Theo Dân Nam
Tham vọng quyền bính không có gì là xa lạ đã đành, nhưng tham vọng bá chủ hoàn cầu cũng không hiếm. Ít nhất thế hệ chúng ta cũng đã và đang chứng kiến nhiều đế quốc, nhiều chế độ lên rồi xuống: Nhờ lòng tin như Vatican, nhờ sắt máu như Hồi Giáo, nhờ tự ái dân tộc như Đức Quốc Xã, nhờ bạo lực như Phát Xít Nhật, nhờ tiền bạc như Hoa Kỳ, nhờ biển người như Trung Cộng,…
Đặc biệt đế quốc cộng sản thì khí giới chính và đầu tiên chỉ cần sự dối trá, rồi sự man rợ. Thế mà chỉ mươi mười lăm năm là đủ thống trị cả hàng nửa nhân loại: Ở Nga, đảng Bolshevik chỉ cần 14 năm (từ 1903 đến 1917) đã cướp được chính quyền trên toàn lãnh thổ. Ở Tàu, đảng cộng sản chỉ cần 15 năm (1921-1936) đã lập được chính phủ tại Diên An. Ở Việt Nam, đảng cộng sản Việt Nam do Nguyễn Tất Thành thành lập năm 1930, năm 1945 đã nắm được chính quyền. Tiếp đó là sự phục tùng hầu như hoàn toàn của dân chúng. Kể từ khi cộng sản cai trị ở mẫu quốc Nga năm 1917 đến 1991 là 74 năm, thống trị toàn quốc ở Tàu năm 1949 là 61 năm, và nhặt được chính quyền ở Việt Nam năm 1945 là 65 năm rồi.
Ở Nga thì chỉ nghe hơi nồi chõ, chẳng biết thực sự là thế nào. Đại khái thì không gặp khó khăn gì. Nhưng sau đó cũng phải đánh đấm “Bạch Nga phản động” cả vài năm trời mới yên một bề, nhưng đất nước đã đói kém và phải trở lại thi hành chính sách cũ, lại gọi kinh tế… mới (NEP), để nông dân trở lại nếp xưa mới cứu vãn được phần nào. Rồi sau đó thì dùng bàn tay sắt, bắt dân phải chịu mọi thiếu thốn, cho đến 1975 vẫn còn phải lũ lượt xếp hàng mua mọi nhu yếu phẩm, từ giúm muối đến cái quần xà lỏn. Và đến 1991 thì giải tán, trở về nếp sống “phản động tiểu tư sản, tư bản”.
Ở Tàu, cũng chỉ biết loáng thoáng đảng cộng sản được tự do thành lập dưới chính thể dân quốc của Tôn Dật Tiên, ngay từ năm 1921. Nhưng năm 1923, Tưởng Giới Thạch được phái qua Nga, chứng kiến tận mắt, khi về chống cộng quyết liệt. Sau vụ tàn sát ở Thượng Hải năm 1927, cộng sản Tàu phải chạy trốn lên Diên An thành lập chiến khu và chính phủ. Đến 1949 đánh đuổi được Tưởng Giới Thạch ra Đài Loan, làm chủ trọn Hoa Lục.
Còn ở Việt Nam, thì kẻ viết này – tạm nói ở Bắc Kỳ – được mắt thấy tai nghe. Tất nhiên bằng con mắt, cái tai thường dân. Và vì thế, cũng phải nói về mình một chút.
Tôi hàng năm chín tháng trọ học trên tỉnh, ba tháng hè về quê, có nhiều bè bạn ở cả hai nơi, thành cũng tạm am hiểu về lối sống của người thành thị cũng như thôn quê.
Bố mẹ tôi cũng như hai bên nội ngoại đều thích đọc sách báo. Nên tôi có điều kiện đọc khá nhiều loại. Do đó, qua các sách báo, không ít thì nhiều cũng biết chuyện này nọ, trong đó có vấn đề cộng sản. Tuy nhiên, thường đều là những bài vở phân tích theo lịch sử, tâm lý, kinh tế, xã hội, chính trị cao siêu mà trình độ bản thân thì quá ư thấp kém, thành rút lại cũng chẳng hiểu biết gì cho lắm. Nay tự mình nhẩm với mình, rồi trình bày, hầu có vị nào thương tình chỉ dẫn sự trúng trật thì thật là vạn hạnh. Đồng thời cũng xin mạn phép được dùng lại một số điều đã viết trong bài trước (Người Dân Nam Hậu Bán Thế Kỷ XX).
Cả như sự sách động của những người cộng sản tôi quen biết thì là dân ta (thế kỷ 20) chịu hai tầng bóc lột: đám chủ nhân ông thực dân Pháp và đám quan lại tay sai Nam Triều, với sự tiếp tay của lũ trí, phú, địa, hào bản xứ.
Theo tôi hiểu thì người bị bóc lột đây hẳn là nông dân nghèo không có ruộng (ai có dăm ba sào đã là quí, có một mẫu ta coi là… khá rồi, vì làm bao nhiêu ăn cả, ngoại trừ thuế má sưu dịch, có ba mẫu ta kể là giầu, không phú nông cũng trung nông; cộng sản qui là… địa chủ, đấu tố dễ bỏ mạng lắm) [1].
