Wednesday, December 14, 2011

Trung Quốc Và Những Cam Kết Với WTO


Nguyễn Xuân Nghĩa & Vũ Hoàng RFA ...TQ đã lên bậc thang cao hơn về kỹ thuật để vượt qua Nhật Bản, Nam Hàn hay Đài Loan mà trực tiếp cạnh tranh với Hoa Kỳ...
Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.
Mười năm sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, Trung Quốc đã hưởng lợi rất nhiều nhưng vẫn duy trì những chính sách kinh tế có tính chất biệt đãi và đi ngược những cam kết khi xin gia nhập. Cũng nhân dịp kỷ niệm này, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cam kết tại Bắc Kinh rằng Trung Quốc sẽ cởi mở kinh tế hơn và nhập khẩu nhiều hơn nữa để tái lập quân bình giao dịch toàn cầu. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về hồ sơ đó qua phần trao đổi sau đây cùng chuyên gia tư vấn Nguyễn Xuân Nghĩa của đài Á châu Tự do.
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, đúng 10 năm trước, Trung Quốc chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO và trở thành nền kinh tế dẫn đầu thế giới về xuất khẩu nhưng cũng bị nhiều thành viên của tổ chức này than phiền là không tôn trọng những cam kết giải tỏa kinh tế theo đúng với quy định. Từ phía Hoa Kỳ, Văn phòng Đại diện Thương mại của Phủ Tổng thống còn có một báo cáo phê phán Trung Quốc là gia tăng mức độ can thiệp vào kinh tế qua các chính sách công nghiệp có nội dung lệch lạc về thương mại để bảo vệ khu vực doanh nghiệp nhà nước của mình. Chúng tôi xin đề nghị là ta cùng mở hồ sơ WTO của Trung Quốc và như thông lệ xin ông trình bày bối cảnh của hồ sơ cực kỳ phức tạp này.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa rằng đây là một câu chuyện xa xưa mà ta nên đặt trong khung cảnh của quốc tế lẫn của Trung Quốc từ mấy chục năm trước thì mới có thể hiểu ra nhiều khúc mắc.
- Sau Thế chiến II, các quốc gia theo kinh tế thị trường đã nỗ lực hội nhập việc mua bán trong khuôn khổ tự do với rất ít rào cản vì tin rằng và đã thấy là tự do giao thương có góp phần phát triển kinh tế của mọi thành viên. Đó là nguyên ủy của tổ chức thương mại tự do gọi tắt là GATT, General Agreement on Tariffs and Trade. Khi đó, Trung Quốc vẫn còn theo đuổi chính sách tập trung quản lý và liên tục bị khủng hoảng vì sự hoang tưởng sắt máu và tốn kém của Mao Trạch Đông. Họ chỉ khởi sự cải cách từ đầu năm 1979 trở đi.
- Năm 1987, Trung Quốc thay thế Trung Hoa Dân Quốc của Đài Loan, vốn là một sáng lập viên của tổ chức GATT này, và bắt đầu thương thuyết với các thành viên về điều kiện giao dịch tự do. Đầu năm 1995, Tổ chức Thương mại Thế giới WTO thành hình để thay thế cơ chế GATT và Trung Quốc tiếp tục thương thuyết, theo quy tắc chung là phải được từng thành viên đồng ý. Nhưng ta không quên rằng Trung Quốc cũng vừa trải qua vụ khủng hoảng có nguyên nhân kinh tế khiến mấy ngàn người dân bị tàn sát tại Quảng trường Thiên an môn vào năm 1989. Họ xin gia nhập theo thế thủ vì muốn có lợi về kinh tế mà không bị những biến động về chính trị.
Vũ Hoàng: Như ông vừa trình bày thì Trung Quốc bắt đầu cải cách kinh tế theo xu hướng tự do, đoạt được ưu thế của Đài Loan trong một cơ chế quốc tế và muốn có được mối lợi kinh tế mà vẫn tránh những rủi ro về chính trị. Họ thương thuyết thế nào trong giai đoạn xin gia nhập đó?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Không chính thức nói ra, duy có một lần là khi đàm phán với Mexico, lãnh đạo Trung Quốc luôn luôn viện dẫn hoàn cảnh gọi là "đang phát triển" của mình để xin được một số điều kiện đặc miễn, tức là sẽ chỉ giải toả từng bước. Nghệ thuật đàm phán truyền thống của Trung Quốc là đổ lỗi cho ai khác về tình trạng chậm tiến của họ và khai thác mặc cảm phạm tội của các nước Tây phương. Khi ấy, các thành viên WTO cũng đồng ý nhưng với điều kiện là sẽ phải rà soát việc Bắc Kinh tuân thủ những cam kết của mình.
