Friday, August 5, 2011

Diễn Biến Bạo Động Trong Chế Độ CS

tancuong

Vi Anh

Từ ngày mở cửa cho ngoại quốc vào đầu tư, CS Hà nội sợ “diễn biến hoà bình” như sĩ tử trường thi ngày xưa sợ phạm húy. CS Hà nội nói trại ra về phong trào ánh sáng tự do dân chủ, nhân quyền theo trào lưu kinh tế tự do toàn cầu thâm nhập vào chế độ CS độc tài đảng trị toàn diện. Hiện tượng này chuyển hoá tư tưởng, hành động cán bộ, đảng viên và người dân.

Nhưng lo sợ và ngăn chận cũng không được. Cán bộ, đảng viên tự chuyển hoá, chuyển biến, có người ly khai, có người “bằng mặt nhưng không bằng lòng với Đảng”. Tôn giáo không chấp nhận sự kiểm soát, lãnh đạo, chỉ huy của Đảng, đòi tư do tôn giáo, đòi độc lập quàn trị, coi ủy ban tôn giáo của Đảng Nhà Nước như không có.

Người dân trí thức bất đồng chánh kiến, chống đối Đảng độc tài đảng trị toàn diện. Người dân nghèo nông thôn và thành thị chống Đảng Nhà Nước bất công, tham nhũng, lợi dụng chính sách qui hoạch, trưng dụng trả rẻ mạt như cướp đất cướp nhà của dân. Công nhân biểu tình đòi tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc trước chinh sách kềm tiền lương công nhân để thu hút dầu tư ngoại quốc.

Nhiều cuộc đấu tranh của người dân không còn “diễn biến hoà bình” nữa. Nhiều nơi, nhiều vụ có tính bất tuân hành dân sự. Hàng ngũ trí thức, nhứt là luật sư dùng hiến pháp, luật pháp hữu danh vô thực của CS như dùng gậy ông để đập lưng ông. Các tôn giáo quyết giữ tính độc lập khiến các giáo hội quốc doanh do CS dàn dựng chẳng những không có danh và cũng không có thực; nội chữ quốc doanh mà người dân trong nước dùng đã tỏ khinh khi, hàm nghĩa buôn bán, theo kiểu CS.

Phong trào đấu tranh của người dân đang mấp mé sang giai đoạn mới nữa. Vượt qua giai đoạn bất tuân hành dân sự, không “diễn biến hoà bình” nữa. Mà nhiều vụ, nhiều nơi diễn biến bạo động trong hai chế độ CS lớn còn sót lại ở Á châu Trung Cộng và Việt Cộng.

Một vài thí dụ minh hoạ điển hình. Ở Trung Cộng, một số vụ nhân dân bạo động đến đổi báo Libération của Pháp cho đó là hiện tượng ‘’tức nước vỡ bờ’’, người dân Trung Quốc không còn ngồi yên chịu đựng, mà đã phản ứng mạnh mẽ trước những vụ sách nhiễu của những người mà nhiệm vụ là đảm trách an ninh trật tự. Như tại An Thuận, Quý Châu, hôm thứ Ba 26-7 dân chúng phẩn nộ nổi lên đốt xe cảnh sát, đánh đội trật tự gọi là ‘’thành quản’’ dẹp lòng lề đường đã đánh chết một người cụt giò, bán hàng rong rái cây. Tân Hoa Xã cho biết 30 người dân và 10 công an cảnh sát bị thương.

Phong trào bạo động có tăng, chớ không giảm. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội của TC công bố mỗi năm có hơn 70.000, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam. Đa số là những vụ có chết, bị thương, đốt cơ quan, bắt người. Con số chánh thức mà đã 70 000 vụ mỗi năm, con số thực tế phải cao hơn nhiều vì xu hướng của Đảng Nhà Nước CS là ít hay không đưa ra những gì mà họ gọi là “tiêu cực” trong chế độ CS.

Mỗi năm 70 ngàn vụ, nếu tính trung bình thì mỗi ngày gần 200 vụ. Chính Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã từng cảnh báo về bất ổn định xã hội đang đe dọa Trung Quốc. Đảng Nhà Nước TC tăng ngân sách an ninh quốc nội năm nay lên 14%, (nhiều hơn quốc phòng).

Tại Tân Cương trong vài tuần có tới mấy cuộc bạo động. Tin báo Le Monde, hai người Duy Ngô Nhỉ hành động cảm tử. Đêm 30/07/2011đâm chết 8 người và gây thương tích cho 28 người khác tại thành phố Kashgar (Khách Thập), Tân Cương, gần biên giới Kirghzistan. Theo tổ chức Duy Ngô Nhĩ ly khai, trước vụ tấn công này, có người nghe thấy hai tiếng nổ, từ phiá chợ và từ một chiếc xe van. Phần lớn chết và bị thương là người trong lực lượng an ninh, có cả người Hán và lẫn người Duy Ngô Nhĩ. Hung thủ một người chết, một người bị bắt.

Trước vụ này hai tuần, nhiều người xung đột và tấn công vào trụ sở công an ở Hòa Tân đã làm 20 người thiệt mạng”. Theo Tổ chức người Duy Ngô Nhĩ ly khai khẳng định chính công an đã đánh chết 14 người Duy Ngô Nhĩ và bắn chết.

Kể từ năm 2009 tới nay, hơn 200 người đã thiệt mạng trong các cuộc xô xát giữa hai nhóm người Hán thân TC và người Duy Ngô Nhĩ ly khai.

