Hãy xem bằng cấp dưới đây do nhà nước CSVN cấp:
Bên trái ghi tiếng Anh là "The Degree of Bachelor" (General Medicine), bên phải dịch là "Bằng Tốt Nghiệp Đại Học, danh hiệu: Bằng Bác Sĩ".
Hóa ra VN không có medical school, nói khác đi medical school ở VN chỉ dạy pre-med. Trong khi đó chương trình medical school ở Mỹ và các nước chỉ bắt đầu SAU KHI hoàn tất chương trình 4 năm đại học (cử nhân) in biology, chemistry, or related fields. Thiệt là thất vọng cho cái gọi là giáo dục VN.
‘Nàng tiên nhỏ’ từng ăn xin nay thành bác sĩ
NGHỆ AN, Việt Nam (NV) - Cô Nguyễn Thị Hiên, 26 tuổi, con gái của một gia đình sống bằng việc ăn xin, bảy năm sau đã tốt nghiệp bác sĩ hôm Thứ Ba, ngày 9 Tháng Tám tại Ðại Học Y Khoa Thái Nguyên, Việt Nam, nhờ sự giúp đỡ tài chánh của các nhà hảo tâm ở Orange County.
Cô Nguyễn Thị Hiên nhận bằng tốt nghiệp bác sĩ y khoa khóa 38, ngày 9 Tháng Tám
tại Thái Nguyên, Việt Nam. (Hình: Nguyễn Thị Hiên cung cấp)
Câu chuyện đổi đời của cô Hiên bắt nguồn từ một bài báo trên Người Việt xuất bản Thứ Sáu, ngày 20 Tháng Hai, năm 2004, trích đăng từ báo Tuổi Trẻ ở Sài Gòn. Bài báo đề cập đến cô Hiên, người con gái thứ ba của ông Nguyễn Ngọc Diêu và bà Ðặng Thị Quy.
Cô Hiên được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó ở huyện Yên Thành, một huyện miền Núi của tỉnh Nghệ An, kiếm sống bằng việc ăn xin. Cha cô sau khi đi lính “hoàn tất nhiệm vụ, về quê và đã lập gia đình với một cô gái làng bên,” bài báo viết.
Theo lời bài báo, cả hai ông bà Nguyễn Ngọc Diêu và bà Ðặng Thị Quy đều có biểu hiện của bệnh tâm thần nhẹ, không đủ sức khỏe để làm ruộng nương và có 4 người con và Hiên là con thứ 3 trong gia đình. Ngay từ nhỏ, Hiên đã phải chịu cảnh màn trời chiếu đất vì người mẹ buộc cô trên lưng phiêu bạt khắp nơi xin ăn và mãi đến năm 7 tuổi Hiên mới đòi được đi học.
Qua lời kể của một ân nhân của cô là một cụ ông 76 tuổi, yêu cầu được giấu tên, cho biết cô tốt nghiệp bác sĩ ở Việt Nam vào tuần đầu Tháng Tám năm nay. Qua điện thoại, tối hôm 9 Tháng Tám, khoảng 11 giờ đêm (giờ California) Hiên cho báo Người Việt biết, cô vừa về đến nhà sau lễ ra trường.
Tâm sự của tân bác sĩ
Hiên sửng sốt khi nhận được điện thoại của phóng viên báo Người Việt lúc ấy, phải vài phút sau cô mới bình tĩnh cho biết, “Chú ơi, từ sau bài báo viết về chuyện đời cháu, đời cháu có xoay chuyển rất mạnh và rất ý nghĩa cho cháu và cả gia đình cháu nữa.”
Cô Hiên kể, “Ngày đó cháu rất thiếu thốn nhiều điều, chịu rất nhiều khó khăn mà bài báo ngắn gọn ấy cũng chưa nói lên hết được những khó khăn của cháu. Cháu chỉ có một mục đích nhỏ nhoi là được học xong trung học, lấy bằng tốt nghiệp tú tài rồi sẽ vào Sài Gòn làm thuê, làm mướn (làm công nhân lao động trong các công ty).” Cô nghĩ nếu có bằng cấp cao hơn người khác thì sẽ được học tiếp. “Vì cháu rất muốn đi học!” cô tâm sự.
“Ðiều may mắn đã đến với cháu khi nhận được sự giúp đỡ của các ân nhân về vật chất cũng như về tinh thần, cộng với những lời động viên, khuyên bảo mà cháu đã quyết tâm thi đỗ ngành bác sĩ.” Cô nói trong nỗi xúc động và câu chuyện xen với những phút im lặng, nghẹn ngào.
