Tưởng Năng Tiến
Truyện Bố Già của Mario Puzo mở đầu bằng một vụ xử án bất công, thấy rõ:
“Amerigo Bonasera có việc ra Toà, Toà Đại hình Nữu Ước, Phòng 3 để nghe công lý phán xét, trừng trị hai thằng khốn can tội bạo hành, toan cưỡng dâm con gái lão.
Ngài Chánh án uy nghi, bệ vệ vén áo thụng đen làm như sắp đích thân ra tay trị hai thằng nhãi ranh đang đứng xớ rớ trước Toà.
Giọng ngài sang sảng, lạnh tanh:
- Tụi bây hành động như những quân côn đồ tồi tệ nhất. Tụi bây làm như thú dữ ở rừng vậy! Cũng may mà cô bé đáng thương kia chưa bị tụi bây xâm phạm tiết hạnh, bằng không thì mỗi đứa 20 năm chắc… Xét vì tụi bây còn nhỏ, chưa có tiền án và con nhà đàng hoàng… Vả lại xét vì luật pháp đặt ra chẳng phải để trả thù nên toà tuyên phạt mỗi đứa 3 năm tù, cho hưởng án treo!
………
Bonasera nghiến răng nghe nỗi đắng cay trào lên nghẹn họng. Lão đưa chiếc khăn tay trắng lên bụm chặt miệng, ngó hai thằng khốn đi tà tà trở ra. Mặt chúng tươi rói, chúng tỉnh bơ không thèm nhìn lão một phát. Đành đứng trơ ra vậy.
Cha mẹ chúng tò tò đi theo: hai cặp vợ chồng Mỹ trạc tuổi lão, bề ngoài Mỹ rặt bẽn lẽn ra mặt nhưng ánh mắt vẫn cứ vênh váo ngầm…
Lão quyết định tìm tới cố nhân Corleone, tốn bao nhiêu thì tốn…”
“Tìm tới cố nhân Corelone,” lão Bonasera không phải chi một đồng nào nhưng hai cậu nhóc “con nhà đàng hoàng” vẫn bị xử lại (và xử đẹp) cấp kỳ bằng một trận đòn thừa sống thiếu chết:
“Đàn anh Paulie xỏ đồ nghề vô tay mặt, biểu diễn quả đấm đồng trang bị mấy hàng gai 2 ly cho cậu Jerry coi chơi. Mỗi tuần nó đến võ đường dượt 3 lần, đập có thằng giữ thì còn gì là mặt mũi?
Chát… chát… chát… là xong phần mặt.
Thằng hộ pháp bèn xốc bổng lên, chìa bụng cậu Jerry ra cho đàn anh vung tay quạt. Bịch… bịch… Nó buông ra là cậu nằm một đống, trước sau vừa vặn 6 giây.
Hai đứa quay sang cậu Kevin. Tụi nó đâu có đấm bằng tay? Quạng là quạng bằng cả sức người lao theo nên bung ra một đòn là có thịt rách và xương gãy, đứng ngoài nghe cũng thấy.
Cỡ năm bảy giây sau thì Kevin được buông tha. Nằm nhũn ra, mặt mũi bầy hầy.”
Hai cậu Jerry và Kevin, nghe đâu, nằm nhà thương cả tháng.
Từ đó về sau, hễ thoáng thấy đàn bà con gái (nói chung) và đám di dân gốc Ý (nói riêng) là hai cậu lảng đi chỗ khác chơi liền. Cho ăn kẹo cũng không dám buông lời tán tỉnh hay chọc ghẹo bâng quơ, đừng nói chi đến chuyện sàm sỡ như trước nữa.
Trận đòn, ngó bộ, hơi bị nặng tay.
Tụi Mafia, rõ ràng, là có khuynh hướng trọng nữ khinh nam. Đụng tới phự nữ là tụi nó nổi giận cấp kỳ, và phản ứng (có phần) quá đáng.
Cách đây vài năm, cảnh sát Sicily tìm được (trong sào huyệt của ông trùm Salvatore Lo Piccolo,) “Mười điều răn” (Ten Commandments) của đám Mafia địa phương.
Đọc xong, quí bà và quí cô đều phải xuýt xoa và tấm tắc khen:
- Phải kính trọng vợ.
- Không được dòm ngó vợ bạn.
- Không được lem nhem về tiền bạc.
- Luôn giữ đúng hẹn.
- Không bao giờ nói dối.
…
Thiệt, có một thằng con hay thằng rể ăn ở và cư xử mực thước (quá cỡ) như vậy thì ai mà không hãnh diện chớ? Lỡ nó có dính tới băng đảng Mafia “chút xíu” thì cũng đã chết ai đâu nào?
Thằng nhỏ có hung dữ, đánh đập ai ở ngoài đường thây kệ, miễn nó “kính trọng vợ con” và “không dòm ngó tới vợ bạn” (và em vợ mình) là yên bụng rồi – đúng không?
