Trở Về Trang chính

Wednesday, February 1, 2012

Kể chuyện ở Na Uy

Oslo, Na Uy

Người nhập cư mới đến Na Uy, nếu không do gia đình bảo lãnh và chịu trách nhiệm chu cấp bước đầu, sẽ được chính phủ Na Uy trợ cấp cho đi học ngôn ngữ trong hai năm, theo một chương trình gọi là introduksjonsprogram (introduction program). Trong đó bên cạnh việc học ngôn ngữ, học viên sẽ được tìm hiểu thêm về lịch sử, văn hóa xã hội, đời sống công ăn việc làm và một số vấn đề liên quan đến luật pháp, chính sách dành cho dân nhập cư… ở Na Uy.

Trong thời gian học, học viên sẽ thi Norskprøve 2, Norskprøve 3 đế lấy giấy chứng nhận. Khi đã tốt nghiệp Norskprøve 3, thông thường là hai năm, nhưng cũng có người học nhanh hơn, là kết thúc chương trình học. Và có thể đi làm. Còn muốn theo học lâu dài hơn, chẳng hạn có những người khi ở nước nhà chưa tốt nghiệp trung học phổ thông muốn học tiếp, hoặc học nghề, sẽ chuyển qua học nốt chương trình trung học hoặc học nghề. Còn nếu muốn học đại học hoặc cao hơn, thì phải học ngôn ngữ thêm một thời gian để thi lấy chứng chỉ Bergenstest do trường đại học ở thành phố Bergen cấp, kiểu như chứng chỉ ESL (English as a Second Language) hay TOEFL (Test of English as a Foreign Language) đối với người học tiếng Anh vậy.

Trong khoảng hơn 3 thập niên qua, số lượng người nhập cư ở Na Uy tăng lên nhanh chóng, hiện tại chiếm khoảng hơn 600,000 người trên tổng dân số 4,9 triệu của Na Uy. Và đến từ mọi nơi trên thế giới. Từ châu Âu-trong đó phần lớn là từ Trung Âu và các nước cộng sản cũ ở Đông Âu như Ba Lan, Nga, Hunggary, Đông Đức, Kosovo (ở Đông Nam châu Âu)…từ các nước láng giềng trong khu vực Scandinavia như Thụy Điển, Đan Mạch, Iceland…Từ châu Á- Đông Á như Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Cambodia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…Nam Á như Pakistan, Afghanistan, Bangladesh…các nước Hồi giáo Iran, Iraq, Palestine, Chechnya…Từ châu Phi như Somalia, Eritrea, Ethiopia, Morocco …Những năm sau này, người nhập cư từ các quốc gia Hồi giáo chiếm một số lượng đáng kể.

Trong ngôi trường Kongsgård skolesenter dành cho người nhập cư đi học tiếng Na Uy ở thành phố Kristiansand, học viên có trên 50 quốc tịch. Kể cũng thú vị khi tiếp xúc với những con người từ các quốc gia, văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ, phong tục tập quán…khác nhau, từ đó mới thấy cùng một vấn đề chẳng hạn, nhưng suy nghĩ của con người rất khác nhau, phụ thuộc vào việc họ là ai, từ đâu đến, họ đã từng sống trong môi trường gia đình, xã hội ra sao. Các cô giáo dạy tiếng Na Uy thường nói rằng họ cảm thấy rất thú vị khi dạy học ở ngôi trường này, vì mỗi ngày họ lại được học rất nhiều điều mới, khác lạ từ các học viên của mình. Và từng học viên cũng thế.

Ví dụ như khi xảy ra 2 vụ khủng bố, giết người hàng loạt vào ngày 22.7.2011 ở Na Uy, qua đó thủ phạm Anders Breivik đã giết chết 76 con người, hầu hết là thanh thiếu niên. Thế nhưng theo luật pháp của Na Uy, hắn ta chỉ phải chịu mức án nặng nhất là 21 năm tù, mà chế độ nhà tù ở Na Uy thì thực sự là “nhẹ nhàng dễ chịu” hơn nhiều quốc gia trên thế giới.

Tôi đã từng hỏi nhiều người Na Uy khác nhau rằng họ suy nghĩ như thế nào về việc kẻ khủng bố Anders Breivik không bị tử hình, rằng liệu có nên sửa luật để có thể tử hình kẻ phạm tội trong một số trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như giết quá nhiều người, hành động có chủ đích, có kế hoạch kỹ lưỡng và vô cùng tàn ác, không hề tỏ ra hối hận, như Anders Breivik hay không. Nhưng tất cả những người Na Uy mà tôi hỏi đều không phản đối gì về việc Anders Breivik không bị tử hình, thậm chí có người còn bảo tôi: tử hình hắn thì cũng đâu có mang những người đã chết trở lại?

