- Phương Bích
Lần trước rời Văn Giang trong tâm trạng nặng nề, u uất
bao nhiêu, thì lần này tôi trở lại đó với tâm trạng phấn khích bấy
nhiêu. Thậm chí 3 xe chúng tôi chả kịp chờ nhau, cứ bon bon nhằm hướng
Văn Giang mà lướt tới. Tôi bỗng cảm thấy hồi hộp như con nít, khi nghĩ
mình sắp được tham gia vào một ngày hội trồng cây thật đặc biệt trong
đời.
Nghe tin bà con lại vác cuốc xẻng ra đồng từ mấy hôm trước, ai nấy
đều háo hức lắm. Phải thế chứ! Dễ gì mà dập tắt được sự sống trên mảnh
đất phì nhiêu màu mỡ, có được do mồ hôi và nước mắt từ bao đời nay rỏ
xuống, thấm đẫm từng thớ đất như thế?
Xe lướt qua cây cầu bắc qua con sông Bắc Hưng Hải nổi tiếng, do bàn
tay con người đào đắp nên khi tôi còn chưa sinh ra. Dòng nước trong
xanh, đẹp như một dải lụa, lóng lánh dưới nắng chiều nhìn thật êm ả, như
chưa từng biết đến sự đau thương của những con người sống nhờ nó, mà
chết cũng vì nó….
Xe đến đầu dốc dẫn xuống làng, tôi hơi ngạc nhiên khi đón nhận những
ánh mắt và nụ cười thân thiện của những người không quen biết hướng về
xe chúng tôi. Rồi họ rậm rịch quay đầu, người xe đạp, người xe máy đi
theo xe chúng tôi vào làng. Hóa ra bà con ra đón cụ Lê Hiền Đức! Do tôi
đi ké, không biết nên mới ngạc nhiên thế.
Chả biết bà con hân hoan hay chúng tôi hân hoan! Lần đầu tiên được
hòa mình trong dòng người đổ ra đồng với cuốc xẻng trên vai, tôi sung
sướng toét miệng cười hết cỡ. Nhìn cụ bà Lê Hiền Đức nhỏ thó, vác cuốc
đi trong dòng người, tôi xúc động khi bà khoe với tôi rằng phải lục tung
đồ đạc lên, để tìm bằng được tấm áo nâu đã theo bà từ thời còn ở chiến
khu – 60 năm rồi chứ ít gì. Cái áo nâu bà đang mặc đây có tuổi thọ còn
hơn cả tuổi đời của tôi đấy.
Đồng đất Văn Giang đây rồi! Những trận mưa mấy hôm trước đã tạo nên
một bức tranh loang lổ trên mặt đất. Cỏ dại đã kịp mọc lên. Trong các
vũng nước đã kịp phủ đầy bèo tấm. Ừ! Dẫu có là cỏ dại, dẫu có là bèo bọt
đấy, nhưng thế mới biết sức sống ở đây mạnh đến thế nào. Chẳng lẽ chịu
chết đói khi đất màu để cho cỏ dại mọc thế ư? Đấy là tội ác đấy!
Ôi chao! Đông người quá! Vui quá!
Những cái nón lá lấp loáng, tiếng cười nói xôn xao vang vọng khắp
cánh đồng. Có đến hàng trăm người chứ không ít, kể cả từ già trẻ lớn
bé…Mới đây thôi còn là những gương mặt căm phẫn cùng cực, khi nhìn con
em mình bị công an đánh đập không thương tiếc, nhìn máy xúc cào nát cây
cối, ruộng vườn của họ…. nay thì đâu đâu cũng thấy những ánh mắt, những
nụ cười rạng rỡ.
Trừ cụ Lê Hiền Đức đã sát cánh bên bà con trong trận “chống càn” đêm
23 rạng ngày 24/4, dân làng thi nhau kể, tố khổ những gì đã diễn ra cho
chúng tôi nghe. Họ kể cả những khó nhọc đã bồi đắp lên trên cánh đồng
này, để có tiền nuôi con em họ ăn học, để xây dựng nên làng mạc trù phú
như ngày hôm nay. Họ bảo đất ở đây tốt lắm, tưới tiêu vô cùng thuận lợi
nhờ con sông Bắc Hưng Hải liền kề đây. Họ kể nhiều lắm mà tôi chả nhớ
hết được, bởi tâm trí tôi giờ như con ngựa hoang đang chạy khắp cánh
đồng. Tôi ngó chỗ này, hóng chỗ kia, chào hỏi tíu tít những người không
hề quen biết mà sao thấy gần gũi và thân thương làm vậy. Thương người
nông dân lắm, họ mộc mạc, chân chất thế, chỉ biết giành giật lại đất đai
của ông bà tổ tiên để lại theo bản năng. Nhưng gậy gộc, gỗ đá làm sao
thắng được cường quyền trong một trận càn? Vẫn còn con em họ bị giam giữ
giờ chưa được trở về, chỉ vì “chiến đấu” để giữ đất mà bị kết tội là “chống người thi hành công vụ”! Thương vụ chứ công vụ gì ở đây!
