Trở Về Trang chính

Wednesday, February 22, 2012

Email gửi Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Bí thư thành ủy Hải Phòng

Thưa anh Nguyễn Văn Thành,

Tôi viết thư này đúng lúc nghe tin ông Robert (Bob) Zoellick, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), tuyên bố không ứng cử vào nhiệm kỳ tiếp theo.

Ông viết thư cho nhân viên và nói rằng, trong thời gian 5 năm, kể từ 2007 khi WB trải qua khủng hoảng về lãnh đạo do ông Paul Wolfowitz, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ từ Lầu Năm Góc về làm chủ tịch tổ chức lớn nhất nhì thế giới này, WB đã vượt lên số phận và tiếp tục đóng vai trò lãnh đạo thế giới trong phát triển, giúp nhiều quốc gia thoát nghèo trong đó có Việt Nam, bảo vệ môi trường, nâng cao giáo dục, chống tham nhũng, xây dựng chính phủ minh bạch và nhiều thành tựu khác.

Nhớ lại năm 2007, hàng chục ngàn cán bộ ưu tú của WB đã nổi giận vì cách thức mà ông Paul Wolfowitz điều hành, lại còn tăng lương cho người tình vô lối. Cuối cùng do sức ép của dư luận, Paul phải từ chức.

Ông Bob Zoellick đến với nhiệm vụ xử lý “WB đổ nát” mà người tiền nhiệm để lại. Nhìn những comment của nhân viên viết dưới bức thư, Chủ tịch sắp ra đi có thể tự hào vì đã làm được nhiều điều kỳ diệu.

Thật hạnh phúc, khi thủ trưởng rời nhiệm sở, có thể tự tin viết về những gì mình đã làm và được hàng ngàn nhân viên dưới quyền ca ngợi.

Là đồng hương Ninh Bình của anh, tôi muốn viết đôi chút về Hoa Lư. Vua Đinh Bộ Lĩnh cho rằng, miền đất địa nhân linh kiệt này xứng ngang tầm thủ đô Bắc Kinh cách đây hơn 1000 năm, nên ông gọi là Tràng An và sau đổi là Trường Yên.

Xã của chúng ta có họ Giang, tương truyền có họ hàng với nhà tiên tri mọi thời đại Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Theo gia phả họ Giang, người con thứ hai của Nguyễn Bỉnh Khiêm về ở ẩn tại Hoa Lư, thấy Hoàng Long Giang (sông Hoàng Long) và phong cảnh hữu tình nơi đây, nên đã đổi thành họ Giang và ông tự gọi là Hàn Giang Hầu (Giang Hàn Hầu).

Các cụ trong họ còn nói, ông Giang Văn Minh, được mệnh danh là vị sứ thần “Bất nhục quân mệnh” (Không để nhục mệnh vua), vì đã đối đáp thẳng thắn ở Trung Quốc và bị vua Minh Tư Tông hành hình vào năm 1638.

Theo các bậc trưởng lão thì tôi là hậu duệ thứ 34 hay 35 của ông cố tổ Giang Hàn Hầu. Đương nhiên, chuyện này cần có chứng minh bằng lịch sử rõ ràng hơn.

Viết đôi dòng mang tính truyền thuyết về dòng họ, tôi chỉ muốn nói rằng, Trường Yên người tài đức không thiếu.

Quê mình có Thượng tướng Nguyễn Hữu An, đánh đông dẹp bắc, từ thời Điện Biên Phủ đến đường 9 Nam Lào, vào Tây Nguyên rồi, sang Lào chiến thắng cánh đồng Chum, tới Campuchia diệt Pol Pot.

Hiện nay, xã có hơn một chục ngàn dân mà có nhiều người làm to. Thượng tướng CA Đặng Văn Hiếu đương chức, cựu Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến, và nhiều cán bộ cao cấp khác.

Đọc tin hôm nay lại nhận ra thêm một người nổi tiếng khác, chính là anh, Nguyễn Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, gốc Trường Yên. Làm tới Bí thư Thành ủy một thành phố quan trọng nhất nhì ở Việt Nam, người Ninh Bình rất tự hào.

Lâu lâu rồi, nghe tin anh Tiến mắc chuyện PMU18, dân trong xã cũng buồn. Nhưng đóng góp của anh Tiến cho con đường từ quốc lộ 1 về cố đô Hoa Lư được dân mấy xã Ninh Mỹ, Ninh Hòa, Ninh Giang và Trường Yên khen hết lời. Đường làm hơn chục năm mà vẫn tốt.

Những người nổi tiếng làm cho danh thơm của quê hương Đinh Bộ Lĩnh thêm lan tỏa khắp thế giới. Họ làm tốt được dân nhớ tới. Nếu làm sai dân cũng khó quên. Có những người như sứ thần Giang Văn Minh hay Trạng Trình danh nhân nước Việt, mấy trăm năm sau dân vẫn tôn thờ.

