1* Thời cơ và thách thức của Việt Nam.
Việt Nam và Trung Cộng có chung một mô hình kinh tế, nhưng VN có thể được thu nhận vào Đối Tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương, trái lại, Trung Cộng thì không.
Việt Nam đang đứng trên một ngã ba đường, giống như trên cầu chữ Y, trước mặt có 2 con đường, một đi vào Lò Heo Chánh Hưng (Lò sát sinh), ở đó, các đồ tể với dao trong tay, chờ đưa lên bàn để chọc huyết và xẻ thịt. Đó là con đường hợp tác chiến lược với Trung Cộng.
Con đường kia là khu vực kinh tế thị trường tự do của Đối Tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương. (Trans-Pacific Partnership-TPP), là cơ hội tốt để phát triển kinh tế, chính trị mang lợi ích thiết thực cho quốc gia, dân tộc.
Cộng Sản Việt Nam hiện đang bắt cá hai tay, giữa Trung Cộng và TPP.
2* Việt Nam tham gia đàm phán Đối Tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương
Hồi tháng 3 năm 2009, Việt Nam chính thức tham gia đàm phán (Negociate) xin gia nhập Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Chiến Lược Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement) còn được gọi tắt là Đối Tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership-TPP)
Trong vòng đàm phán lần thứ bảy, kéo dài 5 ngày từ 20-12 đến 24-12-2011 tại Sài Gòn, với sự tham dự của 9 thành viên TPP, Phó Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ, ông Demetrios Marantis tỏ vẻ lạc quan về sự hợp tác giữa VN và HK trong việc tiến hành mở cửa hệ thống thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Ông Marantis tuyên bố: “Chúng tôi cho rằng sự quan hệ vững mạnh với châu Á và với VN là điều quan trọng cốt lỏi của tương lai kinh tế HK”.
Nói chung, HK mong muốn VN tham gia vào TPP.
Bà Phạm Chi Lan sinh năm 1945, kinh tế gia nghỉ hưu, phát biểu: “Hoa Kỳ ủng hộ VN gia nhập TPP vì muốn hiệp định sẽ được tăng cường để làm đối trọng với Trung Quốc”. Đối trọng là trọng lượng được dùng để làm cân bằng với một trọng lượng khác.
3* Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Chiến Lược Xuyên Thái Bình Dương
3.1. Hoa Kỳ trở lại châu Á - Thái Bình Dương
Thời gian gần đây, qua những tuyên bố và hành động, cho thấy HK quyết định trở lại châu Á.
Phát pháo chính thức đầu tiên là bài viết của Ngoại Trưởng Hillary Clinton trên Foreign Policy ngày 10-11-2011, với tựa đề “Thế kỷ Thái Bình Dương của Hoa Kỳ” (America’s Pacific Century).
Tổng thống Barack Obama kết thúc vòng đai quân sự bao vây Trung Cộng bằng việc thiết lập căn cứ quân sự ở Darwin, Bắc Úc. Rồi HQ/HK cho biết trong những năm tới, tàu chiến HK sẽ tuần tra ở Philippines và Singapore, hình thành một vòng đai phía Đông VN, bao gồm vùng biển hình Lưỡi bò trong đó có HS/TS. Vòng cung nầy bảo vệ tuyến hàng hải qua eo biển Malacca nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, mà HK tuyên bố là có quyền lợi quốc gia trên đó. HK bảo vệ an ninh hải lộ, đồng thời bảo vệ Nam Hàn, Nhật Bản và Đài Loan.
3.2. Sự quan trọng của nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương
Đối Tác Kinh Tế Xuyên TBD là một vòng đai kinh tế mà Trung Cộng cho rằng nó có mục đích bao vây nước họ.
