Nam Dao (Adelaide)
Bất cứ người dân nào trên thế giới không ai mà không muốn viết về những điều hay của quê hương dân tộc mình với tất cả niềm tự hào hãnh diện. Kể từ sau ngày Quốc Hận 30/4/1975 cho tới hôm nay, Việt Nam mang tiếng là thống nhất rồi, chiến tranh đã chấm dứt 36 năm rồi, thế mà những người cầm bút như tôi vẫn chưa có được một giây tự hào viết về đất nước mình. Còn những bài viết về Việt Nam từ trong nước ra đến hải ngoại của những tác giả khác đều đen ngòm màu tang dân tộc.
Vào đầu năm 2011, tôi đã sống trong một tâm trạng nhức nhối đau buồn khi viết bài “35 năm nhìn lại con người Việt Nam”, ghi lại một sự thật phũ phàng cho thấy rằng chỉ trong vòng vỏn vẹn có 35 năm sống dưới chế độ CSVN, sự đểu giả đã hiện hữu trong mọi khiá cạnh của đời sống con người. Đểu về mọi mặt đến nỗi người dân sống trong xã hội đểu đó đã chế ra nhiều cụm từ để xếp loại nó như: thời đại đồ đểu, khóc đểu, yêu đểu, đá đểu, hàng đểu, rượu đểu, nhà nước đểu, nhà trường đểu, giáo dục đểu, dân chủ đểu, lãnh đạo đểu, văn chương đểu v.v… Lúc đó dù tôi cảm thấy xót xa hổ thẹn trước sự xuống dốc về đạo đức và văn hóa VN nhưng tôi vẫn nuôi một niềm hy vọng mỏng manh rằng một ngày nào đó khi đất nước thực sự có tự do dân chủ và không còn những kẻ lãnh đạo đểu thì biết đâu những con “người đểu” ngày hôm nay sẽ hồi tâm hướng thiện một khi họ được sống trong một môi trường lành mạnh thích hợp cho sự phát triển thiện tính tiềm ẩn trong mỗi con người. Sự kiện ngày hôm nay người dân Việt sống trong một xã hội đểu – là môi trường thuận lợi để phát triển ác tính – thì tất nhiên nếu không có một căn bản đạo đức vững chắc và một cuộc sống tạm ổn định thì ác tính sẽ có cơ hội sinh sôi nẩy nở và lấn át thiện tính.
Than ôi ! Niềm hy vọng của tôi giờ đây mong manh như chiếc lá mùa thu sắp lià cành! Ngày hôm nay tôi đâu có thể ngờ được rằng ngoài sự đểu cáng bao trùm trên xứ sở Việt Nam lại còn nảy sinh thêm cái tính “vô cảm” độc hại hơn cả sự đểu cáng. Khi nọc độc vô cảm đã thấm vào tim óc con người thì tình bác ái và lương tâm sẽ vỗ cánh ra đi, và người rồi sẽ chẳng còn biết ăn năn sám hối lạnh lùng thản nhiên giết người hay nhìn người khác chết không hề mủi lòng thương tiếc. Điều này đang xảy ra trên quê hương nhiều đến độ ngay cả những tờ báo theo lề nên phải của nhà nước vì không dấu được sự thật cũng đã phải lên tiếng. Và rồi bao nhiêu cụm từ mới lại được sinh sôi nảy nở trong văn chương VN như: “nhà cầm quyền vô cảm”, lãnh đạo vô cảm, y tá, bác sĩ, công an vô cảm, vợ, chồng, thầy giáo vô cảm v.v…. Trong khi những loài súc vật như chó mèo vẫn còn có cảm xúc biết tru lên những tiếng khóc não nùng khi thấy người ta bắt giết đồng loại của nó thì chỉ có ở Việt Nam và Trung Cộng mới xảy ra cảnh người tài xế vô cảm đâm phải người lại lạnh lùng de xe cán thêm hai lần nữa cho nạn nhân chết hẳn rồi dọt xe dông mất để nếu lỡ có bị bắt thì chỉ bị phạt ít tiền bồi thường cho gia đình nạn nhân. Còn người đi qua đường vô cảm mặc kệ nạn nhân rên la đau đớn thản nhiên nhảy vào hôi của nạn nhân. Hoặc là những bác sĩ y tá vô cảm bỏ mặc cho bịnh nhân nghèo chết vì không có tiền đút lót. Hay bố vô cảm tẩm xăng đốt chết con v.v…Và còn sự vô cảm nào độc ác hơn là hành động của những kẻ “lãnh đạo vô cảm”` triều cống luôn cả tổ quốc VN cho Tàu Cộng xiết gông cùm nô lệ bóc lột trên đầu cổ 85 triệu người dân Việt Nam.
Con người hơn loài vật cỏ cây sỏi đá là nhờ có lý trí giúp con người phân biệt đâu là phải trái để hướng dẫn tình cảm và hành động cho đúng với lương tâm lẽ phải. Chỉ mới 36 năm, một phần ba đọan đường của chính sách trăm năm trồng người, nhà nước CSVN đã “thành công vĩ đại” qua việc làm thui chột lý trí và tình cảm của người dân Việt Nam, đào tạo được một thế hệ “vô cảm đểu”. Tôi tự hỏi nếu người CSVN đi hết hành trình “100 trồng người” thì đạo đức của con người Việt Nam sẽ đi về đâu? Khi mà triết lý sống “ăn ở nhân nghiã để đức cho con” của tổ tiên từ ngàn xưa để lại, ngày nay được thay thế bằng lối sống “vô cảm đểu ” thì tương lai của đất nước Việt Nam sẽ đi về đâu?
Năm 2010 đã được những người cầm bút chua chát viết về lịch sử xã hội VN thời nay bằng một cụm từ đầy đủ ý nghiã “Thời đại đồ đểu”. Để tiễn đưa năm 2011, còn gì tủi hổ hơn là phải ngậm ngùi thêm vào hai chữ “vô cảm” khiến cho cụm từ “Thời đại đồ đểu vô cảm !”lại càng làm nhức nhối tâm tư những ai còn quan tâm đến sự tồn vong của giống nòi. “Thời đại đồ đểu vô cảm”! Ôi! Một thời đại ô nhục đen tối nhất trong 4000 năm lịch sử Việt Nam !
No comments:
Post a Comment