Trở Về Trang chính

Wednesday, February 1, 2012

Tinh thần Diên Hồng: Quyết Chiến và Hy Sinh



Mùa Xuân 2011 này là mùa Xuân thứ 36 đất nước ta bị lầm than bất hạnh do cộng sản cai trị. Tại hải ngoại, hàng triệu người Việt đã phải ăn hàng chục cái tết xa quê hương. Nỗi khát mong được trở về quê hương mừng Xuân ăn Tết trong bầu khí tự do thanh bình, không bị bọn công an vô liêm sỉ quấy nhiễu, vòi tiền, theo dõi, vẫn là ước vọng của rất nhiều người Việt hải ngoại. Nhưng đã gần 40 năm qua, và không biết còn kéo dài đến bao giờ, ước vọng ấy vẫn chưa thành hiện thực. Tại sao?

Dịp đầu năm hay dịp mừng Xuân cũng là dịp để chúng ta xét xem cuộc đấu tranh chống cộng của chúng ta tại hải ngoại, bắt đầu từ 1975 đến nay, đã đạt được những kết quả nào, những ưu điểm nào cần duy trì và những thiếu sót nào cần sửa chữa.

Hiện nay, đất nước ta đang bị Trung cộng âm mưu thôn tính, phần nào tương tự như thời nhà Trần xưa phải đối phó với cuộc xâm lăng tàn bạo của quân Mông Cổ. Nhưng có phần rất khác với thời nhà Trần, vì thời nhà Trần, vị vua cầm quyền cai trị là một minh quân, rất yêu nước thương dân, quyết đánh đuổi quân xâm lược. Còn nhà cầm quyền Việt Nam thời nay là một đảng cướp, hèn với giặc, ác với dân, chẳng những không chống ngoại xâm mà còn tiếp tay giúp ngoại xâm thôn tính đất nước mình. Chúng bỏ tù tất cả những ai yêu nước quyết chống lại hiểm họa xâm lăng của Trung cộng.

Nhà Trần thời đó đã chiến thắng ngoại xâm một cách vẻ vang. Nhờ đâu mà được như vậy? Thiết tưởng chúng ta cần phân tích xem: yếu tố nào giúp dân tộc ta tuy nhỏ bé, quân đội ta tuy không đông, đã làm cho đoàn quân Nguyên từng “bách chiến bách thắng” ở khắp nơi phải thất bại ê chề khi xâm lăng đất nước ta?

Thật vậy, cuối thế kỷ 13, quân Nguyên đem quân xâm lược Việt Nam, khí thế của chúng rất mạnh mẽ, các quốc gia từ Đông sang Tây đều phải quy hàng. Trước thế nước nguy hiểm như thế, thì tháng chạp năm 1284, Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông liền triệu tập các phụ lão cả nước để trưng cầu dân ý. Đó là Hội Nghị Diên Hồng, được xem như hội nghị dân chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Điều đáng lưu ý là hội nghị này không hề bàn về chiến lược hay chiến thuật quân sự mà chỉ bàn hai vấn đề:

Thứ nhất, trước giặc nước mạnh như vũ bão thì mình nên đánh hay đầu hàng? Kết quả: các phụ lão đồng thanh quyết định: Đánh!

Quyết định như thế thì vấn đề thứ hai nảy sinh ra và phải bàn là giặc mạnh và đông, mình yếu và ít quân thì làm sao mà đánh? Hội nghị đã đồng thanh đưa ra phương cách: Hy sinh, liều chết với giặc!

Như vậy, cốt yếu của hội nghị gồm hai điều: Quyết định đánh, và sẵn sàng hy sinh. Cả hai điều trên, điều nào cũng quan trọng. Có quyết chiến thì mới sẵn sàng hy sinh. Có chấp nhận hy sinh thì mới đem lại chiến thắng.

Hiện nay, tình hình Việt Nam quả hết sức nguy ngập. Một đằng Trung cộng quyết tâm bành trướng lãnh thổ sang Việt Nam để giải quyết nạn nhân mãn và nhu cầu phát triển của họ. Một đằng đảng CSVN bất tài lại tham quyền cố vị, sẵn sàng bán đứng đất nước, tiếp tay cho Trung cộng xâm chiếm Việt Nam. Trước tình thế nguy ngập ấy, một vài tổ chức đấu tranh dân chủ hải ngoại đã chủ trương phải tạo ra một hội nghị Diên Hồng để tìm sự đồng thuận của các nhân sĩ, những người hoặc tổ chức có uy tín trong giới Người Việt.

Nhưng để giải quyết được tình trạng nguy ngập này, vấn đề không phải là triệu tập được một hội nghị tương tự như Diên Hồng, mà phải là làm sao có được tinh thần Diên Hồng. Tinh thần Diên Hồng mới là yếu tố làm nên chiến thắng. Tinh thần Diên Hồng chính là: Quyết Chiến và Hy Sinh.