Hoa Kỳ quyết tâm trở lại châu Á và khẳng định:”Chúng tôi trở lại để ở lại” (We are back to stay) Trong bài diễn văn đọc tại quốc hội Úc, Tổng thống Obama tuyên bố: “Có 3 vấn đề mà HK sẽ mang đến cho châu Á, đó là an ninh, thịnh vượng và dân chủ nhân quyền”. Như vậy, sự trở lại của HK là mong ước của người dân yêu chuộng dân chủ, tự do và nhân quyền trong nhửng chế độ độc tài của khu vực.
Về kinh tế, khu vực châu Á-Thái Bình Dương chiếm một phần ba (1/3) tổng sản phẩm toàn cầu. 10 quốc gia châu Á-TBD với 500 triệu người tiêu dùng, HK hy vọng sẽ gia tăng xuất khẩu, tạo thêm công ăn việc làm cho người Mỹ.
Tờ Bloomberg dẫn lời của một nhà quan sát, cho rằng: “Đối Tác Kinh Tế Xuyên TBD (TPP) sẽ giúp cho HK giành lại ảnh hưởng kinh tế đã mất vào tay Trung Cộng, ở một khu vực có nhiều tuyến hàng hải quan trọng đối với thế giới”.
Giáo sư Geoffrey Garrett nhận xét: “Hoa Kỳ đã tăng cường liên minh kinh tế và quân sự nhằm kềm chế Trung Cộng, buộc nước nầy phải tuân thủ các luật chơi”.
3.3. Vài nét về lịch sử của Đối Tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương
Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Chiến Lược Xuyên Thái Bình Dương được gọi tắt là “Đối Tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương” (Trans-Pacific Partnership-TPP) có mục đích thiết lập một khu vực thương mại tự do giữa các thành viên thuộc châu Á-TBD, chủ yếu là miễn thuế và xoá bỏ những rào cản.
Ngày 3-6-2005, 4 quốc gia nguyên thủy là Singapore, Chile, New Zealand và Brunei ký hiệp định gọi là Hiệp Định P4 (Pacific 4) có hiệu lực kể từ ngày 28-5-2006, thành lập khu mậu dịch xoá 90% rào cản thuế quan, và giao kết đến năm 2015 sẽ không còn rào cản nào giữa 4 nước thành viên nầy.
Tháng 9 năm 2008. Hoa Kỳ đàm phán (Negociate) xin gia nhập TPP.
Tháng 11 năm 2008. Các nước: Úc, Peru và Việt Nam xin đàm phán gia nhập.
Tháng 10 năm 2010. Malaysia xin đàm phán gia nhập.
Các quốc gia như: Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Canada và Philippines cũng đang xin đàm phán gia nhập TPP.
Hiện nay, 9 quốc gia là Singapore, Chile, New Zealand, Brunei, Hoa Kỳ, Úc, Peru, Malaysia và Việt Nam, đã qua 7 cuộc đàm phán trong tiến trình thực hiệp một Hiệp Định thương mại mới.
Hoa Kỳ xin gia nhập sau, nhưng vì thị trường nước nầy quá rộng lớn, cho nên giữ vai chủ động trong thương lượng về những điều kiện, để cho hàng hoá các thành viên được vào nước Mỹ. Không phải những điều kiện mới mẻ gì, mà nó là căn bản của nền kinh tế thị trường tự do, giống như của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (World Trade Organization-WTO). Đó là nền kinh tế tư bản, dựa trên sự canh tranh công bằng giữa tư nhân với tư nhân. Trái lại, kinh tế quốc doanh, với vốn khổng lồ của ngân sách nhà nước, thì không được cho vào sân chơi, vì nó tạo ra sự cạnh tranh không công bằng, cụ thể là cạnh tranh giữa nhà nước với tư nhân.
3.4. Thể thức gia nhập TPP
Ở Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), quốc gia nào có đủ điều kiện thì được thu nhận. Việt Nam phải chờ 12 năm, Trung Cộng chờ 15 năm và Nga phải chờ 18 năm để hoàn tất các điều kiện căn bản cho một nền kinh tế thị trường (Market Economy) tự do.
