Bên lề mà thật ra là cái đinh của Thượng đỉnh APEC tuần qua có hồ sơ TPP, là dự án xây dựng hệ thống đối tác chiến lược giữa chín nước trên vành cung Xuyên Thái bình dương.
Sơ đồ hệ thống đối tác chiến lược giữa chín nước trên vành cung Xuyên Thái Bình Dương.
Bên trong dự án đó lại có một hồ sơ là vai trò của doanh nghiệp nhà nước, là chuyện nhạy cảm cho Việt Nam, một trong chín quốc gia đang đàm phán về hồ sơ TPP. Nhưng đấy cũng là vấn đề cực kỳ nhạy cảm cho Trung Quốc, một nước vẫn đứng ngoài vành cung TPP.
Nối tiếp chương trình tuần trước về hồ sơ TPP, Diễn đàn Kinh tế đề cập tới doanh nghiệp nhà nước qua phần trao đổi sau đây cùng nhà tư vấn kinh tế của đài Á châu Tự do.
Trở ngại của VN
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Trong chương trình kỳ trước, nói về hồ sơ tự do kinh tế xuyên Thái bình dương, ông trình bày là, chúng tôi xin trích nguyên văn: “Việt Nam có thoát được cửa ải này để như “cá vượt Vũ môn” trở thành một nền kinh tế và một xã hội văn minh hay không là do quyết định đó, vì ai ai ở trong nước cũng biết đến sự bất toàn và tốn kém của doanh nghiệp nhà nước.” Kỳ này, xin đề nghị ông phân tích tiếp về doanh nghiệp nhà nước. Và như mọi khi, trước hết chúng ta sẽ tìm hiểu về bối cảnh chung của đề tài.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Vì chuyện khá rắc rối nên tôi xin được trình bày bối cảnh toàn cầu, rồi quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ, với Trung Quốc, sau cùng là chuyện lợi và hại của Việt Nam.
Kinh tế thế giới ở vào giai đoạn khó khăn của sự chuyển hóa vài chục năm mới thấy một lần. Khó khăn do nạn suy trầm của ba đầu máy kinh tế lớn của thế giới là Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật. Á Châu ngoài Nhật thì thoát khỏi hoàn cảnh đó và hy vọng phát triển mạnh, nhưng gặp sức cám dỗ của mô thức Trung Quốc, vốn tăng trưởng cao mà gặp rủi ro lớn, là loại hiểm tai mà Á Châu đã từng bị trước đây, kể cả Nhật Bản và nhiều nước Đông Á.
Đó là sự cấu kết giữa bộ máy nhà nước và các doanh nghiệp để đầu tư và chiếm thị phần mà bất kể lời lỗ. Tại Trung Quốc, nạn cấu kết với doanh nghiệp nhà nước còn được định chế hóa và tiếp tục áp dụng qua Kế hoạch Năm năm thứ 12, từ 2011 đến 2016, được Hội nghị Ban chấp hành Trung ương biểu quyết tháng 10 năm ngoái và Quốc hội ban hành từ Tháng Ba vừa qua.
Thứ hai với Hoa Kỳ, là thị trường xuất khẩu lớn nhất, Việt Nam có hy vọng vượt thoát ra khỏi khó khăn hiện tại nhưng với Mỹ thì cũng đang gặp bốn rào cản là Chế độ Ưu đãi Phổ cập GSP, là Hiệp định Thương mại và Đầu tư TIFA, Thỏa ước Song phương về Đầu tư BIT và Hiệp định Xuyên Thái bình dương TPP mà ta đang nói tới.
Vũ Hoàng: Xin được hỏi ngay một câu về bốn hồ sơ Mỹ-Việt này. Thưa ông, đó là những gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Chế độ ưu đãi phổ cập GSP của Mỹ là sự đặc miễn ngoài khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO để nâng đỡ các nước nghèo. Năm 2008, Chính quyền của Tổng thống Bush hứa cứu xét cho Việt Nam được hưởng quy chế này hầu bán hàng vào Mỹ còn dễ dàng hơn vì được ưu đãi về thuế quan. Nhưng hồ sơ bị kẹt vì Hà Nội chà đạp nhân quyền. Sau này, Chính quyền Obama chưa nhắc tới do áp lực phản đối mạnh của Quốc hội. Đâm ra vì lãnh đạo đàn áp người dân mà cũng người dân lại mất cơ hội xuất khẩu mạnh hơn vào Mỹ!