Điều răn thứ IV mới thiệt là quí hoá. Đọc mà mát ruột mát gan: “Don’t go to pubs and clubs” (Không được chàng ràng ở quán bia ôm hay quán nhậu).
Phải vậy chớ. Đ… má, tui ghét nhứt là cái thứ đàn ông mà mở miệng ra là chửi thề, hoặc tu bia, hay nốc rượu ào ào. Thiệt là mất cảm tình hết sức!
Trong phần lời tựa của cuốn Bố Già, bản Việt ngữ, dịch giả Ngọc Thứ Lang còn cho biết thêm đôi điều lý thú khác nữa:
“Nhiều tư liệu gần đây về Mafia và ‘The Godfather’ cho chúng ta biết rằng nhân vật ‘Bố Già”’ngoài đời chính là Don Vito Cascio Ferro, một trong những thủ lĩnh quan trọng đầu tiên của giới Mafia Ý di cư sang Mỹ…
Nhưng đối với bạn bè, thân quyến, ‘Bố Già’ gần như là một đấng toàn năng có thể cứu họ thoát khỏi những thế kẹt và nỗi oan ức mà ngay cả luật pháp cũng chẳng gỡ được.
Ông đúng là ‘Mafia’ theo cái nghĩa nguyên thủy của nó thuở ban đầu hình thành, nơi ẩn náu.”
Những người ở trong “thế kẹt” và có “những nỗi oan ức” phải tìm đến Bố Già nhờ giúp đỡ (phần lớn) là những di dân nghèo khổ, không được pháp luật Hoa Kỳ – vào hồi đầu thế kỷ XX – che chở (đúng mức) khi cần.
Như thế, băng đảng Mafia “thuở ban đầu hình thành” – xem chừng – với rất nhiều khí khái và thiện ý: đứng với kẻ ở thế cô, và sẵn sáng cứu khổ/phò nguy.
Đảng Cộng sản Việt Nam cũng “khởi nghiệp” với những tuyên ngôn và khẩu hiệu nghe (tử tế) tương tự.
Họ hô hào chống lại áp bức, bất công, kỳ thị…
Nhờ vậy, họ vận động được quần chúng – kể cả những thành phần thiểu số, “ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng” – nổi dậy “giành lấy chính quyền về tay nhân dân.”
Nhân dịp kỷ niệm 64 năm cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, ký giả Đoan Trang – trong một bài phỏng vấn, đọc được trên tuanvietnam.net – gọi đây là “Cuộc khởi nghĩa của những người tay không”. Cô Đoan Trang quả là… khéo nói. Nghe (thiệt) lãng mạn hết biết luôn!
Chỉ có điều đáng phàn nàn là sau khi “những người tay không” nắm được quyền bính trong tay thì họ (tức khắc) hành xử như một đám côn đồ.
Thử nhìn cách họ đàn áp “những người (vẫn) tay không” thuộc những sắc dân thiểu số “ở vùng xa vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng” coi:
“Từ mờ sáng, từng đoàn người Thượng già trẻ trai gái vai mang gùi, lưng địu con cùng tựa lưng sát cánh bên nhau túa tràn vào trung tâm các thành phố Pleiku, Buôn Mê Thuột, Kon Tum… Để ngăn chặn đoàn người ở các nơi đến điểm hẹn, công an tại các tỉnh nói trên đã huy động công nhân người Kinh trong những xí nghiệp, những cơ quan hành chính, các đoàn thanh niên CS và công an giả dạng thường dân ùa ra tấn công vào đoàn người Thượng đang trên đường đi. (Đăm So – “Người Thượng trên Cao Nguyên: quả bom nổ chậm”.)
Thành quả của cuộc tấn công này, được ông theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc , tổng kết như sau:
“Chỉ có hai người trong số những người cố ý gây rối trật tự công cộng bị chết do chính họ ném đá vào nhau. Ngoài ra, còn có vài chục người bị thương trong các cuộc ẩu đả lẫn nhau.”
Ít xịt hà, má ơi.
Thằng chả quên nói thêm rằng những kẻ ném đá chính là “công an giả dạng thường dân,” còn “hai người chết” và “vài chục người bị thương” thì mới là “thường dân thứ thiệt.”
Chiến thuật “con ngựa thành Troy,” tất nhiên, không chỉ áp dụng đặc biệt với những sắc dân thiểu số. Đây là cơ hội đồng đều (equal opportunity) dành cho tất cả mọi giới người – không phân biệt giới tính, nghề nghiệp, sắc tộc, tôn giáo… gì ráo trọi.