Trái lại, ở TPP, việc tham gia thông qua các cuộc đàm phán (Negociate), tức là thương lượng với nhau. Do đàm phán quyết định, cho nên có vài thành viên chấp thuận cho VN vào mà không quan tâm đến nền kinh tế “theo định hướng XHCN mà kinh tế quốc doanh là chủ đạo”, trái lại, HK thì gắt gao hơn, buộc VN phải cải cách nhiều lãnh vực.
Cũng do đàm phán quyết định, mà hai nền kinh tế giống hệt nhau của VN và Trung Cộng, nhưng VN có thể được chấp nhận cho vào, mà TC thì phải cải cách thêm nhiều, như là phải nâng giá trị đồng nhân dân tệ lên cao hơn nữa, phải thực hiện cân bằng cán cân mậu dịch, tức là bán hàng cho Mỹ, thì phải mua hàng của HK ở một tỷ lệ hợp lý nào đó. Không thực hiện được, thỉ nghỉ chơi.
3.5. Nội dung đàm phán với Hoa Kỳ
- Cắt giảm thuế quan
- Các vấn đề phi thương mại:
* Xuất xứ hàng hoá (1) * Vệ sinh dịch tể* Sở hữu trí tuệ (2) * Chính sách cạnh tranh (3)
* Các vấn đề lao động (4)* Cấm mọi hình thức cưỡng bách lao động * Cấm khai thác lao động trẻ em* Vấn đề môi trường.
Giải thích một số nội dung trên:
(1). Xuất xứ hàng hoá.
Ví dụ như sản phẩm dệt may. Nếu vải được dệt bằng chỉ sợi tại VN, thì quần áo may ra từ vải đó được xem là sản phẩm, hàng hoá của VN. Trái lại, nếu vải và da của Trung Cộng được nhập vào VN, thì quần áo và da giày đó xem như VN gia công cho TC, và không được xếp vào hàng hoá của VN.
Hoa Kỳ muốn tránh trường hợp hàng hoá của TC nhập vào HK thong qua con đường của VN.
Về đồ gỗ cũng phải chứng minh xuất xứ, không phải là gỗ ăn cắp từ rừng của nước Lào như VN đã bị cáo buộc.
(2). Về sở hữu trí tuệ.
Ngoài những CD, DVD copy lậu và thu nhận từ Internet, Trung Cộng còn ăn cắp kỹ thuật của Hoa Kỳ, đã làm cho Mỹ thua lỗ 50 tỷ USD vừa qua. Điều nầy, TC và VC chưa có biện pháp ngăn chận hữu hiệu.
(3). Chính sách cạnh tranh
Là môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch trên căn bản của nền kinh tế thị trường (Market Economy), cụ thể là sự cạnh tranh giữa tư nhân với tư nhân.
(4). Các vấn đề lao động
Phải cho tự do thành lập nghiệp đoàn công nhân chân chính của giới công nhân, gọi là công đoàn độc lập với nhà nước.
4* Hoa Kỳ muốn gạt Trung Cộng ra khỏi TPP
4.1. Cảnh báo trước
Ngày 29-11-2011, hai tuần lễ trước cuộc họp thượng đỉnh APEC (Asia-Pacific Economic
Cooperation), Ủy Ban Giám sát Quan hệ Quốc tế của Quốc Hội HK đã công bố một báo cáo 120 trang về hệ thống kinh tế quốc doanh của Trung Cộng với những lời phê phán rất nặng nề. Điều đó nhắc nhở hành pháp HK, phải duyệt xét kỹ lưỡng, điều tra những bê bối trong trường hợp TC xin đàm phán gia nhập Hiệp định TPP.
