WESTMINSTER (NguoiViet) - “Tôi muốn nói đến chữ hài lòng. Tôi cảm thấy biết ơn nước Mỹ, nó cho mình cơ hội sống đàng hoàng, không luồn cúi.” Lý Ngọc Toàn nói một cách chậm rãi, sau làn khói thuốc.
Chị Trịnh Ðình Thu Hà, đang sống tại Orange County, California, “Ai kết luận gì về nước Mỹ tôi không biết, riêng tôi thì mang ơn nước Mỹ và chương trình H.O. thật nhiều.” (Hình: Hà Trịnh cung cấp)
Chị Trịnh Ðình Thu Hà chia sẻ một cách sôi nổi hơn, “Khi được ra đi, tôi ngỡ như được bốc ra khỏi địa ngục vậy. Ai kết luận gì về nước Mỹ tôi không biết, riêng tôi thì mang ơn nước Mỹ và chương trình H.O. thật nhiều. Bởi nước Mỹ và chương trình đó đã giúp cho rất nhiều người như từ cõi chết mà trở về cuộc sống.”
Anh Lý Ngọc Toàn và chị Trịnh Ðình Thu Hà là những người đến Mỹ theo diện H.O. gần 20 năm trước.
Hai thập niên, nhìn lại chặng đường mình đã trải qua, cả chị Trịnh Ðình Thu Hà, hiện đang sống tại Orange County, California, và anh Lý Ngọc Toàn đang ở Austin, Texas, đều muốn nói đến hai chữ “cám ơn” một cách trân trọng đến với nước Mỹ trong mùa Lễ Tạ Ơn này.
Hụt hẫng, bỡ ngỡ buổi đầu
Ký ức của gần 20 năm về trước của người con gái chia tay Sài Gòn để bay đến một miền đất không lạ trong tên gọi, nhưng hoàn toàn mới mẻ về lối sống, từ từ được dựng lại qua lời kể của chị Trịnh Ðình Thu Hà, con gái của cựu trung tá không quân Trịnh Ðình Bổn.
“Tôi sang đây cùng bố mẹ và bảy anh chị em nữa theo chương trình H.O. 7 vào năm 1991, khi ấy tôi đã 25 tuổi.” Chị Hà bắt đầu câu chuyện.
Tốt nghiệp trung học ở Việt Nam năm 1983, thi đại học cả 2, 3 lần đều không đậu bởi “lý lịch không tốt”. Chị Hà chấp nhận ở nhà, đi làm, đi may, “cho đến ngày lên máy bay”.
Trong khi đó, anh Toàn không hề muốn theo ba “đi Mỹ” vào thời điểm Tháng Tư, 1994, trong chương trình H.O. 24, lúc anh được 22 tuổi.
Lý do?
“Vì lúc đó tôi đang học năm thứ 4 Ðại Học Bách Khoa, học buổi tối năm thứ 3 khoa Anh văn Ðại Học Tổng Hợp, lại có công việc làm thêm cho công ty Pepsi với mức lương xấp xỉ $1,000 một tháng. Tất cả bạn bè đều nhìn tôi bằng sự ngưỡng mộ trên mức bình thường,” anh Toàn cười nhớ lại.
Thế nên, anh Toàn “đi Mỹ” vì sự “năn nỉ của mẹ,” người mà anh tôn thờ. “Vì tương lai tốt đẹp,” anh nghe theo lời mẹ, bỏ lại tất cả để ra đi.
Thế nhưng.
Cả chị Hà và anh Toàn đều có chữ “nhưng” to tướng khi đặt chân đến Mỹ.
“Tôi mang theo trong đầu suy nghĩ Mỹ là sung sướng, là thoải mái, là tự do. Thế nhưng, khi đặt chân đến đây rồi thì hụt hẫng vô cùng,” chị Hà thú nhận.
Sự hụt hẫng bắt đầu từ lối sống ở Hoa Kỳ và Việt Nam “quá khác biệt,” “khác hẳn so với sức tưởng tượng của mình”. Chị Hà cười nhớ lại, “Lúc đó, Việt Nam gần như hoàn toàn bị cách ly với thế giới bên ngoài. Khi sang đây, mọi sự với tôi hoàn toàn xa lạ, chẳng biết cái gì là cái gì cả, cứ như mình từ Phi Châu lạc đến vậy.”
Hụt hẫng và chới với thêm nữa vì bất đồng ngôn ngữ. “Mình phải vừa đi học tiếng Anh, vừa phải bổ sung kiến thức về cách thức sinh hoạt, văn hóa nơi đây.” Chị Hà tiếp tục dòng hồi ức.
