Trở Về Trang chính

Wednesday, February 22, 2012

Thác Bản Giốc của Việt Nam hay của Trung Quốc?

Vấn đề chủ quyền Thác Bản Giốc lại được dư luận Việt Nam chú ý bàn tán hồi gần đây sau khi Chủ tịch Trương Tấn Sang đến thăm ngọn thác xinh đẹp ở biên giới Việt-Trung được cho là thác nước xuyên quốc gia lớn nhất Á châu. Báo chí Việt Nam hồi tuần qua cũng cho biết Hà Nội và Bắc Kinh đang thương thảo để đạt được Hiệp định về khai thác tiềm năng du lịch khu vực Thác Bản Giốc. Trong nhiều năm qua chính phủ ở Hà Nội cho rằng Việt Nam lẽ ra chỉ có chủ quyền đối với một phần ba Thác Bản Giốc nhưng nhờ thương thuyết nên Trung Quốc nhượng bộ và giờ đây Việt Nam được phân nửa. Tuy nhiên, những người chỉ trích nói rằng Thác Bản Giốc trước đây được coi là thác riêng của Việt Nam. Mời quí thính giả theo dõi thêm chi tiết qua cuộc phỏng vấn nhà nghiên cứu Mai Thái Lĩnh sau đây.

Duy Ái – VOA

———————————————

VOA: Thưa ông, chắc ông cũng biết là trong chuyến viếng thăm Trung Quốc mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh có đề cập tới ý định thương thuyết với Trung Quốc để ký kết hiệp định về khai thác tiềm năng du lịch Thác Bản Giốc. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hồi đầu tháng 12 vừa qua cũng đã đến thị sát Cao Bằng và đi thăm Thác Bản Giốc. Với tư cách là một người bỏ công nghiên cứu rất nhiều về vấn đề chủ quyền Thác Bản Giốc xin ông cho thính giả của VOA được biết sơ qua về tình hình hiện nay ở khu vực này?

Ông Mai Thái Lĩnh: Qua thông tin của báo chí trong nước, trong những năm gần đây và mãi cho tới ngày nay việc khai thác du lịch ở Thác Bản Giốc có một sự mất cân bằng giữa hai bên. Phía Trung Quốc hàng năm họ thu hút được khoảng một triệu du khách. Về phía nước ta thì số du khách trung bình chỉ vào khoảng 30.000. Lý do chính là vì cơ sở hạ tầng ở đây còn rất yếu kém, từ đường giao thông cho tới khách sạn, nhà trọ, cũng như các dịch vụ phục vụ du lịch khác. Ngoài ra, còn có một lý khác nữa là giữa hai bên chưa có một hiệp định hợp tác khai thác du lịch.

Theo một trang blog trong nước (của nhà báo Trương Duy Nhất), có một Việt kiềuCanadavề nước, muốn đóng góp cho địa phương khoảng nửa triệu đô la để giúp cho tỉnh sửa sang lại cảnh quan du lịch; nhưng khi gặp chính quyền của tỉnh thì họ không chấp nhận. Bởi vì, theo lời một quan chức địa phương, việc chỉnh trang xây dựng khu vực này lệ thuộc vào nội dung của hiệp định hợp tác khai thác. Cho nên mỗi lần bên mình định làm cái gì thì bên kia họ lại phá.

Tôi nghĩ rằng có lẽ vì lý do này nên trong chuyến đi thăm Trung Quốc lần này Ngoại trưởng Phạm Bình Minh có đưa vấn đề ký hiệp định khai thác chung vào chương trình nghị sự giữa hai bên. Còn theo thông tin của một số người đến thăm Thác Bản Giốc, ở phía thượng lưu (phía trên thác) có một cái chợ trời biên giới. Người Việt mình qua lại được. Nhưng ở phía hạ lưu thì vì đường phân chia nằm giữa giòng sông nên nếu đi ra về phía thác chính thì bè của ViệtNamchỉ qua được tới giữa giòng thôi, chứ không thể qua phía bên kia được. Tình hình đại khái là như vậy.

VOA: Hồi đầu tháng này ông đã cho phổ biến bài nghiên cứu “Sự thật về Thác Bản Giốc”, trong đó ông khẳng định Việt Nam là chủ nhân thực sự của thác nước này. Xin ông vui lòng cho biết những luận điểm chính của ông về vấn đề này.

Ông Mai Thái Lĩnh: Bài viết của tôi vừa rồi có nhan đề là “Sự thật về Thác Bản Giốc”. Thật ra không phải tất cả đều là ý kiến của tôi, mà đây có thể nói là một công trình tập hợp tất cả những bằng chứng mà nhiều bài viết trước đây – nhiều người đã viết trong vòng khoảng chục năm nay, để chứng minh Thác Bản Giốc hoàn toàn là của Việt Nam.