Bên lề hội nghị APEC ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Bà Hillary Clinton kêu gọi Trung Cộng, nên tiến hành các cải cách chính trị, đồng thời bà nêu quan ngại của Mỹ về việc chà đạp nhân quyền ở TC, bà cũng tố cáo việc những tăng ni Tây Tạng đã tự thiêu để phản đối, việc trí thức như luật sư mù Trần Quang Thành vẫn còn bị quản thúc tại gia, về việc nhà nhân quyền bị bắt cóc đày đi Tân Cương…
Trợ tá Bộ trưởng Thương Mại Trung Cộng phàn nàn là TC không được mời vào đàm phán gia nhập TPP. Đại sứ Mỹ phản pháo: “TPP không phải là câu lạc bộ khép kín, ai cũng có thể xin gia nhập, nhưng không nên chờ đợi được mời”. Còn lâu.
Bản Tuyên bố Honolulu của Thượng đỉnh APEC ngày 13-11-2011 bày tỏ quyết tâm: “Hỗ trợ sự tăng trưởng bền vững và cân bằng trong cán cân mậu dịch của nền kinh tế thế giới và khu vực”.
Các quan sát viên cho rằng HK đưa câu nầy vào Bản Tuyên bố là nhằm mục đích chỉ trích Bắc Kinh về việc làm mất thăng bằng trong cán cân mậu dịch giữa TC và HK. Đó là TC chỉ muốn bán hàng vào thị trường Mỹ, lấy đô la dự trữ mà không mua hàng hoá và dịch vụ của HK theo một tỷ lệ hợp lý. Như thế là chơi gác, bất công. Nhập siêu của HK so với TC trong năm 2010 là 270 tỷ USD.
4.2. Đấu khẩu tại Thượng đỉnh APEC
- Tổng thống Barack Obama cho rằng mặc dù tỷ giá giữa đồng nhân dân tệ có nhích lên đôi chút so với đồng đô la, nhưng như thế chưa đủ.
- Hồ Cẩm Đào phản bác: “ Cho dù đồng tệ có tăng lên nhiều hơn nữa, thì cũng không giải quyết được những khó khăn kinh tế mà HK đang đối mặt.”
- Tờ Hoàn cầu Thời báo của TC đưa tin, HK định giải quyết những khó khăn của mình bằng cách ép TC, mưu đồ như vậy vô ích và cuối cùng sẽ thất bại”.
Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng quan hệ Hoa Kỳ và Trung Cộng “nháng lửa”.
Hồ Cẩm Đào cứng họng trước sự thật là nhập siêu của HK-TC là 270 tỷ USD. Tổng thống Obama cho rằng các nước coi thị trường HK là nơi để họ tăng gia sản xuất cho phát triển kinh tế.
4.3. Trung Cộng lại cam kết cải cách kinh tế
Trung Cộng công nhận cái láu cá của mình đối với các đối tác như HK và Liên Âu, nên tái cam kết trong buổi lễ kỷ niệm 10 năm gia nhập WTO.
Ngày 11-12-2011, Hồ Cẩm Đào phải cam kết với Tổng Giám đốc WTO là ông Pascal Lamy: “Trung Quốc sẽ từng bước điều chỉnh để giảm tình trạng xuất khẩu khổng lồ (siêu xuất) với các đối tác thương mại, và hứa sẽ làm việc cùng họ để làm giảm các khoản mất thăng bằng đó.” Trung Cộng cũng cam kết cải thiện môi trường kinh doanh, tạo sân chơi bình đẳng hơn đối với các nhà đầu tư quốc tế vào làm ăn ở trong nước họ.
Sau 10 năm được nhận vào WTO, TC vẫn không thực hiện những cam kết khi xin gia nhập tổ chức nầy, đã trục lợi bất chánh làm phương hại đến quyền lợi của HK và Liên Âu.
Sau 10 năm vào WTO, tổng sản phẩm nội địa (Gross Domestic Product-GDP) của nước nầy tăng lên gấp 4 lần, và trở thành một quốc gia xuất cảng hàng đầu thế giới.
