Trước các buộc của phía
Philippines rằng Trung Quốc không dám đưa vấn đề tranh chấp tại
bãi cạn Scarborough ra phân xử tại tòa án quốc tế vì đòi hỏi
chủ quyền của nước này là vô lý, phía Trung Quốc đã đưa ra câu
trả lời.
Bãi cạn hiện đang có tranh chấp được quốc
tế gọi là Scarborough, trong khi phía Philippines gọi là Panatag
còn Trung Quốc gọi là Hoàng Nham.
Hãng tin Tân Hoa Xã của Trung
Quốc hôm Chủ nhật ngày 13/5 cho rằng đề xuất của phía
Philippines không có cơ sở pháp lý và không hề là giải pháp
thỏa đáng cho bế tắc hiện nay.
Bốn lý do mà Tân Hoa Xã đưa ra để phản
bác đề xuất này của Philippines là Công ước quốc tế về luật
biển năm 1982 không có hiệu lực với các tranh chấp chủ quyền,
Trung Quốc không có nghĩa vụ phải ra tòa, bản thân Hoa Kỳ cũng
chưa phê chuẩn công ước này và động cơ thật sự của đề xuất
này là làm mất mặt Trung Quốc.
Cựu đại sứ lên tiếng
“Kể từ khi Trung Quốc từ chối đưa tranh
chấp ra tòa án quốc tế, một số hãng truyền thông đã diễn
dịch hành động này của Trung Quốc là sợ bị thua kiện,” Tân Hoa
Xã cho biết.
Điều lạ lùng là Tân Hoa Xã dẫn lời một
nhà phân tích của chính Philippines để phản bác đề xuất của
nước này – cựu đại sứ Philippines tại Athens Rigoberto Tiglao.
“Tổng thống Benigno Aquino và các quan chức
của ông đang than phiền với thế giới rằng Trung Quốc từ chối
giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án quốc tế về UNCLOS,” Tân
Hoa Xã dẫn lại bài viết của ông này đăng trên trang mạng của
nhật báo Philippines Inquirer.
"Ông ấy (Tổng thống Aquino) quả quyết rằng tranh chấp sẽ được giải quyết thông qua một tòa án vốn không có quyền tài phán đối với vấn đề này. Vị tổng thống này sẽ làm cho chúng ta trở thành trò cười cho thế giới."
Rigoberto Tiglao, cựu đại sứ Philippines tại Athens
“Có một ngạc nhiên cho họ: bản thân
Philippines cũng không nằm trong công ước này khi nói về các
tranh chấp chủ quyền như ở bãi cạn Scarborough,” cựu Đại sứ
Tiglao cho biết.
Tân Hoa Xã dẫn lại lời ông này chỉ ra
rằng khi phê chuẩn công ước vào năm 1984, Manila đã nói rõ rằng
công ước này không được áp dụng cho các tranh chấp chủ quyền
của nước này. Nói cách khác, một khi có dính dáng đến các
tranh chấp chủ quyền thì phía Philippines sẽ coi công ước này
là vô giá trị.
“Aquino không hề đề cập đến điều này khi ông ấy đề xuất để cho tòa án quốc tế phân xử,” Tân Hoa Xã nói.
Lý do thứ hai, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Du
Bình, giảng viên luật tại Đại học Bắc Kinh, là Bắc Kinh không
có nghĩa vụ phải chấp thuận một đề xuất như thế của phía
Manila.
Tân Hoa Xã dẫn lại lập luận của ông này
là hồi năm 2006, chính phủ Trung Quốc đã trình lên Liên Hiệp
Quốc một tuyên bố bằng văn bản nói rõ rằng Trung Quốc không
chấp nhận vai trò trọng tài quốc tế ‘như nêu trong khoản 2
chương 15 của UNCLOS trong các tranh chấp có liên quan đến ranh
giới lãnh hải và các hoạt động quân sự’.
Vào lúc đó, Bắc Kinh đã khẳng định chủ
quyền đối với đảo Hoàng Nham ở Nam Hải (Biển Đông), ông Du Bình
cho biết, điều này có nghĩa rằng ngay cả khi Philippines đưa
tranh chấp ra tòa án quốc tế, thì Trung Quốc cũng không có
nghĩa vụ phải ra tòa.