Trong đó đáng kể nhất là một nhà nghiên cứu ở Pháp, ông Trương Nhân Tuấn, một Việt kiều sinh sống ở Pháp. Ông đã sưu tập được rất nhiều tài liệu thành văn về quá trình ký kết và cắm mốc giữa hai bên — giữa Pháp và nhà Thanh, vào cuối thế kỷ thứ 19.

Còn ở trong nước, tôi xin lấy ví dụ như ông Hàn Vĩnh Diệp, một đảng viên cộng sản và là một cán bộ hưu trí. Ông này đã từng 7 lần đến thăm Bản Giốc, từ 1958 đến 2006, và có lần từng ở lại một ngày một đêm ở bờ bắc của sông Quây Sơn. Địa điểm này bây giờ, theo như tác giả viết, đã thuộc về lãnh thổ của Trung Quốc rồi.

Tất cả những luận điểm của các tác giả nói trên vẫn còn một số điểm chưa thật chính xác, vẫn còn những lỗ hổng, khiến cho toàn bộ chưa có tính chất thuyết phục. Khó khăn lớn nhất là thiếu những bản đồ chi tiết để giải thích rõ trước đây đường biên giới như thế nào và hiện nay đường biên giới thay đổi ra sao. Nhất là cột mốc số 53.

Vừa rồi, trong quá trình nghiên cứu, tôi tìm được một số bản đồ. Đặc biệt là qua mạng internet tôi tìm được hai tờ bản đồ, tỉ lệ 1/50,000. Một là bản đồ do Quân đội Hoa Kỳ in năm 65 và một là của Quân đội Nhân dân ViệtNamin năm 1980. Hai bản đồ này về cơ bản thì địa hình rất giống nhau. Chỉ có khác là tờ bản đồ của ViệtNamđã được Việt hóa và điều chỉnh một số điểm, nhất là địa danh. Quan trọng nhất là hai tờ bản đồ này có ghi rõ tọa độ địa lý và có những vòng cao độ, và trong đó đặc biệt là có ghi rõ các cột mốc nằm ở đâu. Cho nên tôi nghĩ rằng những người có trình độ về bản đồ học có thể căn cứ vào cái này để xác định tọa độ các cột mốc một cách hết sức chính xác.

Ngoài ra còn có một tờ bản đồ chi tiết về đường biên giới mới. Tờ bản đồ này sở dĩ có được là do vào cuối tháng 10 năm 2011 có một đoàn nhà văn quân đội đã lên thăm đồn biên phòng Đàm Thủy ở gần Thác Bản Giốc và chụp ảnh lại bản đồ chi tiết về đường biên giới này.

So sánh mấy tờ bản đồ với nhau thì chúng ta thấy rõ ràng là cột mốc 53 đã bị dời đi, đường biên giới bị sửa đổi, và do vậy nên ta mất đi một nửa thác chính của thác Bản Giốc. Cho nên có thể nói là với những tư liệu này chúng ta có thể chứng minh được thác Bản Giốc trước đây hoàn toàn là của ViệtNam.

Và tất cả những điều này rất ăn khớp với tất cả những tư liệu về địa lý trước đây của nước ta, cũng như ăn khớp với những điều mà trong bản “bị vong lục” ngày 15 tháng 3 năm 1979 Bộ Ngoại giao Việt Nam đã công bố trong cuốn sách “Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc” do Nhà Xuất bản Sự Thật xuất bản vào năm 1979. Có thể nói là tất cả rất có hệ thống và rất chính xác và đã chứng minh rằng Thác Bản Giốc là hoàn toàn thuộc về Việt Nam.

VOA: Chắc ông cũng biết là ông Lê Công Phụng, người từng giữ chức Trưởng đoàn đám phán cấp chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam-Trung Quốc, cho biết: tại Thác Bản Giốc, Việt Nam chỉ có một phần ba thác, nhưng nhờ thương thuyết cho nên Trung Quốc nhượng bộ, thành ra Việt Nam được nửa thác. Xin ông cho biết ý kiến về tuyên bố của ông Phụng.

Ông Mai Thái Lĩnh: Theo ông Lê Công Phụng cũng như các quan chức ngoại giao khác, đã công bố qua báo chí Việt Nam, thì theo pháp lý và thông lệ quốc tế, Việt Nam chỉ có được một phần ba thác chính, nhưng qua đàm phán nên cuối cùng Việt Nam có được một nửa thác chính và một phần tư cồn Pò Thoong.

Nhưng nói theo thực tế và căn cứ vào những tài liệu mà mình nắm được thì đúng ra phải nói như thế này: “theo pháp lý và đúng theo lịch sử thì toàn bộ Thác Bản Giốc là của Việt Nam, nhưng vì Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm đoạt và trấn áp, cho nên cuối cùng thì việc thương thuyết của ta hoàn toàn thất bại, cho nên nước ta mất một nửa thác chính.”

