Từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, cộng sản Hà Nội lộng hành, xem người miền Nam như một thứ công dân hạng hai. Những kẻ chiến thắng, từ lãnh đạo, đảng viên, công an, bộ đội đều cư xử như một đội quân viễn chinh thời thượng cổ. Chiến lợi phẩm được chở đi từ Nam về Bắc hết ngày nầy sang ngày khác. Bộ đội nghênh ngang, khoe khoang ngoài đường phố: “Ðánh cho Mỹ cút ngụy nhào.” Công an hạch hỏi hết nhà nầy sang nhà khác, đe dọa sẽ gởi đi vùng “kinh tế mới.”
Bắt đầu từ đó, đảng viên, cán bộ, công an, bộ đội lợi dụng lòng sợ hãi của phe chiến bại, dùng quyền hà hiếp để moi móc của cải vật chất một cách vô tội vạ. Bởi vì cộng sản Hà Nội thời đó chủ trương “trấn áp.” Tôi còn nhớ một người bạn học ngày xưa, theo kháng chiến, 20 tuổi đảng, giám đốc một cơ quan, anh có quen biết xa gần với Ðỗ Mười, lúc đó là thủ tướng, ông bạn nầy đi xe đò từ Mỹ Tho lên Saigon đem theo một kí-lô gạo, công an quận Bến Lức xét hỏi đòi tịch thu. Ông giãi bày là gạo của gia đình cho đem về Sài Gòn ăn. Nhưng vẫn bị tịch thu. Ðuối thế, anh ta nói tôi là giám đốc, có quen biết với Thủ Tướng Ðỗ Mười. Anh công an trả lời: “Ðỗ Mười Một tôi cũng không sợ.” Chế độ công an trị ngang tàng đến như vậy.
Bởi vì công an biết rõ họ là công cụ bảo vệ chế độ, là cơ quan chống lưng vững chắc đảng và nhà nước, do đó dù họ có lạm quyền, dù có sai trái, họ vẫn được bao che, dung túng. Tinh thần ỷ lại đó cho phép công an có thái độ hung hăng, ngang ngược, được cấp trên luôn luôn dung túng. Hậu quả của sự dung túng lạm quyền đưa đến biết bao nhiêu bất công, tàn bạo, mà người dân phải gánh chịu hàng chục năm qua.
Công an bắt người trái phép, giam hay thả tùy tiện. Công an đánh người một cách dã man chỉ vì phạm luật lưu thông nhỏ nhặt. Bằng cớ nạn nhân Trịnh Xuân Tùng chỉ giở nón bảo hiểm để nghe điện thoại, bị còng tay, bị đánh đập gần chết, gia đình xin cho uống nước cũng không được, xin chở đi bệnh viện cấp cứu cũng không! Ông Tùng chết, tay ông vẫn còn bị còng. Trung tá Công an Nguyễn Văn Ninh giết người chỉ bị 4 năm tù, không bằng kẻ cắp lãnh án tù 7 năm.
Lại còn rộ lên chuyện công an dùng lưới cá quăng bắt xe gắn máy chạy quá tốc độ bất kể nạn nhân té bị thương tích hay chết người!
Và gần đây nhứt Trung Tá Ðỗ Hữu Ca, giám đốc sở công an Hải Phòng, sau khi điều khiển vụ cưỡng chế đất của ông Ðoàn Văn Vươn với hàng trăm công an bộ đội, có thêm chó săn người như một cuộc hành quân đánh trận. Dù là trái pháp luật, dù là trái ngược với chính sách đối thoại và thuyết phục của nhà nước đã ban ra. Thế mà Trung Tá Ca vẫn được lên đài truyền hình, tự hào khoe rằng công an đã chiến đấu thành công (với một người có cây súng bắn đạn lá cải), “đáng được viết thành một quyển sách.” Sự kiện nầy đủ chứng minh tất cả mọi phương tiện của nhà nước được công an sử dụng bất cứ lúc nào để biện minh cho mọi sai trái, biến xấu thành tốt, biến sai thành phải. Bởi vì đã có Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, từng là một lãnh đạo cao cấp của công an, luôn luôn bao che cho họ.
Trong những vụ đàn áp tôn giáo đổ máu, vẫn cái trò dùng phương tiện truyền thông vu cáo giáo dân, giáo sĩ là những kẻ phá rối trật tự, là họ “cản trở người thi hành công vụ.”
