Phan Mai (Phapluattp) - Phát biểu tại phiên họp cuối cùng của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, nhà sử học Dương Trung Quốc nêu “một hiện tượng hi hữu trong lịch sử Quốc hội: Một vị phó thủ tướng thường trực trình bày bản báo cáo của Chính phủ ở đầu kỳ họp trở thành chủ tịch Quốc hội chủ trì giám sát ngay chính bản báo cáo của mình”.
Ngay tại cuộc họp báo buổi chiều, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng xác nhận từ phó thủ tướng sang chủ tịch Quốc hội là chuyển hẳn tư duy và phương thức làm việc và ông hứa sẽ “không nhầm vai”, giống như việc ông đã phải “nhập vai” từ vai trò thủ trưởng (bộ trưởng Tài chính) sang vị trí giúp việc (phó thủ tướng).
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của nhà sử học thì việc có một nhà hành pháp lại trở thành nhà lập pháp và việc “nhiều thành viên của Chính phủ hóa thân vào Quốc hội” thì đây là “lần đầu tiên”. Bởi trong đại đa số các khóa gần đây, nhân sự cho vị trí chủ tịch Quốc hội đều xuất phát từ những vị trí cao cấp của Đảng, như các ông Lê Quang Đạo, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Văn An, Nguyễn Phú Trọng. Các khóa Quốc hội dưới bàn tay điều hành của các vị nói trên đã thực sự trở thành diễn đàn dân chủ, đổi mới và đặc biệt là việc thể hiện chức năng giám sát tối cao với Chính phủ, chức năng mà cử tri cả nước ủy quyền và luôn chờ đợi.
Thế thì với một chủ tịch Quốc hội xuất thân từ hành pháp, “sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực” giữa các chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp sẽ thể hiện ra sao? Nhiều người muốn chia sẻ với nhà sử học Dương Trung Quốc, “nhìn nhận mặt tích cực của hiện tượng này: Chủ tịch Quốc hội biết được tất cả chỗ mạnh, chỗ yếu của Chính phủ... và hy vọng chủ tịch Quốc hội sẽ thực thi trách nhiệm cùng Quốc hội giám sát Chính phủ chặt chẽ hơn”.
Niềm tin của nhà sử học và đông đảo cử tri nếu được thực thi sẽ là điều tốt cho đất nước!
0 comments:
Post a Comment