Bài này đã được đăng nguyên văn trên website Tiền Vệ (tienve.org) ngày 11/4/2011. Sau đó, trang web BBC cũng có đăng nhưng cắt bớt một vài đoạn mà có lẽ họ cho là “nhạy cảm”. Ở đây chúng tôi xin đăng toàn văn bài viết đã xuất hiện trên Tiền Vệ. Mọi trích dẫn (nếu có) xin vui lòng căn cứ trên phiên bản của Tiền Vệ hoặc trên Blog Lề Bên Trái, tác giả xin cám ơn.
Khi giáo sư Ngô Bảo Châu viết: “Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ. Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục đặc biệt.” có lẽ ông Châu muốn nói như vầy:
“Tôi thấy ông Cù Huy Hà Vũ cũng giống như bất cứ người nào, chẳng có gì đặc biệt, mà sao mọi người cứ làm rùm beng lên như thế? Đọc những lập luận của ông Vũ tôi thấy chúng lỏng lẻo, không có chứng cớ, không thuyết phục.”
Ông Châu còn muốn ngụ ý: những vấn đề ông Vũ nêu ra như: cho Trung Quốc lên Tây Nguyên khai thác bauxite, xâm hại mội trường, đe dọa an ninh quốc phòng, các vụ chiếm dụng thô bạo và bừa bãi đất của dân diễn ra khắp cả nước, vụ ông sếp công an khoe là đã đánh sập 300 trang mạng, vụ Đảng đứng trên luật pháp, đứng trên quốc hội nên đẻ ra tham nhũng tràn lan…đều do ông Vũ nói theo cảm tính, thiếu chứng cứ, mà cho dù có chứng cứ đi nữa thì nhà nước vẫn đúng, chẳng qua là ông Vũ chưa đủ trình độ để hiểu những “ý đồ chiến lược lớn” của Đảng đó thôi.
Vậy thì: Có phải vì quần chúng hời hợt nên mới hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ? Có thật ông Cù Huy Hà Vũ chưa đủ trình độ để hiểu những ý đồ chiến lược lớn của Đảng nên những lý lẽ của ông chưa đủ thuyết phục?
Tôi lại nghĩ: những vấn đề ông Vũ nêu ra đều là những sự thật hiển nhiên ai cũng biết: trí thức cũng biết, người bình dân cũng biết, chị bán vé số cũng biết, bác phu khuân vác ở bến tàu cũng biết, em bé đánh giày cũng biết mà không cần ai thuyết phục. Nếu như ông Vũ có lập luận dài dòng là vì nhu cầu tự biện hộ trước tòa chứ thực ra những vấn đề minh bạch như vậy thì làm gì phải đặt vấn đề thuyết phục hay không thuyết phục!?
Ở Việt Nam hiện nay chỉ có 3 loại người không tin những lời ông Cù Huy Hà Vũ, đó là: một số ít đảng viên cộng sản có trình độ văn hóa thấp, một số người được nhà nước cho đặc quyền đặc lợi quá lớn và những kẻ cơ hội.
Giáo sư Ngô Bảo Châu thuộc loại nào?
Để trả lới câu hỏi này xin trích mấy dòng sau đây của tác giả Nguyễn Tường An:
“Hai câu đầu: «Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ. Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục đặc biệt» là viết cho Đảng đọc. Giáo sư muốn khẳng định ngay với nhà cầm quyền Việt Nam rằng mình không «cùng hội cùng thuyền» với Cù Huy Hà Vũ.”
Phần tôi, tôi thấy câu nói của ông Ngô Bảo Châu tuy ngắn gọn nhưng nó đã “phủi” toàn bộ công trình biên khảo của Cù Huy Hà Vũ, đã ken-xồ mọi công lao đóng góp của ông CHHV và biến bảy năm tù của ông Vũ trở thành vô nghĩa. Có một số người nghĩ rằng câu nói ấy ông Châu đã khen ông Vũ nhưng tôi lại thấy đó là một đòn rất hiểm và thật ác đối với một người đã vì nghĩa mà hy sinh thân mình.
Ở một đoạn khác tác giả Nguyễn Tường An lại viết:
“Tôi biết nhiều trí thức chưa đủ dũng cảm để lên tiếng trước vụ Cù Huy Hà Vũ. Nhưng thà im lặng còn hơn bóp méo sự thật. La moitié de la vérité ce n’est pas la vérité – Một nửa sự thât không còn là sự thật.
Ngược lại, giáo sư Ngô Bảo Châu cũng có quyền nói «những lý lẽ» Cù Huy Hà Vũ đưa ra «không thấy có tính thuyết phục đặc biệt», nhưng ít nhất giáo sư cũng nên phân tích cụ thể: «Những lý lẽ» đó là gì? Vì sao giáo sư không thấy thuyết phục? Điều này rất cần thiết để đảm bảo công bằng cho người vắng mặt, hơn nữa một người đang bị nhà cầm quyền Việt Nam giam giữ, một người không thể tự bảo vệ mình. (Paris 8 tháng 4 năm 2011)”
Về ý kiến ông giáo sư cho rằng ông CHHV là người không tầm thường và ví ông như Kinh Kha gì gì đó.. thì tôi xin trích một comment của một độc giả đăng trên Blog Lề Bên Trái như sau:
“Tuy nhiên, khi ca ngợi CHHV, GS đã so sánh Anh với Hector, Turnus và Kinh Kha, những kẻ đầy dũng khí nhưng đều đi vào trận một cách tuyệt vọng và chết trong bi thảm. Khó mà đồng ý với cách so sánh như vậy. CHHV đang dẫn đầu cả một phong trào, và phong trào đó sẽ dành thắng lợi! Dù bị còng tay, nhưng Anh vẫn đang ở thế thượng phong.” (Nguyễn Tiến Dũng | 07/04/2011 lúc 8:22 sáng)
***
Thực sự khi mới đọc những lời “bình luận” của ông Ngô Bào Châu tôi cũng muốn bỏ qua cho ông ta và tôi đã đi tản bộ ngoài bờ sông để quên đi những điều nhảm nhí, nhưng có một cái gì đó, đúng ra là có một cái mùi gì đó nó cứ phảng phất trong không khí, ban đầu tôi tưởng đó là thứ mùi do nước thải từ cái xóm nhà bên kia sông chảy xuống sông, nhưng lâu nay tôi vẫn thường tản bộ quanh đây sao không nghe thấy? Đó là một thứ mùi rất đặc biệt, nó ngai ngái, thơm không ra thơm, thúi không ra thúi, vừa giống nước đái heo vừa giống mùi nước hoa hảo hạng của Pháp. Cuối cùng chịu không nổi tôi đành quay trở về. Ngay lúc đó trong đầu tôi chợt hiện ra đáp án: đó là cái MÙI CƠ HỘI.