Nhưng tối đại đa số là không có ruộng, phải đi thuê và chồng tô cho chủ ruộng, từ 40 đến 50% thu hoạch. Nếu thuê được vài ba mẫu thì cũng dễ thở. Không thuê được ruộng mà chỉ đi cày thuê cấy mướn lấy công thì thiếu thốn quanh năm. Nếu lại không kiếm ra việc làm ở làng xã thì đành lên tỉnh đi ở giúp việc nhà, làm công nhân, là chuyện bất đắc dĩ. Người dân quê không muốn xa làng xóm, vì coi là mối nhục. Nếu có điều kiện là lại kiếm cách trở về. Tệ nhất là phải tình nguyện đi phu đồn điền, mà họ coi như tha phương cầu thực, gửi xác nơi “tân thế giới”, dù chỉ là lên vùng trung/thượng du hay vào miền nam (Nam Kỳ). Họ chỉ muốn sống chết với xóm làng. Chuyện ngoài vòng lũy tre xanh không hề là mối quan tâm của họ.
Nói là bóc lột thì cũng khí quá (so với chính cộng sản sau này). Trước hết vì trí phú địa hào cũng chẳng giầu có gì. Trừ những chủ xí nghiệp, chủ đồn điền người Pháp, thêm trong Nam có một số người bản xứ làm chủ hàng ngàn, hàng vạn mẫu tây ruộng (10,000m2) mới đáng kể là địa chủ, còn người bản xứ thường chỉ là chủ nhân cỡ một vài trăm mẫu ta ruộng hay vài ba chục ngôi nhà đã kể là giầu lớn. Ruộng ít, người đông, lại không chịu bỏ làng, tất nhiên tranh nhau thuê mướn, tô ruộng tăng cao theo luật cung cầu, đâu phải tội lỗi người có ruộng.
Thế mà ngay 1930 vừa thành lập đảng xong, Nguyễn Tất Thành xúi giục phong trào cộng sản Xô Viết Nghệ Tĩnh – thực ra là sách động nông dân – “trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ”, lập xô viết, giết chóc hương chức, người cùng làng xóm, quê hương, khiến mọi người ghê sợ. Cộng sản mất cảm tình của quần chúng, hết hoạt động, Thành bị Nga Xô xếp xó.
7-7-1937, Nhật gây chiến với Trung Hoa; 1938, Nga Xô móc điệp viên Nguyễn Tất Thành ra, phái về Diên An (Tàu).
Bên Âu Châu, Đức Quốc Xã sửa soạn chiến tranh, đe dọa Nga, Anh, Pháp. Ở Pháp, Mặt Trận Bình Dân (1936-9) cầm quyền (có cộng sản tham gia); ở thuộc địa, Đảng Cộng Sản Đông Dương thừa cơ sống dậy, hô hào đi lính và mua công phiếu để cùng nhà nước thực dân Pháp chống Đức chống Nhật.
Bỗng nhiên ngày 21-8-1938 Nga Xô và Đức ký hiệp ước bất tương xâm để Đức rảnh tay ở phía đông. Bên Pháp, đảng trưởng đảng mẹ Maurice Thorez đang hô hào đảng viên nhập ngũ vội vàng trốn qua Nga để khỏi phải… chống Đức. 1-9-1939, Đức xâm lăng Ba Lan. 3-9 Anh Pháp phải tuyên chiến. 17-9 Nga Đức chia nhau Ba Lan. Ở Đông Dương, toàn quyền ban hành sắc lệnh của Hội Đồng Bộ Trưởng ký ngày 26-9 giải tán và cấm mọi hoạt động của các tổ chức cộng sản, bắt các đảng viên vào các trại tập trung. Ngày 23-11-1940, Đảng Cộng Sản Đông Dương tổ chức Nam Kỳ Khởi Nghĩa để quấy rối Pháp ở thuộc địa cho Nga Đức, nhưng thất bại thảm thương.
22-9-1940, Nhật vào Đông Dương,
Đầu năm 1941, Nguyễn Tất Thành về nước, nằm ở biên giới Việt Trung, mượn bí danh Hồ Chí Minh tái lập đảng cộng sản, núp dưới danh nghĩa Mặt Trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh (gọi tắt là Việt Minh), lừa dối là đấu tranh giành độc lập.
13-4-1941, Nga Nhật ký công ước trung lập.
22-6-1941, Đức quay sang tấn công Nga Xô.
7-12-1941, Nhật tấn công Trân Châu Cảng. Hoa Kỳ nhập cuộc. Người cộng sản lại trở lại là đồng minh của Mỹ Anh Pháp Tàu. Ở Đông Dương, các đảng viên được tha hoặc lờ đi cho vượt ngục, để trở lại tiếp tay trong việc chống Đức, chống Nhật.
Ngày 6-8-1945, Hoa Kỳ ném quả bom nguyên tử thứ nhất xuống Hiroshima. Ngày 9, quả thứ hai xuống Nagasaki. Cùng ngày này, quân Nga Xô tràn sang chiếm Mãn Châu của Nhật (các ông Việt Cộng nhất định rằng chiến dịch này mới khiến Nhật đầu hàng, chứ không phải vì hai trái bom nguyên tử). Ngày 15, Nhật Hoàng chấp nhận đầu hàng vô điều kiện.