Nói vắn tắt thì qua ngần ấy hồ sơ nếu vượt cửa ải này thì Việt Nam sẽ dễ lọt qua cửa ải khác. Nhưng hai trở ngại chính ở đây là nhân quyền và vai trò của doanh nghiệp nhà nước.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Hai hồ sơ kế tiếp là Hiệp định Thương mại và Đầu tư TIFA và Thỏa ước Đầu tư BIT thì cũng được đôi bên thương thảo từ nhiều năm mà không kết quả. Được ký kết Tháng Sáu năm 2007, Hiệp định TIFA là bước tiến tới Hiệp định tự do thương mại song phương, như Mỹ đã ký với các đồng minh chiến lược. Trong tám nước đàm phán hồ sơ Xuyên Thái bình dương TPP với Mỹ thì có bốn quốc gia đã đạt hiệp định chiến lược này, đó là Úc, Singapore, Chile và Peru, nên họ có ưu thế rất lớn.
Nói vắn tắt thì qua ngần ấy hồ sơ nếu vượt cửa ải này thì Việt Nam sẽ dễ lọt qua cửa ải khác. Nhưng hai trở ngại chính ở đây là nhân quyền và vai trò của doanh nghiệp nhà nước.
Lệ thuộc quá nhiều vào TQ
Vũ Hoàng: Trở lại bối cảnh thì Việt Nam có quan hệ ra sao với Trung Quốc?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thuần về kinh tế chứ chưa nói về an ninh, Việt Nam lệ thuộc quá nặng vào kinh tế Trung Quốc. Trong quan hệ tay ba thì có lời khi buôn bán với Mỹ bao nhiêu lại trả cho Trung Quốc bấy nhiêu, bình quân là hơn 10 tỷ đô la. Thực tế còn bi đát hơn vì lệ thuộc vào hạ tầng vận chuyển, điện lực, giao dịch không kiểm soát qua biên giới, v.v.. Lại còn bị oan vì xài đồ Trung Quốc để bán qua Mỹ. Thí dụ là cả hệ thống xuất khẩu thủy sản của Việt Nam qua Mỹ đang hấp hối vì mọi linh kiện chuyển vận vào Mỹ đều bị chặn từ mấy tuần nay khi Mỹ phát giác nguồn vật liệu dễ gây tai nạn là do Trung Quốc sản xuất! Nhưng đấy mới là mặt nổi mà thôi.
Ở trên, chỉ đạo hệ thống kinh tế Việt Nam là lý luận “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, sao bản của chủ trương “xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa”. Đó là phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, nhưng thành phần kinh tế nhà nước giữ vai chủ đạo. Cụ thể thì doanh nghiệp nhà nước, từ tập đoàn ở trung ương tới quốc doanh địa phương, hương trấn hay chi nhánh tay chân, có loại đặc quyền đặc lợi mà tư nhân và tiểu doanh thương không thể có. Nhờ vậy mà hệ thống sản xuất kém hiệu năng lại thâu tóm đa số tài sản quốc dân và gây lỗ lã cho kinh tế nhưng lại đem lời cho các đảng viên hay thân tộc phụ trách việc quản lý.
Vũ Hoàng: Kết thúc phần bối cảnh, thưa ông, quyền lợi Việt Nam nằm ở đâu trong hệ thống đó?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Nói về quyền lợi, Việt Nam học lại bài bản Trung Quốc để bảo vệ quyền lợi cho một thiểu số. Thiểu số ấy không chỉ là hang ổ của tham nhũng, như ta thấy qua hàng loạt tai tiếng mà báo chí chỉ được loan tải một phần. Hệ thống kinh tế chính trị này còn khiến kẻ tham ô có thể tác động vào chính sách kinh tế quốc dân theo hướng có lợi cho thiểu số, dù gây bất ổn và thiệt hại cho người khác, trước tiên là tư doanh trong nông ngư nghiệp hay công nghiệp. Chả phải ngẫu nhiên mà thiểu số ấy cũng duy trì chiến lược hoà hoãn và thậm chí cấu kết với Trung Quốc, bất chấp nguy cơ ngày càng rõ rệt về chủ quyền và an ninh. Đấy cũng là bối cảnh về quyền lợi của Việt Nam.
Bây giờ, Hoa Kỳ không chỉ nêu vấn đề về nạn nhân quyền với Trung Quốc và Việt Nam mà còn nói rõ là trong luồng giao dịch giữa các nước, quy chế đặc biệt của doanh nghiệp nhà nước gây ra cạnh tranh bất chính và xâm phạm vào quyền lợi của nước Mỹ. Đấy là một trọng tâm của vấn đề doanh nghiệp nhà nước trong hồ sơ Xuyên Thái bình dương mà các nước sẽ lại đàm phán tiếp vào Tháng 12 tới đây.
