Monday, April 11, 2011

Suy nghĩ của các chế độ độc tài

Ngay trước khi Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ bị chính quyền Hà Nội kêu án bảy năm tù và ba năm quản chế, hôm Chủ Nhật vừa qua, Ngải Vị Vị, nghệ sĩ tạo hình và là một nhân vật tranh đấu nổi tiếng tại Trung Quốc bị công an bắt ngay khi ông đang dự định đáp phi cơ đi Hồng Kông.

Sự việc hai ông Cù Huy Hà Vũ và Ngải Vị Vị có quá nhiều điều giống nhau đã được nhiều người chỉ ra, nhưng có một điều ít người nói đến là cũng như ông Vũ, bị bắt vì tội “tình nghi mua dâm,” ông Ngải nay đang bị bắt vì “tình nghi vi phạm tội kinh tế.”

Câu chuyện “hai bao cao su đã qua sử dụng” vốn được dùng để bắt ông Vũ thì hẳn ai cũng biết.

Chuyện nực cười đến nỗi một blogger đã đưa hình linh vật vào “đặt ảo” đầy Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội để chọc quê chính quyền. Nhưng sự cần thiết của “hai bao cao su đã qua sử dụng” này đã được một blogger vốn là phóng viên của tờ Ðại Ðoàn Kết, cơ quan ngôn luận của Mặt Trận Tổ Quốc, giải thích một cách diễu cợt nhưng lại rất rõ ràng như sau: “Công an phường 11 nhận được tin báo của quần chúng về việc tổ chức hoạt động mại dâm và sử dụng ma túy, bèn ập vào phòng 101 khách sạn Mạch Lâm. Tại đây vô tình tóm được ông Cù, với một người khác - đương nhiên là nữ và hai chiếc bao cao su ‘đã qua sử dụng.’ Rồi vô tình kiểm tra máy tính công an lại phát hiện có các bài viết phản động. Thế là có khám xét, có khởi tố, có cáo trạng và ra tòa.”

Nếu nhìn theo khía cạnh đó thì cái cớ “hai bao cao su đã qua sử dụng” rất là chính đáng. Công an cần khám xét computer của Tiến Sĩ Vũ và cũng cần cớ để khám xét lục soát. Một chuyên gia về chế độ độc tài cộng sản đã từng giải thích là các chế độ độc tài có cái suy nghĩ riêng của họ, khác với chúng ta. Họ phải làm theo đúng điều mà họ nghĩ là luật lệ theo diễn dịch của họ. Họ không thể nghiễm nhiên đi tới khám nhà, tịch thu computer của Tiến Sĩ Vũ, vì theo lý luận của họ làm vậy là phạm luật. Ấy nhưng cũng theo cái lý luận quái lạ đó, họ có thể nghiêm nhiên đưa ra xử bất cần nhưng thủ tục tố tụng. Vấn đề, theo giải thích của chuyên gia này, là “hình thức” phải được duy trì.

Chuyên gia này chỉ ra là dưới thời Stalin chẳng hạn, đã có những nhà khoa học bị bắt vì đã “tiết lộ công thức sulfuric acid cho đế quốc Mỹ.” Ðối với chế độ, sự phi lý của việc một nhà khoa học tiết lộ một điều ai cũng biết không có gì là đáng ngạc nhiên cả bởi trên nguyên tắc “hình thức” chứ không phải là thực chất (form instead of substance) thì một nhà hóa học phải tiết lộ một công thức hóa học, dầu công thức đó sơ đẳng thì cũng là một công thức hóa học.

Cũng vậy, Bắc Kinh mấy lâu nay đã muốn bắt ông Ngải Vị Vị để “làm gương” cho đám trí thức dám chống đối nhà nước. Nhưng nếu đương nhiên bắt ông Ngải thì không được, vì như vậy là không đi theo “hình thức” luật pháp, do đó họ bèn gán cho ông Ngải cái tội kinh tế. Những tin đồn ở Trung Quốc còn nói chính quyền bảo ông Ngải đã âm mưu buôn lậu cổ vật quốc gia để chuồn ra ngoại quốc.
Gán cho ông Ngải cái tội kinh tế là cách hay nhất theo nhà nước Bắc Kinh, để “câm miệng” những kẻ đang ồn ào lên tiếng đòi trả tự do cho ông. Phát ngôn nhân bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã trả lời một cách lững lờ về lý do ông Ngải bị bắt: “Theo chỗ tôi biết, Ngải Vị Vị bị tình nghi phạm tội kinh tế, và bộ Công An đang điều tra theo luật pháp.” Nhưng khi bị báo chí ngoại quốc gặn hỏi là tại sao chưa thông báo cho gia đình thì ông Hồng bèn lờ đi không trả lời.