Thú thật là cá nhân tôi vẫn thấy rất “lấn cấn” – không phải chỉ vì Anders Breivik không bị tử hình, mà vì ngay cả khi bị tù, hắn cũng…sướng chán, cái khổ duy nhất có lẽ chỉ là bị mất tự do. Điều đó rõ ràng không công bằng cho 76 con người bị hắn cướp đoạt mạng sống khi chỉ mới ở lứa tuổi 12, 13 cho đến 17, 20, mà hoàn toàn không có tội gì, không liên quan gì đến hắn. Nhưng người Na Uy có suy nghĩ khác. Và luật pháp của đất nước Na Uy từ lâu đã bãi bỏ án tử hình.

Khi những người khác hỏi lại suy nghĩ của tôi về án tử hình ở VN, nếu họ là người Na Uy, tôi thường cảm thấy hơi khó trả lời, vì nếu nói rằng mình ủng hộ việc vẫn còn án tử hình ở VN thì nó có vẻ như mình dã man, và đất nước mình vẫn còn dã man(!). Nhưng không thể không trả lời. Tôi nói rằng theo tôi, trong hoàn cảnh của nước VN hiện nay, án tử hình vẫn cần thiết, vì tỷ lệ tội phạm vẫn còn cao, nhất là những trọng án như giết người. Tuy nhiên, nếu tôi là các vị quan tòa, tôi sẽ luôn luôn cân nhắc để giảm thiểu việc kết án tử hình được bao nhiêu hay bấy nhiêu; nếu tôi là Chủ tịch nước, khi đơn ân xá gửi đến tay mình-cũng là hy vọng cuối cùng của tử tù, tôi sẽ cân nhắc để có thể ân xá, bởi vì bác đơn, cũng có nghĩa là chính tay mình vấy máu.

Nhưng rõ ràng nếu so sánh các quốc gia vẫn còn tồn tại án tử hình với những quốc gia đã bãi bỏ án tử hình, chưa chắc tỷ lệ tội phạm bên nào đã ít hơn, có nghĩa là án tử hình chưa chắc đã là giải pháp ngăn cản tội ác hữu hiệu nhất.

Còn đối với các học viên là dân nhập cư đến từ những quốc gia khác nhau, câu trả lời cũng rất khác nhau. Người dân từ những quốc gia còn án tử hình thường cảm thấy khó chấp nhận việc một kẻ khủng bố tàn ác như Anders Breivik không bị án tử. Có những học viên từ một vài quốc gia Hồi Giáo ở châu Phi còn nói với tôi ở nước họ 15 tuổi là đã phải chịu tử hình nếu phạm trọng tội, chứ không phải 18 tuổi như một số quốc gia ấn định. Và trong xã hội của họ còn có luật “mắt trả mắt, răng trả răng” nghĩa là anh làm điều gì gây hại cho tôi thì anh sẽ bị trừng phạt y như thế. Nếu anh làm tôi mù mắt thì anh cũng sẽ bị móc mắt lại, nếu anh cưỡng hiếp vợ tôi/em gái tôi/con gái tôi thì vợ anh/em gái anh/con gái anh cũng sẽ bị đúng như thế. Tôi phản đối với lý do luật pháp là để xét xử, để đem lại sự công bằng cho nạn nhân và cho xã hội chứ không phải để trả thù. Nhưng trong suy nghĩ của người học viên kia thì như thế là đúng, là công bằng.

Cũng nhân tiện để mở một cái ngoặc ở đây, khi xảy ra vụ án Lê Văn Luyện ở VN, có vẻ như dư luận phần lớn đều tỏ ra không đồng tình với việc Lê Văn Luyện chỉ bị tối đa 18 năm tù vì khi gây án, Luyện chưa đủ 18 tuổi. Có những ý kiến cho rằng cần phải sửa luật để có thể tử hình những kẻ tàn ác như Lê Văn Luyện. Phản ứng của dư luận nếu chỉ như vậy thì cũng là bình thường. Nhưng nếu theo dõi những cuộc tranh luận, các ý kiến trên các trang mạng xã hội facebook kể từ khi vụ án mới xảy ra cho đến khi Luyện bị kết án 18 năm tù, đôi khi chúng ta thấy…rợn người vì những biện pháp trừng phạt khác nhau, còn khủng khiếp dã man hơn cả thời Trung Cổ, được nhiều người đề nghị áp dụng cho Lê Văn Luyện. Nói như thế để thấy đối với phần đông người Việt chúng ta, tử hình một kẻ phạm tội trọng là chuyện rất bình thường.