Ngày 17, công chức thành phố Hà Nội mít tinh tại Nhà Hát Lớn ủng hộ Nam Triều và Nội Các Trần Trọng Kim. Mấy cán bộ Việt Minh lên cướp micro, thay cờ quẻ ly bằng cờ đỏ sao vàng, và sách động mọi người đi tuần hành. Ngày 19, Việt Minh được thị trưởng Trần Văn Lai cho phép biểu tình, rồi đi chiếm các công sở, trại lính. Ngày 30, hoàng đế Bảo Đại đồng ý thoái vị, trao ấn kiếm cho đại diện Việt Minh. Việc trao chính quyền hoàn toàn êm thấm.
Nhưng Đồng Minh (Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Tàu) phân công Anh tới Đông Dương giải giới Nhật từ vĩ tuyến 16 vào nam, Tàu từ đó ra bắc.
Pháp được Anh cho theo, trở lại tái chiếm thuộc địa, lại cũng điều đình được với Tàu rút quân. Ông Hồ Chí Minh đã khéo bày Tuần Lễ Vàng ngày 8-9, dụ dỗ người dân là cần tiền mua khí giới để hối lộ các tướng Tàu và ký Hiệp Định Sơ Bộ 9-3-1946 để Pháp mang quân ra bắc cùng dẹp các đảng phái “quốc gia phản động”. Sau khi dẹp xong, cuộc xung đột Việt Minh-Pháp bùng nổ ngày 19-12, khởi đầu cuộc chiến 30 năm, chỉ chấm dứt khi cộng sản nắm quyền trên toàn đất nước.
Và, đến nay, vẫn còn những thắc mắc là sao người cộng sản lấy được chính quyền một cách dễ dàng thế. Hơn nữa, sao họ vẫn còn tồn tại vững vàng, mặc dù rõ ràng là không được lòng dân, nếu không nói là bị dân chúng thù hận.
Kể ra cũng đã có nhiều giải đáp:
- Vì chủ thuyết của họ hấp dẫn, đáp đúng nguyện vọng của đại chúng.
- Vì họ có tổ chức, có huấn luyện, có tài trợ
- Vì phương thức của họ quyết liệt
- Vì họ không có gì để mất, dễ liều lĩnh
Như trên đã thưa, chuyện ở Nga ở Tàu tôi không rõ, nhưng ở Việt Nam thì những điều trên cần xét lại.
Những ưu điểm sở trường trên của cộng sản đều là có thực. Nhưng việc thành công của họ không nhất thiết do những điều đó. Mà do các điểm sau đây:
Trước hết là tâm tình người dân Việt, gồm hai loại: loại quần chúng và loại thượng lưu.
Người dân Việt sống dưới chế độ quân chủ, chịu ảnh hưởng lâu đời văn hóa Trung Hoa, đề cao tam cương, ngũ thường, tam tòng tứ đức. Thành đương nhiên họ coi ông vua là chúa tể, chủ nhân ông duy nhất toàn giang sơn đất nước, toàn quyền sinh sát. Và mỗi người có một số phận, có phúc thì được hưởng, vô phúc thì phải chịu, phải đổi bát mồ hôi lấy bát cơm, không thể đi cướp giật của ai. Đó chẳng những vô luật pháp, mà còn vô đạo đức. Nên sự gây căm thù, đấu tranh giai cấp chỉ được đáp ứng bằng nụ cười: “Mình phải tay làm hàm nhai, chứ không thể ăn không ăn hỏng của ai” hoặc “Nghe mấy đứa đó, chỉ có nước đổ thóc giống ra mà ăn”. Nghĩa là họ vừa cam chịu vừa không muốn tranh cướp, bạo động.
Vào năm 1925, cụ Phan Chu Trinh giải thích: “… nước ta (thì) như trong lục tỉnh này thuộc (với) Tây đã hơn 60 năm, cái chữ “République” thì nói luôn trên miệng, nhưng mà chẳng tìm kiếm nghĩa lý (ra thế nào), so sánh với quân trị chính thể cũ của nước ta ra thế nào! Ấy là nói những người có ăn học, ý tôi xem chừng như các ngài đoán trước rằng có quân chủ là hơn.
Còn (nhất là) dân nhà quê, chẳng những (là) không biết dân chủ là gì, mà đối với vua thì thờ trên đầu như tờ Thần thờ Thánh: chẳng những không nghĩ đến sự “(phải) có là hay không” mà hình như có ai nghĩ đến việc đó, thì phải bị sét đánh, đá dằn, voi chà, ngựa xé.
Khi (nào) nghe nói bất luận là ông vua nào, nghe qua thì trong lòng đã vui mầng hớn hở, nghĩ là ông ấy chắc (là) mình trông cậy được; rất dở là mới đây việc (thằng) Phan Xích Long còn xảy ra trong xứ này.