Ông Vũ Quang Việt, chuyên viên kinh tế LHQ, nhận xét về sự phát triển của TC như sau:
- Ăn cắp kỹ thuật của phương Tây rồi dùng nguồn nhân lực dồi dào và rẻ tiền của mình để sản xuất ào ạt xâm nhập thị trường quốc tế. Đó là nhờ sự chuyển giao kỹ thuật trong nhiều ngành công nghiệp quan trọng, từ viễn thông đến việc sản xuất xe hơi, chế tạo máy bay, thậm chí đến công nghiệp hàng không và cả không gian nữa.
- Bảo vệ thị trường nội địa. TC lấy lý do an ninh quốc gia, cản đường nước ngoài vào đầu tư trong nước họ. Các tập đoàn doanh nghiệp quốc doanh như China Mobile, China Telecom, China Unicom đang độc quyền viễn thông trên thị trường trong nước. Hạn chế xe hơi vào TC bằng cách tăng thuế. Ví dụ. Một chiếc xe bán ra ở HK là 27,500 USD nhưng khi nhập vào TC thỉ giá là 85,000 USD. Do đó, mà hảng xe HK Chrysler chỉ bán được 2,500 chiếc xe mỗi năm.
- Bảo hộ mậu dịch. Vừa là thành viên của WTO, Trung Cộng là nhà vô địch bảo hộ mậu dịch như đã ấn định hạn ngạch (quota) hàng dệt may bằng những con số hạn chế.
Nếu Trung Cộng muốn đàm phán tham gia Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương thì phải tuân thủ nguyên tắc của nền kinh tế thị trường, điều nầy rất khó thực hiện đối với TC.
5* Trung Cộng muốn nắm chặt Việt Nam
5.1. Ba ưu tiên của Tập Cận Bình
Quan hệ Việt Nam và Trung Cộng đặt trên nền tảng 3 kiên trì, 4 tốt và 16 chữ vàng, và mới đây, ngày 22-12-2011, Tập Cận Bình sang VN bày tỏ ý muốn 3 ưu tiên về chiến lược kinh tế giữa hai nước.
Vấn đề chủ quyền Biển Đông được VN chấp nhận giải quyết song phương, và kinh tế cũng được giải quyết song phương, mục đích lập ra một khu vực kinh tế xuyên biên giới.
Ba ưu tiên của Tập Cận Bình như sau:
1. Xây dựng một khu vực hợp tác xuyên biên giới, mà trọng điểm là tập trung lại các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.
Đương nhiên là do TC phụ trách như từ trước đến nay.
2. Hai bên phối hợp để hoạch định chính sách kinh tế chiến lược, tập trung tốt về cơ chế song phương. Thúc đẩy các chương trình hợp tác song phương quan trọng, trong nông nghiệp, giao thông vận tải, thủy sản và năng lượng.
3. Mở rộng hơn nữa mậu dịch song phương, đặt chỉ tiêu mậu dịch hàng năm lên 60 tỷ đôla, bắt đầu từ năm 2015.
Tập Cận Bình tuyên bố: “Bắc Kinh khuyến khích các công ty tiềm năng của mình đến xây dựng khu hợp tác kinh tế thương mại Việt-Trung tại VN.”
Nguyễn Tấn Dũng phát biểu: “Chuyến thăm của Phó chủ tịch Tập Cận Bình có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc cũng cố và phát triển toàn diện, về hợp tác chiến lược giữa VN và TQ. VN hoàn toàn nhất trí về chủ trương song phương mà Phó chủ tịch nêu ra”. Nguyễn Tấn Dũng cũng nhắc lại tấm lòng biết ơn TQ. “Người VN không bao giờ quên sự hỗ trợ và giúp đở to lớn mà đảng Cộng Sản và nhân dân TQ cho VN trong nhiều năm trước kia”.
Tờ China Daily đưa tin, mậu dịch song phương 30 tỷ USD, tăng gấp 1,000 lần so với 20 năm trước.
5.2. Nhận xét về 3 ưu tiên của Trung Cộng
Việc xây dựng khu vực xuyên biên giới để cho hàng hoá TC công khai và tự do đổ vào VN, trước kia đi qua biên giới bằng đường buôn lậu. Đồng thời cũng để cho tài nguyên thô như cao su, bauxite độc quyền chạy sang TC.