Vũ Hoàng: Qua những gì ông vừa trình bày, nhiều thính giả có thể thấy rằng một số quốc gia Á châu, đặc biệt tại Đông Á, cũng đã dùng doanh nghiệp của nhà nước hoặc các tập đoàn có sự yểm trợ của nhà nước để tạo bước đột phá trong công nghiệp hoá. Bây giờ, Hoa Kỳ lại nêu vấn đề về các cơ sở sản xuất này hay sao? Đấy là vì quyền lợi của Mỹ hay của người dân Á châu?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nhớ đến một thành ngữ của dân Rumani: “Người dại thì học kinh nghiệm sai lầm của mình, kẻ khôn thì học kinh nghiệm sai lầm của người khác!”
Quả thật là một số nước Đông Á đã áp dụng chiến lược đó, học từ hệ thống “keiretsu” của Nhật hoặc “chaebols” của Nam Hàn sau đó để thực hiện chính sách kỹ nghệ hóa do nhà nước vạch ra. Nhưng sau giai đoạn khởi phát hay cất cánh, các nước đều lần lượt nhìn thấy và trả giá khá nặng cho sự bất toàn của chiến lược này. Sau đây là những lý do:
Thứ nhất, nhờ sự ưu đãi của bộ máy nhà nước, loại doanh nghiệp ấy rơi vào hiện tượng “ỷ thế làm liều” – thuật ngữ kinh tế gọi là “moral hazard” – tức là lấy rủi ro quá lớn, nên gieo họa cho kinh tế. Thứ hai, vì là mũi tiên phong của chiến lược phát triển, các doanh nghiệp được bảo vệ nên kinh doanh thiếu minh bạch, dễ gây ra tham nhũng và quan trọng nhất, bị vấn nạn “nhị trùng”, là lầm lẫn giữa mục tiêu kiếm lời với mục tiêu quốc gia. Hậu quả thứ ba là hệ thống kinh tế ấy dẫn đến chế độ “tư bản thân tộc”, theo kiểu một người làm quan cả họ được nhờ và thành trung tâm ban phát quyền lợi nằm ngoài khả năng kiểm soát của người dân. Sau cùng, nhờ sức đẩy của nhà nước, loại doanh nghiệp này còn làm lệch lạc đường lối kinh tế quốc dân và dẫn tới khủng hoảng. Nhật Bản đã bị khủng hoảng một phần vì hiện tượng cấu kết đó kể từ năm 1990 mà đến nay chưa hồi phục. Sau Nhật, năm nước Đông Á cũng bị khủng hoảng vào các năm 1997-1998 và từ đó phải điều chỉnh lại chiến lược này. Trung Quốc và Việt Nam đi sau, lại có độc quyền về chính trị, nên đang tiến tới con dốc tương tự.
Vũ Hoàng: Như ông vừa trình bày thì hình như ta có hai loại doanh nghiệp. Loại thứ nhất là của tư nhân, nhưng được nhà nước Đông Á yểm trợ và vì vậy có hoàn thành một số nhiệm vụ cho đến khi các nước Đông Á này bị khủng hoảng và từ bỏ chiến lược đó. Loại thứ hai là các doanh nghiệp của nhà nước Trung Quốc và Việt Nam, chúng trở thành công cụ của chính quyền và có khi là phương tiện trục lợi bất chính của một thiểu số đảng viên. Trong hồ sơ TPP, người ta có phân biệt hai loại doanh nghiệp ấy hay không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Trừ Việt Nam, các nước đang đàm phán hồ sơ TPP, kể cả Singapore, đều đã ra khỏi tình trạng nhập nhằng này, quan trọng nhất là việc minh bạch hóa các tiêu chuẩn sau đây: ai là chủ đầu tư, ai là người quản lý, do ai bổ nhiệm và chịu trách nhiệm với ai, trong kinh doanh thì có được hưởng những ưu đãi gì của nhà nước hoặc có được nhà nước bảo vệ để thực hiện mục tiêu của nhà nước hay không. Vấn đề chính là minh bạch hoá tất cả để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho mọi cơ sở kinh doanh, nhất là cho tư nhân, và cho tiểu doanh thương.
