Khi viết những dòng này, tôi không biết phải diễn tả tâm trạng của mình như thế nào, bởi Tòa án nhân dân Hà Nội đang đi quá những giới hạn mà tôi có thể tưởng tượng ra.
Ngày 1/11 vừa qua, các cơ quan báo chí trong nước đồng loạt đăng bài viết về việc vụ án liên quan đến cái chết của cha tôi – ông Trịnh Xuân Tùng – sẽ được đưa ra xét xử vào ngày 17.11.
Suốt từ khi có thông tin này, gia đình tôi đã chờ đợi một thông báo hoặc giấy mời từ phía Tòa án về việc tham dự phiên tòa. Nhưng bao nhiêu chờ đợi thì đem đến bấy nhiêu thất vọng. Kể từ khi được thông báo về kết quả điều tra từ Cơ quan điều tra đến nay,chúng tôi chưa từng nhận được bất kỳ sự liên lạc nào từ phía các cơ quan hữu quan. Đến hôm nay, ngày 15/11, tức là chỉ còn 2 ngày nữa sẽ đến phiên tòa xét xử (theo thông tin trên báo chí), chúng tôi cũng không nhận được bất kỳ văn bản nào từ họ.
Hôm nay, Luật sư của tôi liên lạc với Tòa án qua điện thoại, hỏi về việc vụ án này có được đưa ra xét xử hay không, thì nhận được câu trả lời không thể chấp nhận nổi: cũng chưa biết nữa, người bên Viện kiểm sát bị ốm, nếu ông ấy đi được thì Tòa sẽ gửi giấy trực tiếp xuống.
Đó là câu trả lời vô trách nhiệm của những người làm nhiệm vụ bảo vệ pháp luật. Trong khi các cơ quan báo chí đã có được thông tin về phiên tòa cả 2 tuần nay, mà bên liên quan trực tiếp đến phiên tòa là gia đình người bị hại – là chúng tôi – lại không nhận được một chút thông tin nào, thậm chí vụ án có được xét xử vào ngày 17/11 như báo chí đề cập không chúng tôi cũng không được biết, mặc dù hôm nay đã là 15/11.
Đó là sự xúc phạm nặng nề mà một cơ quan bảo vệ pháp luật dành cho gia đình của những người cần được bảo vệ. Tôi chưa nói đến việc họ vi phạm pháp luật, bởi việc làm của họ thậm chí không thể chấp nhận được về mặt đạo đức. Có bao giờ họ nghĩ đến lúc họ có người ruột thịt bị đánh chết, họ sẽ cảm thấy như thế nào khi bị đối xử như vậy hay không? Những người bình thường không bao giờ cứa vào nỗi đau của người khác một cách tàn nhẫn đến như vậy.
Tôi chợt nghĩ, cuộc sống của mỗi người trong chúng ta chẳng được bao nhiêu. Cái chết rình rập con người ở khắp nơi. Ngày hôm nay chúng ta có thể có quyền cao chức trọng, tiền tiêu không cần đếm, nhưng chỉ cần một tai nạn giao thông, một vụ nổ bình gas thôi là cái chết đã bất thình lình ập đến. Những người thi hành công vụ kia, rồi họ cũng sẽ phải bỏ lại mọi quyền lực, danh vọng, tiền bạc để sang bên kia thế giới như bao người khác. Ở đó, họ sẽ gặp lại cha tôi. Họ sẽ nói gì với cha tôi đây? Tại sao khi sống chúng ta không cố làm cho mọi thứ tốt đẹp hơn? Đôi khi chỉ là một lời nói, chẳng nhiều nhặn gì. Vậy mà họ không làm được.
Tôi phải cố gắng tiếp với những điều khó chấp nhận đó, sống tiếp với hành trình đòi công lý cho cha tôi. Công lý, nếu có, cũng đang bị trì hoãn ở một nơi rất xa, bởi câu hỏi rất đơn giản là “phiên tòa có được diễn ra không?” cũng không ai trả lời cho tôi.
0 comments:
Post a Comment