Trung Cộng lại tiếp tục độc quyền nhận những dự án thầu của VN. Những mặt hàng chủ lực của VN như dệt may, da giày không có chỗ đứng trên thị trường TC, vì cạnh tranh không lại hàng hoá nội địa.
5.3. Trung Cộng sẽ khống chế Việt Nam
Ông Ernest Bower, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược ở Washington, D.C., kiêm Chủ tịch Hội Đồng Tư vấn cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nêu phân tích như sau:
“Trung Cộng đang đứng trước 3 thách thức chủ yếu là:
- An ninh lương thực
- Năng lượng
- Nguồn nước.
Những khó khăn nầy có thể khiến cho TC dùng sức mạnh kinh tế và quân sự để buộc nước nhỏ như VN phải thương lượng với họ một cách không bình đẳng vì thế lực không cân xứng.
Về quân sự, một yếu tố mới, đe dọa VN và các nước trên sông Mekong, là việc tuần tra trên con sông nầy. Dù là tuần tra hỗn hợp, nhưng nguy cơ xảy ra do hiểu lầm rất cao, đưa đến người bị thương, bị giết. Nhân dân và chính quyền địa phương không mấy hài lòng về việc cảnh sát Trung Cộng tuần tra, kiểm soát người dân nước họ trong ranh giới và trên lãnh thổ của họ.”
Mỗi hành động của Trung Cộng đều có chứa những âm mưu thâm độc khó lường.
6* Cơ hội và thách thức của Việt Nam trước TPP
6.1. Những cơ hội
Tổng thống Obama đặt ra một lộ trình quá cấp tốc là cuối năm 2012 phải hoàn tất bản dự thảo Hiệp Định TPP. Hiệp Định TPP mở ra, tạo cho VN những cơ hội quý báu để phát triển kinh tế, đồng thời cũng nêu lên những thách thức đòi hỏi đảng CSVN phải sáng suốt chọn đúng con đường phát triển chính trị, tự do dân chủ và nhân quyền cho 86 triệu người VN, rất xứng đáng được hưởng ở thế kỷ 21 nầy.
Bà Phạm Chi Lan (sinh 1945) kinh tế gia nổi bật của VN nêu nhận xét về lợi ích của cơ hội:
1. Cơ hội để VN cải thiện môi trường kinh doanh, cụ thể là tư nhân hoá các doanh nghiệp nhà nước. Môi trường kinh doanh nầy tạo ra phát triển kinh tế, xã hội và chính trị, đưa đất nước đến tự do.
2. Cơ hội để VN phát triển quan hệ thương mại, đầu tư và hợp tác giáo dục giữa VN và các thành viên có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thu nhận khoa học kỹ thuật tiến bộ, nhất như Hoa Kỳ, Úc, Singapore và New Zealand khi mở cửa cho các thành viên nầy vào làm ăn trong nước.
3. Luật sư Eric C. Emerson của hảng luật Steptoe&Johnson cho biết: Lợi ích mà VN sẽ có là được tiếp cận nhiều hơn với thị trường mà thuế quan rất thấp dành cho các thành viên của TPP. Có khả năng thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn trong khi VN cần nhiều vốn và kỹ thuật cao.
4. Cơ hội để các mặt hàng chủ yếu của VN vào thị trường rộng lớn với mức thuế quan rất thấp, đưa đến việc miễn thuế.
Các mặt hàng chủ lực của VN vào Hoa Kỳ:
- Thủy sản (Cá phi lê, cá da trơn, tôm) Năm 2009. Kim ngạch 500 triệu USD. Thuế 6%
- Dệt may. Năm 2009. Kim ngạch 4 tỷ USD. Thuế 32%.
- Da giày. Năm 2009. 1.3 tỷ USD. thuế 37%.
- Đồ gỗ. Năm 2009. Kim ngạch 1.35 tỷ USD. Miễn thuế.