Vậy mới biết rằng cái độc quân chủ vào trong óc dân ta sâu quá, mà cái trình độ của dân ta cũng thấp quá. Chỉ một người mà nói: “Mày phải trung với người này, phải kính người này” thì nó mới hiểu. Mà nếu cứ nói ra cái tên nước Việt Nam mà rằng: “Ấy là nước ông cha mày, mày phải thương”, thì tay nó không rờ được, mắt nó không trông thấy được, thì nó không thể làm thế nào mà (nó) thương được. Vậy thì cứ trừ ra một cái nhà, một cái vườn, vài mẫu đất, nơi chỗ con mắt nó thấy đó, thì nó thương được mà thôi.”(Phan Chu Trinh, Thế Nguyên)
Vào năm 1954, tâm tình này lại được thể hiện xác đáng thêm qua lời ông Nguyễn Mạnh Côn (nhà văn nhà báo Việt ngữ Pháp ngữ, giữ những chức vụ quan trọng trong các chính quyền Nhật, Việt Minh, Pháp, Đệ Nhất, Đệ Nhị Cộng Hòa,… Có thời gian ông về quê đích thân vai vác cày, tay dắt trâu đi cày ruộng nuôi thân, nuôi gia đình, hẳn am hiểu người nông dân. Ông viết:
“Tinh thần dân chủ đâu có thể nảy nở được giữa cảnh đồng ruộng. Đồng bào ta trước năm 1945 chỉ có thể có một chiều suy nghĩ: làm dân là phải tuân phép vua, tuân lệ làng. Và chỉ sau khi làm đủ bổn phận đối [với] vua, đối với làng, lúc đó người dân sẽ có quyền được sinh sống và kiếm ăn thong thả.
Năm 1945 chỉ là một năm “khó làm ăn”. Đáng lẽ oán giận chính quyền thu hết thóc, làm cho hai triệu đồng bào của họ phải chết đói, thì những người sống sót lại đi tìm những căn nguyên trực tiếp của từng nạn nhân mà họ quen biết. Chả hạn như ông chánh tổng X có rất nhiều thóc nhưng phát chẩn quá tay, đến lúc hết thóc không vay, không đong được ở đâu mà ăn nữa. Chả hạn như bà phó Y thấy đồng bào trong xã bán ruộng rẻ quá nên bán hết thóc để tậu ruộng, vào tháng Hai, không ngờ đến tháng Tư bà phó Y ôm mớ văn tự mà chết đói.
Ấy, đại loại mỗi người tìm thấy một hoàn cảnh, một hoàn cảnh trước mắt, để tạo ra một căn nguyên hợp lý cho sự lâm nạn của đồng bào họ sau này. Chính bởi thế mà ngay vụ đói và sau vụ đói, người Việt Nam ở nông thôn không biết đến thủ đoạn tàn ác, ghê gớm của thực dân.
Chính cũng bởi thế mà tôi có thể nói quyết (với Trung) rằng vụ đói năm 1945 quả nhiên có gây ra hoàn cảnh cho tinh thần đấu tranh, thì tinh thần ấy chỉ nảy nở trong đám người có hiểu biết, có học hành, và được đủ no để biết sợ cái đói. Những người tư sản trí thức.” (Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử, Nguyễn Kiên Trung/Nguyễn Mạnh Côn)
Thành ra họ không có tham vọng đổi đời. Đó là việc của những người “ở trên” (tư sản trí thức). Họ sẵn sàng nhận mọi chỉ định “từ trên”. Nếu “ở trên, người trên” khá (Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Huệ,…) thì đạt kết quả vĩ đại. Nếu “ở trên, người trên” dở, thì Bắc thuộc, Pháp thuộc. Cho nên họ rửng rưng trước những chuyện ông Hồ Chí Minh (nào biết là ai), ông Bảo Đại (xuống rồi lại lên), ông Trần Văn Hữu, ông Nguyễn Văn Tâm, ông Ngô Đình Diệm (ai cũng thế thôi),…
Nói về chủ thuyết cộng sản thì chưa chắc toàn dân Việt Nam đã có nổi mươi người đủ trình độ và can đảm đọc những tài liệu cộng sản để mà hiểu nó là cái gì, kể cả – và nhất là – ông Hồ Chí Minh. Nhiều lắm thì một số ít người lương thiện hiểu cộng sản chủ trương chế độ của cải là của chung, mọi người cùng làm cùng hưởng, không còn chuyện người bóc lột người.
Nhà báo, nhà văn, thi sĩ Pháp ngữ, Việt ngữ Nguyễn Vỹ viết:
Năm 1924, cộng sản đã bắt đầu tuyên truyền bí mật trong các giới gọi là “trí thức”, nhất là giáo giới. Dĩ nhiên là quan tây và quan an nam không hề biết một tí gì về các sự kiện ấy, cũng như họ chẳng biết gì về hai tờ báo Le Paria và Việt Nam Hồn (của Đảng Độc Lập Việt Nam ở Pháp, hoàn toàn không có dính líu gì với cộng sản cả).
Trong toàn thể đám đốc học và trợ giáo ở Qui Nhơn, chỉ có mỗi một thày trợ giáo lớp Năm là theo lý thuyết cộng sản, và thày hiểu cộng sản với ý nghĩa tuyệt đối giản dị là tất cả của cải đều là của chung.
Chính trò Tuấn cũng được thày trợ lớp Năm rủ đến nhà thày chơi và tuyên truyền. Hình như không những riêng ở nhà trường, mà kể cả thành phố Qui Nhơn, chỉ có mỗi một thày trợ dạy lớp Năm là theo cộng sản, nghĩa là theo chủ trương như thày thường tuyên bố, là:
- Của đời muôn sự của chung. Không có cái gì là riêng của ai cả.
