Báo cáo viên đặc biệt của Hoa Kỳ Tomas Ojea Quintana và bà Aung San Suu Kyi trong một cuộc họp báo tại Yangon ngày 03/02/2012. REUTERS/Soe Zeya Tun
Vào hôm qua, 02/02/2012, một quan chức ngoại giao Mỹ đã lên tiếng yêu cầu chính quyền Miến Điện đảm bảo sự công bằng của cuộc bầu cử bổ sung vào tháng Tư sắp tới, bằng cách mở cửa cho quan sát viên quốc tế đến theo dõi. Washington đồng thời kêu gọi Naypyidaw giải quyết tình trạng bị coi là “bạo động sắc tộc ngày càng tồi tệ hơn” tại bang Kachin ở miền Bắc Miến Điện.
Phát biểu tại một cuộc họp ở thủ đô Hoa Kỳ của tổ chức Quỹ Quốc gia vì Dân chủ (National Endowment for Democracy), ông Michael Posner, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách nhân quyền đã nhắc lại rằng chính quyền của Tổng thống Barack Obama mong muốn cải thiện quan hệ với Miến Điện, và hoan nghênh các động thái tích cực gần đây của chính phủ nước này, trong đó có việc trả tự do cho hàng trăm tù nhân chính trị.
Chính phủ dân sự của Tổng thống Thein Sein lên cầm quyền tại Miến Điện vào năm ngoái đã gây ngạc nhiên khi cho tiến hành nhiều cải cách và mở đối thoại với phe đối lập và các sắc tộc thiểu số. Biểu tượng của phong trào dân chủ là bà Aung San Suu Kyi đã biểu thị thái độ lạc quan trước các thay đổi, bằng cách tham gia tranh cử một chiếc ghế trong Quốc hội nhân cuộc bầu cử ngày mùng 1 tháng Tư sắp tới.
Theo ông Posner, Hoa Kỳ đã nói chuyện với Miến Điện về vấn đề cho quốc tế đến tận nơi theo dõi, để đảm bảo một “cuộc bầu cử cởi mở và công bằng”. Ông nói rõ : “Chúng tôi đã có những cuộc thảo luận, và hy vọng rất nhiều rằng tiến trình bầu cử đó sẽ được mở ra cho cả các quan sát viên tại chỗ lẫn những người đến từ bên ngoài”.
Một nhóm Thượng nghị sĩ Mỹ ghé thăm Miến Điện gần đây, trong đó có ông John McCain, cũng cho biết là họ đã yêu cầu Tổng thống Thein Sein chấp nhận giám sát quốc tế nhưng vẫn chưa được trả lời.
Một vấn đề khác cũng được trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách nhân quyền nêu bật. Đó là tình trạng “bạo lực tại bang Kachin đã trở nên tồi tệ hơn với nhiều báo cáo về các hành động vi phạm nghiêm trọng nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế”. Theo ông Posner, vấn đề này đòi hỏi một “giải pháp chính trị từ cả hai phía”.
Chính quyền dân sự tại Miến Điện gần đây đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn với các sắc tộc Shan và Karen, trong một nỗ lực nhằm chấm dứt các xung đột sắc tộc tồn tại ở nhiều địa phương kể từ khi Miến Điện được độc lập vào năm 1948. Tuy nhiên, xung đột đẫm máu đã bùng lên từ tháng Sáu năm ngoái tại bang Kachin, vùng cực bắc Miến Điện. Trong một báo cáo gần đây, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch đã tố cáo quân đội Miến Điện hãm hiếp, tra tấn và giết hại thường dân trong các khu vực có xung đột với các sắc dân thiểu số vào năm ngoái.
Theo ông Posner, cần phải thực tế khi xem xét các chuyển biến tại Miến Điện vì con đường cải cách tại những “xã hội từng bị xơ cứng” không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Đó là lý do khiến cho chính quyền Mỹ chủ trương “vừa tiếp tục thúc đẩy Miến Điện cải cách và thay đổi, vừa khuyến khích và hỗ trợ tiến trình này”.
Chính quyền Obama hồi tháng trước đã cho biết ý định tái lập quan hệ ngoại giao toàn diện với Miến Điện. Lần đầu tiên từ ba chục năm nay. Washington cũng tỏ ý sẵn sàng giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt, nếu Naypyidaw tiếp tục tiến bộ.
Tuy nhiên, có mặt tại Washington trong cuộc họp của Quỹ Quốc gia vì Dân chủ, bà Bauk Gyar, một nhà đấu tranh tại bang Kachin, hiện đang tham gia tranh cử tại đấy, đã cho rằng hiện còn quá sớm để bãi bỏ các biện pháp trừng phạt.
Cũng có mặt tại Washington, ông Zarganar – nghệ sĩ nổi tiếng nhất của Miến Điện vừa được trả tự do trong đợt ân xá gần đây – lại có quan điểm chừng mực hơn. Theo ông : “Do những biện pháp trừng phạt từ Mỹ hoặc Châu Âu, chính phủ Miến Điện đã phải thay đổi suy nghĩ của mình. Tôi không thích biện pháp trừng phạt, nhưng về mặt chiến lược, đó là một công cụ rất tốt.”
Cũng liên quan đến Miến Điện, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiêp Quốc về nhân quyền tại Miến Điện, ông Tomas Ojea Quintana, đã đến nước này trong một chuyến công du kéo dài cho đến ngày 05/02.
Mục tiêu chính của ông là nhằm đánh giá tình hình nhân quyền tại nước này “dưới ánh sáng của những thay đổi gần đây”, và xem xét những gì đã được thực hiện từ sau chuyến công du của ông vào tháng Tám năm 2011.
Theo chương trình dự kiến, ngày 05/02, ông Ojea Quintana sẽ trình bày các quan sát sơ bộ của ông nhân một cuộc họp báo ở Yangon, còn báo cáo đầy đủ sẽ được trình lên khóa họp thứ 19 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, mở ra vào ngày 27/02.
0 comments:
Post a Comment