Cô Hiên chia sẻ, “Cháu gởi lời cám ơn sâu sắc đến các ân nhân ở Mỹ, trước hết là đến ‘bác... ở Mỹ’ (người được nhắc đến yêu cầu giấu tên), cháu muốn cám ơn cha mẹ đã sinh và nuôi dưỡng cháu đến ngày hôm nay, công ơn của thầy cô giáo đã dạy dỗ, động viên và cám ơn bạn bè hàng xóm láng giềng đã giúp cháu và gia đình cháu để cháu yên mà học hành cho đến ngày hôm nay. Cháu cũng muốn nhắn nhủ các bạn, các em đang có cùng cảnh ngộ khó khăn như cháu, xin cứ cố gắng lên.”
Văn bằng tốt nghiệp bác sĩ của cô bé trong gia đình ăn xin 7 năm trước. (Hình: Nguyễn Thị Hiên cung cấp)
Hiên cũng muốn cám ơn nhà báo Tiến Dũng của báo Tuổi Trẻ là người đã vất vả tìm đến tận nhà cô ở Nghệ An để phỏng vấn khi cô còn học lớp 11.
Cô rấm rức khóc và kể sáng (vì giờ bên Việt Nam là ban ngày) hôm lãnh bằng tốt nghiệp cô cũng khóc: “Thầy giáo trao bằng cho 60 người đầu, rồi phải đợi nhóm ấy thay đồ ra mới có áo mũ cho nhóm sau mặc để làm lễ. Tổng cộng khóa 38 của cháu có 300 bác sĩ tốt nghiệp.”
Sau buổi lễ, cô Hiên được các bạn rủ đi ăn mừng nhưng cô nói đã phải cáo từ để về lo cho gia đình. Cha mẹ và chị gái của cô đều mắc bệnh rất khó khăn. Con của người chị gái lên 10 tuổi cũng bị bệnh bại não.
Từ khi được đi học, cô Hiên đã tự làm gương và hướng dẫn cho cậu em vào đại học, cô nói: “Gia đình cháu ngày xưa bố mẹ không được đi học, anh và chị gái cũng không được đi học, nay hai chị em cháu đã học đại học. Ðây là niềm hãnh diện cho gia đình cháu.”
Cô Hiên nói nay cô đã thành công trong chặng đường 6 năm để thành bác sĩ. Cô tự hỏi liệu sự may mắn có bao giờ đến với cô lần thứ hai không. Ý cô nói về muốn học thêm nữa và hiện cô đang ôn tập để cuối tháng này sẽ thi Cao Học, kỳ thi dành cho các sinh viên tốt nghiệp với số điểm cao. Nếu đậu, cô sẽ học chuyên khoa về mắt thêm ba năm nữa và chỉ phải đóng tiền ăn và chỗ ở, không phải trả tiền học.
Ðược hỏi về dự tính sau khi tốt nghiệp sẽ làm gì, cô cho biết: “Hiện tại cháu muốn kiếm được rất nhiều tiền để bố mẹ đỡ khổ hiện hàng ngày thiếu ăn từng bữa, lo từng manh áo; và giúp cho người chị gái có con 10 tuổi bị bệnh bại não, chậm phát triển vì suy dinh dưỡng.”
Cô cũng muốn đem sở học của mình để giúp đỡ những người nghèo khó. Cô nói nếu gia đình được ổn định, “Cháu rất muốn được học lên cao hơn nữa và nếu được đi du học thì đó là điều cháu mơ ước!”
Ðược hỏi về công việc hàng ngày của riêng mình, Hiên cho biết hàng ngày cô phải đi học ở bệnh viện và ở lại trường từ sáng đến chiều.
Những năm đầu vì môn học còn ít, cô đã đi dạy kèm tại gia, mỗi tuần ba buổi “đủ để có tiền ăn cơm và tiêu dùng”. Những năm sau, việc học nhiều và nặng nề hơn nên không còn thời gian để đi dạy nữa nên “Cháu đã tranh thủ đi bán thẻ điện thoại, hoặc đi phát tờ rơi quảng cáo cho công ty nào đó hoặc ngân hàng trong dịp đầu năm học. Ban đêm cháu phải học bài, thời gian của cháu gần như là kín. Ðây cũng là lý do cháu chưa có bạn trai đó chú ạ.”
Thỉnh thoảng cô Hiên còn phải đi thăm người em trai và hướng dẫn cho cậu em đang học năm thứ tư của đại học kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên. Cô nói vì tự biết hoàn cảnh của mình nên hai chị em đều biết ăn uống tiết kiệm để dành tiền đi học.
“Cháu biết con đường duy nhất để cho gia đình cháu được dư cơm ăn, áo mặc ấm là cháu phải học hành, nên cháu rất cố gắng.”
Hiên cho biết, năm ngoái cô đã tham gia trại Hè ‘Project Vietnam’ từ Huế vào Bến Tre do Bác Sĩ Quỳnh Kiều tổ chức. Cô gởi lời cám ơn Bác Sĩ Quỳnh Kiều và các bạn đã cùng tham dự trại.
Ðược hỏi về sự nghèo khó của cô Hiên và gia đình, Bác Sĩ Quỳnh Kiều cho nhật báo Người Việt biết, “Hiên là con nhà nghèo, dễ thương và thông minh. Tôi biết cô ấy.”
