LTS: Quân Đội Nhân Dân đáng ra phải làm nhiệm vụ là bảo vệ đất nước, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nhân dân. Nhưng ai cũng thấy biên giới bị gặm nhấm ra sao, thác Bản Giốc, Ải Nam Quan đã mất trắng thế nào, biển đảo về tay giặc, ngư dân khốn đốn vì hải tặc “nước lạ”, có lẽ chỉ có họ là không nhìn thấy. Thay vì đánh giặc, họ ngày đêm loanh quanh với mớ lý luận cũ rích, nhàm chán nhằm vào những người hô hào dân chủ mà họ gọi là “thế lực phản động”.
Dưới đây là một trong số các bài ‘lý luận’ chống diễn biến hòa bình của tờ QDND.
—————————————-
QĐND – Thời gian qua, sau những biến động chính trị gắn với những cái gọi là “cách mạng hoa nhài” ở Ai Cập, Tuy-ni-di, Li-bi, một số kẻ phản động trong và ngoài nước đang hí hửng cho rằng, các cuộc “cách mạng” ấy chẳng bao lâu sẽ lan tới Việt Nam. Chúng kích động những người nhẹ dạ cả tin, kêu gọi biểu tình, “tập dượt” cho một cuộc “cách mạng hoa sen” để lật đổ chế độ XHCN.
Nhận diện một âm mưu
Trước hết, có thể nhận thấy ngay đây là một chiêu bài “Diễn biến hòa bình”, lợi dụng các trào lưu xã hội trên thế giới để phát động phong trào chống đối, đi tới lật đổ chế độ XHCN ở Việt Nam. Ở đây, từ “cách mạng” đã bị lạm dụng đến mức nguy hiểm. Trên thực tế, những cuộc “cách mạng nhung”, “cách mạng cam”, “cách mạng hoa nhài” hay hoa gì đi chăng nữa không hề tạo ra một sự biến đổi xã hội mang tính sâu sắc, toàn diện, tạo bước ngoặt thay đổi về chất trong mọi lĩnh vực xã hội, thay thế hình thái kinh tế – xã hội lỗi thời, lạc hậu bằng hình thái xã hội cao hơn mà thực chất chỉ là cuộc lật đổ chế độ bằng các thủ đoạn phi bạo lực kết hợp với bạo lực ở mức độ khác nhau. Sự độc tài, bất công chẳng những không mất đi mà còn trầm trọng hơn, đổ máu nhiều hơn, nghèo đói nhiều hơn, bất ổn nhiều hơn. Vì vậy, không thể gọi đó là một cuộc cách mạng dù nó có mang màu sắc sặc sỡ bao nhiêu, mang tên loài hoa đẹp bao nhiêu đi chăng nữa! Đặc biệt, hoa sen, một loài hoa với vẻ đẹp Việt Nam và mang nhiều triết lý nhân sinh Việt Nam, không thể gắn với những âm mưu và hành động đi ngược lợi ích của Tổ quốc, dân tộc, mang lại khổ đau, chém giết, huynh đệ tương tàn.
Tại nhiều diễn đàn, mạng xã hội trên internet hiện nay, các thế lực thù địch hải ngoại có khá nhiều bài viết, thậm chí cả các chương trình truyền hình, đối thoại, bàn luận khá rầm rĩ về “cách mạng hoa nhài và hiện tình Việt Nam”. Một số nhân vật chống Cộng say sưa phân tích thế sự từ Tây sang Đông, từ chuyện Ai Cập, Tuy-ni-di, Li-bi… để “soi rọi”, “cảnh báo cho quốc dân đồng bào trong nước”. Chúng cho rằng, một cuộc cách mạng dân chủ theo kiểu mẫu của phương Tây, có thể tạo ra cuộc “chuyển giao quyền lực êm đềm, không đổ máu” ở Việt Nam. Chúng huênh hoang, bất chấp lý luận về cách mạng xã hội khi lập luận: “Cách mạng hoa nhài” mang tính tự phát của quần chúng, không cần gắn liền với một ý thức hệ, cương lĩnh hay tổ chức nào cả và đây lại là một yếu tố quan trọng góp phần thành công mà những cuộc cách mạng trước kia không có. Kiểu “lý luận” này thực sự chỉ là một kiểu suy luận bừa. Lê-nin từng nói: “Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng”. Nếu cuộc cách mạng không cương lĩnh, không tổ chức, thì cuộc cách mạng đó vì ai, dựa vào đâu?
