Chợ Giáng Sinh Nuernberg
Lễ Hội này bắt đầu có từ năm 1628. Khởi thủy chỉ là một chứng minh thư: Trên nền một miếng gỗ lá kim dài 19 cm, hình bầu dục và hộp bằng gỗ mỏng có vẽ hoa (hiện là sở hữu chủ của bảo tàng viện quốc gia) người ta tìm thấy hàng chữ viết bằng mực đen: „Regina Susanna Harßdoerfferin von der Jungfrau Susanna Eleonora Erbsin (oder Elbsin) zum Kindles-Marck ueberschickt 1628“. Đến năm 1737, theo thống kê đã có khoản 140 quán hàng của hầu hết tất cả những nhà thủ công nghệ thuộc tỉnh Nuernberg bày bán trong ngày lễ này.
Cuối thế kỷ thứ 19 thì ý nghĩa ngày Lễ Chợ Giáng Sinh mất đi giá trị của nó. Tuy đã nhiều lần thay đổi địa điểm tổ chức cũng như muốn làm hồi sinh lại ngày lễ hội này nhưng thất bại. Mãi đến năm 1933, người ta mới mở lại Lễ Chợ Giáng Sinh với nhiều lãng mạn tính hơn: „Một nữ tài tử hoá trang làm Chúa Hài Đồng, được theo hầu bởi hai „Thiên Thần Áo Vàng“, đọc lời tựa, dàn đồng ca nhà thờ hát và có chuông nhà thờ khua vang. Tuy nhiên trong thời gian đệ nhị thế chiến thì không tổ chức Lễ Hội.
Năm 1948 người ta bắt đầu tân trang thành phố cổ đã bị chiến tranh tàn phá và tổ chức lại Lễ Chợ Giáng Sinh. Friedrich Broeger, chủ nhiệm môn văn học kịch của nhà hát và là con của thi sĩ Karl Broeger đã soạn ra „đoạn nhập đề“, sau đó được tu bổ thêm theo thời gian và cuối cùng được nhắc đến với tên „Lễ Chợ Giáng Sinh Nuernberg“ (Nuernberger Christkindlmarkt). Kể từ 1948, nữ tài tử Sofie Keeser hoá trang làm Chúa Hài Đồng và giữ vai trò này cho đến đầu thập niên 1960. Người kế vị là nữ diễn viên Irene Bruner cũng đã đảm nhận trọng trách này cho đến hết 1968. Bắt đầu từ 1969, Chúa Hài Đồng hoàn thành trách nhiệm với nhiệm kỳ hai năm. Người được tuyển chọn để đóng vai Chúa Hài Đồng là một thiếu nữ tỉnh Nuernberg, tuổi từ 16 đến 19.
Hằng năm, chợ Giáng Sinh truyền thống nổi tiếng nhất Âu Châu khai mạc vào ngày thứ sáu trước mùa vọng đầu tiên (1. Advent) với một bài diễn văn tuy ngắn nhưng rất long trọng, vài tuần lễ trước lễ Noel tại thành phố Nuernberg, Đức. Chợ Giáng Sinh truyền thống này bao gồm nhiều khu phố. Khoản 180 cửa hàng của gần 200 thương gia, đặc biệt với cái mái nhà được giả trang bằng vải màu đỏ-trắng sắp hàng cạnh nhau trưng bày bán đủ loại hàng hoá: bánh trái, bánh quế (Lebkuchen), bánh kẹo và đồ ngọt cũng như những dụng cụ để trang trí cho Lễ Giáng Sinh và cây thông Noel, điển hình như hình Thiên Thần, đồ chơi, đèn cầy, hay máng cỏ… Nhà thờ mỗi năm thu hút nhiều triệu du khách từ khắp thế giới tới, mục đích vừa để sống bầu không khí mừng Giáng Sinh, vừa để thưởng thức văn hóa Đức Quốc.
Khu chợ truyền thống Nô-En bế mạc ngày 24-12 vào đúng 12 giờ trưa!
Ngọc Châu phóng dịch và tóm lược
(Tài liệu tham khảo: Internet)
0 comments:
Post a Comment