Thế rồi một hôm có một anh thợ chụp hình (tuy là thợ chụp hình duy nhất trong thành phố, nhưng tiệm anh vẫn nghèo nàn) đến xin vô đảng và nói:
- Tôi cũng xin theo làm cộng sản đệ tử của thày.
Thày mừng quá, và khi anh thợ chụp hình, đã biết trước rằng thầy có cái máy ảnh chụp hình mới mua, hỏi:
- Thưa thầy trợ, thày đưa cho em cái máy đó để em dùng được hông?
Trung thành theo thuyết cộng sản của thày, thày trợ vui vẻ đưa máy cho anh thợ chụp hình…
… Một hôm cô trợ than phiền rằng tất cả quần áo, chén dĩa, nồi đồng, mâm thau, thày đã chia hết cho hàng xóm mỗi người một mớ, để họ đem về nhà làm “của chung”, đến nỗi bây giờ ở nhà chỉ còn mỗi một nồi đất mà thôi. Thày trợ Tố (thường) giảng dạy:
- Cộng là chung, sản là của. Cộng sản là của chung. Của mình tức là của chung hết thiên hạ. Vợ của tôi, ai xin, tôi cũng cho.
Cô trợ tức mình và xấu hổ, ôm mặt khóc hu hu cả một buổi chiều.
Thế rồi có một anh chàng đẹp trai, con thứ bảy của một ông thày thuốc Nam, đang soạn tuồng cải lương và định lập một gánh hát cải lương Bình Định – buổi chiều đó lò dò đến nhà thày trợ, xin vào đảng cộng sản.
Thày mừng rỡ đón tiếp và nhận anh làm đồng chí, bảo cô trợ pha trà đãi người đảng viên mới. Uống xong một tách trà nóng, đồng chí cải lương tủm tỉm cười bảo:
- Thưa thày, thày cho em mượn cô trợ về ở chung với em có được không?
Thày trợ cười hãnh diện:
- Được chớ. Của đời muôn sự của chung. Của tôi, tôi phải chia cho người khác dùng. Của anh cũng vậy. Mình là cộng sản, phải thực hành lý thuyết đó chứ… Nhưng anh mượn vợ tôi rồi phải trả lại tôi nghe hông!
Đồng chí cải lương cứ tủm tỉm cười:
- Dạ.
- Chừng nào trả?
- Dạ, chỉ vài ba tháng, cô trợ giúp tôi lập gánh hát cải lương xong, rồi tôi trả lại thầy, vì thấy nói cô trợ có giọng ca tứ đại oán nghe mê.
- Ừ phải, vợ tôi ca tứ đại oán thì hay kinh hồn. Anh muốn mượn vợ tôi thì tôi sẵn sàng cho mượn, nhưng ba tháng anh phải trả lại tôi, nghe không!
- Dạ, thầy trợ nói đúng quá. Vậy mới đúng là cộng sản chứ, hỉ!
Cô trợ nằm trong buồng nghe rõ câu chuyện, khóc thút thít nhưng, không biết nghĩ sao, cô vùng đứng dậy, xách nón ra bảo chồng:
- Cơm chưa nấu nghe! Cái nồi đất bể rồi. Thày chịu khó ra chợ mua cái nồi khác về nấu cơm. Tôi đi với anh này.
Nói xong, người đồng chí mới của thày Tố chào thày rồi cùng người vợ thày ra đi. Nhưng câu chuyện đến đây chưa chấm dứt. Vì sáng hôm sau thày trợ Tố đến nhà người đệ tử để bắt vợ về. Thế là một cuộc cãi lộn rồi đánh lộn. Vợ thày trợ Tố lại xách nón ra đi. Và lần này cô đi mất biệt, không ở với anh bầu cải lương mà cũng không trở về nhà chồng cộng sản!
Kế đó, phong trào cộng sản của thày trợ Tố tự nhiên giải tán. Thày Tố cũng bị đổi đi tỉnh khác.
“Tuấn, chàng trai nước Việt”, Nguyễn Vỹ, tập I)
Thế là hoàn toàn hiểu sai. Sự thực hoàn toàn ngược lại. Những người cộng sản thực sự là những người bất mãn (malcontent), bất hợp (misfit) không đạt được những tham vọng bằng con đường hợp pháp, thì tìm con đường vô luật pháp để hòng “bao nhiêu quyền lợi sẽ qua tay mình”. Nghĩa là họ thuộc thành phần bất hảo, lêu lổng, chỉ muốn chiếm đoạt của thiên hạ, muốn “vào nhỏ ra to, được là vua, thua là giặc” (điều này được chứng thực: bỏ ra ngoài những đảng viên “chân chính”, những kẻ xông ra tham gia “cách mạng” thời điểm tháng Tám 1945 cũng như tháng Tư 1975 đều là hạng người này) [2].
Ở thời gian, không gian yên hàn, họ chẳng làm nên trò gì. Nhưng khi tình trạng lộn xộn, nhờ có sẵn tổ chức, nhờ được tài trợ, giúp đỡ và nhất là bản chất liều lĩnh, lại chỉ có được, không có gì để mất, những thành phần này thừa dịp nổi lên, rất dễ thành công. Bằng chứng là cuộc “cách mạng Tháng Mười” của Bolshevick (vì thế chiến I), sự thành công của Trung Cộng (vì chiến tranh Trung Nhật).