Khi gia nhập TPP, nếu hội đủ tiêu chuẩn của một nền kinh tế thị trường tự do, thì tất cả đi đến miễn thuế.
5. Cũng là cơ hội để VN thoát ra khỏi sự kềm kẹp của TC về kinh tế, tài chánh và chính trị, mà cuối cùng là mất chủ quyền, lệ thuộc vào Trung Cộng.
6.2. Những thách thức đối với Việt Nam
6.2.1. Phải cải tổ pháp lý về cơ chế của nền kinh tế
Kinh tế VN là “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN mà kinh tế quốc doanh là chủ đạo”. Cơ chế nầy không phù hợp với nền kinh tế thị trường tự do của Tổ chức Thương Mại Thế Giới (WTO) và của Hiêp định Đối Tác Xuyên TBD (TPP).
Muốn gia nhập vào khu vực kinh tế tự do, thì VN phải sửa đổi hệ thống luật pháp phù hợp để vận hành kinh tế thị trường, như luật đầu tư, công đoàn độc lập, nói chung là tách vai trò của nhà nước ra khỏi nền kinh tế.
Luật sư Jay L. Eizenstat, thuộc công ty luật Miller&Chevalier Chartered, nêu các cải tổ về luật pháp như sau:
1. Luật về quyền thương lượng giữa đại diện công nhân, là công đoàn độc lập, với giới chủ nhân.
2. Quyền thành lập công đoàn độc lập
3. Thực hiện các quyền lao động được quốc tế công nhận
4. Luật về đầu tư cho nước ngoài
5. Tư nhân hoá nền kinh tế, bắt đầu bầu bằng cổ phần hoá các công ty quốc doanh
6. Bỏ việc kiểm soát và phân bố các nguồn lao động của nhà nước
6.2.2. Thách thức về khả năng cạnh tranh tại sân nhà
Khi gia nhập TPP, mở cửa cho hàng hoá của các thành viên gia nhập thị trường VN với mức thuế quan giảm thấp, hàng hoá tràn ngập vào VN, và hàng hoá của VN thua ngay tại sân nhà, vì cạnh tranh không lại. Khi đã ký kết Hiệp định, mà vi phạm thì bị đưa ra toà án xét xử.
Thách thức lớn nhất là liệu đảng CSVN có chịu buông nền kinh tế quốc doanh hay không? Một nền kinh tế được quản lý bởi những người thiếu trách nhiệm, thiếu kinh nghiêm quản lý, thiếu khả năng cạnh tranh, mà lại tham nhũng, cho nên làm ăn luôn luôn thua lỗ.
6.2.3. Việt Nam bác bỏ đề nghị của Hoa Kỳ
Ngày 28-10-2011, tại vòng đàm phán TPP ở Lima, thủ đô của Peru, trưởng đoàn VN là Trần Quốc Khánh bác bỏ đề nghị của HK về việc lập ra một quy chế mới cho các công ty quốc doanh, viện dẫn lý do là VN đã được thu nhận vào Tổ chức Thương Mại Thế Giới (WTO) cho nên không cần thiết phải làm việc đó.
Trên nguyên tắc, VN đã vào WTO, nhưng vì còn giữ cái đuôi “theo định hướng XHCN mà kinh tế quốc doanh là chủ đạo”, cho nên bị đối xử như là một nước có nền kinh tế “Phi Thị Trường Tự Do” bị đánh thuế “Chống bán phá giá” và có thể bị kiện ra toà về tội bán phá giá.
Kể từ tháng 7 năm 2009, VN bị kiện ra toà án quốc tế của WTO 39 vụ về tội bán phá giá. Một cách đơn giản, bán phá giá là giá tiền của mặt hàng VN rẻ hơn giá hàng nội địa HK, nếu hàng hoá đó do công ty quốc doanh sản xuất hoặc do nhà nước bơm tiền vào một công ty, gọi là nhà nước đầu tư vào, mục đích cạnh tranh bất chính, nhằm loại đối thủ để chiếm lĩnh thị trường.