Với anh Toàn, khi đó đang ở Florida, thì “sáu tháng đầu cứ khóc hu hu, ngủ dậy là chỉ muốn có đủ tiền mua vé là bay về Việt Nam liền”.
Người đàn ông hiện là chủ nhân một tiệm sửa xe hơi ở Austin vừa cười vừa kể lại chuyện mình, “Thiệt tình là hụt hẫng và ‘sốc’ đủ đường.”
Từ chỗ “ăn trên ngồi trước, ma cô ma cạo đủ thứ,” “đi làm nói tiếng Anh ào ào, qua đây nói chẳng ma nào hiểu,” rồi lại thêm nỗi “nhớ người yêu dày vò” nên thời gian đầu, Mỹ là “địa ngục” đối với anh.
Không chỉ riêng anh Toàn, mà cả năm anh em trong gia đình đều cùng tâm trạng “cứ mong có đủ tiền vé là về. Nhưng khi đủ tiền vé thì lại thấy ‘về như vậy yếu quá’ nên thôi ráng kiếm thêm chút nữa nếu không đâm đầu về cũng nhục”.
Chị Hà cũng không thoát khỏi nỗi niềm đó, “Nói thật, trong năm đầu tiên, lúc nào tôi cũng nghĩ đến chuyện thôi thà đi về, ở đây cực quá. Ra ngoài cứ như người câm người điếc, nói người ta chẳng hiểu gì hết.”
Cũng như những di dân khác, cả anh Toàn và chị Hà không chỉ phải học tiếng Anh mà “cái gì cũng cần phải học”.
Tuy nhiên, khi bắt đầu có việc làm thêm và trở lại trường thì mọi chuyện “có vẻ đỡ hơn”.
Hội nhập và yêu thương
“Có đi làm, có tiếp xúc, đồng nghĩa với đỡ buồn, đỡ căng thẳng hơn. Sau khoảng ba năm thì mọi sự bắt đầu quen dần.” Chị Hà tiếp tục kể.
“Ba năm để bắt đầu quen?” Tôi hỏi ngược lại.
Chị khẳng định, “Ðúng. Nói chung là để ổn định mọi thứ thì phải từ ba năm trở lên. Có thể mỗi người mỗi khác, cũng có thể là do tôi chậm hơn người ta.”
Dường như khoảng thời gian quay lại trường học sau những năm đứt đoạn ở Việt Nam là khoảng thời gian lưu lại nhiều dấu ấn nhất trong quá trình hội nhập vào cuộc sống cùng dân bản xứ của chị Hà.
Chị nhắc lại giai đoạn đó bằng một tình cảm rất đặc biệt. “Thời tôi đi học vui lắm. Bởi vì lượng H.O. qua rất đông, vào trường thấy toàn con H.O. Mọi người giúp đỡ lẫn nhau, nương tựa lẫn nhau mà vươn lên.”
Sang Mỹ ở tuổi 25, không quá khó, nhưng cũng không dễ dàng để có thể vừa lao đao với cuộc mưu sinh, vừa có thể theo đuổi đến cùng việc học. Chị Hà mất tổng cộng sáu năm rưỡi để hoàn tất bằng đại học ngành tài chánh đại học Cal State Fullerton với sự giúp sức của bạn bè.
Còn anh Toàn, sau nhiều tháng thử qua nhiều công việc từ làm hãng điện tử đến “clean up” lau dọn nhà cửa “không thấy khá,” anh quyết định phải trở lại trường học.
“Cũng may mắn lúc đó Toyota mở trường dạy sửa xe ngay gần nơi tôi sống ở Florida nên tôi ghi danh theo học, vì đã có chút kiến thức lúc học Bách Khoa Cơ Khí ở Sài Gòn.”
Trong thời gian hai năm theo học và đi thực tập này, mỗi ngày của anh Toàn bắt đầu từ lúc 7 giờ sáng và đặt chân về nhà lúc nửa đêm.
“Mình cứ muốn học cho thật nhanh, học cho bận rộn thì cũng đỡ buồn hơn,” anh kể.
Tuy nhiên, điều khiến anh cảm thấy không vui chính là “những va chạm văn hóa và lối sống”. “Mình cứ thấy mình lạc loài, lại thêm mình là người Việt Nam duy nhất ở đó, cứ nghĩ tiếng Anh mình yếu quá nên cũng mắc cỡ chẳng muốn tiếp xúc, nói chuyện với ai hết.”
