Nguyễn Trọng Tạo - “Làm báo nói láo ăn tiền”, đó không phải chữ của tôi mà là chữ của nhà báo “kiệt hiệt” Vũ Bằng trong cuốn “Bốn mươi năm nói láo” (1969) của ông.
Lâu nay tôi chỉ nghe câu “nhà văn nói láo (hư cấu) nhà báo nói ngay” chứ chưa nghe “nhà báo nói láo” bao giờ. Nhưng khi đọc xong cuốn “Bốn mươi năm nói láo” của nhà văn nhà báo Vũ Bằng, tôi mới ngộ ra rằng, đó chỉ là cách nói phiếm chỉ của ông – một người làm báo chân chính – đối với không ít “nhà báo nói láo ăn tiền” thời nào cũng có. Đó là những người mang danh “nhà báo” nhưng chỉ là bồi bút, cơ hội, xuyên tạc sự thật để cầu danh hưởng lộc.
Không có gì nhục nhã và tởm lợm hơn khi người ta cầu danh hưởng lộc bằng sự giả trá đi ngược lại Sự Thật.
Nhưng né tránh Sự Thật cũng là một tội lớn.
Nhiều khi xem báo lại cứ tưởng đó là báo của ngày 1 tháng Tư – ngày nói dối.
Vẫn biết tính hiếu kỳ nhìn qua lỗ khóa của không ít người đọc báo, nhưng nhan nhản những vụ scandal xuất hiện trên báo lấn át những vấn đề nóng của xã hội cũng là tội ác.
Hình như người ta muốn lấy cái phụ để thay cho cái chính. Nhưng cứ làm mãi như thế, sẽ khiến cho người ta lầm tưởng cái chính là cái phụ, cũng là bóp méo sự thật, là đánh lạc hướng sự quan tâm của bạn đọc.
Mấy dịp ra nước ngoài, tôi đều thấy người Việt có vẻ chán ngán xã hội trong nước cũng chỉ vì đọc báo. Những bài báo trộm cắp, chém giết, loạn luân, tham nhũng, băng nhóm ma-phia luôn được đọc nhiều nhất, và người ta không còn biết cái gì khác đang diễn ra trên chính quê hương mình.
Ngay cả 2 cuộc biểu tình của nhân dân gần đây phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam một cách ngang ngược lại được hãng thông tấn lớn nhất của ta vo lại thành “cuộc tụ tập của một nhóm người” thì than ôi, hỏi còn ai tin được cái hãng ấy nữa không? Làm báo như vậy là coi thường người đọc trong thời đại truyền thông mạng đang phát triển tới đỉnh điểm như hiện nay. Những hình ảnh từ hiện thực được tung lên mạng ngay tức khắc với hàng trăm, hàng nghìn người mang khẩu hiệu, băng rôn đi biểu tình là câu trả lời đanh thép cho những nhà báo nào dám bóp méo vo tròn Sự Thật. Và câu nói của Ngô Bảo Châu lúc này càng trở nên chân lý khi ai đó muốn bưng bít thông tin kiểu ấy: “Không thể bảo vệ chế độ bằng sự sợ hãi” và dối trá.
Làm như vậy, họ có muốn kế thừa truyền thống của báo chí Việt Nam hay không?
Nhưng truyền thống đó là gì?
Theo quan niệm của nhà báo Vũ Bằng thì: “Làm báo là làm một cái gì nghiêm trang cao quý, có tính năng tranh đấu và xây dựng, mà người làm báo phải tha thiết với tự do, dân tộc, kinh qua những nghịch cảnh, thăng trầm để chống lại độc tài, độc đoán dưới mọi hình thức quan lại, phong kiến hay dân chủ giả tạo” (BMNNL).
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một cuộc nói chuyện với trường Đại học Nhân dân 1956, chỉ rõ: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ Quốc, phục vụ nhân dân – tức là phục tùng chân lý” – (HCMTT).
Nhà báo phải phục tùng chân lý, và không chỉ nhà báo – đó là điều hiển nhiên. Vậy mà hàng ngày, chân lý vẫn bị bóp méo. Nhưng đôi khi, nhà báo cũng bị lừa. Đi lừa và bị lừa là một cặp nhân-quả, còn biết trách chi ai?
Vậy nên, thời nay người ta đổ xô vào Internet để tìm thông tin nhiều chiều. Sự kiểm chứng của người đọc về thông tin khiến họ ngả vào những thông tin chiếm nhiều Sự Thật, và hơn nữa, là được thưởng thức loại báo chí “đa giọng điệu” chứ không đơn điệu đơn phương như báo chí một chiều. Thực tế đang hình thành lực lượng “nhà báo – blogger”, một lực lượng tự phát có thể làm thay đổi sự già nua của báo chí quan phương. Họ muốn xây dựng niềm tin mới vào báo chí tự do, cũng là một cách cảnh báo cho loại báo chí được bảo kê. Sự giảm sút tiara phát hành của báo giấy gần đây, một phần cũng do sự phát triển mạnh của báo mạng. Nhưng lực lượng “nhà báo – blogger” không kiếm được tiền, đấy chỉ là những người tự nguyện “nói thật – không tiền”, thậm chí “nói thật ăn đòn” nhưng họ vẫn quyết không từ bỏ Sự Thật – Chân Lý.
Vâng, “làm báo nói láo ăn tiền” và “làm báo nói thật ăn đòn” nghe thật chua xót, nhưng đó lại cũng là một sự thật song hành đang hiện diện.
Ngày nhà báo, thay cho lẵng hoa chúc mừng bằng một lời nói thật. Bạn có vui không?
Hà Nội, 21.6.2011
No comments:
Post a Comment