Theo Bác Sĩ Quỳnh Kiều, Hiên ít nói, làm việc chăm chỉ với vai trò một sinh viên y khoa, giúp bệnh nhân trước khi vào gặp bác sĩ. Bác Sĩ Quỳnh Kiều cũng cho biết lệ phí tham dự trại Hè là $1,000, “cụ... (giấu tên) bên Mỹ” trả $500, và Project Vietnam tặng $500 cho Hiên dưới hình thức học bổng.
Vẫn đối mặt với thách thức
Kể về hoàn cảnh hiện tại của gia đình, Hiên cho biết: “Kể từ ngày chị em cháu quyết định lấy lại ruộng đất để làm thì từ đó đến giờ gia đình cháu không phải đi ‘ăn xin’ như ngày trước nữa. Bố cháu 67 tuổi và mẹ cháu thì 72. Cả hai đã già nhưng vẫn cố gắng phụ giúp chị gái của cháu làm ruộng.”
Người chị năm nay 30 tuổi, còn sức khỏe vì còn trẻ, nhưng ít học nên không biết tính toán cách làm, cô phải gọi điện thoại nhờ mọi người chỉ bảo giùm. Tuy vất vả nhưng vì gia đình ở nơi thời tiết xấu nên kiếm gạo chỉ đủ ăn, những chi tiêu cần thiết khác phải làm thêm hay đi vay nợ mới đủ sống. “Những khoản chi này khi xưa là do cháu đi bán củi hay làm thuê, giờ thì cháu phải đi học,” cô giải thích.
Theo cô, đứa con người chị bị “bệnh tâm thần của trẻ em” không biết có phải do di truyền từ người chị một phần và từ người cha của cô hay không. Vấn đề suy dinh dưỡng là có vì thỉnh thoảng gia đình mỗi người mới được ăn 150 gram thịt. Còn lại đa phần là ăn rau.
Cô cho biết trong thời gian đi học y khoa, cô đã cố gắng dành dụm tiền mua được một cái Tivi cho gia đình (từ tiền học bổng khuyến học, tiền của “bác... (giấu tên) bên Mỹ” giúp và tiền cháu kiếm thêm) và để mua quần áo mới cho cả gia đình mỗi dịp Tết về.
“Cháu cũng đã mạnh dạn vay tiền ưu đãi cho sinh viên để mua một ‘cỗ trâu’ để bố cháu chăn dắt trâu hàng ngày cày đất, giúp thêm kinh tế cho gia đình.”
Chân dung ân nhân ẩn danh
Giúp đỡ Hiên có nhiều ân nhân, trong đó có một vị ân nhân đề nghị giấu tên mà Hiên hay nhắc đến. Cụ cho biết: “Tôi tiết kiệm đồng tiền già của tôi để có thể giúp cho cháu học hành vì cháu nó không những giỏi mà còn hay thương người.
Hình chụp lại tấm ảnh trên báo Tuổi Trẻ năm 2004 khi Nguyễn Thị Hiên chở củi trên xe đạp đi bán. (Linh Nguyễn/Người Việt)
Tôi đọc báo Người Việt, biết Hiên cũng đã từng cho ba mẹ con một người ăn xin khác đứng trú mưa trước cổng trường tờ 5,000 đồng, người mẹ bị mù. Số tiền ấy bằng nửa số tiền nó đi lấy củi trong rừng và một buổi chở xuống chợ Gám, chợ Dinh xa 20-25 cây số để bán. Nó giúp nhiều lần như thế chứ không phải chỉ một lần. Bạn bè gọi nó là nàng tiên nhỏ. Tôi học ở nó!”
Cụ cho biết trong những năm đầu, sau khi trả tiền nhà housing, cụ dành một số tiền mỗi ba tháng từ tiền già để giúp người con gái hiếu học của gia đình sống bằng việc đi ăn xin. Từ năm ngoái, cụ được tăng tiền già nên có thể giúp cô nhiều hơn trước trong việc ăn học.
Cụ tâm sự, “Tôi tự giới hạn mọi chi tiêu, cắt phần ăn của mình và giúp cho cháu từ chính đồng tiền già của tôi.”
Cụ rút trong túi áo màu xanh lợt một thẻ đi xe bus và nói tiếp: “Chiếc áo này tôi mua cũ, đã vá 15 lần rồi nhưng mặc vẫn được. Chiếc quần tây màu beige là do tôi nhặt lại từ thùng rác của người Mễ lối xóm, thấy còn tốt nên tôi mặc đến hôm nay. Tôi mong một ngày nào đó, một ai đó, một tổ chức nào đó có thể cho cháu học bổng để sang Hoa Kỳ tiếp tục học, để cháu tận dụng được khả năng của mình. Và tôi phó thác mọi sự trong tay Chúa!”
Trở Về Trang chính
▼
No comments:
Post a Comment