Quyết chiến:

Quyết chiến ở đây bao hàm sự quyết thắng. Nghĩa là với bất cứ giá nào, nhất định phải chiến thắng, phải làm cho địch thiệt hại nặng nề, chứ không chỉ chiến đấu để chiến đấu, chiến đấu cho có, để có thành tích, để mọi người khâm phục mình là yêu nước, là anh hùng…

Trong cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ và chống cộng hiện nay, nhiều người tham gia rất mạnh mẽ, mục đích của họ đương nhiên có phần nào là lật đổ chế độ độc tài cộng sản hầu Việt Nam có tự do dân chủ. Nhưng đối với nhiều người, đó không phải động lực chính, mà động lực của họ là:

─ Muốn khỏi bị mang tiếng là không đấu tranh, nhất là khi mình lại là người có uy tín trong một cộng đồng tị nạn cộng sản, hay là người có chức vụ cao trong chế độ VNCH. Do đó, mình phải đấu tranh ít nhất ở một mức độ nào đó để khỏi bị mang tiếng, bị chê cười.

─ Muốn tạo thành tích đấu tranh, được đánh giá là người yêu nước, là người hùng, để tạo uy tín chính trị, để được tiếng khen, để được dân chúng dồn phiếu cho mình khi vận động tranh cử, v.v…

─ Muốn ganh đua để tỏ ra xuất sắc hơn những người đấu tranh hay những tổ chức đấu tranh khác. Vì thế, khi thấy người khác hay tổ chức khác đấu tranh hữu hiệu hơn hay nổi tiếng hơn mình, thì ghen tức, tìm cách hạ uy tín của họ… bất chấp điều đó có thể làm hại cho cuộc đấu tranh chung…

Đấu tranh do những động lực ấy thì chỉ đấu tranh cầm chừng ở mức độ nào thôi, chứ không quyết chiến thắng. Đặc tính chung của những người đấu tranh “không quyết thắng” ấy là ham phô trương thành tích. Hễ làm được việc gì đáng kể là lập tức khoe cho mọi người biết để được khen, được nể phục… Những việc họ làm nhiều khi rất rầm rộ nhưng thực tế chẳng làm cộng sản bị thiệt hại bao nhiêu. Họ nhắm lợi ích cho cuộc đấu tranh chung thì ít, mà cho lợi ích cá nhân hay uy tín tổ chức của họ thì nhiều.

Tinh thần quyết chiến đích thực đòi hỏi phải nhắm tới hiệu quả cụ thể là phải thành công… chứ không chỉ hài lòng ở mức độ thành nhân, hay chỉ đạt được những lợi ích cá nhân hay tập thể.

Tinh thần quyết chiến đích thực tất yếu dẫn đến tinh thần hy sinh.

Hy sinh:

Hy sinh là chấp nhận đau khổ, thiệt thòi, mất mát về quyền lợi, của cải, vật chất, thì giờ, sức lực, đôi khi cả sự an nguy cho bản thân hay gia đình mình… hầu đạt được những mục đích cao cả hoặc lớn lao hơn.

Tinh thần của Hội Nghị Diên Hồng là sự hy sinh, quả cảm, sẵn sàng liều thân giết giặc để cứu nguy tổ quốc. Nhờ tinh thần ấy, quân số của ta dù ít nhưng vẫn chiến thắng được quân số đông đảo “bách chiến bách thắng” của Mông Cổ. Hiệu quả quan trọng nhất của tinh thần hy sinh này là đất nước ta thoát được cảnh đô hộ của quân Nguyên. Nếu không chiến thắng trận ấy thì cả dân tộc ta sẽ phải chìm ngập trong đau khổ lầm than vì bị đô hộ hà khắc không biết sẽ kéo dài bao lâu, thiệt hại và đau thương không biết bao nhiêu mà kể!

Để minh họa tinh thần hy sinh quả cảm, sẵn sàng liều chết để đem lại chiến thắng cho cuộc chiến chống quân Nguyên cách đây 8 thế kỷ, ta có thể dùng một hình ảnh tương tự gần đây hơn, chỉ cách đây hơn nửa thế kỷ, đó là tinh thần cảm tử của Phi Đội Thần Phong Nhật Bản. Trong trận đánh Mỹ-Nhật tại Trân Châu Cảng, hàng trăm máy bay cảm tử của Nhật liều chết lao vào các tàu chiến Mỹ. Nhờ đó, sáng ngày 7/12/1941, chưa đầy ba tiếng đồng hồ, phi đội này đã phá tan hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tại Chân Trâu Cảng, khiến Mỹ phải cầu hòa và rút khỏi Thái Bình Dương.