Cũng thế, cuộc “cách mạng Tháng Tám” của Việt Cộng cũng lợi dụng được một số yếu tố đó. Như Pháp ở Đông Dương bị sa sút vì Thế Chiến II, họ lại được Hoa Kỳ và Trung Hoa Quốc Dân Đảng giao việc thu thập tin tức tình báo, sửa soạn việc Hoa quân nhập Việt,…
Tóm lại, Việt Cộng không thành công là vì chủ thuyết hấp dẫn, có nhiều người theo. Cũng chẳng phải vì dân chúng căm thù Pháp Nhật cai trị, tạo nên nạn đói. Yếu tố chính là những lãnh tụ quốc gia quá yếu kém. Mà, như trên đã nói, quốc dân trông chờ ở lãnh tụ.
Bỏ ra ngoài tình trạng bê bết của Triều Nguyễn làm mất nước. Kể từ khi Pháp ổn đình tình hình vào đầu thế kỷ 20, thì sĩ phu Việt (các nhà nho của nho lâm) đành thua cuộc, chủ trương bất hợp tác. Đám tân học, một phần lớn thuộc thành phần thời cơ. Họ ít ý thức về quốc gia dân tộc. Lại cũng không có gì gắn bó giữa họ với nhau. Trước sự quá ư chênh lệch về thực lực, họ lại cũng có tâm trạng cam chịu. Thành ra hầu như mạnh ai nấy tự lo thân. Chưa kể đời sống mới tạo ra hai thành phần quốc dân riêng rẽ: thị dân và nông dân. Thành phần ưu tú nay không còn từ nông dân như xưa nữa mà là thị dân hoàn toàn cách biệt. Do đó, nếu có nhóm nào muốn hoạt động gì thì lại cũng chỉ quanh quẩn giữa các thị dân. Họ xa rời quần chúng, không có hậu thuẫn.
Điển hình khá nhất là Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nguyễn Thái Học thì cũng chỉ hoạt động trong đám giáo viên, tổng lý. Sau đó là Đại Việt, lại rút gọn hơn vào giới sinh viên, quan lại tân học.
Do đó, khi thời cơ đến, các đảng phái èo uột đứng ngó, Nam Triều quờ quạng [3], rồi buông xuôi; chính quyền nằm chổng chơ ngoài đường, cộng sản nhặt lấy. Người dân đành phải nhận “cách mạng” làm chủ.
Và rồi “cách mạng” trổ tài sách động. Cũng có kẻ nhẹ dạ nghe theo. Nhưng phần đông chẳng theo cũng chẳng được. Bằng chứng là khi xung đột thực dân-cộng sản 19-12-1946 bùng nổ, nơi nào có Pháp đóng, thị dân kiếm cách ở lại. Không thoát thì bị xua đi. Nơi nào không có Pháp, nhà cửa bị san bằng, phải về thôn quê. Rồi cũng lục tục lẻn về các thành phố có Pháp tạm chiếm để sinh sống.
Dĩ nhiên Pháp – đúng hơn là de Gaulle (Charles) – lúc nào cũng ngoan cố, thiển cận. Nhưng giải pháp Bảo Đại 1949 có thể là một cơ hội cho đất nước. Tuy nhiên vẫn là khủng hoảng lãnh đạo. Ông Bảo Đại thiếu sự tích cực cần thiết. Các người làm chính trị không bảo được nhau để coi quyền lợi quốc gia dân tộc là trên hết.
Người dân thành không có chỉ đạo, không tin Pháp, không tin cộng sản đã đành nhưng cũng chẳng hi vọng gì ở người quốc gia. Rút lại kẻ nào lì hơn, tàn bạo hơn, được yểm trợ dồi dào hơn, kẻ đó thắng. Đó là cộng sản. Với viện trợ tận tình của Nga, với hậu phương mênh mông của Tàu, với chiến thuật không tiếc nhân mạng của Việt Cộng.
Đến năm 1954, Pháp phải bỏ của chạy lấy người. Đất nước chia đôi, hai miền… độc lập. Ai may mắn thì di cư được vô Nam. Ai không có điều kiện thì phải ở lại Bắc [4]. Có ai mong “độc lập, tự do, hạnh phúc” của… cha già dân tộc đâu.
Trí thức, thi sĩ lớn Hữu Loan, giáo viên đi kháng chiến chống Pháp khi 30 tuổi, để 80 tuổi viết rằng: Tôi xin nêu một số điểm nổi bật thời nước Pháp đô hộ Việt Nam và để lại trong hồi ức một người nô lệ, gọi là thuộc địa nhưng có đủ các thứ tự do… Chế độ thuộc địa của Pháp ngày xưa nghe tên thì sợ, nhưng trong thực tế đang là giấc mơ quá xa vời của những nước đang quang quác vỗ ngực tự xưng là nước có độc lập thực sự! (Hữu Loan, Ti Vi Tuần San số 566)
Và xin trích dẫn một đoạn trong No More Vietnam của Nixon: Nguyen Van Tang, một người cộng sản bị Pháp giam 15 năm, Diệm giam 8 năm, Thiệu giam 6 năm, hiện đang nằm trong nhà tù Hà Nội, đã diễn tả những điều kiện của nhà tù theo thứ tự đúng đắn của viễn tượng: Mơ ước của tôi hiện nay không phải là được tự do, không phải là được gặp lại gia đình, mà được trở lại ở một nhà tù của Pháp cách nay ba chục năm [5].