Nhưng điều quan trọng nhất là ngoài chuyện mất đi nửa thác chính, chúng ta mất luôn dải đất chạy dài từ cồn Pò Thoong cho đến chân thác. Trước đây do không có dải đất này, phía Trung Quốc tuy có một đồn trên đỉnh núi, nhưng không bao giờ có thể đặt chân xuống vùng thung lũng sông Quây Sơn ở phía trên Thác Bản Giốc. Ngày nay họ có thể nhờ dải đất này để di chuyển từ hạ lưu thác đến tận thượng nguồn, đến tận cồn Pò Thoong. Cồn này rộng khoảng 2,6 hecta, và họ chiếm hết ba phần tư. Và nếu trong trường hợp chẳng may xảy ra chiến tranh, tôi nghĩ rằng họ có thể chuyển quân từ dưới lên rất dễ dàng; trong lúc trước đây trong thời Pháp thuộc họ không thể nào đặt chân xuống vùng đồng bằng.

Ngày nay những người biết sử dụng internet có thể dùng những chương trình để xem bản đồ vệ tinh, thì chúng ta có thể thấy họ tập trung xây dựng cơ ngơi, đường sá và có thể cả những công sự phòng thủ và những công trình quân sự rất lớn ở vùng phía dưới thác Bản Giốc.

Sau khi bài viết của tôi được công bố, trong số các ý kiến phản hồi, có một ý kiến rất đáng chú ý.

Trong bài viết, tôi nói Trung Quốc bây giờ làm ra vẻ nhân nhượng cho nên họ mới trả lại cho mình một phần tư cồn Pò Thoong và một phần thác chính để mình có được một nửa thác. Nhưng ý kiến này nói rằng ý kiến của tôi là không đúng. Ý kiến này cho rằng Trung Quốc sở dĩ trả lại một phần tư cồn Pò Thoong và một phần thác chính thì không phải là “cho không” mà họ đổi lại để lấy của Việt Nam một phần tư bãi Tục Lãm ở cửa sông Ka Long ở Móng Cái.

Đây là một ý kiến đáng chú ý và cần tiếp tục nghiên cứu. Nếu điều họ nói là đúng thì có thể nói trong vấn đề đàm phán xung quanh Thác Bản Giốc, phía ViệtNamta hoàn toàn thất bại. Không đòi lại được gì hết.

VOA: Theo ông, phía ViệtNam, chính phủ nói riêng và người dân nói chung, nên làm gì trước tình hình hiện nay để khỏi bị thiệt thòi thêm nữa trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc?

Ông Mai Thái Lĩnh: Tình hình bây giờ…mặc dù các cấp lãnh đạo làm ra vẻ ta và Trung Quốc đang trong quá trình thân thiện, hay có nhiều lạc quan, nhưng theo tôi, tình hình hết sức nghiêm trọng. Bởi vì nếu nhìn một cách hệ thống thì chúng ta thấy kế hoạch xâm chiếm đất đai ở biên giới cũng như lãnh hải, hải đảo đều nằm trong một kế hoạch chung của phía Trung Quốc và được tiến hành qua nhiều thế hệ và được chuẩn bị rất chu đáo. Mà hiện nay trong vấn đề Biển Đông – vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, chúng ta thấy Trung Quốc để lộ ra một tham vọng quân sự rất lớn.

Theo tin mới nhất mà tôi đọc được, ngân sách quân sự của Trung Quốc trong năm 2011 là gần 120 tỷ đô la và đến năm 2015 sẽ tăng gấp đôi, gần 240 tỉ (con số chính xác là 238,2 tỉ đô la). Ngân sách này còn cao hơn tổng số chi phí quân sự của các cường quốc châu Á gộp lại. Cho nên với một chính sách như vậy, tôi nghĩ, nước ta đang ở trong một nguy cơ rất lớn trong vấn đề Biển Đông.

Trong khi đó thì về phía chính phủ, chúng tôi thấy chính sách không rõ ràng, và thay đổi từ cực đoan này sang cực đoan khác. Đã có thời kỳ Đảng Cộng Sản đã ghi vào Hiến pháp của ViệtNam: “Trung Quốc là kẻ thù chiến lược lâu dài”. Từ thập niên 90 tới nay lại đổi thành “16 chữ vàng” rồi “4 tốt”, vân vân … trong lúc tình hình thực tế thì không phải là như vậy.

Cho nên tôi có một số ý kiến như sau:

Đối với chính phủ:

- Muốn cho người dân tin tưởng thì chính phủ không thể tiếp tục nói dối dân mà phải thành thật, vì nói dối dân trước sau gì cũng bị người ta phát hiện ra, mà đã phát hiện ra thì dân sẽ không còn tin vào chính phủ nữa. Tốt nhất là phải thành thật thừa nhận những điều mình làm sai trước đây và xin lỗi người dân chứ không thể tiếp tục che đậy được.

