Khi Vương Đình Huệ đặt chân vào “nhà đỏ” rồi ngồi lên ghế Bộ trưởng
Tài chính, ít người biết ông, vì trước đó ông làm trong ngành kiểm toán
chả mấy khi xuất hiện trước công chúng. Chỉ đến khi Vương Đình Huệ tuyên
bố với nhóm doanh nghiệp xăng dầu: “Chúng tôi điều hành thị trường
xăng dầu không vì quyền lợi của 11 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, mà vì
lợi ích chung của gần 90 triệu dân!” thì tiếng tăm ông mới nổi.
Bấy giờ, tương phản với một gương mặt ngây ngô như trẻ con, bộc lộ
tính hiếu thắng, của Bộ trưởng giao thông vận tải Đinh La Thăng, là một
gương mặt điềm đạm, kín đáo của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ.
Nhiều bài báo ca ngợi, có bài đặc tả tuổi thơ kém may mắn của Vương Đình
Huệ, nhằm cắt nghĩa tính quyết đoán, và tố chất làm công bộc cho dân
của ông. Những em học sinh ngây thơ, và cả những vị giám đốc doanh
nghiệp từng trải, đã viết thư ngỏ cho Bộ trưởng Vương Đình Huệ, người
coi ông là thần tương, kẻ hy vọng ông có thể cứu nguy cho doanh nghiệp!
Người ta kháo nhau, đây chính là gương mặt sáng giá trong hàng bộ trưởng
nhiệm kỳ này.
Nhưng rồi giá xăng dầu tăng liên tục, Vương Đình Huệ vẫn cho là hợp
tình, giá điện nhảy “Lam ba đa”, vẫn cho là hợp lý, và mới đây ông ra
sức chứng minh rằng, chính sách thuế của Việt Nam “ưu viêt”, là khoan
sức dân, là làm cho nhà nước thất thu hàng chục, hàng trăm ngàn tỷ, thì
hình như ông đã quên lời tuyên bố vì lợi ích của gần 90 triệu dân rồi!?
Thật tức cười khi Vương Đình Huệ lấy tỷ lệ thuế thu nhâp doanh nghiệp
Việt Nam so sánh với tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp Mỹ, rồi bảo rằng
thuế Việt Nam nhẹ hơn thuế Mỹ!
Đã nhiều lần người ta lên tiếng cảnh tỉnh các chính khách nước nhà
cẩn thận khi sử dụng phép so sánh, kẻo bia miệng tiếng đời, mà hình như
các vị vẫn bỏ ngoài tai. Còn nhớ 51 năm trước, nhà thơ chính trị Tố Hữu
huyênh hoang “trông Bắc, trông Nam trông cả địa cầu” không đâu bằng Viêt
Nam “Chào 61 đình cao muôn trượng!” làm người ta nhổ bọt. Cứ tưởng cái
thời những gì của CNXH đều tốt, những gì của tư bản đều xấu, kém: “Đồng
hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ / Trăng Trung Quốc tròn hơn mặt trăng
nước Mỹ” đã vĩnh viễn bị chôn vùi, thì mới đây bà phó chủ tịch nước
Nguyễn Thị Doan còn lại huyênh hoang hơn cả Tố Hữu rằng “chế độ xã hội
chủ nghĩa chúng ta dân chủ gấp vạn lần chế độ tư bản chủ nghĩa!”. Thời
trước dối trá dễ vì bưng bít được thông tin, bây giờ cố tình bưng bít
cũng không nổi!
Vì vậy khi Bộ trưởng Vương Đình Huệ so sánh thuế Việt Nam với thuế
Mỹ, rồi thuộc cấp của ông là Thứ trưởng Vũ Thị Mai phụ họa “Thuế như vậy
là khoan sức dân lắm rồi” thì mọi người ngán ngẩm bảo nhau: “Vương Đình Huệ cũng không hơn Đinh La Thăng!”