Mấy tháng gần đây, vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng đã làm cả nước sôi sục. Thủ tướng cũng phải vào cuộc vì những bất cập do cách hành xử lạ lùng của chính quyền địa phương.

Chuyện sai trái đã rõ. Đẩy người lương thiện vào chân tường, đưa bộ đội, công an vào những trấn áp sai nghiêm trọng. Lạm dụng quyền lực, dối trên, lừa dưới, đổ thừa lỗi cho người khác một cách ngang nhiên mà các quan địa phương không biết xấu hổ.

Chiến thắng hay thất bại, được và mất ở địa phương nào dù to nhỏ, trách nhiệm và cả công lao thuộc về Bí thư đảng. Vì ở nước mình, Đảng lãnh đạo, Chính quyền thực hiện.

Dù Thủ tướng đã kết luận rõ ràng, thế nhưng tại CLB Bạch Đằng, trước 500 bô lão Hải Phòng, anh Thành đã ngang nhiên nói với người tham dự : “Báo chí nói sai, ghép ảnh chỗ khác chứ đâu có chuyện xe ủi nhà ông Vươn, không ca ngượi công an-bộ đội, có biểu hiện bôi nhọ; Có bậc lão thành nói không chuẩn; Ông Vươn xây nhà không có trong quy hoạch- trốn nợ thuế- không có tí công tích gì-trong khí đó Tiên Lãng tạo mọi thuận lợi cho anh Vươn. Đã gây dư luận phủ nhận công lao quá khứ của huyện Tiên Lãng, nhân dân cả nước chỉ tập trung vào vụ này để ngưng trệ sản xuất”.

Nếu cấp dưới như đại tá Đỗ Hữu Ca, chủ tịch huyện Tiên Lãng, chủ tịch xã Vinh Quang, hay kể cả phó chủ tịch Hải Phòng nói như vậy, đã là quá sai.

Nhưng từ miệng một người lãnh đạo tối cao về Đảng ở Hải Phòng, thì quả thật, anh Thành đã đi quá xa.

Nhân dân, rồi báo chí, và blog đã bình chán về lời anh rồi. Kể cả các vị lão thành cách mạng cũng bức xúc vì những gì chính quyền Hải Phòng gây ra cho gia đình anh Đoàn Văn Vươn. Tôi không muốn gợi lại nỗi đau.

Tôi chỉ muốn nói, con đường công danh của anh còn khá vì sinh năm 1957, có thể vào Bộ Chính trị, lên cao nữa. Đã có nhiều người thành đạt rất cao từ đất cảng. Ở anh có cả hai yếu tố trời cho: người gốc Cố đô Hoa Lư, trưởng thành ở Hải Phòng hoa phượng đỏ.

Vụ việc Tiên Lãng đang ở trong tay, nếu biết xử lý, anh sẽ tiến xa. Nếu chỉ lo ôm ghế, bảo vệ thuộc hạ làm sai, thì tôi tin, số phận anh sẽ giống như Paul Wolfwitz, cựu chủ tịch WB, ra đi trong sự cười chê của thiên hạ.

Người dân mong khi từ nhiệm, anh tự tin viết vài trang về những đóng góp lớn lao cho Hải Phòng như anh Bob Zoellick đã nói ở trên.

Hay anh muốn ra đi trong sự thở dài ngao ngán của hàng triệu người dân, nhất là huyện Tiên Lãng, quê nhạc phụ của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Muốn làm người cố đô địa nhân linh kiệt, để khi anh về quê, có xe đưa lọng đón, hay đi trong lặng lẽ, chẳng dám ngẩng đầu chào ai. Có người ở quê mình từng làm quan to đã và đang như thế rồi.

Việc đó tùy thuộc vào cung cách anh xử lý vụ việc Tiên Lãng hôm nay. Hoàn toàn chưa muộn. Quả bóng vẫn trong chân anh.

Chúc Bí thư Nguyễn Văn Thành…thành đạt, xứng tầm con cháu Đinh – Lê và giúp cải thiện hình ảnh quê ngoại Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Tiên Lãng, không còn xấu hổ vì chuyện cưỡng chế đất vừa qua.

Cuối thư, xin chép tặng anh bài thơ, được cho là của Trạng Trình viết cách đây hơn 500 năm mà vẫn còn nguyên giá trị cho thời đại này
THẾ GIAN BIẾN CẢI – Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm

Thế gian biến cải vũng nên đồi,
Mặn nhạt, chua cay, lẫn ngọt bùi.

Còn bạc còn tiền, còn đệ tử,

Hết cơm hết rượu, hết ông tôi.

Xưa nay đều trọng người chân thực,

Ai nấy nào ưa kẻ đãi bôi.

Ở thế mới hay người bạc ác,

Giàu thì tìm đến, khó tìm lui.

Nguồn: Blog Hiệu Minh

No comments:

Post a Comment