Việt Nam học được gì
Vũ Hoàng: Bây giờ, nhìn vào trường hợp Việt Nam hay Trung Quốc, ta thấy khác ở những gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Nhân danh quyền lợi quốc gia hoặc lý tưởng gọi là xã hội chủ nhĩa, mà thực tế là quyền của một đảng duy nhất, các tập đoàn kinh tế nhà nước được quyền trưng thu phương tiện hay tài nguyên quốc dân, kể cả đất đai, để củng cố quyền lực đảng. Vì nhiệm vụ đó chúng được tài trợ với lãi suất thấp, được miễn thuế và các dự án đầu tư được ưu tiên chấp thuận.
Mà nhân sự điều hành thì phải là đảng viên, từ chủ tịch hội đồng quản trị đến tổng giám đốc hay bí thư đảng – nhiều người kiêm nhiệm hai trong ba vị trí then chốt đó – đều do Ban Tổ chức Trung ương đảng tuyển chọn bên trong. Họ không bị trách nhiệm trước quốc dân, cổ đông hay thậm chí cả Quốc hội hay Chính phủ, vốn dĩ cũng do đảng cử để dân bầu. Hãy nghĩ đến vụ Vinashin của Việt Nam hoặc nạn độc quyền giữa hai tập đoàn Trung Quốc là China Telecom và China Unicom mà chính Ủy ban Cải cách và Phát triển, tức là Ủy ban Kế hoạch Nhà nước trước đây, vừa phải điều tra hôm mùng chín vừa qua thì ta rõ. Ngược lại, tập đoàn đầu tư quốc doanh Temasek của Singapore không có lợi thế và khả năng vô trách nhiệm cao độ như vậy. Temasek được quốc tế đánh giá là doanh nghiệp có mức tín nhiệm cao nhất và minh bạch nhất.
Nói cho dễ hiểu thì hãy tưởng tượng ra hàng loạt cơ chế của Trung Quốc hay Việt Nam, như nội các, quốc hội, ủy ban thanh tra, tập đoàn kinh tế, toà án, báo chí, v.v… đều xuất phát từ một gốc nằm sâu trong tổ chức đảng thì nhân sự đó chỉ chịu trách nhiệm với người ở trên hơn là với người ở dưới. Cơ chế tổ chức đó tạo cơ hội cho tham nhũng, làm sai lệch chính sách kinh tế quốc dân nhưng lại được đảng và nhà nước bảo vệ trước các thành phần kinh tế tư nhân, dù là nội địa hay quốc tế. Người ta chưa biết xã hội chủ nghĩa là gì nhưng đã thấy ra một chế độ lý tưởng về lý luận đã định chế hóa tham nhũng nhờ độc quyền và gây nguy cơ khủng hoảng cho cả nước.
Nhìn về dài thì dù chả có hiệp định Xuyên Thái bình dương Việt Nam vẫn cần giải tỏa hệ thống doanh nghiệp nhà nước tệ hại này thì mới có tương lai.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Vũ Hoàng: Như vậy, vấn đề không đơn giản là sức ép của Hoa Kỳ vì quyền lợi Mỹ mà cũng là vấn đề quyền lợi của Việt Nam. Để kết luận, ông cho rằng Việt Nam nên hành xử thế nào với hồ sơ này?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Chẳng những với hiệp định Xuyên Thái bình dương TPP mà trong mọi hồ sơ khác, Việt Nam cần cân nhắc xem quyền lợi lâu dài của mình, về cả an ninh lẫn kinh tế, nằm ở đâu. Tất nhiên, không cứ là làm theo ý Hoa Kỳ, vì các đối tác kia cũng muốn như vậy.
Một cách cụ thể thì nên công khai hóa mọi chuyện, như Việt Nam đang đàm phán những gì, các nước kia đòi những gì, mà đâu là mối lợi hay cái hại của từng chọn lựa khi thương thuyết? Nếu minh bạch hoá mọi chuyện thì lãnh đạo có sự góp ý của nhiều thành phần liên hệ để tìm ra sự chọn lựa có lợi nhất. Thứ nữa, nếu đã đạt từng phần thoả thuận trong đàm phán thì mọi người đều nên biết trước hệ quả của sự cam kết để tự chuẩn bị cho ngày áp dụng hầu khai thác được lợi thế mà giảm thiểu các rủi ro bất ngờ. Nhìn về dài thì dù chả có hiệp định Xuyên Thái bình dương Việt Nam vẫn cần giải tỏa hệ thống doanh nghiệp nhà nước tệ hại này thì mới có tương lai.
Vũ Hoàng: Đài Á châu Tự do xin cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.
0 comments:
Post a Comment