Tưởng cũng xin nhắc lại là chính quyền Bắc Kinh cũng như Hà Nội đã từng tìm cách đưa công dân ra tòa vì những tội tài chính kinh tế để bỏ tù họ. Mẹ của ông Ngải, phu nhân của ông Ngải Thanh, một thời được coi là thi sĩ của cuộc cách mạng, đã bảo với tờ New York Times: “Tội kinh tế hả! Bây giờ họ nói vậy, sau đó lại nói khác. Thật nực cười. Họ phải cho gia đình biết tại sao họ bắt con tôi và họ đang giam con tôi ở đâu. Họ không có quyền cứ để chúng tôi đoán mò. Hiến Pháp đâu rồi? Luật pháp đâu rồi?”

Nhưng “tội kinh tế” hiểu theo nghĩa của chính quyền có thể có nhiều nghĩa lắm. Họ có thể gán cho ông Ngải là tìm cách đưa trộm cổ vật ra khỏi nước, một việc quá dễ. Họ có thể buộc ông tội “trốn thuế.” Hà Nội đã gán cho Blogger Ðiếu Cày tội trốn thuế để bỏ tù ông ta đó sao. Họ cũng có thể nói ông đã dựng nhà trái phép. Chính quyền đã chẳng cho xe đến ủi nát tòa nhà mà ông Ngải đã tự vẽ để làm xưởng họa cho mình đó sao. Dĩ nhiên việc này cũng sẽ gây nhức đầu cho chính quyền vì sau khi ông Ngải thành công, đã có nhiều cơ quan nhà nước “thuê” ông vẽ kiểu cho hàng mấy chục kiến trúc tân kỳ, kể cả cái sân vận động Tổ Én, vốn đã được đề cao là “tiêu biểu cho một Trung Quốc hiện đại, sáng tạo và văn minh.”

Khổ một nỗi, họ càng vin những cớ như vậy thì lại càng gặp khó khăn. Trốn thuế thì cùng lắm chỉ một hai năm tù, đưa trộm cổ vật có thể ngồi tù lâu hơn, nhưng cũng chỉ là tội vặt. Nếu muốn giam lâu và thực sự răn đe những nhà tranh đấu khác thì phải dám làm như nhà nước Hà Nội với Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ, tức là lấy cớ để bắt rồi đưa ra xử tội chính trị.

Dĩ nhiên làm như vậy thì thật mất mặt quá. Làm sao có thể nói đến “soft power” khi người đã tạo nên tiêu biểu của một Trung Quốc văn minh lại bị bắt ngồi tù vì tội “tuyên truyền chống nhà nước.”

Thành ra trong lý luận của chế độ tốt hơn hết là gán cho ông Ngải cái tội kinh tế. Làm vậy sẽ khiến cho Hoa Kỳ và các quốc gia Tây Phương khó can thiệp cho ông. Dĩ nhiên lý luận đó cũng không đúng vì thế giới không thể tin vào gán ghép đó. Sẽ vẫn có phê bình, chỉ trích, lên án. Hơn thế nào phải chỉ có thế giới không. Tin ông Ngải bị bắt đã làm cho các blogs ở Trung Quốc bùng lên những lời phê bình. Dân chúng Trung Quốc, các nhà trí thức, sinh viên học sinh, mà mới cách đây hai năm, đã được chính quyền nói là phải tự hào với tài ba của người đã sáng tạo ra sân vận động Tổ Én, nay lại nghe lời ngược lại.
Rút cuộc thì cuối cùng hành động của Bắc Kinh với ông Ngải hay của Hà Nội với ông Vũ cũng chỉ có thể giải thích được là họ sợ, sợ sự lây lan của Cách Mạng Hoa Lài. Hơn thế, Trung Quốc còn có một ký ức còn mới lắm. Chính chế độ của họ đã xuất thân từ một phong trào chống đối của thanh niên trí thức.

Mỉa mai thay bây giờ họ đã trở thành mục tiêu của sự chống đối mới. Mà lý do, như ông Ngải đã nói: “Chúng tôi có một chính phủ mà, sau 60 năm cầm quyền, không dám cho công dân quyền chọn lãnh tụ. Ðây là một xã hội đã hy sinh quyền và hạnh phúc nhân dân để chạy theo lợi nhuận.” Còn có lời lên án nào chua chát hơn.

Lê Phan

0 comments:

Powered By Blogger