Trở Về Trang chính

Saturday, January 28, 2012

'Kinh tế ổn định sẽ kéo đầu tư nước ngoài trở lại VN'



4 năm điều phối các Hội nghị kinh tế đối ngoại thường niên tại Việt Nam, Giám đốc Đông Nam Á của The Economist – Justin Wood cho rằng cam kết ổn định là điều nhà đầu tư nước ngoài chờ đợi nhất ở Chính phủ Việt Nam.

- Với kinh nghiệm của mình, ông đánh giá như thế nào về sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam trong những năm qua và đặc biệt là trong năm 2012.
- The Economist lần đầu tiên tiền hành xúc tiến đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là năm 2008. Khi đó đây được coi là điểm đến số một cho đầu tư tại Đông Nam Á. Tương lai kinh tế của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư là rất sáng. Năm nay thì tình hình không còn như vây. Phần vì kinh tế thế giới, phần vì những bất ổn vĩ mô (lạm phát cao, đồng tiền mất giá…) nên sự quan tâm dù vẫn còn rất lớn, nhưng phải nói là có suy giảm.
Giám đốc Đông Nam Á của The Economist – Justin Wood . Ảnh: Nhật Minh
Chúng tôi đặt trụ sở tại Singapore và làm việc với khoảng 500 khách hàng, đều là doanh nghiệp và các nhà đầu tư lớn. Hàng năm, chúng tôi đưa cho họ một danh sách những điểm đầu tư thú vị nhất châu Á.
Thông thường, thứ tự là Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam. Nhưng năm nay, Việt Nam xuống thứ 4, bị thay thế bởi Indonesia. Tuy nhiên, tôi cũng phải nhấn mạnh, đây vẫn là một vị trí rất cao.
Nhìn lại 4 năm qua, chúng tôi thấy những quan ngại có chiều hướng tăng lên. Chẳng hạn như năm nay, họ muốn xem Chính phủ có thể làm gì để ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu làm được, tôi tin sức hút của Việt Nam trong những năm tới chắc chắn sẽ phục hồi.
- Trong những bất ổn nói trên, đâu là điều mà họ lo lắng nhất?
- Lạm phát và sự mất giá tiền đồng. Ở một nền kinh tế mà lạm phát tính theo năm (year-on-year) có lúc lên tới 21-22%, đồng tiền mất giá tới 15% một năm thì khó nhà đầu tư nào có thể an lòng. Ngoài ra, Việt Nam có khu vực doanh nghiệp quốc doanh hoạt động thiếu hiệu quả, nhưng vì nó quá lớn nên ảnh hưởng đến sức cạnh tranh chung của nền kinh tế. Những nhà đầu tư coi Việt Nam là thị trường sẽ rất quan ngại điều này.
Điều đáng mừng là Chính thủ Việt Nam gần đây đã đưa ra những thông điệp hết sức quyết liệt để đảm bảo ổn định vĩ mô. Trong cuộc trao đổi với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông ấy thông báo với tôi: Lạm phát năm nay sẽ là một con số, tốt thì 8,5%, tệ nhất thì cũng chỉ 12%. Những con số này vẫn còn cao, nhưng ít nhất cũng tốt hơn 2011.
- Ông đánh giá như thế nào về khả năng hiện thực hóa những mục tiêu đó?
- Riêng với mục tiêu lạm phát thì tôi nghĩ là hoàn toàn có thể thực hiện được. Vì rất nhiều lý do, như giá hàng hóa, nguyên liệu thế giới đang đi xuống, kinh tế cũng vậy. Trong nước thì ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ. Tất cả những yếu tố đó sẽ đảm bảo cho việc lạm phát xuống thấp. Bản thân The Economist cũng dự báo lạm phát năm nay của Việt Nam khoảng 9,5%. Còn về tăng trưởng thì chúng tôi nhận định có thể đạt khoảng 5,9%, khá sát với mục tiêu 6% của Chính phủ
- Cũng trong một phát biểu gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ cân nhắc hạ lãi suất vào cuối quý I/2012. Ông đánh giá như thế nào về động thái này, đặc biệt là khi Việt Nam đang thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt?
- Tôi biết là Ngân hàng Nhà nước đang chịu áp lực giảm lãi suất khi nhiều doanh nghiệp muốn vay vốn rẻ hơn. Tôi nghĩ việc giảm này là cần thiết trong năm nay. Nhưng nó phải được thực hiện một cách từ từ và với liều lượng thích hợp. Nếu giảm nhanh, giảm mạnh lãi suất thì nhà đầu tư sẽ cho rằng không có sự ổn định nào ở đây cả.
- Liều lượng thích hợp đó là bao nhiêu, thưa ông?
- Tôi nghĩ nếu giảm 1-2% thì sẽ quá nhiều. Chỉ nên điều chỉnh dần khoảng 0,25-0,5%. Nó sẽ cho thấy tín hiệu là Việt Nam đang nới lỏng dần chính sách tiền tệ nhưng theo một cách từ từ và có kế hoạch, không khiến lạm phát vượt tầm kiểm soát
- Ngoài nhu cầu ổn định vĩ mô, Việt Nam cũng đang tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Ông nhận định như thế nào về quá trình này?
- Bản thân tôi cũng như nhiều chuyên gia khác cho răng đây là quá trình cần thiết và thực tế đã được khởi động. Tôi có nghe ngài Thống đốc nói sẽ sáp nhập 5-8 ngân hàng trong quý một năm nay. Về ngắn hạn, tái cơ cấu là một việc đau đớn. Nhưng trong trung và dài hạn, nó sẽ tốt cho việc xây dựng một thị trường tài chính lành mạnh tại Việt Nam.
- Ông đánh giá như thế nào về chi phí cho quá trình này, nhất là khi kinh tế Việt Nam đang khó khăn như hiện nay?
- GDP Việt Nam vẫn tăng khoảng 6% một năm, như vậy đâu phải là quá tệ. Tuy vậy, nói một cách thẳng thắn thì chi phí tái cơ cấu rõ ràng là tốn kém. Tuy nhiên, nếu không làm bây giờ thì phí tổn sau này chắc chắn sẽ lớn hơn. Thêm nữa, như tôi đã nói, nó sẽ tốt cho việc lành mạnh hóa thị trường tài chính – một yếu tố rất quan trọng để thu hút đầu tư.

Nhật Minh
Thegioinguoiviet

No comments:

Post a Comment