Bảo là về trồng cây cùng bà con mà tôi cứ mải chụp, mải hóng chuyện.
Nhìn dân xúm xít quanh cụ Lê Hiền Đức, tôi cảm phục cụ quá. Dễ mấy ai
được bà con tin yêu, cậy nhờ thế này. Chỉ buồn nỗi từ đám sức dài vai
rộng đến trí thức đầy mình, mà bất lực trước nỗi bất hạnh của người dân,
phải để một bà cụ 82 tuổi nhỏ bé thế này làm chỗ dựa tinh thần cho dân
thì đau thật là đau.
Nhưng tôi không hề cảm thấy lo lắng khi thấy tinh thần của bà con
quật cường lắm. Họ luôn khẳng định sẽ bám đất bằng bất cứ giá nào. Cần
gì đợi ai phải làm giàu cho họ như mấy ông chính quyền vẫn lòe bịp. Khu
du lịch sinh thái, hay sân gôn có chăng chỉ làm làm giàu cho mấy ông
quan tỉnh chứ đám dân đen đừng có mà mơ….
Khi chúng tôi vào nghỉ trong nhà dân, bà con bê nước trà đóng chai, “bò húc” ra
cho chúng tôi uống. Ngày thường tôi vốn kỹ tính thế mà bây giờ chả câu
nệ gì, tôi chỉ xin cốc nước vối, lúc cậy nước đá rơi tung tóe trên nên
nhà mà tôi cứ thế bốc lên bỏ đại vào cốc rồi tu một mạch, thế mà chả đau
bụng đau bão gì.
Rồi nghe dân nói sẽ đi thăm hai ông nhà báo vì xuống với họ mà bị
công an đánh dã man quá, tôi bảo thực ra hai ông ấy bị đánh là gậy ông
đập lưng ông thôi chứ đâu phải vì dân. Rốt cuộc là các ông ấy cũng phải
thú nhận là “chính nhân dân đã cứu tôi”, mặc dù vẫn khẳng định “cưỡng chế là đúng luật”.
Các ông ấy chả biết chỉ vì bênh các ông ấy mà người dân cũng bị đánh
đấy. Một chị trạc tuổi tôi kể bị họ túm lấy, quẳng chị ngã lộn nhào qua
đống cát khi chị xông vào cứu nhà báo. Dân cứu nhà báo, vậy nhà báo có
cứu dân không?
Chia tay bà con, chúng tôi thêm một lần nữa rưng rưng trong lòng, khi
những người phụ nữ đã để sẵn hai bao tải ngô mới bẻ ngoài đồng để làm
quà cho người thành thị. Cụ Lê Hiền Đức giãy nảy lên ngay lập tức khi
nghe thấy nói biếu quà, dứt khoát không nhận. Nài nỉ, thuyết phục mãi
không ăn thua. Nước mắt đôi bên đã bắt đầu chực rơi, phải nhờ đến Hiếu
nhảy vào khuyên cụ Đức:
- Thôi bà cứ nhận đi. Bà phải ăn cái bắp ngô được trồng chính trên
mảnh đất này, mới cảm nhận được vị ngọt bùi chắt chiu được từ những giọt
mồ hôi một nắng hai sương của bà con chứ…
Sao mà cái thằng cha này nói hay thế chứ. Mắt bà Đức đỏ hoe, mắt chị
em người làng cũng đỏ hoe. Nào thì bê ngô lên xe! Cảm ơn nhé! Tạm biệt
nhé! Hẹn gặp lại nhé! Kẻ đi người ở, đôi bên cứ thế ríu rít chào nhau
đầy bịn rịn.
Dọc đường về, ai nấy đều day dứt về việc vẫn chưa giúp được gì cho bà
con. Hôm nay mới chỉ là khởi đầu, dẫu còn nhiều gian khổ, nhưng tôi tin
rồi sự sống sẽ trở lại từng ngày trên cánh đồng Văn Giang. Hy vọng tinh
thần Văn Giang sẽ truyền lửa cho người nông dân mọi miền trong cuộc
chiến giữ đất giữ làng này.
Phương Bích
http://www.danchimviet.info/archives/57742
No comments:
Post a Comment