Trong cuộc họp cuối tuần qua, tại Wyoming, Mỹ, đại diện FED, IMF, OECD, kêu gọi lãnh đạo các nước nhanh chóng hành động, ngăn chặn nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng.
Cuối tuần qua, đại diện các định chế kinh tế tài chính lớn trên thế giới như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ – FED, Quỹ Tiền Tế Quốc Tế – IMF, Tổ chức Hợp tác và Pháp triển Kinh tế – OECD, đã họp tại Jackson Hole, tiểu bang Wyoming, phía tây Hoa Kỳ để thảo luận về tình hình kinh tế thế giới và kêu gọi giới lãnh đạo các nước, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ, hãy nhanh chóng hành động để đối phó với nguy cơ nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng.
Những người tham dự cuộc họp lo ngại là việc suy giảm tăng trưởng và mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nợ sẽ trở thành mối nguy hiểm thực sự đối với nền kinh tế thế giới nếu các quốc gia không ra tay kịp thời.
Ngay từ hôm thứ Sáu, 26/08, lãnh đạo Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, Ben Berkanke đã nhấn mạnh rằng việc thiết lập những cơ sở vững chắc hỗ trợ cho tăng trưởng, về lâu dài, thuộc về trách nhiệm của chính quyền Mỹ, cụ thể là Nhà Trắng và Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ.
Hôm sau, 27/08, tổng giám đốc IMF Christine Lagarde đã cảnh báo nguy cơ kinh tế toàn cầu lại đi vào suy thoái và bà kêu gọi giới lãnh đạo các nước phải hành động ngay lập tức, chú trọng vào việc nâng cao mức vốn của các ngân hàng.
Trong khi đó, ông Angel Gurria, tổng thư ký OECD nói với Reuters là “tại châu Âu và Hoa Kỳ, việc quản lý, điều hành đang ở trong thời kỳ không được sáng sủa cho lắm ».
Nếu như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 bắt đầu từ những nguy khốn, phá sản của một số ngân hàng lớn và nhà nước đã phải can thiệp để cứu giúp, thì giờ đây, tình hình đảo ngược lại. Các nhà nước đang gặp khó khăn về tài chính và hệ thống ngân hàng, đã phục hồi nhanh chóng và phát triển mạnh, sẽ đóng vai trò cứu nguy cho nhà nước.
Tại Hoa Kỳ, các cuộc tranh luận mang mầu sắc phe phái chính trị liên quan đến việc giảm thâm hụt ngân sách, nâng mức trần nợ công, đã đặt nền kinh tế số một thế giới trước nguy cơ mất khả năng thanh toán. Hậu quả là cơ quan thẩm định tài chính quốc tế Standard & Poor’s đã hạ điểm tín nhiệm của Mỹ.
Còn tại châu Âu, khu vực đồng tiền chung Euro thì bị chia rẽ về việc nước nào sẽ phải gánh chịu nhiều nhất hậu quả của cuộc khủng hoảng nợ công ; các cuộc thảo luận về khả năng phát hành công trái châu Âu hoặc điều kiện giúp đỡ Hy Lạp phản ánh những bất đồng sâu sắc giữa các thành viên khu vực đồng Euro.
Trong cuộc họp tại Jackson Hole, tổng giám đốc IMF cảnh báo không nên giảm thâm hụt ngân sách quá nhanh vì điều này có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế thế giới hiện còn đang chập chững. Đây cũng là nhận định của lãnh đạo Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, Bernanke, theo đó, « những quan chức phụ trách các vấn đề ngân sách phải chú ý tới sự phục hồi kinh tế mong manh hiện nay ».
Kể từ khi xẩy ra khủng hoảng tài chính, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã hạ lãi suất xuống mức gần số không và đã mua vào 2300 tỷ đô la công trái để hỗ trợ kinh tế phục hồi. Như vậy, Ngân hàng Trung ương Mỹ đã sử dụng các công cụ điều chỉnh tiền tệ có trong tay, từ nay, việc cải thiện tình hình phụ thuộc hoàn toàn vào chính sách ngân sách.
Theo kinh tế gia Glenn Hubbard, thuộc Columbia Business School, Hoa Kỳ, thì phát biểu của ông Bernanke là một lời nhắc nhở đối với chính phủ Mỹ : Đừng dồn trách nhiệm cho Cục Dự trữ Liên bang nữa, giờ đến lượt chính phủ phải làm việc.
Lời kêu gọi của giới lãnh đạo kinh tế tài chính thế giới dường như đã có tác dụng. Ngay từ hôm thứ Sáu, tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói chuyện với tổng giám đốc IMF và cả hai bên đều cho rằng trước mắt, nền kinh tế thế giới cần những biện pháp hỗ trợ tăng trưởng.
Đối với châu Âu, chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet và lãnh đạo IMF cùng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải củng cố khả năng hoạt động của mạng lưới ngân hàng.
No comments:
Post a Comment