Trở Về Trang chính

Sunday, August 28, 2011

Chính quyền Việt Nam cần "quen" với việc người dân biểu tình theo Hiến định

Phỏng vấn Ts. Nguyễn Quang A - Nhà nước nếu muốn ngăn chặn, tôi nghĩ cũng khó ngăn chặn được, bởi vì đấy là quyền đã được Hiến định của người dân. Nhưng mà Nhà nước và những người biểu tình cũng có thể có một đối thoại gì đấy để không gây căng thẳng giữa hai bên. Bởi vì, nếu Nhà nước nghĩ rằng, mình dùng sức mạnh để bắt bớ, để dẹp, để cấm, thì tôi nghĩ rằng những cuộc biểu tình như thế sẽ còn bùng phát lớn hơn nữa, và điều đấy chưa chắc đã phải là hay. Vì những người biểu tình cũng không muốn sự căng thẳng ấy. Nhưng nếu việc dùng bạo lực mà nhiều, thì đó cũng là cái kích người ta....

Trọng Thành (RFI) - Ngày hôm nay Chủ nhật 28/7/2011, tại Hà Nội không có cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc gây hấn như các tuần trước. Hôm qua (27/8), chính quyền Hà Nội đã có một cuộc đối thoại với nhóm nhân sĩ, trí thức phản đối bản thông báo cấm biểu tình của Ủy ban Nhân dân Hà Nội (18/8).

Việc các thành viên chủ chốt trong ban lãnh đạo Hà Nội có mặt trong cuộc tiếp xúc kể trên đã được tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện - một trong các khách mời -, đánh giá là « trọng thị ». Đây là lần đầu tiên chính quyền chính thức đối thoại với những người tham gia biểu tình về chủ đề này, kể từ cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc gây hấn được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội vào Chủ nhật 5/6/2011.

RFI có cuộc phỏng vấn với tiến sĩ Nguyễn Quang A trước khi ông tham gia buổi đối thoại với lãnh đạo thành phố Hà Nội.

RFI : Xin thân chào tiến sĩ Nguyễn Quang A. Như anh biết và bản thân anh đã tham gia vào trong một số cuộc biểu tình tại Hà Nội để phản đối sự gây hấn của Trung Quốc tại vùng Biển Đông, vậy anh có thể cho thính giả biết nhận định tổng quát của anh về các cuộc biểu tình đã diễn ra từ hơn hai tháng nay ?

Nguyễn Quang A : Trong thời gian vừa qua, đã có 11 cuộc biểu tình. Trừ ba cuộc bị ngăn cản và bắt bớ, các cuộc biểu tình nói chung đã diễn ra một cách yên bình, có trật tự. Và cũng tương đối là lạ ở Việt Nam lại có những cuộc biểu tình diễn ra liên tục như vậy, và nói chung là không có sự cố gì lớn. Có ba cuộc mà lực lượng cảnh sát can thiệp tương đối mạnh mẽ và có lúc rất gay cấn. Cái đợt Chủ nhật vừa qua, cuộc biểu tình mới diễn ra được khoảng 15, 20 phút, thì [người ta] bốc hết tất cả người biểu tình lên ô tô buýt. Ngày hôm ấy, tuy không có bạo lực lớn, nhưng quy mô bắt bớ rất lớn.

RFI : Thưa anh, hiện nay có các ý kiến cho rằng, các cuộc biểu tình vừa qua là quá khích và nó thiên về chỗ kích động khía cạnh xúc cảm của những người tham gia, đánh vào tình cảm đối với đất nước. Cụ thể là trong các chương trình của đài truyền hình phỏng vấn những người dân, cán bộ địa phương, thanh niên, sinh viên. Những người này chỉ trích rất mạnh thái độ của những người tham gia biểu tình. Vậy, ý kiến của anh về điều này như thế nào ?

Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ rằng những người, mà bình luận và phát biểu như thế, hoặc là người ta chưa tham gia một cuộc biểu tình nào, có khi là chưa quan sát một cuộc biểu tình nào. Mà phát biểu với tư cách là một người đã tham gia bảy cuộc, thì tôi thấy các chỉ trích này hoàn toàn không có căn cứ gì cả. Bởi vì các cuộc biểu tình đó không hề có chuyện kích động gì cả. Không có gì là gây cấn, người ta đi rất trật tự, không có gây lộn xộn về giao thông. Đi trên vỉa hè, thậm chí mọi người bảo nhau, không được giẫm lên cỏ, không được bước xuống đường để cản trở giao thông.

Nó có xảy ra cảnh lộn xộn và mất mỹ quan ở đường phố, chỉ khi mà lực lượng cảnh sát bắt đầu xô đẩy người biểu tình, hoặc tìm cách bốc người biểu tình lên ô tô buýt. Thực sự những lộn xộn như thế chỉ xảy ra khi lực lượng cảnh sát ra tay, và như thế không thể đổ cho những người biểu tình là quá khích.

Còn tôi không muốn bình luận nhiều về một số ý kiến của những người được chọn để phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng do Nhà nước kiểm soát, nhưng tôi có thể nói một cách sơ bộ là : Hoặc là người ta không có thông tin, hoặc là người ta bị nhồi sọ, với một kiểu hiểu rằng, đã có Nhà nước lo, yêu nước có nghĩa là làm theo lời của Nhà nước. Vẫn có nhiều người ở Việt Nam bây giờ vẫn tin là như thế. Có lẽ cũng phải tôn trọng ý kiến của người ta.

Và chúng tôi thấy rằng, như thế, cần phải có nhiệm vụ nâng cao dân trí của người dân, nâng cao quan trí của quan chức để người ta hiểu đúng, người dân – công dân có những quyền gì, có những quyền phát biểu ra sao. Tôi nghĩ, cũng có thể Nhà nước muốn người dân toàn bộ đều ngoan ngoãn như thế, nhưng nếu mà toàn bộ người dân mà cũng ngoan ngoãn, vâng lời như thế, thì tôi nghĩ đấy sẽ là một xã hội hết sức không bình thường.

