— Hoàng Minh —
Để quá trình chuyển đổi từ thể chế chính trị độc tài sang thể chế dân chủ được thành công mà không gây tổn hại đến tiến trình phát triển đất nước, toàn thể các thành phần chính trị tại Việt Nam cần hướng tới những mục tiêu sau đây:
- Không dẫn đến sự khủng hoảng chính trị, khả dĩ làm phương hại đến nền an ninh quốc gia;
- Không gây ra những xáo trộn nghiêm trọng có thể làm suy yếu sinh hoạt xã hội;
- Không gây trở ngại cho tiến trình phát triển kinh tế và xây dựng đất nước của toàn dân.
Những mục tiêu trên nhằm điều hướng đất nước vào một lộ trình chuyển đổi Dân chủ an toàn và không gây xáo trộn cho hiện tình đất nước. Các thành phần chính trị cần có một giải pháp để tiến trình đàm phán và thỏa thuận được diễn ra tốt đẹp trên tinh thần xây dựng, vì mục tiêu Dân chủ hóa nước nhà.
Đây là giai đoạn quan trọng nhất của tiến trình Dân chủ hóa, cần được thực hiện một cách thận trọng, nghiêm túc và nhìn xa trông rộng vì tương lai đất nước, vì một Việt Nam Dân chủ – tiến bộ. Sự thỏa thuận và thương lượng trong hòa bình là điều kiện tối ưu cho giải pháp Dân chủ hóa Việt Nam. Tiến trình này cần phải được thực hiện bởi những nội dung then chốt sau:
1. Xây dựng giải pháp chính trị: Đại diện Bộ Chính trị đảng Cộng Sản Việt Nam cùng các nhân vật, đoàn thể chính trị đối lập ở trong nước hội đàm và thương lượng về một số giải pháp chính trị thích hợp cho Việt Nam.
2. Thành hình Hiến Pháp Lâm thời: Tổ chức bầu cử “Hội đồng Lập Hiến” để soạn thảo bản Hiến Pháp lâm thời, làm nền tảng pháp lý cho tiến trình Dân chủ hóa và ổn định xã hội.
3. Tổ chức bầu cử địa phương: Tổ chức bầu cử chính quyền địa phương các cấp theo tinh thần bản Hiến Pháp mới.
4. Tổ chức tuyển cử quốc gia: Tổ chức tổng tuyển cử tự do cấp quốc gia để bầu chọn thành phần lãnh đạo ba cơ chế Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp với sự giám sát của Quốc tế.
Các tổ chức chính trị trong và ngoài nước cũng như các quốc gia Dân chủ cần tạo một áp lực đủ mạnh để Bộ Chính trị đảng Cộng Sản Việt nam phải chấp nhận một tiến trình dân chủ hóa đất nước trong ôn hòa để có thể làm điều kiện tiến hành các bước trên. Các thành phần chính trị cần chấp nhận đối thoại trên tinh thần xây dựng, để tìm cách tháo gỡ những bế tắc chính trị.
Việc đối thoại dân chủ nhằm mục đích tìm ra những giải pháp chính trị thích hợp mà nội dung chính là thỏa thuận các nguyên tắc để đi đến thành lập một “Hội đồng Lập Hiến” với nhiệm vụ soạn thảo bản Hiến Pháp mới. Bản Hiến pháp này tạo cơ sở pháp lý nền tảng cho những sinh hoạt chính trị dân chủ sau này, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của sự nghiệp dân chủ. Vì vậy cần có sự thỏa thuận đầy đủ và nghiêm chỉnh giữa các đoàn thể chính trị hiện hữu, kể cả đảng Cộng sản Việt nam.
Để tiến trình Dân chủ hóa được diễn ra thuận lợi, các thành phần chính trị cần yêu cầu nhà cầm quyền phải trả tự do ngay cho các tù nhân chính trị đang bị giam giữ trái phép, chấm dứt sự đàn áp đối với các thành phần đối lập. Các quyền tự do căn bản của con người như: Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do sinh hoạt chính trị, v.v… phải được tôn trọng thực sự.
Các tổ chức chính trị trong và ngoài nước cũng như các quốc gia dân chủ tiến bộ cần tạo một áp lực đủ mạnh để Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt nam phải chấp nhận một tiến trình dân chủ hóa đất nước thay vì ngăn cản và đàn áp. Ngoài sự nỗ lực của các thành phần chính trị dân chủ tiến bộ thì việc nhà cầm quyền Cộng sản có được một cái nhìn đúng đắn về tiến trình dân chủ là điều hết sức quan trọng cho công cuộc chuyển đổi Dân chủ được diễn ra trong hòa bình và tốt đẹp. Đảng Cộng sản cần phải vì tương lai của đất nước, vì hạnh phúc của toàn dân mà chấp từ bỏ thể chế chính trị độc tài mà họ đang nắm giữ. Chỉ khi đó thì tất cả các đoàn thể chính trị mới có thể dẹp bỏ những bất đồng vốn có mà cùng nhìn về một hướng: Đó là sự nghiệp dân chủ hóa nước nhà.
Các cuộc bầu cử sẽ được diễn ra ngay sau đó theo các quy định của bản Hiến pháp Dân chủ mới. Các thành phần chính trị sẽ tham chính qua hình thức ứng cử vào các chức vụ Dân Cử, theo tinh thần của nội dung Hiến pháp mới, góp phần thực thi tiến trình Dân chủ hóa một cách văn minh và tiến bộ. Người dân thực sự được tham gia bầu cử tự do và dân chủ, họ có quyền lực hoàn toàn trong việc lựa chọn cho mình những đại biểu xứng đáng mà không bị ai ép buộc. Chính quyền địa phương sẽ được thiết lập thông qua bầu cử dân chủ, thay vì cơ cấu và dàn xếp như nhà cầm quyền Cộng sản vẫn làm. Từ sự thay đổi dân chủ đó, chính quyền sẽ thực sự là của dân: người dân có quyền lực tuyệt đối trong việc lựa chọn cho mình những đại biểu xứng đáng, và sẽ phế truất khi các đại biểu đó không làm được việc hay đi ngược lại ý nguyện của người dân.
Chế độ chính trị Dân chủ và một cuộc bầu cử tự do là ý nguyện thiết tha của cả dân tộc Việt Nam suốt mấy mươi năm nay, kể từ khi người dân bị chế độ độc tài Cộng sản cướp hết mọi quyền lực. Hạnh phúc và tự do – dân chủ sẽ thực sự đến với nhân dân Việt Nam một khi mà lộ trình Dân chủ hóa được thực hiện. Tất cả các thành phần đảng phái cũng như những cá nhân có tâm huyết xây dựng đất nước đều có thể tham gia vào tiến trình phụng sự dân tộc, phụng sự nhân dân. Toàn thể các tổ chức chính trị và nhân dân Việt Nam hãy cùng hướng tới một tương lai tốt đẹp, hướng tới sự chuyển đổi Dân chủ vì hạnh phúc của toàn thể dân tộc.
Viết xong ngày 15/11/2011
Hoàng Minh (Hà nội, Việt Nam)
- Những câu in nghiêng và có dấu * trong bài là được trích nguyên văn từ ‘Đề cương Việt Nam Mới’.
- Giải Pháp cho Cách Mạng Việt Nam bao gồm một loạt đề tài tiếp nối nhau. Kính mời quý vị tiếp tục theo dõi nội dung những bài viết liên hệ trong thời gian tới.
0 comments:
Post a Comment