Vũ Hoàng: Trong số các thành viên đó thì có Hoa Kỳ. Lập trường của Mỹ khi đó ra sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Hoa Kỳ kết giao với Trung Quốc từ năm 1972, bang giao từ năm 1979 và thực tế là trục xuất Đài Loan ra khỏi các cơ chế quốc tế như Liên hiệp quốc hay GATT cho Trung Quốc vào thay thế. Hoa Kỳ khi đó muốn tạo điều kiện cho Trung Quốc chuyển hoá theo chế độ tự do và trở thành đối tác biết điều và có trách nhiệm trên diễn đàn quốc tế. Đó là chủ trương của cả hai đảng theo nhau lãnh đạo nước Mỹ. Nhưng muốn gia nhập tổ chức GATT hay WTO thì Bắc Kinh còn phải đạt thỏa thuận với từng thành viên khác.
- Sau 15 năm thương thuyết, khi Bắc Kinh cam kết tuân thủ mọi đòi hỏi của WTO thì Hoa Kỳ mở nốt cánh cửa còn lại, đó là quyết định của Chính quyền George W. Bush ngày 27 tháng 12, năm 2001, chính thức công nhận quy chế tối huệ quốc cho Trung Quốc, thời ấy gọi theo tên mới là quy chế "Thương mại Bình thường và Thường trực" PNTR. Vì vậy, dù người ta ghi ngày 11 Tháng 12 là ngày Trung Quốc chính thức là hội viên thứ 143 của WTO, sự thật thì quy chế gọi là PNTR này mới là then chốt, cũng tương tự như cho Việt Nam vào năm 2007 vậy.
Vũ Hoàng: Thế còn báo cáo hôm 12 vừa qua của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ về việc Trung Quốc tuân thủ những cam kết với Tổ chức WTO, thưa ông, báo cáo đó là gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Ta bước qua phần bối cảnh chính trị của nước Mỹ là một xứ dân chủ.
- Vào giai đoạn thương thảo quan trọng nhất với Bắc Kinh, thời Tổng thống Bill Clinton, Quốc hội Mỹ có theo dõi kỹ và tỏ vẻ hoài nghi nên chỉ đồng ý phê chuẩn các quyết định của Hành pháp với điều kiện lập ra cơ chế thẩm xét mối quan hệ với Bắc Kinh. Đó là Hội đồng Duyệt xét Quan hệ Mỹ-Hoa về An ninh và Kinh tế, một bộ phận tư vấn cho Lập pháp cân nhắc lợi hại trong bang giao với Trung Quốc. Đó là thế thủ của phía Hoa Kỳ, hơi khác với quan điểm chủ đạo của lãnh đạo Hành pháp thời ấy là đổi thay về kinh tế có thể dẫn đến đổi thay về chính trị - mà Trung Quốc gọi là "diễn biến hoà bình"!
- Hội đồng gọi tắt là USCC này thường xuyên rà soát và khuyến cáo Quốc hội về mọi động thái của Bắc Kinh, kể cả chủ trương hay dụng ý về chính sách an ninh hay kinh tế. Hôm 16 Tháng 11 vừa qua, Hội đồng công bố phúc trình thường niên cho năm 2011 với khuyến cáo rất nặng là phải yêu cầu Hội đồng An ninh Quốc gia bên Hành pháp duyệt lại đối sách với Trung Quốc. Bản báo cáo hơn 400 trang này có rất nhiều chi tiết đáng chú ý về hồ sơ kinh tế.
- Phần mình, Hành pháp Mỹ có cơ chế đại diện cả nước để tiến hành đàm phán hay tranh tụng về thương mại, đó là Văn phòng Đại diện Thương mại do một viên chức có vị trí Đại sứ đảm nhận và tham dự Hội đồng Nội các. Đại diện Thương mại Mỹ có nhiệm vụ rà soát và tham khảo ý kiến của mọi thành phần liên hệ, kể cả các doanh nghiệp, để hàng năm báo cáo về giao thương với Trung Quốc sau khi xứ này gia nhập Tổ chức WTO. Hôm 12 vừa qua, Văn phòng này đã có báo cáo thứ 10, kể từ năm 2001, về việc Trung Quốc tuân thủ thế nào các cam kết với WTO hay với Hoa Kỳ. Báo cáo hơn trăm trang này cũng có những phê phán khá nghiêm khắc.
