Người ta chỉ nói gọn vụ 9/11 và liên tưởng đến con số 911 mà dân chúng Hoa Kỳ dùng để gọi điện thoại trong các trường hợp khẩn cấp để nhờ cảnh sát hay cứu thương.
Mười năm trước, vào một buổi sáng Thứ Ba ở San Jose California, tình cờ mở truyền hình xem tin tức bỗng thấy có gì là lạ, là các đài lớn đều chiếu một cảnh tượng duy nhất, tòa tháp đôi World Trade ở New York với chiếc máy bay từ từ đâm thẳng vào và sau đó sụp đổ tan hoang.
Thật đáng kinh ngạc đến mức khó tin, cứ tưởng là đang xem phim điện ảnh. Cảm giác bàng hoàng tràn ngập giống như cảm giác bàng hoàng khi nghe tin Sài Gòn thất thủ. Cả một chế độ vững mạnh mà mình đã sống và lớn lên đã bị triệt tiêu, và sau đó tị nạn sống trên một đất nước hùng mạnh tiên tiến nhất hoàn cầu lại thấy cảnh máy bay thương mại từ từ tàn phá thành phố lớn và nổi tiếng nhất thế giới là New York trước mắt công chúng mà chẳng ai có hành động gì để cản trở.
Thật là vô lý, thật là đau đớn cho đất nước Hoa Kỳ và cho dân chúng Mỹ. Kể từ ngày đó, đã có một số thay đổi lớn lao trong đời sống mọi người. Rõ ràng nhất là hành khách đi máy bay phải chịu cảnh khám xét kỹ lưỡng, phải đến phi trường trước giờ bay cả hai tiếng đồng hồ, vé không được chuyển nhượng cho người khác. Với sự giao thương phổ biến khắp toàn cầu thì máy bay là phương tiện mau chóng nhất, cho nên cái tên 9/11 đã quen thuộc với hành khách.
Cho đến nay có một số giả thuyết đặt ra vì người ta vẫn còn nghi ngờ là tại sao vụ không tặc 9-11 lại xảy ra dễ dàng như vậy.
Chẳng hạn khi máy bay bị không tặc thì phi công thông báo cho ban kiểm soát không lưu biết và kế tiếp là bộ an ninh hàng không biết và bộ quốc phòng biết. Khi chiếc máy bay thứ nhất đâm vào tòa tháp đôi thì tại sao không quân Hoa Kỳ không ngăn chận chiếc máy bay thứ hai vì khoảng cách thời gian có nhiều để hành động?
Còn thêm một số nghi vấn khác như là tình báo Do Thái có vẻ như biết trước vụ 9-11 cho nên các người gốc Do Thái làm việc trong tòa Tháp Đôi nghỉ ngày hôm đó, chiếc máy bay thương mại vỏ làm bằng nhôm không thể nào xuyên thủng tòa nhà, tòa tháp đôi bị sụp đổ là vì có ai đặt thêm chất nổ, các hộp đen Black Box của các chiếc máy bay được tìm thấy nhưng không công bố nội dung...
Ủy Ban Điều Tra 9/11 sau đó đã công bố tài liệu điều tra dài cả nghìn trang và chỉ có một kết luận rõ ràng nhất là các cơ quan tình báo của Hoa Kỳ đã không cộng tác chặt chẽ với nhau để ngăn chận vụ khủng bố này xảy ra.
Sự giải thích này nghe có vẻ xuôi tai vì không lẽ các cơ quan CIA, FBI nổi tiếng của nước Mỹ lại không biết gì hết về một âm mưu đánh phá khủng khiếp như vậy.
Chiếc máy bay Flight 93 bị rớt ở Pensylvania vì người ta cho rằng có sự dằng co giữa hành khách và bọn không tặc trong buồng lái; nếu không thì chiếc này có thể đâm vào Bạch Ốc hay điện Capitol Hill. Nhưng sau này thì biết rằng nếu không rớt thì chiếc này cũng sẽ bị không lực Hoa Kỳ bắn hạ để ngăn chận vụ tàn phá kế tiếp.
Dĩ nhiên còn nhiều uẩn khúc mà lịch sử không bao giờ sáng tỏ giống như ai đã giết tổng thống Kennedy năm 1963, câu hỏi không có câu trả lời. Chỉ có một điều là vụ 9-11 có lợi cho tổng thống Bush II, uy tín của ông lên cao tới 90% và sau đó là đem quân đánh Afghanistan để diệt sào huyệt bọn Al Qeda và thừa thế xông lên đánh luôn Iraq.
Vụ đánh Iraq làm chính quyền Bush II mất uy tín vì lý do đưa ra Saddam Hussein có vũ khí hủy diệt WMD là không đúng sự thật. Từ vụ này dấy lên nghi vấn là tình báo CIA cung cấp tin sai lạc hay là Bạch Ốc cố ngụy tạo tin này? Người ta vẫn không hiểu là năm 1991 tổng thống Bush I đã không diệt Saddam Hussein khi đánh tan tác đoàn quân Iraq xâm lăng Kuwait, nhưng sau này con của ông và các phụ tá từng làm việc với ông trong đó có Dick Cheney lại có quyết định khác. Từ việc diệt Saddam Hussein, đối thủ cầm chân Iran, lại làm cho bàn cờ Trung Đông đổi khác, đúng là thời cuộc thế giới luôn luôn biến hóa.