7* Việt Nam có thể được thu nhận vào Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương
Việt Nam và Trung Cộng có chung một mô hình kinh tế, nhưng VN có thể được thu nhận vào TPP, nhưng TC thì không.
Lý do thứ nhất. Mặc dù kinh tế VN còn quốc doanh, nhưng vì nền kinh tế nhỏ, vốn nhà nước cũng không to lớn đến nổi có thể đè bẹp các đối tác trong TPP. Tuy nhiên, VN vẫn phải chịu những biện pháp chống bán phá giá bằng các thứ thuế.
Thứ hai là về chính trị. HK muốn kéo VN ra khỏi ảnh hưởng của Trung Cộng.
8* Trung Cộng thì khó hơn
Trung Cộng thì khó được HK thu nhận vào hiệp định hơn, vì nước nầy có đến 20,000 doanh nghiệp nhà nước rất lớn, có khả năng đè bẹp đối thủ trong khối TPP.
Hảng tin Reuters phổ biến một công trình khảo sát do Công ty Tư Vấn Capital Trade Inc. tại Washington, xác định, dưới nhiều hình thức khác nhau, các công ty nhà nước đã kiểm soát 50% nền kinh tế TC, qua đó, nó tác động đến chính sách kinh tế, chính trị của nước nầy. Vì thế, nếu TC muốn vào TPP thì phải tuân theo luật chơi của khu vực, cụ thể như nâng giá trị đồng nguyên, làm thăng bằng cán cân mậu dịch trong việc mua bán, cạnh tranh công bằng và lành mạnh.
Điều nầy rất khó cho TC.
9* Kết
Có lẻ Việt Nam chuẩn bị mang nền kinh tế quốc doanh hiện tại vào khu vực kinh tế Xuyên Thái Bình Dương, nên đưa những người trẻ tốt nghiệp các đại học Âu Mỹ vào chính phủ. Cho rằng họ là những người có kiến thức, chưa có tiền án tham nhũng, đồng thời chỉnh đốn đảng sau khi thăng cấp cho những cán bộ công an, quân đội để bảo vệ chế độ, và nếu làm như thế thì bị xem như một quốc gia “phi kinh tế thị trường” bị áp dụng thuế chống bán phá giá và bị thưa về tội bán phá giá như từ trước tới nay.
Mặc dù kinh tế VN tăng trưởng thường xuyên 6, 7%, nhưng đó là so sánh với chính mình ở năm trước, chớ nếu so sánh với các nước trong vùng Đông Nam Á, thì chỉ hơn được có Lào và Campuchia mà thôi.
Kinh tế quốc doanh làm ăn ạch đuội, luôn luôn thua lỗ nên sập tiệm như Vinashin, không tiền trở nợ trên 4 tỷ USD, bị níu áo ra toà. Hai tập đoàn quốc doanh Than Khoáng và Điện Lực cũng không làm nên trò trống gì.
Kinh tế èo uột, lạm phát gia tăng, hiện tại đã có 90,000 doanh nghiệp tư nhân phá sản vì vở nợ. Ngân hàng nhà nước đã tăng cao lãi suất và hạn chế cho vay, nên các chủ công ty phải vay tiền ngoài ngân hàng gọi là “tín dụng đen” với lãi suất rất cao. Không tiền trả nên đóng cửa công ty và bỏ trốn . Số nợ lên tới hàng trăm tỷ, thậm chí đến hàng ngàn tỷ đồng.
Gia nhập TPP với nền kinh tế tự do sẽ mang lợi ích to lớn cho quốc dân đồng bào, hy vọng rằng đảng CSVN sớm dứt khoát từ bỏ những con số 3 kiên trì, 4 tốt, 16 chữ vàng và 3 ưu tiên để cho dân tộc sớm được ngóc đầu lên nổi.
Trúc Giang
Minnesota ngày 10-12-2012
0 comments:
Post a Comment