- Nhân đây, tôi xin nói rằng ta phải tìm hiểu về bối cảnh và thấy ra là phía Hoa Kỳ thường xuyên bạch hóa mọi thông tin hay quyết định liên hệ đến việc buôn bán với các nước để dân chúng hoặc bất cứ ai quan tâm đều có thề theo dõi và thấy ra từng điểm lợi hại hầu có thế ứng phó hay tác động. Việt Nam nên có loại cơ chế thông tin tương tự, nhất là khi liên hệ đến một quốc gia láng giềng có ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế và an ninh của mình như Trung Quốc.
Vũ Hoàng: Sau phần bối cảnh ly kỳ này, chúng ta bước qua nội dung của sự thẩm xét sau khi Trung Quốc tham dự WTO. Thưa ông, 10 năm sau, Trung Quốc đã có nền kinh tế lớn thứ nhì sau Hoa Kỳ và trở thành nước xuất khẩu số một, với khối dự trữ ngoại tệ lớn nhất, trị giá vượt quá 3.200 tỷ đô la. Vậy mà các nước vẫn cho là xứ này không tuân thủ các cam kết trong khuôn khổ WTO. Phải chăng đó là nội dung chính của hai bản báo cáo mà ông vừa nhắc tới?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa là không riêng gì Hoa Kỳ mà nhiều xứ khác kể cả khối Âu châu cũng than phiền về chế độ thực tế là bảo hộ mậu dịch của Trung Quốc nhằm trục lợi mà vẫn giành ưu thế cho thành phần kinh tế nhà nước, theo kiểu chủ nghĩa tư bản nhà nước.
- Phía Mỹ thì nêu rõ một số trường hợp thể và trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn của Mỹ, với nhu cầu gia tăng xuất khẩu và giảm thiểu thất nghiệp, những phê phán này tất nhiên gây phản ứng mạnh. Thật ra Bắc Kinh cũng thấy khó tiếp tục như vậy vì sẽ bị động loạn từ những mất cân đối ở bên trong, như diễn đàn của chúng ta đã nói tới vào cuối tháng 11 vừa qua.
- Đi vào nội dung chi tiết, ta thấy ra một số vấn đề nổi bật: Thứ nhất, sau năm năm gia nhập, từ năm 2006 Trung Quốc đã là thành viên trọn vẹn và kỳ cựu chứ hết là tân tòng trong cơ chế giao thương tự do của thế giới. Vậy mà dù có tuân thủ một số cam kết và giải toả luật lệ kiểm soát mậu dịch để bung ra rất mạnh. xứ này vẫn lại lập ra những rào cản khác.
- Thứ hai và đáng chú ý hơn cả, Trung Quốc đã thành thế lực cạnh tranh đáng ngại trong một lĩnh vực then chốt. Đó là sản xuất và bán ra các mặt hàng công nghiệp có trình độ công nghệ cao, như thiết bị gia dụng, máy điện toán. Xứ này không chỉ cạnh tranh với Mỹ trên các thị trường khác của thế giới mà còn xâm nhập mạnh vào thị trường Hoa Kỳ và vượt xa doanh nghiệp Mỹ.
Vũ Hoàng: Ông vừa nói đến một chi tiết lạ. Người ta thường nghĩ rằng Trung Quốc còn là một xứ nghèo có lực lượng lao động rất lớn và còn rẻ nên chiếm ưu thế cạnh tranh nhờ sản xuất ra các mặt hàng rẻ tiền có trình độ công nghệ thấp. Làm sao họ lại cạnh tranh và vuợt qua nước Mỹ về loại hàng công nghệ cao cấp được?
Nguyễn Xuân Nghĩa. - Đấy là một khía cạnh đặc biệt mà Việt Nam nên theo dõi vì Trung Quốc đã lên bậc thang cao hơn về kỹ thuật để vượt qua Nhật Bản, Nam Hàn hay Đài Loan mà trực tiếp cạnh tranh với Hoa Kỳ.