Nước Mỹ, dù trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, thu
nhập bình quân đầu người (GDP) vẫn đạt 47.094 đô la, trong khi Việt Nam
đến năm 2014 may ra mới đạt 1.811 đô la. Phải chăng Vương Đình Huệ không
biết sự chênh lệch một trời một vực ấy, hay ông cố tình lờ đi, chỉ so
sánh một vế để lừa dân?
Ai cũng biết, khoan thư sức dân được phản ảnh bằng tỷ lệ thu ngân
sách nhà nước trên tổng sản phẩm quôc nội, tỷ lệ càng cao thì khoan thư
sức dân càng thấp. Hiện tại, tỷ lệ đó ở Trung Quốc 17,3%, Thái Lan và
Malaysia 15,5 %, Philipines 13%, Indonesia 12,1% , Mỹ 11% và Ấn Độ 7,8%,
trong khi Việt Nam 28%.
Việt Nam đã và đang duy trì chính sách bảo hộ thuế, thuế chồng lên
thuế, bắt doanh nghiệp và người dân phải gánh chịu tỷ lệ thuế trên GDP
gấp 1,4 đến 3 lần so với các nước trong khu vực. Thuế cao cộng lãi suất
ngân hàng ngất ngưởng, khiến các doanh nghiệp không còn nguồn lưc tích
lũy đầu tư dẫn đến suy kiệt. Chỉ trong nửa đầu năm 2012 đã có hơn
200.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa phá sản và ngừng hoạt động, kéo theo gần
một triệu người thất nghiệp. Bức tranh sỉn màu ấy phản ảnh trung thực
chính sách tài chính Việt Nam: Thuế và phí bủa vây, bóp nghẹt mức thu
nhập ngày càng teo tóp của người dân và doanh nghiệp, làm cho cuộc sống
nghẹt thở.
Thử hỏi, trên thế giới có nơi nào nhiều loại phí như Việt Nam? Và
ngược dòng lịch sử, khi thưc dân Pháp đô hộ dân ta, có bao giờ thuế
chồng thuế, phí chồng phí như bây giờ?
Hãy nhìn bản thống kê các loại phí dành cho phương tiện giao thông
đường bộ, một phương tiện ảnh hưởng trực tiếp đến cái ăn, cái mặc của
mỗi người dân, để thấy nó nặng nề và vô lý cỡ nào? Phí trước bạ, phí
đăng kiểm, phí xăng dầu, phí bình ổn giá xăng dầu, phí bảo hiểm, phí bảo
trì đường bộ, phí ô nhiễm môi trường. Nếu nay mai phí lưu hành và phí
vào nội đô được áp dụng, sẽ là chín loại phí.
Nhưng nào đã hết nợ! Mỗi khi lưu thông trên mỗi cung đường, còn phải
bỏ tiền đề vượt qua một cái barie của trạm thu phí BOT. Những trạm thu
phí BOT nhan nhản trên các tuyến đường còn gập gềnh ổ gà, ổ trâu, mà mỗi
trạm bán vé từ 10 đến 200.000 đồng tùy cung đoạn và phương tiện lưu
thông. Muốn xe chạy nhanh hơn, êm hơn một chút trên đường cao tốc, thì
giá đắt đỏ gấp ba lần. Ví dụ, chỉ vài chục cây số đường cao tốc Sài Gòn –
Trung Lương, phải bỏ ra 320.000 đồng mua vé.
Nhưng như thế vẫn chưa hết tội! Mỗi phương tiện lưu thông còn phải
chi tiền mãi lộ cho cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, như một
thứ luật bất thành văn, như một loại phí bắt buộc, được hạch toán vào
giá thành sản phẩm.
Bây giờ lại mới phát sinh một thứ phí nữa, “ưu tiên” cho bà con nông
dân, với cái tên mỹ miều là “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đó đóng góp
xây dụng hệ thống giao thông liên thôn xóm, trường tiểu hoc, bệnh xá,
nâng cấp di tích văn hóa. Trung ương khuyến khích địa phương làm bằng
được. Các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể báo cáo với trung
ương, rằng đó là kết quả của công tác vận động quần chúng, là người dân
tự nguyện, là sự đồng thuận(!?) Sự thực đâu phải thế! Có rất ít người tự
nguyện, mà sự thật là người dân phải góp tiền, góp thóc theo tỷ lệ, bổ
trên từng hộ, từng đầu người. Hãy thử về một vùng quê hỏi xem, người dân
nào không chịu đóng góp vào những công trình “nhà nước và nhân dân cùng
làm” ấy có sống nổi với chính quyền thôn xã ?