Tình hình bạo động của dân chúng truyền sang những người làm “ báo đài” của Đảng Nhà nước CS. Trước khi làm báo, nhà báo là một người dân. Trước nỗi khổ của dân, trước cái gian ác của nhà cầm quyền CS, người làm báo đài cho Đảng Nhà Nước cũng phản kháng, xé rào.

Trong vụ tai nạn tàu cao tốc ở Ôn Châu 40 người chết, gần 200 người bị thương và gây ra phản ứng hoài nghi trong công luận về sự mở rộng nhanh chóng của mạng lưới tàu cao tốc của Trung Quốc. Đảng Nhà Nước cấm không cho khai thác vụ tàu cao tốc bị lật. Lệnh cấm rất rõ ràng: “Không được phép công bố bất kỳ tin tức hay bình luận nào (về sự kiện này), ngoại trừ thông tin tích cực hoặc các thông tin được các cơ quan có thẩm quyền loan tải”.

Nhưng những người làm truyền thông bất bình và tìm cách hành động chống lại lịnh. Lương tâm con người và đạo lý nghề nghiệp đã thúc đẩy những nhà báo nằm trong hệ thống của Đảng tìm cách uốn mình qua ngỏ hẹp. Họ lợi dụng lời hứa của Thủ Tướng Ôn gia Bảo tất cả sẽ được minh bạch rõ ràng, để thông tin, nghị luận trung thực. Nhân Dân Nhật báo, thứ Năm 28/07, bình luận “cần phát triển, chứ không cần GDP dính máu”. Báo nào không đăng được thì đưa bài bị kiểm duyệt lên trang mạng xã hội của TQ là Vi Bác (Weibo), một hình thức mạng Twitter của Trung Quốc. Có người bị đảng ủy buộc phải viết gắp bài để thay thế cho những bài bị rút theo lịnh cấm, họ uất ức khóc thét lên như một nhà báo trong hoàn cảnh này đã tâm sự báo Le Monde trích dẫn: “Tôi được lệnh viết ngay một cái gì đó để điền vào các trang trống vào lúc 10 giờ tối. Đến nửa đêm, tôi không còn tự kềm chế được nữa và phải bật khóc”.

Còn ở VN, sinh viên cũng hết sợ công an, hết sợ đảng đoàn trù dập, đuổi học hay làm hại tương lai sự nghiệp. Sinh viên không ngần ngại đi biểu tình, xông vào giải cứu bạn bị công an bắt. Tin phân tích phát ngày 31/07/2011của Đài RFI của Pháp, một sinh viên VN trả lời câu hỏi “RFI: Bạn có bao giờ bị bắt chưa ? – SV: Dạ, bị bắt một lần vào ngày 10/7. Hôm ấy khoảng tám giờ rưỡi, cuộc biểu tình diễn ra được một lúc, độ khoảng mươi, mười lăm phút, mươi phút thôi, vừa mới đi được vài bước chân thì công an nhảy vào bắt một anh. Thế là em cũng xông vào để giải cứu cho anh đấy.” “ RFI: Đối với nhà trường thì bạn có gặp rắc rối gì không khi tham gia các cuộc biểu tình như vậy ?

SV: – Có một ít rắc rối, do công an đưa giấy về trường, nên nhà trường có gọi em lên một chút để nói chuyện. Nhà trường muốn yêu cầu em không đi biểu tình nữa, muốn em ký vào biên bản, trong đó ghi ý kiến của các thầy là đã bảo em không nên đi biểu tình. Còn em nói là em không đồng ý với ý kiến đó. Các thầy muốn em ký vào nhưng em không ký ! Các thầy quy vào điều 43 trong quy chế, nếu gây ảnh hưởng xấu đến nhà trường thì trường có quyền buộc thôi học. Em có biết đâu, hôm ấy các thầy dọa thế thì em mới biết cái luật ấy chị ạ. Em đi biểu tình thể hiện lòng yêu nước, nhà trường nói đấy là gây ảnh hưởng xấu đến nhà trường !”

Một sinh viên học ở dại học của CS, có tổ chức đảng, đòan, nắm lý lịch, có quyền cho nghỉ học, có quyền cho thi hay không mà trả lời với cương quyết như thế, những lời nói đó có thể làm tiêu tương lai mà còn khẳng khái nói như vậy, thì tiếng nói đó không phải là bốc đồng, ngẩu hứng, xuất phát từ cảm xúc. Mà tiếng nói và hành dộng đó phải là tiềng nói của lương tâm, hành động đó là hành động của đạo lý.

Quyền lực thống trị và khống chế nhân dân của Cộng sản chánh yếu dựa vào hai cột trụ: bằng tuyên truyền dối gạt hoặc bưng bít thông tin và khủng bố để củng cố tuyên truyền. Trong thời kỳ CS mở cửa cho đầu tư nước ngoài vào ; trong thời đại kinh tế tự do toàn cầu và khoa học kỹ thuật Tin Học tiến bộ giải thoát Con Người nói chung, người ta thấy phong trào phản kháng càng ngày càng mạnh trong các chế độ CS độc tài đảng trị toàn diện. Tiếng nói lương tâm và hành động đạo lý càng ngày càng phổ biến và mạnh dạn, thách thức thế cầm quuyền Đảng Nhà Nước CS kềm kẹp người dân.
Hết rồi cái thời CS thống trị và khống chế nhân dân: bằng tuyên truyền dối gạt hoặc bưng bít thông tin và khủng bố để củng cố tuyên truyền. Bây giờ không dễ đàn áp người dân nữa đâu./. ( Vi Anh)

0 comments:

Powered By Blogger