Ở miền Nam cũng không khá gì. Trong khi tư bản cộng sản tính đường sống chung (co-existence), thay vì đã có… độc lập, thì là thực thi dân chủ, chọn vị thế trung lập, chí sĩ… anh minh bỗng dưng nhảy về, chọn đường lối ngăn chặn cộng sản, kéo dài biên cương Hoa Kỳ đến bờ sông Bến Hải, nhưng lại triệt hạ mọi thành phần chống cộng hữu hiệu!
Bây giờ thì Mỹ nhảy vô. Theo họ, muốn được việc, thì chỉ cần có nhà nước mạnh, quyền bính tập trung. Rút cuộc, lại cũng “bài phong, đả thực” giả hiệu. Lại tiêu diệt, bắt bớ, giam cầm các phe phái khác. Người dân lại cũng chẳng thấy chính nghĩa ở đâu.
Miền Bắc chủ trương bành trướng. Miền Nam chủ trương ngăn chặn. miền bắc hô hào thống nhất. Miền Nam hô hào tự do. Hẳn cũng có một số người tin. Nhưng tối đại đa số thì thừa biết sự thật là gì. Sự thật là đảng trị, là gia đình trị, phe phái trị, kẻ được viện trợ nhiều tiền, nhiều súng ống tiêu diệt đảng phái, tôn giáo khác [6]. Chẳng lẩn trốn đâu được thì đành phải cầm súng. Đối diện súng đạn thì phải bắn, phải giết để tự vệ.
Có cái khác là quan thày miền Bắc nhất quán từ đầu đến cuối là đả đả, đàm đàm, bành trướng, bành trướng không mệt mỏi, không thành phần nội bộ nào có khả năng hạn chế. Trái lại, quan thày miền Nam không giám nói thẳng nhu cầu ngăn chặn cộng sản là chuyện an ninh cho chính bản thân mình, lại rêu rao là đi giúp người bảo vệ tự do, làm hài lòng quần chúng cận thị, nông nổi. Do đó, lúc đầu không gặp trở ngại, dân chúng Hoa Kỳ muốn làm… việc nghĩa. Nhưng về lâu, mệt mỏi, người dân Hoa Kỳ ngớ ngẩn hỏi tại sao lại phải tốn người tốn của cho kẻ chẳng chịu làm phận sự của… họ! Rút cuộc, lại cũng tái diễn chuyện kẻ nào lì hơn, tàn bạo hơn, được yểm trợ dồi dào hơn là kẻ thắng. Và cộng sản làm chủ nhân ông toàn đất nước.
65 năm làm chủ miền Bắc. 35 năm làm chủ cả nước. Rồi cộng sản không còn như xưa có quan thày chỉ đạo. Nay kể như họ được tự chủ. Nhưng thực tế là họ không có khả năng tự chủ. Họ thừa khả năng tuân hành, thừa khả năng phá hoại. Nhưng làm chủ, xây dựng thì không. Vì dòng dõi, vì bản chất, vì trình độ,… Nhưng đất nước lại ở vào vị trí chính trị, quân sự được o bế. Nên địa vị của họ hiện rất vững. Mỹ cần họ. Tàu cần họ. Nên họ không cần – vả cũng không biết – thay đổi.
Nghĩa là người dân Việt vẫn cứ khốn khổ. Cho đến khi nào có một cơ hội, một biến cố trọng đại. Nhưng vấn đề chính cũng vẫn lại là có cơ hội thì có chộp nổi không? Khi mà không có một sửa soạn nào sẵn sàng để chộp lấy. Như bao nhiêu cơ hội đã đến và đã qua đi. Vì chưa thấy vân mòng một sự lãnh đạo có tầm vóc, có lòng thành!!!
1. Một mẫu ta trung bình sản xuất 1 tấn thóc (100 thùng x 10kg/thùng = 1,000kg).
“Yves Henry [tổng thanh tra nông nghiệp Đông Dương] ước tính rằng khẩu phần trung bình hàng ngày của mỗi người dân Bắc Kỳ, vào năm 1931, là khoảng 264gr gạo, tương đương với 440gr thóc” [cỡ 160kgthóc/năm: 10 thóc, 6 gạo] (Thời Đại Của Tôi, Vũ Quốc Thúc, cuốn I, trang 164, Người Việt, 2010).
Theo ông Việt Thường, nhà văn nhà báo Miền Bắc: “Each month, each person could buy only 10.5kg. In the household provision book, the official number was still in black and white 13.5kg. But in reality, the officials deducted 3kg right away in the first buy of the month. The they playfully wrote over the sealed place on the book: Already bought in full 13.5/month”. (Vietnamese Communists, Viet Thuong, page 109, VietBooks 2005). Như vậy khẩu phần nhà nước phân phối hàng tháng là 13kg5, nhưng thực tế chỉ được mua 10kg5 (3kg bị trừ về các khoản ủng hộ này nọ), tức mỗi ngày mỗi người có: 10,500gr : 30 = 350 gr
Theo ông Nguyễn Mạnh Côn, một nông dân có 1 mẫu ta (3600m2), tự cày cấy, đủ nuôi sống một gia đình 5 người (1000kg : 5 = 200kgthóc x 0,6 = 120kg gạo : 365 = 380gr gạo/ngày).