Đọc thử một đoạn trong “Bản lên án của Liên hiệp Âu châu” thì biết:
“Ngày 3 tháng 5: Ông Nguyễn Văn Thơ và ông Lê Văn Sóc, Hội trưởng và Phó Hội trưởng Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo Truyền thống ở tỉnh Đồng Tháp, bị Toà án tỉnh Đồng Tháp tuyên án 6 năm tù mỗi vị; Anh Nguyễn Văn Thuỳ (tự Tam), Tổng vụ Thanh niên PGHH TT tỉnh Vĩnh Long, 5 năm tù; và bà Dương Thị Tròn, Hội trưởng Hội đoàn Phụ nữ Từ thiện PGHH tỉnh Đồng Tháp, 4 năm tù ở. Tất cả bị bắt vì phản đối công an giả thường dân đánh đập 20 tín đồ Phật giáo Hoà Hảo đi dự một đám tang về…”
Trong vụ “Xã Hội Đen Tấn Công Tu Viện Bát Nhã,” đặc phái viên Thiện Giao (RFA) có bài tường thuật như sau:
“Bắt đầu từ thứ Bảy, 27 tháng Sáu, và kéo dài đến khuya 28, rạng sáng 29 tháng Sáu, nhân chứng nói rằng thanh niên xã hội đen, có khi lên đến 200 người, kéo vào đập phá và đòi đuổi khoảng 400 tăng sinh đang tu tập theo pháp môn Làng Mai tại tu viện Bát Nhã, xã Dambri, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.”
Nhà báo Vi Anh cũng có bài tường thuật (“Cộng sản xúi hận thù Công giáo”) với nội dung tương tự: cho:
“Một đòn ác đức nhứt của CS Hà Nội trong vụ Tam Toà là cho công an giả dạng thường dân, dùng côn đồ để đánh đập giáo dân hầu chia rẽ lương giáo, xúi giục hận thù Công Giáo… Tưởng cũng nên nhớ công an, dân quân, dân phòng của nhà cầm quyền CS giả dạng thường dân đã từng cả trăm lần cầm hung khí, gậy gộc có chuốt cạnh, đánh dân oan ở Vườn hoa Mai Xuân Thưởng, ở Sài Gòn, Mỹ Tho trước sự hiện diện của cán bộ ủy ban, công an CS đứng thị thiền cho đánh thay vì can thiệp bảo vệ an ninh, trật tự và sinh mạng của người dân.”
Mà “công an giả dạng thường dân” không chỉ xuất hiện trong những vụ “khiếu kiện đông người” thôi đâu.
Chiến thuật “quần chúng tự phát” còn được áp dụng đối với những cá nhân bất đồng chính kiến – cùng với những phương tiện (cũng hoàn toàn tự phát) và có thể sử dụng ở mức… đại trà – theo lời của ông Lê Anh Dũng, đọc được trên diễn đàn talawas:
“Cứt không còn được dùng theo kiểu ngẫu hứng, thủ công cá thể, mà cứt được thu thập một cách có tổ chức, chứa trong sọt để có thể quăng, ném một cách dồi dào; sự chuẩn bị, hiệp đồng được công an đóng chốt tại chỗ nắm vững. Đây không còn là hành xử của một chính quyền mà là cách hành xử của một bọn lưu manh, hạ cấp chiếm đóng chính quyền.”
Tôi không biết khi đề cập đến “bọn lưu manh, hạ cấp” – trong đoạn văn thượng dẫn – ông Lê Anh Dũng muốn ám chỉ đến ai. Tôi chỉ thầm mong ông ấy không bị lầm lẫn (hoặc đánh đồng) Đảng CSVN với những băng đảng Mafia – như rất nhiều người khác – thôi.
Thời gian vừa qua, thiên hạ hay gọi đám người đang nắm quyền bính ở Việt Nam là “bọn Mafia” hay “băng đảng Mafia đỏ.”
Ý Trời, đừng có nói (đại) như vậy mang tội chết (mẹ) à nha, mấy cha.
Mafia đâu có hành động đê tiện dữ vậy.
Tụi nó cũng cướp của, tống tiền, khủng bố… nhưng đâu có ăn hối lộ, ăn chặn, và cướp đất của những người cùng khổ.
Tụi nó cũng đâu có bao giờ phải “giả dạng thường dân” hay “ném đá giấu tay” như đám công an cách mạng.
Khi cần, đám Mafia (dám) ném lựu đạn như không, chớ đâu có cái chuyện ném cứt – bẩn thỉu, dơ dáy, và đáng tởm vậy – như dân băng đảng ở làng Ba Đình, Hà Nội, đúng không?
Tôi bảo đảm rằng nếu các quí ông Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Hộ… gia nhập bất cứ băng đảng Mafia nào, thay vì Đảng Cộng sản Việt Nam – chắc chắn – họ sẽ được đối xử tử tế hơn nhiều vào lúc cuối đời, nếu chưa muốn nói là sẽ được đàn em tuyệt đối kính trọng vì cách hành xử can trường và nghĩa khí.
Nếu bọn Mafia, đôi khi, phải làm những điều khuất tất, chả qua vì họ ở cái thế chẳng đặng đừng, của những người thất thế – ở bên lề xã hội.
Chứ còn cứ mở miệng ra là “toàn thắng đã về ta,” và cứ “đi hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác” mà (đ… mẹ) cách hành xử thì kém xa bọn băng đảng xã hội đen thì coi sao được – mấy cha?
Tưởng Năng Tiến
No comments:
Post a Comment