Sự thâm độc, xảo quyệt của chiêu bài này càng lộ rõ khi các thế lực phản động và thù địch “mách” rõ những cách làm rất cụ thể, tỉ mỉ cho từng giai tầng, lực lượng xã hội ở Việt Nam. Chúng luôn đề cao vai trò của các mạng xã hội và công cụ internet, từ facebook, youtube đến twitter, thậm chí điện thoại di động là “vũ khí hữu hiệu” trong việc tập hợp lực lượng nổi dậy ở nhiều nước. Từ đó, chúng kích động giới trẻ Việt Nam hãy tận dụng lợi thế của sự phát triển internet để “hành động”. Chúng cũng cho rằng cách mạng “hoa sen” thuận lợi hơn vì dân số trẻ, sẽ đi theo từng nấc thang để chính quyền khó đàn áp. Chúng đưa ra các bước hành động: Ban đầu chỉ kêu gọi nhau tụ tập mặc áo trắng ở chỗ đông người rồi dần dần tiến tới tụ tập vì biển, đảo, vì kinh tế khó khăn. “Hương hoa nhài, hoa sen” sẽ khích lệ tiếng nói đối kháng qua các phong trào cùng ký tên vào tâm thư, thỉnh nguyện, các bản tuyên cáo, kiến nghị nào đó để tạo dư luận xã hội. Ở nấc thang cao hơn, sẽ phát động biểu tình sẽ hướng tới phản đối những hạn chế trong điều hành, quản lý kinh tế, những tiêu cực xã hội rồi tiến tới kêu gọi lật đổ chính quyền, phát động phong trào “toàn dân xuống đường… cứu nước”. Chúng lại đưa ra chiêu bài kêu gọi: “Quân đội nhân dân sẽ thực sự là của nhân dân nên sẽ không bắn vào người biểu tình. Lực lượng công an và quân đội hãy trở về với nghĩa vụ giúp đỡ và bảo vệ nhân dân, vốn đã sinh ra và nuôi nấng mình”. Khi các cuộc biểu tình đã được đẩy lên ở mức cao tại các thành phố lớn, sẽ có sự hà hơi tiếp sức của các tổ chức phản động trong và ngoài nước, rồi chúng sẽ kêu gọi sự can thiệp của nước ngoài… Nhìn lại một vài cuộc tụ tập đông người vừa qua, có nhiều dấu hiệu cho thấy đã có bàn tay kích động, đứng sau của các thế lực thù địch theo một “kịch bản” dài hơi.
Đẩy lùi, ngăn chặn và làm thất bại
Những chiêu bài, thủ đoạn thâm độc trên, may thay, đã sớm bị bóc trần. Ngay tại cộng đồng hải ngoại, đã có không ít ý kiến khách quan, phản đối thẳng thừng âm mưu “cách mạng hoa sen”. Ông Phúc Nguyễn, một Việt kiều sống ở Hoa Kỳ khi được hỏi về một cuộc “cách mạng hoa nhài” ở Việt Nam đã thẳng thắn nói: “Không thể có một cuộc cách mạng như thế và cũng không cần phải có. Bởi nó chỉ làm xã hội Việt Nam xấu đi khi đất nước đang phát triển đầu tư, hòa bình. Vả lại, cách quản lý xã hội ở Việt Nam chặt chẽ, không thể xảy ra chuyện như ở một số nước gần đây”.
Tuy nhiên, để ngăn chặn, đẩy lùi và làm thất bại hoàn toàn âm mưu phát động những cuộc “cách mạng” như thế, cần sự quan tâm nghiên cứu, phân tích, làm rõ bản chất các trào lưu, hiện tượng xã hội và tình hình thế giới đầy biến động sâu sắc và phức tạp hiện nay. Dư luận xã hội, đặc biệt là nhận thức của thế hệ trẻ cần phải được định hướng rõ ràng, phân biệt giữa bản chất và hiện tượng, các mối liên hệ giữa các sự kiện để tránh sa vào cực đoan, bị kích động, lôi kéo. Nhìn lại một số sự kiện quốc tế vừa qua, các phương tiện báo chí, truyền thông có lúc, có nơi mới chỉ phản ánh được bề nổi của sự kiện, cần có nhiều hơn những đánh giá, bình luận mang tầm khái quát, phân tích rõ bản chất các hiện tượng, sự kiện, định hướng dư luận xã hội một cách tích cực.
Về mặt quản lý, rõ ràng những biện pháp bảo vệ trật tự trị an, an ninh xã hội vừa qua là rất cần thiết và cần được duy trì hiệu quả hơn nữa. Ở Việt Nam, Đảng, Nhà nước khuyến khích các ý kiến phản biện xã hội mang tính xây dựng, khuyến khích đấu tranh chống tiêu cực xã hội, tham ô, quan liêu, cửa quyền… Tuy nhiên, những âm mưu và hành vi lợi dụng đấu tranh chống tiêu cực hay lợi dụng dân chủ để chống đối chế độ XHCN sẽ phải được xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật.
Chúng ta không cần một cuộc “cách mạng hoa sen, hoa nhài” hay loài hoa nào khác, mà kiên trì con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Chúng ta nhận thức sâu sắc rằng, thời kỳ quá độ lên CNXH là một quá trình đầy khó khăn, gian khổ, kéo dài. Chỉ có sự đoàn kết, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, nhìn thẳng vào sự thật, đấu tranh đẩy lùi tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực xã hội, hạn chế các yếu kém trong quản lý, điều hành xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh mới giúp cho cách mạng XHCN sớm thành công. Cái gọi là “cách mạng màu, cách mạng hoa” mà các thế lực thù địch đang mưu toan chỉ là sự lừa phỉnh nhân dân!
Nguyễn Văn Minh (Báo QDND)
0 comments:
Post a Comment