Nước Mỹ, với chế độ tư bản chủ nghĩa, tất nhiên không “ưu việt” bằng
chế độ xã hội chủ nghĩa như nước ta! Nhưng, người Mỹ ngoài mức thuế phải
đóng theo luật, không phải đóng bất kỷ khoản phí vô lý nào. Và khi
người dân đóng thuế thì nhà nước nước phài lo cho dân từ A tới Z. Trẻ
con được ăn học từ nhỏ đến hết phổ thông trung học không mất tiền, không
phải chạy trường chạy lớp, không phải học thêm, học kèm; phụ huynh
không phải lo bồi dưỡng thầy cô, và nhà trường không có bất kỳ khoản phụ
thu nào. Người lớn, không phân biệt công chức, tư chức hay thường dân,
mất việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp, khi nghỉ hưu được lĩnh lương,
mức thấp nhất cho một người mới có thẻ xanh, nghĩa là chưa chính thức
làm công dân Mỹ, cũng được 400 đô la/tháng, bảo đảm được nhu cầu cần
thiết nhất trong cuộc sống. Người dân Mỹ đóng thuế là để bảo trì cuộc
sống hiện tại và tương lai của chính họ, còn người dân Việt Nam đóng
thuế, đóng phí để nuôi ai?
Ông Đinh La Thăng bào rằng: “Việc đóng phí thể hiện sự yêu nước nên người dân phải thấy hạnh phúc và tự hào”
(!?) . Cái cách hô hoán theo thói quen của một anh cán bộ phong trào đó
chỉ làm người ta thêm tức cười. Nhưng, ngay những lời nói, việc làm của
người được coi là có trình độ chuyên môn như Vương Đình Huệ (‘tài’ bao
nhiêu, ‘chính’ bao nhiêu?) khiến cho người ta nghĩ ông không vô tình, mà
là ông đang quay lưng lại với nhân dân!
Chưa có bằng chứng nào về việc Vương Đình Huệ tình nguyện hay bị một
nhóm lợi ích nào khống chế, nhưng những chính sách thuế, phí và giá do
ông hoạch định và bảo vệ đang đè nặng lên đầu lên cổ người dân, nó trái
ngược với lời ông đã nói là vì lợi ích của gần 90 triệu dân.
Một bà má Nam Bộ, từng chỉ huy đội quân tóc dài thời kháng chiến đã nói với người viết bài này: “Tụi
tao trước kia theo gương Út Tịch, còn cái lai quần cũng đánh giặc, để
bây giờ tụi bay thu luôn cả cái lai quần của bà hay sao” (!?).
Với chính sách tận thu, triệt thu ngân sách hiện tại, không phải khoan thư sức dân mà là “ khoan” thủng ruột dân.
Tháng 6 (âm lịch) năm Canh Tý 1.300, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo
Vương lâm bệnh. Vua Trần Anh Tông tới thăm và hỏi về kế sách ‘an dân
hưng quốc’, kế sách chống ngăn giặc phương Bắc, Hưng Đạo Vương Trần Quốc
Tuấn khuyên vua: “Cách ấy cốt phải tự lúc bình thì khoan thư sức cho
dân, để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là cái thuật giữ nước hay hơn cả”.
Người dân bình thường không có được lời cao ý sâu, như bậc Thánh
nhân, chỉ khuyên Vương bộ trưởng một lời mộc mạc: Hãy để cho dân cái lai
quần, nhỡ khi “bộ phận không nhỏ đe dọa sự an nguy của chế độ” người
dân còn lo đánh giặc, giữ nước!
Minh Diện (Blog Bùi Văn Bồng)