- Nếu muốn được dân tin thì không thể tiếp tục đường lối ngoại giao hết sức phi lý, hết sức kỳ quặc. Mình nói 16 chữ vàng, 4 tốt, trong khi phía Trung Quốc không hề thay đổi chính sách của họ. Họ vẫn lộ rõ tham vọng rất lớn trong vấn đề Biển Đông.

- Tôi nghĩ chính phủ phải trả tự do vô điều kiện cho những người yêu nước, ví dụ như Điếu Cày hay bà Bùi Thị Minh Hằng. Vì những người này phản đối Trung Quốc vì lòng yêu nước, nên không có lý do gì nhà nước bắt giam họ mà lại bắt giam không đúng theo luật pháp. Không làm được điều này thì dân không tin.

- Một điều nữa là phải đánh giá đúng công lao của các triều đại trước trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Phải vinh danh những chiến sĩ của chế độ Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa.

- Và cuối cùng là phải thực thi các quyền tự do căn bản để người dân có thể tự do tìm hiểu, thảo luận, trao đổi về các vấn đề đối ngoại.

Còn về phía người dân, chúng tôi nghĩ rằng cần phải làm những công việc sau đây:

1) Thứ nhất là nên xem xét lại, khảo sát lại tất cả đường biên giới trên bộ trước đây đã mất gì so với đường biên giới cũ. Nhiều người nói việc này không quan trọng, không cần thiết vì là chuyện quá khứ. Nhưng tôi nghĩ vấn đề rất quan trọng bởi vì thật ra vấn đề biên giới trên bộ và vấn đề lãnh hải, hải đảo liên hệ gắn bó với nhau; mà mình không rút ra được bài học lịch sử, thì mình không bao giờ có được những bài học tốt cho tương lai. Một dân tộc không hiểu rõ lịch sử của mình, không đánh giá đúng thành công và thất bại của mình thì không bao giờ có thể tiến được trong tương lai. Như thực tế của nước Nhật là một ví dụ điển hình.

2) Cần phải đánh giá lại thành công và thất bại của đường lối, chính sách đối ngoại trước đây của nước ta, nhất là trong quan hệ giữa ViệtNamvà Trung Quốc.

3) Tôi nghĩ về phía trí thức và phía người dân, chúng ta cần phải phá bỏ độc quyền trong lĩnh vực đối ngoại. Nhất là phá bỏ độc quyền về thông tin. Tôi thấy có tình trạng hết sức vô lý. Thí dụ như trước đây, khi ký hiệp ước 1999, một hiệp ước quan trọng như vậy mà Quốc hội không biết gì hết – (có biết) cũng chỉ là biết sau khi sự việc đã rồi. Và thậm chí cho tới bây giờ Ải Nam Quan mất như thế nào, mất bao nhiêu đất, Thác Bản Giốc mất như thế nào, tôi nghĩ hầu hết các đại biểu quốc hội các khoá đều không biết gì hết. Về lâu dài, theo tôi nghĩ, phải đấu tranh để có một chế độ dân chủ, để người dân phải có được một cái quyền gì đó – nhất là trong lãnh vực đối ngoại. Ví dụ như cơ quan nào, chức vụ nào chịu trách nhiệm về đối ngoại phải thật sự là do dân bầu, chịu trách nhiệm trước dân. Như vậy người dân có quyền thay đổi cơ quan đó hay người giữ chức vụ đó thông qua bầu cử. Chứ nếu như hiện nay thì tình hình ở Việt Nam rất là bất hợp lý: một tổ chức không do dân bầu ra (như Bộ Chính trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam là không do dân bầu ra) nhưng lại nắm quyền toàn bộ. Cho nên người dân cũng không có quyền thay đổi Bộ Chính trị đó, không có quyền bãi miễn, không được quyền cách chức hay không có quyền thông qua phiếu bầu để thay đổi. Thế thì toàn bộ lãnh vực đối ngoại gần như độc quyền của một thiểu số trong đảng. Mà như vậy sẽ gây ra tình trạng giống như tình trạng chúng ta thấy trước đây, khi ký hiệp định năm 1999.

Đó là một số ý kiến bước đầu mà tôi đề ra và tôi nghĩ rằng nếu mình không làm được những điều này thì trong tương lai chắc chắn chủ quyền của chúng ta ở Biển Đông sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

VOA: Xin cám ơn ông Mai Thái Lĩnh đã dành thời giờ cho chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này.

(Bài do ông Mai Thái Lĩnh gửi đăng)

No comments:

Post a Comment