Những xúc cảm, những căng thẳng về xã hội phải được bộc lộ ra, thì những căng thẳng xã hội sẽ bớt đi. Các thành phần trong xã hội, từ những người lãnh đạo, cho đến các tổ chức khác cũng thấy được một tín hiệu, và có được những cách để hiệu chỉnh cái ứng xử, cũng như chính sách của mình. Thế thì như thế là tốt để xã hội phát triển lên.

RFI : Trong các phản đối hoạt động biểu tình, thì có luận điểm cho rằng biểu tình chỉ là hô khẩu hiệu và nói những điều chung chung, chứ không phải là đi vào những việc làm cụ thể và có ý nghĩa thiết thực, vậy ý kiến của anh về quan điểm này như thế nào ?

Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ rằng có nhiều việc làm. Việc biểu tình thể hiện nguyện vọng, tâm tư, ý chí của người dân là một cách, và cách đó cũng phải được tôn trọng. Tất nhiên, còn nhiều việc khác phải làm, nhưng mà, nhân danh những việc khác mà bảo rằng, việc làm này là không tốt, thậm chí người ta còn nói là « phản động », thì tôi nghĩ đó là những cách hiểu rất sai lầm.

RFI : Thưa anh, lại có ý nghĩ đặt vấn đề rằng, nếu trong hai tháng vừa qua, không có các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc vào Chủ nhật, thì các quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc có khác đi không ?

Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ, có thể những cuộc biểu tình này không ảnh hưởng nhiều đến quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, nó có thể có ảnh hưởng nhất định để cho nhà cầm quyền Trung Quốc phải cảm nhận được tinh thần của Việt Nam, và có thể nhà đương cục Việt Nam có thể có cơ sở nào đấy để hỗ trợ họ trong việc đàm phán, đấu tranh với Trung Quốc.

RFI : Vâng, thưa anh, trở lại chuyện đối xử của chính quyền đối với những người biểu tình, thì có lúc họ để cho cuộc biểu tình diễn ra một cách bình ổn, còn nếu không thì can thiệp, cụ thể là có ba lần bắt bớ, gây ra lộn xộn. Vậy, anh có thể cho biết lý giải của anh, tại sao lại có sự khác biệt như vậy từ phía Nhà nước, lúc thế này, lúc thế kia ?

Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ rằng, đúng là chính quyền ở Hà Nội và Việt Nam nói chung ở vào trong một thế tương đối khó xử. Họ chưa quen với các hoạt động như vậy. Có lẽ, họ phải quen dần, vì trong một xã hội văn minh biểu tình là chuyện hết sức bình thường. Họ sẽ phải hoàn thiện khung pháp lý để cho những chuyện như thế có thể diễn ra một cách văn minh.

Về chuyện có sự ứng xử không nhất quán, lúc thế này, lúc thế kia, chỉ nói thí dụ của bản thông báo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội yêu cầu chấm dứt các cuộc biểu tình tự phát. Thông báo này đưa ra không đúng với pháp luật, không có người ký. Việc không có người ký có thể phản ánh một sự giằng co, một sự do dự, rất là khó [xử] của nhà cầm quyền ở Hà Nội.

RFI : Thưa anh, như thế đã có 11 cuộc biểu tình diễn ra, vậy anh nghĩ như thế nào về hoạt động tuần hành phản đối sự xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc nói chung ?

Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ rằng, chừng nào mà Việt Nam muốn trở thành một nước dân chủ, văn minh, thì chính quyền hay Nhà nước phải chấp nhận cái quyền của người dân đã được ghi trong Hiến pháp, và chắc chắn phải có những quy định để cho những cuộc biểu tình như thế diễn ra một cách văn minh.

Về những cuộc biểu tình chống hoạt động xâm lấn của Trung Quốc đối với các vùng biển, đảo của Việt Nam, thì tôi nghĩ, sẽ còn có thể kéo dài, vì việc giải quyết cái vấn đề này là chuyện lâu dài, chứ không nhanh được. Việc biểu tình có diễn ra liên tục hay không, tôi không dám nói, nhưng tôi nghĩ, chừng nào những gây hấn còn tiếp tục thì khó có thể hy vọng sẽ không có các cuộc biểu tình.

Tất nhiên, Nhà nước nếu muốn ngăn chặn, tôi nghĩ cũng khó ngăn chặn được, bởi vì đấy là quyền đã được Hiến định của người dân. Nhưng mà Nhà nước và những người biểu tình cũng có thể có một đối thoại gì đấy để không gây căng thẳng giữa hai bên. Bởi vì, nếu Nhà nước nghĩ rằng, mình dùng sức mạnh để bắt bớ, để dẹp, để cấm, thì tôi nghĩ rằng những cuộc biểu tình như thế sẽ còn bùng phát lớn hơn nữa, và điều đấy chưa chắc đã phải là hay. Vì những người biểu tình cũng không muốn sự căng thẳng ấy. Nhưng nếu việc dùng bạo lực mà nhiều, thì đó cũng là cái kích người ta.

Tôi nghĩ, có hai sự kích động. Thứ nhất là từ phía các hành động của nhà cầm quyền Trung Quốc. Điều thứ hai là ứng xử của lực lượng cảnh sát. Nếu mà lực lượng này giữ yên bình, cho các hoạt động biểu tình diễn ra bình thường, thì tôi nghĩ rằng có thể các cuộc biểu tình không đến nỗi nhiều như thế.

RFI : Xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Nguyễn Quang A.

No comments:

Post a Comment