Từ hậu quả của vụ khủng bố 9-11 đưa tới việc đổ quân vào Afghanistan và Iraq làm tốn ngân sách Hoa Kỳ cả ngàn tỉ đô la. Đã có câu hỏi là phải chăng nước Mỹ đã phản ứng quá đáng khi tự ái bị tổn thương, và cũng không có ai có đủ thẩm quyền để trả lời câu hỏi này, và cũng không có câu trả lời nào hoàn hảo cả, vì bất cứ hành động nào cũng để lại hậu quả vừa lợi vừa hại, tính trong ngắn hạn và dài hạn.
Kỷ niệm mười năm biến cố 9/11, thế giới cũng thay đổi nhiều với nhiều tiến bộ kỹ thuật. Chỉ có mười mấy tên không tặc với con dao nhỏ lại có thể gây tàn phá chết chóc mấy ngàn người, thiệt hại cả ngàn tỉ đô la trên một đất nước hùng mạnh tiến bộ nhất hoàn cầu. Điều này cũng nói lên sự tương quan giữa các dân tộc, giữa các miền đất xa xôi trên hành tinh này. Một cậu bé vô danh nếu giỏi máy điện toán cũng có thể từ một vùng hẻo lánh mà xâm nhập vào hệ thống của một quốc gia hay công ty để gây biết bao thiệt hại.
Và hai chữ Tự Do cũng được định nghĩa lại, dân chúng xứ tự do nhất là Hoa Kỳ cũng phải ngoan ngoãn xếp hàng để cho nhân viên an ninh rờ soát khắp thân thể trước khi lên phi cơ.
Và những sự chỉ trích về nhân quyền vì những phương pháp tra khảo quân khủng bố Al Queda đã rơi vào hư vô vì nhờ phương pháp này mà dò tìm ra được tung tích của tên đầu não Bin Laden để trừ khử, trả lại sự công bằng cho các nạn nhân 9/11.
Kỷ niệm mười năm vụ 9/11 có biết bao hoài niệm vui buồn. Nước Mỹ bị khủng bố ngay tại trung tâm thành phố lớn, nước Nga cũng bị đặt chất nổ tại bến xe điện ngầm, nước Anh cũng bị họa lây, nhiều nước lớn cũng trong trường hợp tương tự. Chỉ còn có Trung quốc là chưa bị khủng bố lớn, có lẽ là nhờ sự đàn áp dữ dội, nhờ hệ thống công an trị chặt chẽ? Phải chăng điều này nói lên khuyết điểm của Tự Do trong một chế độ dân chủ thực sự?
Kỷ niệm mười năm vụ 9/11, nước Mỹ đang ở thời kỳ đi xuống. Hai cuộc chiến tranh tốn hao ngân sách, thất nghiệp cao kinh tế lao đao chưa thấy có dấu hiệu đi lên. Thế giới có hoàn cảnh mới với sự vươn lên của châu Á gồm Trung quốc, Ấn Độ, Nam Hàn, Nhật Bản. Sự thoải mái tiêu xài của dân chúng Mỹ tới lúc phải dừng lại, những đòi hỏi về tiêu chuẩn của mức sống cao phải cần xem xét lại, những lý tưởng về nhân quyền cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tế cuộc sống.
Có lẽ chỉ có con đường dung hòa, con đường trung dung, con đường trung đạo, xét bên tả xét bên hữu, nghĩ điều lợi nghĩ điều hại, suy người rồi suy ra ta, là tạm coi là đúng đắn thích hợp nhất.
Nước Mỹ với tài nguyên dồi dào, kỹ thuật tiên tiến, với uy tín hàng đầu thế giới, với chỉ dân số 311 triệu trên diện tích 7 triệu 700 ngàn cây số vuông, trong khi đó Việt Nam diện tích 330 ngàn cây số vuông mà dân số 90 triệu, Trung quốc dân số 1,4 tỉ mà diện tích tương đương với Mỹ thì người dân đang sống trên xứ sở này vẫn còn cảm thấy may mắn vì thiên nhiên còn ưu đãi hơn các dân tộc khác.
Kỷ niệm mười năm 9/11, đời có vui có buồn, có lên có xuống, dù có tin tức hăm dọa khủng bố nhưng lòng người dân đã có chuẩn bị và cuộc sống vẫn đi tới. Cám ơn nước Mỹ đã cho tôi làm nơi dung thân, đã mở mắt cho tôi nhìn thế giới được thoáng hơn, đã là chỗ dựa vững chắc để có thể tìm cách hỗ trợ cho quê hương Việt Nam xa xôi bên kia đại dương. Cám ơn nước Mỹ. Xin Thượng đế phù hộ cho đất nước này.
Trần Củng Sơn
San Jose, 10 tháng 9 năm 2011
0 comments:
Post a Comment