Trong cuộc đấu tranh của dân tộc ta với cộng sản Việt Nam cũng như cộng sản Trung Quốc hiện nay, muốn chiến thắng, người Việt chúng ta, dù trong nước hay hải ngoại, phải làm sao có được tinh thần Quyết ChiếnHy Sinh của Hội nghị Diên Hồng.

Nói đến hy sinh, ai cũng biết sự hy sinh lớn lao của những người đấu tranh trong nước khi phải trực diện với cộng sản vừa gian dối xảo quyệt, vừa phi nhân tàn ác. Dù phải trả giá cho cuộc đấu tranh đó bằng những năm tháng ngục tù, bị tra tấn, đánh đập, thậm chí có thể mất mạng, họ vẫn can đảm chấp nhận. Gương của những Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Lía, Trần Anh Kim, Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Huỳnh Ngọc Tuấn, Huỳnh Thục Vy, và rất nhiều người khác nữa, đã làm thế giới ngưỡng mộ.

Thế còn những người đấu tranh hải ngoại, đang sống trong một môi trường tự do, an toàn, đầy đủ… chúng ta phải hy sinh những gì? Là người đang sống ở hải ngoại, tôi nhận thấy những người đấu tranh ở hải ngoại cũng đã hy sinh rất nhiều để yểm trợ cho các nhà dân chủ và cuộc đấu tranh trong nước. Biết bao nỗ lực và hy sinh về công sức, thì giờ, tiền bạc, mà Người Việt tị nạn cộng sản tại hải ngoại đã đổ ra suốt mấy thập niên qua để yểm trợ cuộc đấu tranh trong nước! Nếu không có những hy sinh ấy, chắc chắn cuộc đấu tranh trong nước đã khó khăn hơn rất nhiều.

Hy sinh nhiều như thế, tại sao chúng ta vẫn chưa có được một lực lượng hải ngoại hùng hậu, vững chắc, để yểm trợ thật hữu hiệu cho trong nước?

Có lẽ chúng ta còn thiếu tinh thần của Hội Nghị Diên Hồng. Chúng ta chưa có tinh thần quyết thắng, và sự hy sinh của chúng ta mới chỉ là những hy sinh những cái bên ngoài mình, chưa phải là cái thân thiết nhất của mình.

Nếu có tinh thần quyết thắng, chúng ta sẽ phải quyết tâm thực hiện cho bằng được với bất cứ giá nào cái điều kiện quan trọng nhất để chiến thắng: sự đoàn kết. Người Việt hải ngoại tuy có tiềm lực (potential power) rất lớn, nhưng hiện lực (actual power) hay thực lực (real power) không lớn vì lực của chúng ta bị phân tán như ánh sáng mặt trời, tuy vô cùng lớn nhưng không tập trung lại được. Chúng ta chưa đoàn kết vì chúng ta chưa quyết tâm đoàn kết. Chúng ta chưa quyết tâm đoàn kết vì chúng ta chưa quyết tâm chiến thắng. Và vì chưa quyết tâm chiến thắng, nên chúng ta chưa dám hy sinh cái quý nhất của chúng ta, đó là hy sinh “cái tôi” của mình, “cái tôi cá nhân” cũng như “cái tôi tập thể” để có thể liên kết với những người đồng chí hướng, đồng mục đích với chúng ta hầu trở thành sức mạnh.

Coi “cái tôi” của mình lớn quá, không dẹp được tự ái, không chấp nhận cho ai hơn mình hoặc khác với mình, không chấp nhận dưới quyền ai, không muốn nghe ý kiến của ai nhất là những ý kiến ngược với quan điểm của mình, không dám nhận mình sai lỗi, không muốn chấp nhận người khác đúng còn mình sai, ai nói đụng chạm tới mình là nổi giận lên và phải trả thù cho bằng được… Đó là những trở ngại mà đa số chúng ta đã không vượt qua được để liên kết với người khác, chỉ vì mình chưa dám hy sinh “cái tôi” của mình, dù sự hy sinh ấy chỉ là một sự hy sinh trong tinh thần. Chính vì chưa dám hy sinh “cái tôi” ấy mà chúng ta bị chia rẽ, mà chúng ta bận tâm đánh phá lẫn nhau hơn là bận tâm đánh phá kẻ thù!

Tóm lại, suốt mấy thập niên qua, chúng ta chưa chiến thắng, chỉ vì chúng ta chưa thắng nổi chính mình, chưa thắng được chính “cái tôi” của mình. Chưa thắng được “cái tôi”, chính vì chúng ta chưa quyết chiến thắng nó, chưa dám hy sinh dẹp nó đi, bắt nó nhỏ lại! Đó chính là lý do tại sao chúng ta chưa đoàn kết, chưa thắng được cộng sản!

Houston, Xuân Nhâm Thìn 2012.
Nguyễn Chính Kết

No comments:

Post a Comment