễn mãi trong lịch sử nước
ta.
Nguồn: Diễn Đàn Thế Kỷ
No comments:
Post a Comment