Trong khi đó, Tân Hoa Xã cũng dẫn lời cựu
Đại sứ Tiglao rằng nếu xem qua cả thảy 19 vụ việc được đưa ra
tòa án UNCLOS kể từ năm 1997 thì sẽ thấy rằng các tranh chấp
hàng hải chứ không phải tranh chấp chủ quyền mới nằm trong
phạm vi thụ lý của tòa án này.
Làm bẽ mặt Trung Quốc?
Tân Hoa Xã cũng nghi ngờ động cơ thật sự đằng sau đề xuất của phía Philippines.
“Philippines nói rằng họ sẽ đưa vụ việc ra
tòa một mình nếu Bắc Kinh cứ một mực từ chối đề xuất của
họ,” hãng tin này nói.
“Điều mâu thuẫn là Manila đang tìm kiếm
một giải pháp mà họ từng tuyên bố không thừa nhận đặt ra câu
hỏi về động cơ thật sự đằng sau động thái hung hăng này của
họ,” Tân Hoa Xã đặt vấn đề.
Hãng tin này cũng dẫn lời của hai ông Tiglao và Du Bình để hậu thuẫn cho lập luận của mình.
“Ông ấy (Tổng thống Aquino) quả quyết rằng
tranh chấp sẽ được giải quyết thông qua một tòa án vốn không
có quyền tài phán đối với vấn đề này. Vị tổng thống này sẽ
làm cho chúng ta trở thành trò cười cho thế giới,” Tiglao nói.
Còn theo lời ông Du thì chiến thuật này
của Philippines là nhằm để làm phức tạp thêm vấn đề thay vì
giảm căng thẳng.
“Chính phủ Philippines, mặc dù ý thức
được lập trường nhất quán của Chính phủ Trung Quốc, vẫn có
cách để thúc đẩy đề xuất này,” ông Du nói.
"Mục đích không gì khác hơn là bôi nhọ Chính phủ Trung Quốc là đã phớt lờ hệ thống tư pháp quốc tế và bác bỏ giải quyết tranh chấp thông qua các phương tiện pháp lý."
Du Bình, giảng viên luật tại Đại học Bắc Kinh
“Mục đích không gì khác hơn là bôi nhọ
Chính phủ Trung Quốc là đã phớt lờ hệ thống tư pháp quốc tế
và bác bỏ giải quyết tranh chấp thông qua các phương tiện pháp
lý,” ông nói thêm.
Lý do cuối cùng mà Tân Hoa Xã nêu ra là
Hoa Kỳ là nước mà Philippines không thể nhờ cậy trong vấn đề
tranh chấp ở Scarborough.
“Philippines nói rằng Đảo Hoàng Nham, một
bãi đá cạn không có người ở, nằm hoàn toàn trong phạm vi vùng
đặc quyền kinh tế của nước này được UNCLOS thừa nhận,” Tân Hoa
Xã giải thích.
“Nước này đang cố thuyết phục ‘người bạn
bãi cạn’ – Hoa Kỳ – ủng hộ đòi hỏi chủ quyền của họ dựa trên
UNCLOS,” Tân Hoa Xã nói thêm.
Tuy nhiên, hãng tin này dẫn lời ông Tiglao,
vốn cũng từng là người phát ngôn của tổng thống Philippines,
rằng điều này càng lạ lùng hơn bởi vì Hoa Kỳ là quốc gia
thậm chí vẫn chưa phê chuẩn UNCLOS.
“Việc chính phủ Aquino nài nỉ Hoa Kỳ cung
cấp vũ khí để bảo vệ tuyên bố chủ quyền ở Đảo Hoàng Nham là
một hành động vụng về – thậm chí buồn cười,” ông này nói.
“Hoa Kỳ là một trong số 34 nước không phê
chuẩn UNCLOS,” ông nói thêm, “Do đó nước này chính thức không
thừa nhận công ước này.”
No comments:
Post a Comment