Trở Về Trang chính

Friday, November 18, 2011

Con gái mang ảnh cha đi tìm công lý

Ðồng hành là vợ và mẹ nạn nhân Nguyễn Công Nhựt

HÀ NỘI (TH) - Cô Trịnh Kim Tiến, con gái ông Trịnh Xuân Tùng, ngày 17 tháng 11, 2011 đã cầm bức ảnh cha cô đi từ tòa án thành phố Hà Nội đến Viện Kiểm Sát, đến cả Bộ Công An Việt Nam để tìm công lý cho cái chết của cha cô 8 tháng trước.

Trịnh Thị Kim Tiến (con ông Trịnh Xuân Tùng)(bên phải), Nguyễn Thị Thanh Tuyền (vợ Nguyễn Công Nhựt) (giữa), và mẹ nạn nhân Nguyễn Công Nhựt đứng trước trụ sở Tòa án Hà Nội đòi công lý cho người thân. (Hình: Blog Nguyễn Xuân Diện)

Nhưng không ai trả lời cho cô là phiên tòa xử kẻ giết cha cô, Trung tá Công an Nguyễn Văn Ninh, có diễn ra ngày hôm nay hay không. Và cũng không ai biết là có thể phiên tòa diễn ra nhưng không cho cô, mẹ cô vào tham dự.

Nhiều tờ báo ở Việt Nam vào ngày 1 tháng 11, 2011 loan tin, Trung tá Công an Nguyễn Văn Ninh sẽ ra tòa ngày 17 tháng 11, 2011 với tội danh “làm chết người khi thi hành công vụ,” một tội danh có thể bị kết án từ 2 năm tù đến 7 năm tù theo Khoản 1 Ðiều 97 của Bộ Luật Hình Sự.

Theo lời cô Trịnh Kim Tiến, ngày trước khi có phiên xử, cô đã tới tòa án để hỏi tin tức thì cán bộ tòa án trả lời là “không biết gì về chuyện này.”

Một ngày trước đó, tức ngày 15 tháng 11, 2011, sốt ruột vì không thấy được thông báo gì, cô Kim Tiến đã viết một bài trên mạng facebook bày tỏ sự thất vọng về hệ thống tư pháp “vô trách nhiệm của những người làm nhiệm vụ bảo vệ pháp luật.”

Luật sư của gia đình cô gọi điện thoại thì được trả lời một câu mà cô “không thể chấp nhận nổi.” Cô viết lại câu trả lời của cán bộ tòa án cho luật sư về có phiên xử hay không: “Cũng không biết nữa, người bên Viện Kiểm Sát bị ốm, nếu ông ấy đi được thì tòa sẽ gửi giấy trực tiếp xuống.”

“Ðó là sự xúc phạm nặng nề mà một cơ quan bảo vệ pháp luật dành cho gia đình của những người cần được bảo vệ. Tôi chưa nói đến việc họ vi phạm pháp luật, bởi việc làm của họ thậm chí không thể chấp nhận được về mặt đạo đức. Có bao giờ họ nghĩ đến lúc họ có người ruột thịt bị đánh chết, họ sẽ cảm thấy như thế nào khi bị đối xử như vậy hay không? Những người bình thường không bao giờ cứa vào nỗi đau của người khác một cách tàn nhẫn đến như vậy.” Cô Kim Tiến viết trên facebook.

Vì sáng ngày Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011 đến tòa án không được cho biết có xử hay không, cô ôm ảnh người cha cùng với hai người đồng hành, cùng một mục đích đòi hỏi công lý cho người chết oan ức.

Cùng đi với Trịnh Kim Tiến là chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, vợ của nạn nhân Nguyễn Công Nhựt và mẹ của nạn nhân Nguyễn Công Nhựt lặn lội từ miền Nam ra thủ đô Hà Nội với hy vọng mong manh tìm công lý cho người thân.

Ông Trịnh Xuân Tùng, 53 tuổi, bị Trung tá Công an Nguyễn Văn Ninh dùng dùi cui đánh gẫy cổ ở bến xe Giáp Bát, Hà Nội, ngày 28 tháng 2, 2011 chỉ vì cự cãi tiền phạt không đội “mũ bảo hiểm.” Ðánh người thừa sống thiếu chết rồi lôi về trụ sở không cho đi cấp cứu ngay, ông Tùng chết ở bệnh viện ngày 8 tháng 3, 2011.

Nguyễn Công Nhựt, 33 tuổi, chết vì bị công an huyện Bến Cát, Bình Dương tra tấn nhục hình nhưng lại đổ cho nạn nhân thắt cổ tự tử đêm 24 tháng 4, 2011. Trên thân thể nạn nhân có nhiều dấu vết chứng minh bị đánh đập nhục hình nhưng biên bản giám định pháp y (không cho gia đình nạn nhân chứng kiến) nói không thấy dấu vết gì.


Hình bản tin của báo Lao Ðộng viết về phiên tòa xử Trung tá Công an Nguyễn Văn Ninh đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng, dự trù diễn ra ngày 17 tháng 11, 2011. (Hình Blog Nguyễn Xuân Diện)

Chị Tuyền đã nhờ luật sư đại diện đến công an Bình Dương yêu cầu điều tra lại nhưng bị bác bỏ.

“Tôi phải cố gắng sống tiếp với những điều khó chấp nhận đó, sống tiếp với hành trình đòi công lý cho cha tôi. Công lý, nếu có, cũng đang bị trì hoãn ở một nơi rất xa, bởi câu hỏi rất đơn giản là ‘phiên tòa có được diễn ra không?’ cũng không ai trả lời cho tôi.” Cô Kim Tiến nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn về phiên tòa có hay không có diễn ra.

Ngày 16 tháng 11, 2011 cô viết trên Facebook: “Hôm nay là ngày giỗ ông ngoại, nhưng mẹ không thể về quê, cả ngày ngồi nhà đợi giấy báo của tòa án, đến cuối cùng thì không nhận được thông báo nào hết!”

(TN)

No comments:

Post a Comment