Công an không phải là cơ quan duy nhứt lộng quyền và lạm quyền trong lãnh vực an ninh, chính trị, trật tự xã hội. Còn về hành chánh và kinh tế thì sao?
Huyện xã mặc tình ra quyết định cướp đất không bồi thường, hoặc bồi thường chiếu lệ rồi bán lại với giá ngàn lần cao hơn. Ông Nguyễn Thanh Giang nhận xét: “Các quan chức ăn đất dễ quá nên mới dám chơi cờ tướng ăn thua mỗi ván 5 tỷ đồng.” Ðiển hình sự lạm quyền là vụ cưỡng chế đất đai của ông Ðoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng làm cho dư luận cả nước bất bình. Báo chí phổ biến mọi sai trái của toàn bộ quan chức thành phố Hải Phòng.
Thậm chí Ðại Tướng Lê Ðức Anh, cựu chủ tịch nước; Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước, cựu tư lệnh Quân Khu 4; cựu thứ trưởng Công Nghệ-Môi Trường, Ðặng Hùng Võ; TS Ðinh Xuân Thảo, viện trưởng Viện Nghiên Cứu Luật Pháp; LS Lê Ðức Tiết, phó chủ tịch Hội đồng Cố vấn Pháp luật Mặt trận Tổ quốc… đều lên tiếng phê phán vụ lạm quyền vi phạm pháp luật nầy.
Sự dung túng, bao che, những kẻ gọi là “có công với cách mạng,” hay là cắt cử họ làm giám đốc, vụ trưởng, viện trưởng, là một hình thức khuyến khích người bất tài vô học, nắm quyền quản lý kinh tế, thử hỏi làm sao khỏi sinh ra lạm quyền, tham nhũng, rút rỉa ngân sách quốc gia, cắt xén tiền viện trợ và ngân khoản vay nợ nước ngoài. Cố Thủ Tướng Võ Văn kiệt đã nghe cựu Thủ Tướng Lý Quang Diệu cố vấn ông Kiệt về kinh tế, công khai nói rằng: “Không nên giao trọn quyền hành cho những người không có khả năng, quản lý công ty quốc doanh. Muốn thưởng công họ thì nên cho tiền hưu thật cao. Nếu cử họ làm giám đốc công ty là phá hoại kinh tế thay vì phát triển.”
Ðiển hình của những sự lạm quyền về hành chánh kinh tế là ông giám đốc tổng công ty Vinashin. Công ty phá sản vì nợ nước ngoài hơn bốn tỷ đô la mà không trả nổi. Ông tự ý lập nhiều công ty con không liên quan gì với nhiệm vụ và mục đích “chế tạo và sửa chữa tàu biển,” được nhà nước ấn định cho công ty Vinashin. Ðã vậy ông giám đốc còn tự ý vay nợ nước ngoài không cần ai kiểm soát, bởi vì ông ỷ lại có nhà nước bảo kê về tài chánh, có Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng là quan thầy bao che cho đàn em tự tung tự tác, nên ngày nay nợ nước ngoài đáo hạng ba lần sáu trăm triệu đô-la mỗi kỳ mà Việt Nam chưa trả được một lần nên đang bị kiện ra tòa án ở Anh quốc.
Lạm quyền về an ninh, về chính trị, về xã hội sinh ra tùy tiện và tàn ác, tham nhũng, hối mại quyền thế. Lạm quyền về quản trị kinh tế sinh ra ăn cắp của công nhứt là các “đồng chí” đã từng sống trong cảnh bần cùng thiếu thốn, làm sao thấy tiền bạc quá nhiều mà không ham? Lạm quyền về hành chánh, công vụ, sinh ra lộng hành hiếp đáp dân lành đang xẩy ra khắp xứ, khiếu kiện đầy trời, dân chúng tuyệt vọng có người tự thiêu. Và sự dồn ép tận cùng, tích tụ lâu dài đưa đến phản ứng liều chết như trường hợp của gia đình Ðoàn Văn Vươn, gài mìn nổ súng, làm vang dậy, đánh thức dư luận, báo động cho một cuộc thay đổi. Nếu không “đổi mới để sống còn” thì tiếng súng nổ ở Tiên Lãng sẽ làm sụp đổ chế độ độc tài vừa gian vừa ác với dân, vừa hèn với giặc.
10 tháng 2, 2012
0 comments:
Post a Comment