Trong nhiều vấn đề khác như trinh tiết của cô dâu trước hôn nhân, ly hôn, nạo phá thai, hôn nhân đồng tính hay việc cho phép hay không cho phép chết tự nguyện (euthanasia)…cũng vậy, mỗi con người đến từ những quốc gia, xã hội, tôn giáo khác nhau thường có những suy nghĩ khác nhau. Cái gọi là văn minh, có thể chấp nhận được ở quốc gia này, tôn giáo này sẽ là không thể chấp nhận được ở quốc gia khác, tôn giáo khác. Chẳng hạn người VN chúng ta có thể sẽ hơi ngạc nhiên một cách thú vị nếu biết rằng với người Hồi giáo, không chỉ cô gái phải còn trinh tiết trước khi lấy chồng mà người con trai cũng vậy, ngoài ra người đàn ông, đàn bà cũng không được phép quan hệ với ai ngoài vợ/ chồng mình. (Tất nhiên nếu người đó không cò lòng tin mạnh mẽ vào tôn giáo và không sợ bị thánh Ala trừng phạt thì anh ta/chị ta vẫn phạm tội).

Nạo phá thai cũng vậy. Có những quốc gia/tôn giáo không chấp nhận điều này, và người ta nhìn những quốc gia cho phép phá thai dễ dàng như thể một hành động khuyến khích…giết người, và khiến cho con người nhất là giới trẻ trở nên tự do, dễ dãi hơn trong quan hệ tình dục. Ngược lại, những quốc gia cho phép nạo phá thai lại nhìn vấn để ở những khía cạnh nhân đạo khác, trước hết đối với người con gái/phụ nữ trong việc phải sinh và nuôi một đứa con ngoài ý muốn. Việt Nam nằm trong số những quốc gia cho phép nạo phá thai, nhưng đáng buồn là tỷ lệ nạo phá thai, đặc biệt ở lứa tuổi vị thành niên của VN rất cao. “Theo thống kê mới nhất của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam: Trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên…Với con số kỷ lục này, Việt Nam trở thành nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới….” (VietnamNet 26.12.2011). Điều này không hẳn vì việc cho phép phá thai tương đối dễ dàng, mà cái chính là việc giáo dục giới tính ở lứa tuổi vị thành niên chưa kỹ càng thấu đáo.

Rõ ràng cùng một vấn đề nhưng cách nhìn nhận, đánh giá, khái niệm về đạo đức, nhân bản…của mỗi dân tộc sẽ có khác nhau. Và hầu như bao giờ cũng thế, mỗi vấn đề đểu có ít nhất hai mặt-tốt, đạo đức, nhân bản ở góc độ này đồng thời lại xấu, phi đạo đức, phi nhân ở góc độ khác.

Hoa Kỳ hay một số quốc gia khác trên thế giới, có lượng dân nhập cư đến từ những quốc gia, tôn giáo, vùng miền khác nhau, làm phong phú thêm cho nền văn hóa của chính nước đó, đồng thời sự khác biệt trong suy nghĩ của những con người vốn có nguồn gốc quê quán khác nhau sẽ khiến cho người dân có thói quen nghe/chấp nhận những ý kiến khác với mình. Na Uy ngày nay cũng trở thành một quốc gia đa văn hóa, dù với kích cỡ, dân số nhỏ hơn gấp nhiều lần so với Hoa Kỳ.

Nếu không là một quốc gia đa văn hóa thì bản thân một quốc gia, một xã hội có một thể chế chính trị tự do dân chủ cũng giúp cho con người trở nên phóng khoáng, đa chiều hơn trong suy nghĩ, đánh giá mọi sự việc. Ngược lại, ở những quốc gia số lượng người nhập cư ít lại chỉ có một hệ tư tưởng, một thể chế chính trị, một đảng cai trị trong nhiều thập niên, như VN chẳng hạn, suy nghĩ của người dân thường trở nên giống nhau, như mặc đồng phục về tinh thần, mà không tự ý thức được. Chúng ta cũng không có thói quen dân chủ khi tranh luận, thói quen nghe/chấp nhận những ý kiến khác mình.

Trong bài “Chúng ta cũng đang vi phạm nhân quyền với nhau” tôi có viết rằng: “…Khi mô hình thể chế chính trị thay đổi, những giá trị tự do dân chủ nhân quyền sẽ được đặt lên hàng đầu và được pháp luật cũng như người dân giám sát chặt chẽ, lúc ấy, không chỉ mối quan hệ giữa nhà nước với nhân dân mà trong mọi mối quan hệ giữa con người với con người, chúng ta sẽ phải học lại từ đầu để thay đổi cách ứng xử với nhau”.

Học để tôn trọng nhân quyền. Học để sống/suy nghĩ/hành xử một cách dân chủ hơn với chính mình và với người khác. Đều là mất thời gian. Và một khi quá trình sống trong một chế độ độc tài càng lâu thì cái quá trình để học lại này cũng càng mất nhiều thời gian, càng phải trả giá đắt hơn.

Nguồn: Blog Song Chi (RFA)

No comments:

Post a Comment