Tuy nhiên, “khi đi làm rồi thì thấy đỡ buồn hơn”.
Có điều, như anh Toàn nhận xét, “Tuy chưa hoàn toàn hội nhập được với lối sống Mỹ, nhưng nước Mỹ làm thay đổi cuộc đời tôi.”
Anh nhớ lại, “Lúc còn đi làm ở Việt Nam tôi ‘tham nhũng’ lắm. Năm 1994 mà mỗi tháng tôi kiếm cả ngàn đô, lúc nào cũng dẫn hết đám này đến đám kia đi ăn chơi, nhậu nhẹt. Lúc đó mẹ tôi cứ sợ tôi sẽ đi vào con đường sa đọa.”
“Phải công nhận tôi biết ơn là khi tôi sang đây, con người tôi hoàn toàn thay đổi, ngay thẳng mà tiến, mình không lươn lẹo, cứ một là một hai là hai. Lương mình lãnh một ngàn thì mình biết mình có một ngàn, không phải lo lót chung chi cho ai hết.”
Từ chỗ “làm người ngay thẳng,” anh Toàn lại nhận ra “Tôi được đối xử như một con người đúng nghĩa, được tôn trọng đúng nghĩa, không phải kiểu như ở Việt Nam muốn bắt là bắt, muốn chặn mình là chặn, dù có tiền mình vẫn cứ phải luồn cúi.”
Dần dần, anh bắt đầu yêu cuộc sống ở đây, “an toàn và có luật pháp”.
Nhìn lại để cám ơn nước Mỹ
Dù thừa nhận rằng mình “không hoàn toàn yêu nước Mỹ,” chị Hà vẫn cho rằng, “Với tôi, nước Mỹ luôn là ‘Number One.’”
Chị bộc bạch, “Tôi so sánh như vầy, tôi nói tiếng Việt giỏi hơn tiếng Mỹ, nên Việt Nam vẫn có cái gì đó gọi là quê hương, gắn bó và ruột thịt hơn đối với tôi. Tuy nhiên, nói về cơ hội thì Mỹ cho tôi nhiều cơ hội hơn, những gì tôi có ở đây thì ở Việt Nam, tôi không thể nào có được. Nơi đâu cũng có cái hay và cái dở, nhưng phải công nhận là ở Mỹ, cách nhìn, cách đối xử giữa người và người mang tính nhân bản hơn.”
Anh Lý Ngọc Toàn, cư dân Austin, Texas, “Tôi muốn nói đến chữ hài lòng. Tôi cảm thấy biết ơn nước Mỹ, nó cho mình cơ hội sống đàng hoàng, không luồn cúi.” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
“Khi được ra đi, tôi ngỡ như được bốc ra khỏi địa ngục vậy. Ai kết luận gì về nước Mỹ tôi không biết, riêng tôi thì mang ơn nước Mỹ và chương trình H.O. thật nhiều. Bởi vì nước Mỹ và chương trình đó đã giúp cho rất nhiều người như từ cõi chết mà trở về cuộc sống.” Chị Hà khẳng định.
Vừa nhìn điếu thuốc cháy dang dở, anh Toàn vừa nói, “Nhìn lại một cách công bằng, tôi phải cám ơn nước Mỹ đã cho tôi cơ hội sang đây để tôi nhìn ra nhiều thứ. Lúc trước mình cứ như ếch ngồi đáy giếng, cứ bị ám ảnh tư tưởng ‘tư bản đang giãy chết’ được rao giảng trong trường. Qua đây mình mới thấy đúng là ông nội nó nói bậy nói bạ không à!” Anh cười ngất sau điều mình “ngộ nhận” ra.
Không là “ông này bà nọ,” không là triệu phú, chủ cả, điều quan trọng là biết “hài lòng” về cuộc sống. Và đó là điều anh Toàn có được.
“Tôi không giàu, nhưng hiện tại tôi rất hài lòng với cuộc sống của tôi. Tôi muốn nói đến chữ hài lòng. Tôi cảm thấy biết ơn nước Mỹ, đất nước đã cho tôi cơ hội sống đàng hoàng, không luồn cúi.” Anh kết luận.
Một mùa Lễ Tạ Ơn nữa lại về. Cũng như anh Toàn và chị Hà, rất nhiều người đặt chân đến đến đất nước này từ chương trình có tên gọi H.O., có lẽ, cũng cùng chung một tấm lòng, một câu nói: Cám ơn.
0 comments:
Post a Comment