Trung Quốc ngang ngược đưa ra bản đồ “Lưỡi Bò” trên biển Ðông, chiếm gần hết cả vùng biển này dù chỉ là nước ở phía Bắc. (Hình: Internet)
Khi Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào của Trung Quốc tiếp Tổng Thống Phi Benigno Aquino hồi cuối tháng 8 vừa qua, Tân Hoa Xã ngày 31 tháng 8, 2011 có một bài tường thuật với tựa đề “Sự hợp tác Trung Quốc-Phi Luật Tân tùy thuộc vào sự giải quyết hợp lý các tranh chấp trên biển.”
Trong bài này, Tân Hoa Xã đề cập đến vấn đề tranh chấp Biển Ðông giữa hai nước như sau: “Trung Quốc đã luôn luôn nói to và rõ ràng rằng (TQ) có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo và vùng biển chung quanh, mà đó là một phần của ‘các lợi ích cốt lõi’ của Trung Quốc. Ðiều này căn cứ trên các sự kiện lịch sử không thể phủ nhận và không có tham vọng.”
Ra điều nhân nghĩa dù lấy của người làm của mình, bản tin này của THX nói Trung Quốc sẵn sàng “bỏ qua một bên các quan điểm dị biệt” để “cùng phát triển từ đó tạo ra một lối xóm hữu hảo, an ninh và thịnh vượng” với Phi Luật Tân.
Chỉ trước đó hai ngày, Bắc Kinh cũng đã đặt ra một số điều kiện để gia tăng mối quan hệ với Nhật Bản là Tokyo phải tôn trọng “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc trên biển Ðông (mà họ gọi là East sea). Ðiều này ám chỉ đến đảo Ðiếu Ngư (Nhật gọi là Senkaku) đang tranh chấp chủ quyền với Nhật.
Khi được xác định là “lợi ích cốt lõi,” Trung Quốc ngầm xác định luôn khả năng sử dụng quân sự để giải quyết tranh chấp, khi cần.
Khi Tân Hoa Xã nêu rõ biển Ðông (Nam Hải) đang tranh chấp với Việt Nam và một số nước nhỏ khác trong khu vực là “lợi ích cốt lõi,” theo sự nhận định của một bài viết trên tờ Thời Báo Nhật Bản (Japan Times) ngày 8 tháng 9, 2011 cho người ta hiểu Bắc Kinh bày tỏ thái độ cứng rắn hơn đối với các tranh chấp chủ quyền biển đảo với Việt Nam và Phi Luật Tân, hai đối thủ chính trong tranh chấp.
Với Phi Luật Tân thì chỉ có vùng quần đảo Trường Sa, còn với Việt Nam thì còn cả vùng quần đảo Hoàng Sa.
Qua một số báo chí tường thuật, Ðới Bỉnh Quốc, ủy viên Quốc Vụ Viện (chính phủ) Trung Quốc nói với bà Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton hồi tháng 5, 2010 là Trung Quốc coi Biển Ðông (Nam hải) là “lợi ích cốt lõi.”
Một số bản tin báo chí quốc tế cũng như báo chí Trung Quốc đã lập lờ, khi nhận khi chối về chủ trương này của Bắc Kinh.
Sau khi bà Clinton tuyên bố tại Hà Nội trong phiên họp ASEAN mở rộng hồi tháng 7, 2010 rằng Hoa Kỳ “có lợi ích quốc gia” trên biển Ðông, tờ Hoàn Cầu Thời Báo ở Trung Quốc giận dữ đe dọa trong bài bình luận của họ rằng “Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ quyền bảo vệ các lợi ích cốt lõi của mình với các phương tiện quân sự.”
Mới ngày mùng 6 và mùng 7 tháng 9 đầu tuần này, Ðới Bỉnh Quốc đã tới Hà Nội họp với nhiều chức sắc cầm đầu đảng và nhà nước CSVN. Những gì hé lộ trên báo chí không có dấu hiệu cho viết hai nước đạt được gì trong các phiên họp của “Ủy Ban Hợp Tác” giữa hai nước. Chỉ thấy ông Nguyễn Tấn Dũng được TTXVN kể lại là hai bên “hiểu lập trường của nhau hơn” về tranh chấp biển Ðông.
Liệu Ðới Bỉnh Quốc có lập lại những lời tuyên bố “lợi ích cốt lõi” với các lãnh tụ Hà Nội hay không? Hệ thống tuyên truyền CSVN không khi nào nêu ra cái gì có hại cho sự tồn tại và thống trị của đảng.
Cái “Lưỡi Bò” liếm gần hết biển Ðông, siết cổ Việt Nam thì liệu người dân Việt Nam có chấp nhận? Những cuộc biểu tình nhỏ ở Hà Nội từ đầu tháng 6 đến nay chỉ là những dấu hiệu thật nhỏ bày tỏ lòng yêu nước của người Việt đã bị nhà cầm quyền siết lại. (TN)
0 comments:
Post a Comment