Con chó chạy ra đón tôi. Tôi ôm lấy nó vào lòng, chợt thấy lòng rung chuyển vì một xúc động kỳ lạ: con vật nhỏ bé này sao mà cao quý đến thế! Nó là hiện thân của chân thật, của lòng dũng cảm và nhân hậu.
Chợt nhớ một người bạn thân, đang dạy toán tại một trường đại học nọ, anh đã tưởng tượng ra cuộc phỏng vấn David Hilbert, người Đức, nhà toán học hàng đầu thế giới hồi đầu thế kỷ XX, để nói lên một thực tế khá bất ngờ:
Trích…
“Giáo sư David Hilbert: Đúng, không thể có vật lý, hóa học và khoa học – kỹ thuật nói chung nếu không có toán học. Ví dụ như khi nghiên cứu về chuyển động của các vật thể theo quan điểm cổ điển thì không thể không dùng đến những khái niệm toán học như “đạo hàm”, “tích phân”, còn nghiên cứu chuyển động của các hạt vi mô thì không thể không dùng cái gọi là “lý thuyết toán tử” hoặc “lý thuyết nhóm”,… Nhưng anh bạn biết không: tất cả những thứ được dùng trong vật lý, hóa học và các khoa học ứng dụng chiếm không đến 1/1000 những thứ mà các nhà toán học đã “sáng tạo” ra, và những thứ toán đắc dụng lại thường không phải do những người chỉ chuyên về toán, mà là do những người đồng thời là nhà vật lý hoặc thậm chí nhà kinh tế học, làm ra. Newton, Lagrange hay Minkowski, von Neumann,… là những người như vậy.”
Vậy thì việc “giải được cái bổ đề” gì gì đó…liệu có đem lại một chút cá, chút thịt nào cho bữa ăn của những gia đình khu ổ chuột? Liệu những bệnh nhân đang nằm la liệt, vắt vẻo như những tử thi nơi hành lang bệnh viện Ung Bướu TPHCM, bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình… có đem cái “bổ đề” của ông Châu ra “sắc thuốc” mà uống được không, hay rốt cuộc cũng chỉ có mỗi mình ông Châu hưởng lợi?
Từ “công trình lý thuyết” đến áp dụng thực tiễn là một khoảng cách rất xa, và gần như xa vô tận trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, vậy thì công trình ấy sẽ đem lại lợi ích gì cho dân tộc?
Thế giới ngày nay là một thế giới của tiền và quyền lực, các ý thức hệ đã trở nên vô nghĩa rồi. Trên bình diện quốc tế chỉ có 2 phe đối kháng nhau: các siêu cường là những ông chủ còn các nước nghèo, nước nhỏ là thuộc hạ. Trên bình diện quốc gia thì giai cấp cầm quyền và đám nhà giàu là những ông chủ còn đám dân đen nghèo khổ là tôi tớ. Vì thế người trí thức chỉ có một chọn lựa: hoặc là anh đứng về phía dân đen để đấu tranh cho các quyền cơ bản của họ, cho miếng cơm manh áo của họ (có thể đấu tranh với bất cứ hình thức nào tùy hoàn cảnh, thậm chí im lặng, chỉ đấu tranh trong suy nghĩ, trong nhận thức, nhưng đừng nước đôi, đừng hai mặt), còn nếu anh quay lưng lại với dân nghèo, phủ nhận cuộc đấu tranh của nhân dân thì có nghĩa là anh đồng lõa, thậm chí đứng hẳn về phía quyền lực để hưởng vinh hoa phú quý.
Thái độ đứng giữa, thái độ “phi chính trị” là ảo tưởng. Đó là một vị trí không có thật, lập lờ, không sòng phẳng, thiếu minh bạch và… bịp. Tiếc thay đã từng có những nhà văn, những nhà trí thức, những nhà khoa học tự cho mình đứng ngoài chính trị, tức là “đứng giữa”.
Còn nhớ hồi chiến tranh, có lần ông Trần Bạch Đằng (bí danh Tư Ánh, từng làm bí thư thành ủy Sài Gòn-Gia Định, trưởng ban tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam) nói về lực ”lượng thứ ba” (tức là lực lượng đứng giữa Mặt Trận GPMN và chính quyền Sài Gòn), ông hỏi các học viên: “Các đồng chí biết “lực lượng thứ ba” là gì không? Nó là lực lượng đứng giữa. Đứng giữa là đứng chỗ nào? (ông chỉ tay vào giữa hai đùi mình, nói tiếp).. nói trắng ra nó là cái con kẹc!)
Lúc anh Tư Ánh nói câu đó, giáo sư Ngô Bảo Châu chưa sinh ra đời!
ĐÀO HIẾU
0 comments:
Post a Comment