2. Đức Dalai Lama: Cộng sản là loại cỏ dại mọc trên hoang tàn của chiến tranh, là loài trùng độc sinh sôi nảy nở trên rác rười của cuộc đời.
Tổng thống Nga Boris Yeltsin:Cộng sản không thế nào sửa chữa mà cần phải đào thải nó.
Tổng thống Nga Vladimir Putin: Kẻ nào tin những giw cộng sản nói là không có cái đầu. Kẻ nào làm theo lời cộng sản là không có trái tim.
Nói cộng sản không có đầu, không có tim là ngụ ý thiện trí, thiện tâm. Còn ác trí, ác tâm của cộng sản thì vô lượng. Điển hình là Lê Nin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh.
3. Thực ra Mặt Trận Đại Việt Quốc Gia Liên Minh, thân Nhật (gồm các đảng Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Xã Đảng, Đại Việt Dân Chính Đảng có thành lập Ủy Ban Chính Trị Bắc Kỳ đòi hủy bỏ chế độ quân chủ, thay thế bằng chế độ dân chủ, do Mặt Trận đứng ra lập chính phủ. Nhưng người Nhật nhận thấy tình hình cấp bách, không muốn một sự đổi thay, nên để ông Bảo Đại tiếp tục, bỏ cả lá bài Cường Để họ giấm sẵn từ lâu.
Điều này chứng tỏ cho đến thời điểm này các người làm chính trị còn chẳng tích cực nhúc nhích, thì mọi người dân hẳn vẫn bình chân như vại, chấp nhận số phận “thần dân”.
4. Có một ủy ban kiểm soát về việc này. Ai liều mạng đi, cộng sản cho người giả làm chủ nợ, làm chồng, làm vợ giằng kéo, thưa kiện đòi giữ lại xét xử, giải quyết. Chuyện này đủ khiến chẳng ai giám thò mặt ra.
5. Xin góp ý:
“Nô lệ” và “độc lập” là hai khái niệm đối nghịch trong bối cảnh này mà lại chẳng nhất thiết đối nghịch trong bối cảnh khác.
- Khi nói chuyện đất nước, thì quả đúng rằng một là đất nước bị nô lệ, hai là đất nước được độc lập, chứ không có chuyện đất nước vừa nô lệ lại vừa độc lập. Nhưng khi nói đến từng cá nhân, thì lại rất có thể không phải như vậy, nghĩa là đất nước thì được tiếng độc lập, song đại đa số người dân trong nước lại chỉ là nô lệ.
Cũng trong ý này, nhà văn quá cố Duyên Anh đã định nghĩa độc lập – đại khái – là “người mình cai trị người mình”.
Trong giai đoạn lịch sử cận và hiện đại, dân ta đã bị nhiều cá nhân, phe nhóm mang chiêu bài độc lập, tự do ra kích động lòng tự ái để mọi người hi sinh cho tham vọng riêng tư của những cá nhân, phe nhóm đó.
- Khi nói đến ước muốn của con người, chúng ta nói đến khát vọng, mưu cầu cải tiến phúc lợi. Trong cái phúc lợi này, độc lập chỉ là một trong những yếu tố chứ không phải yếu tố duy nhất. Một vài yếu tố khác có thể nêu lên là tự do, bình đẳng chẳng hạn. Tùy khung cảnh, sẽ có yếu tố này cần được nhấn mạnh hơn nhũng yếu tố khác.
Và nay, nếu trong khung cảnh hải ngoại đầy đủ tài liệu, dữ kiện mà chúng ta vẫn không nhận ra nổi mối tương quan giữa nô lệ và độc lập, vẫn không thấy rõ cũng như chẳng thể vạch rõ cho người khác thấy rằng: Trong suốt giai đoạn lịch sử cận đại, nhiều thế hệ đã bị lường gạt xương máu cho công cuộc đổi chủ, được ngụy trang dưới mỹ từ “độc lập, tự do” – mà thực tế chỉ là thay ông chủ khác màu da/chủng tộc bằng ông chủ cùng màu da/chủng tộc, còn mọi người vẫn tiếp tục làm nô lệ – thì quả là tương lai dân tộc khó mà khá được! Vì nếu vậy, tối đa, chúng ta cũng lại sẽ tiếp tục đem tâm ra cho người ta gạt, đem thân ra cho người – ngoại chủng và, nhất là, đồng chủng – đạp lên.
6. Cụ Phan Chu Trinh viết: Ví thử bây giờ người Pháp cho người Nam độc lập, giao cho mấy nghìn khẩu súng, cắt cho đất đai mấy tỉnh, rồi cho tự trị lấy, không hỏi gì đến nữa, thì chỉ trong mấy năm là tranh giành tước vị, cướp bóc của cải, báo thù báo oán, chém giết lẫn nhau đến chết thì thôi, còn mong gì mở mày mở mặt với thế giới được; ấy mình đối với mình còn thế, còn mong gì đối phó với ai? (sđd)
Hoặc cụ Phan là nhà nho đôn hậu hoặc thời cụ ông bà ta còn chất phác nên cụ kéo dài đến mấy năm. Thời chúng ta “cụ Hồ, cụ Ngô” làm mắm bà con tức thì khi nắm được quyền bính.
0 comments:
Post a Comment