- Thí dụ như tính đến tháng Tám vừa qua, trong một năm họ bán vào Mỹ hơn 80 tỷ đô la các mặt hàng cao cấp này mà chỉ mua lại có hơn 13 tỷ, tức là đạt xuất siêu gần 68 tỷ với Mỹ trong lĩnh vực tưởng là sở trường của Hoa Kỳ. Chúng ta đều nghe nói đến việc Trung Quốc đạt xuất siêu hơn 280 tỷ đô la với Hoa Kỳ và chiếm hơn phân nửa số nhập siêu của Mỹ với cả thế giới, nhưng một phần tư của số xuất siêu này lại từ các thiết bị có công nghệ cao của họ! Cũng thế, chúng ta nghe nói nhiều đến việc Trung Quốc không tuân thủ những cam kết về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà mặc nhiên trục lợi nhờ sao chép phi pháp sản phẩm trí tuệ của xứ khác và thực tế làm doanh nghiệp Mỹ bị thất thu tức là bị lỗ gần 50 tỷ đô la. Sự thật còn nghiêm trọng hơn vậy.
- Lý do ở đây, được phía Mỹ nhấn mạnh, là Trung Quốc còn có chủ đích can thiệp vào thị trường qua cái gọi là "chính sách công nghiệp" nhằm chọn ra các khu vực ưu đãi hệ thống doanh nghiệp nhà nước của họ khỏi bị các nước khác cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc. Bên trong chính sách công nghiệp hoá có chọn lọc và kỳ thị đó còn có một mục tiêu và ẩn ý đáng ngại. Đó là đòi hỏi giới đầu tư nước ngoài phải chuyển giao công nghệ, tức là cung cấp những bí quyết về kỹ thuật cho doanh nghiệp Trung Quốc có thể thu hẹp mức tụt hậu của họ và cạnh tranh thắng lợi với thiên hạ. Hồ sơ gây nhiều tranh tụng không chỉ là quyền sở hữu trí tuệ và nạn ăn cắp mà còn là việc định chế hóa sự thụ đắc bất chính những kiến thức về công nghệ tiên tiến. Bất chính vì đi ngược quy định của Tổ chức WTO khi đặt ra tiêu chuẩn gạn lọc và kỳ thị đầu tư nước ngoài.
Vũ Hoàng: Qua phần trình bày của ông thì thính giả hiểu ra mối quan hệ giữa hai mảng hồ sơ lớn là việc bảo vệ tác quyền và chủ trương can thiệp vào kinh tế qua các chính sách công nghiệp với nội dung bảo vệ doanh nghiệp nhà nước. Như vậy, quả là Trung Quốc đã có lợi lớn nhờ tham gia vào Tổ chức WTO. Nhưng thưa ông vì sao mà nhân dịp kỷ niệm 10 năm của biến cố này, ngày Chủ Nhật 11 vừa qua, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào lại tuyên bố là Trung Quốc sẽ nới lỏng kiểm soát để nhập khẩu nhiều hơn hầu góp phần tại lập quân bình toàn cầu?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng đấy là chuyện "bắt không được tha làm phúc"!
- Trung Quốc có thể làm điều bất chính với thiên hạ và phủ nhận những cam kết cũ mà vẫn cho là chính đáng vì bảo vệ quyền lợi của mình. Đó là quan niệm về danh dự với màu sắc Trung Hoa, ta nôm na gọi là bá đạo. Nhưng chính là chiến lược can thiệp có chọn lọc qua chính sách công nghiệp và xuất khẩu bằng mọi giá, kể cả qua lũng đoạn ngoại hối và bảo hộ mậu dịch lại gây ra những hậu quả thất quân bình về kinh tế và bất công bất ổn về xã hội.
- Được nâng đỡ và bảo vệ, doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trở thành trung tâm đầu cơ thổi lên bong bóng, ngân hàng của nhà nước bị mất nợ, các địa phương vay mượn lung tung, tư doanh của họ bị phá sản và dân chúng bị lạm phát, bị cướp đất, v.v... Hậu quả của sự tinh ma đó với bên ngoài là nguy cơ động loạn bên trong nên Bắc Kinh mới phải cải cách và trình bày như thiện chí của một xứ văn minh. Chúng ta sẽ còn cơ hội trở lại hồ sơ cực kỳ rắc rối này.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn hôm nay.

0 comments:

Powered By Blogger